Thông tiểu sạch ngắt quãng là gì? Được thực hiện khi nào?
Thông tiểu sạch ngắt quãng là gì?
Mỗi lần đi tiểu, các cơ bàng quang co bóp để đẩy nước tiểu ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, cơ bàng quang của một số người không hoạt động tốt, dẫn đến không thể đi tiểu hoặc không thể tống hết lượng nước tiểu trong bàng quang ra ngoài. Một giải pháp cho những trường hợp này là đặt ống thông tiểu sạch ngắt quãng. Đây là một thủ thuật giúp loại bỏ nước tiểu khỏi bàng quang mà người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà.
Khi nào cần thông tiểu sạch ngắt quãng?
Thông tiểu sạch ngắt quãng thường được thực hiện trong những trường hợp mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng làm trống của bàng quang. “Sạch” ở đây có nghĩa là thủ thuật này đòi hỏi quy trình thực hiện sạch sẽ, chẳng hạn như rửa tay và da trước khi đặt ống thông tiểu để tránh nhiễm trùng.
Một số trường hợp cần đặt ống thông tiểu sạch ngắt quãng gồm có:
- Phụ nữ đã phẫu thuật phụ khoa
- Người bị rối loạn thần kinh, không thể kiểm soát việc làm trống bàng quang
- Những người không thể đi tiểu hoặc tiểu không hết
Nước tiểu còn sót lại trong bàng quang sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và theo thời gian, điều này có thể làm hỏng thận. Thông tiểu sạch ngắt quãng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.
Thông tiểu sạch ngắt quãng được thực hiện như thế nào?
Khác với các loại ống thông tiểu khác được để trong cơ thể vài ngày cho đến vài tuần, ống thông tiểu ngắt quãng được sử dụng nhiều lần trong ngày để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Ống thông được gắn với một túi chứa có vạch chia giúp đo lượng nước tiểu. Quy trình đặt ống thông tiểu sạch ngắt quãng ở phụ nữ khác với ở nam giới.
Ở phụ nữ
Trước tiên, bạn phải rửa tay và khu vực xung quanh lỗ tiểu để tránh nhiễm trùng. Sau đó bôi trơn đầu ống thông tiểu và đưa vào trong niệu đạo.
Khi ống thông tiểu được đưa vào đúng vị trí, nước tiểu sẽ chảy ra. Chờ cho nước tiểu chảy hết vào túi chứa. Khi nước tiểu ngừng chảy, từ từ rút ống thông ra. Đo và ghi lại lượng nước tiểu trong túi rồi đổ nước tiểu ra khỏi túi.
Làm sạch ống thông tiểu và túi chứa bằng xà phòng dịu nhẹ và nước nóng ngay sau mỗi lần sử dụng, sau đó phơi khô. Để các dụng cụ trong hộp khô, sạch.
Ở nam giới
Trước tiên, hãy rửa tay và đầu dương vật để tránh bị nhiễm trùng. Bôi trơn phần đầu của ống thông tiểu, sau đó đưa ống thông vào khoảng 20 – 22cm trong niệu đạo. Khi ống thông vào được khoảng 15cm, bạn có thể sẽ cảm thấy khó đẩy ống thông vào sâu thêm. Đây là điều bình thường do đã chạm đến vị trí các cơ vòng. Hãy hít thở sâu vài lần và từ từ đẩy ống thông tiểu vào sâu hơn.
Khi nước tiểu ngừng chảy, từ từ rút ống thông tiểu. Đo và ghi lại lượng nước tiểu trong túi chứa rồi đổ hết nước tiểu ra khỏi túi.
Làm sạch ống thông và túi chứa nước tiểu bằng xà phòng dịu nhẹ và nước nóng ngay sau mỗi lần sử dụng rồi phơi khô. Để các dụng cụ trong hộp khô, sạch.
Bảo quản ống thông tiểu
Sau mỗi lần sử dụng, hãy rửa ống thông tiểu và túi chứa nước tiểu bằng xà phòng cùng nước nóng, sau đó để khô tự nhiên và cất vào hộp khô, sạch. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), người bệnh nên thay ống thông tiểu 2 đến 4 tuần một lần. Khi ống thông tiểu trở nên cứng, giòn, đổi màu hoặc quá mềm thì không nên dùng tiếp mà phải thay ống thông mới.
Bác sĩ có có hướng dẫn cụ thể về tần suất thông tiểu ngắt quãng. Tần suất thông thường là 6 giờ một lần và ngay trước khi đi ngủ. Theo NIH, nếu lượng nước tiểu mỗi lần trên 400 ml thì nên tăng tần suất thông tiểu để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Người bệnh nên ghi lại lượng chất lỏng tiêu thụ và lượng nước tiểu thải ra hàng ngày trong thời gian sử dụng ống thông tiểu ngắt quãng. Lưu ý phải ghi lại tổng lượng chất lỏng tiêu thụ, có nghĩa là phải tính cả những loại chất lỏng khác ngoài nước lọc như nước trái cây, trà, cà phê, đồ uống có cồn, nước canh… Cố gắng uống từ 2 – 2,5 lít chất lỏng, tốt nhất là nước lọc mỗi ngày.
Nếu thận hoạt động bình thường thì lượng nước tiểu thải ra sẽ tương đương với lượng chất lỏng nạp vào. Nếu lượng nước tiểu ít hơn lượng chất lỏng nạp vào thì bạn nên đi khám.
Rủi ro khi đặt ống thông tiểu
Quá trình đặt ống thông tiểu có thể gây khó chịu, đặc biệt là trong thời gian đầu mới sử dụng. Sau một thời gian khi đã quen, bạn sẽ cảm thấy thoải hơn.
Hãy đi khám nếu bị đau trong khi sử dụng ống thông tiểu, nhất là đau bụng, đau thắt lưng hoặc cảm giác nóng rát. Đó có thể là các dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu.
Thực phẩm có tính axit, chất làm ngọt nhân tạo và một số loại thực phẩm khác có thể góp phần làm tăng các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
Tiểu không tự chủ do áp lực xảy ra khi các cơ hỗ trợ bàng quang (cơ sàn chậu) và các cơ điều tiết giải phóng nước tiểu (cơ vòng niệu đạo) bị suy yếu
Tiểu són do tiểu không hết bãi là xảy ra phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Gần một nửa số người bị vấn đề này là người trên 65 tuổi.
Bàng quang tăng hoạt là vấn đề rất khó kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt thường ngày, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như là tác động tiêu cực đến tâm lý của người mắc phải.
Mặc dù són tiểu cấp kỳ là một vấn đề phổ biến và có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng phụ nữ và người lớn tuổi là những đối tượng có nguy cơ mắc phải cao nhất.