Tại sao lại cảm thấy mệt sau khi uống cà phê?
Là một chất kích thích thần kinh, caffeine trong cà phê có thể tăng cường mức năng lượng cho cơ thể và giúp lấy lại sự tỉnh táo, tập trung. Cà phê là nguồn cung cấp caffeine lớn nhất trong chế độ ăn uống với hàm lượng cao hơn so với trà hay ca cao.
Tuy nhiên, đôi khi cà phê lại gây ra tác động ngược lại, đó là khiến cho cơ thể mệt mỏi, uể oải.
Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này và cách khắc phục.
1. Cà phê ức chế adenosine
Adenosine là một chất hóa học trong hệ thần kinh trung ương với vai trò điều chỉnh chu kỳ ngủ - thức. Nồng độ adenosine tăng dần trong ngày và khi đến cuối ngày thì chất này ngăn chặn hoạt động của các tế bào thần kinh, khiến cho chúng ta cảm thấy buồn ngủ. Sau khi chìm vào giấc ngủ, nồng độ adenosine lại giảm xuống.
Caffeine trong cà phê ngăn cản các thụ thể trong não liên kết với adenosine nhưng không làm giảm sự sản xuất adenosine và cũng không ảnh hưởng đến khả năng hình thành các thụ thể adenosine mới. Điều này có nghĩa là khi tác dụng của caffeine mất đi, adenosine sẽ lại liên kết với các thụ thể trong não và cảm giác uể oải, mệt mỏi quay trở lại. Do lúc này đã có một lượng lớn adenosine tích tụ nên có thể bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn cả lúc trước khi uống cà phê.
2. Caffeine là một chất lợi tiểu
Caffeine được coi là một chất lợi tiểu. Đó là các chất khiến cơ thể đảo thải lượng nước lớn hơn và khiến chúng ta đi tiểu nhiều hơn. Vì lý do này nên nhiều người cho rằng uống cà phê sẽ gây mất nước.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng tác động của các loại đồ uống chứa caffeine (bao gồm cả cà phê) đến tần suất và lượng nước tiểu cũng tương tự như tất cả các loại đồ uống khác. Trên thực tế, hiện tượng đi tiểu thường xuyên sau khi uống cà phê cũng xảy ra sau khi uống nước lọc, nước chanh,…
Khi đi tiểu nhiều hơn bình thường mà lại không uống bù đủ nước thì cơ thể sẽ bị mất nước và cảm thấy mệt.
Nguyên nhân là do mất nước làm giảm lượng chất lỏng trong máu, điều này ảnh hưởng đến khả năng duy trì huyết áp và sự lưu thông máu. Mất nước có thể khiến tim đập nhanh và tụt huyết áp, dẫn đến cảm giác mệt mỏi và uể oải.
Khi bị mất nước, các tế bào trong cơ thể sẽ bị giảm thể tích chất lỏng. Điều này ảnh hưởng đến chức năng bình thường của tế bào và cũng là nguyên nhân gây cảm giác mệt mỏi. Lúc này, nhiều người chọn cách tiếp tục uống cà phê để lấy lại sự tỉnh táo và tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Caffeine cũng có thể làm co mạch máu, có nghĩa là một số mạch máu bị thu hẹp lại. Điều này có thể làm thay đổi sự lưu thông máu qua các bộ phận khác nhau của cơ thể.
Nguy cơ xảy ra vấn đề này sẽ tăng lên khi uống nhiều cà phê mà không uống đủ nước. Theo khuyến nghị, nam giới cần cung cấp cho cơ thể khoảng 3.7 lít nước mỗi ngày và đối với nữ giới là 2.7 lít, bao gồm tất cả các loại đồ uống và nước trong các loại thực phẩm. Một số dấu hiệu cho thấy cơ thể đang không được cung cấp đủ nước và bị mất nước là nước tiểu sẫm màu, đau đầu, khô da, khô miệng….
3. Do đường trong cà phê
Việc thêm nhiều đường vào cà phê cũng có thể là nguyên nhân gây mệt sau khi uống. Khi được cung cấp nhiều đường hơn mức cần thiết, cơ thể sẽ nhanh chóng sản xuất thêm hormone insulin để duy trì đường huyết ở mức ổn định. Điều này làm cho lượng đường trong máu giảm xuống, dẫn đến giảm đột ngột mức năng lượng và gây ra cảm giác uể oải, mệt mỏi. Không chỉ có đường trắng, các sản phẩm được thêm vào cà phê như kem béo hay sữa đặc cũng chứa một lượng đường khá lớn.
Cơ thể xử lý đường nhanh hơn nhiều so với caffeine. Sau khi cơ thể sử dụng hết đường, mức năng lượng sẽ sụt giảm. Tốc độ của quá trình này ở mỗi người là khác nhau, có thể xảy ra trong vòng 90 phút sau khi tiêu thụ đường. (1)
Cách khắc phục
Nếu không muốn phải bỏ thói quen uống cà phê thì hãy cố gắng tiêu thụ lượng caffeine trong giới hạn an toàn để tránh gặp phải tình trạng mệt và các vấn đề không mong muốn khác.
Theo khuyến nghị, mỗi người chỉ nên tiêu thụ tối đa 400 miligam (mg) caffeine mỗi ngày, tương đương khoảng 2 – 4 cốc cà phê 240ml, tùy thuộc vào loại cà phê. (2)
Để tránh bị hạ đường huyết thì không nên thêm nhiều đường và các sản phẩm có chứa đường vào cà phê. Trong ngày cần uống nhiều nước để bù lại lượng nước bị mất do đi tiểu.
Nếu cần lấy lại sự tỉnh táo vào buổi chiều thì nên chọn cà phê khử caffeine hoặc trà.
Cần nhớ rằng, cà phê không phải là loại đồ uống duy nhất có chứa caffeine. Nước ngọt có ga, nước tăng lực và thậm chí một số loại thuốc giảm đau cũng có thành phần này. Tác động của caffeine đến cơ thể phụ thuộc vào tổng lượng caffeine và tần suất tiêu thụ.
Tóm tắt bài viết
Bản thân cà phê không phải nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi sau khi uống nhưng caffine trong cà phê có thể dẫn đến mệt mỏi sau một thời gian tiêu thụ thường xuyên. Nguyên nhân cũng có thể là do lượng đường được thêm vào cà phê hoặc do tác dụng lợi tiểu của cà phê. Để tránh xảy ra hiện tượng này thì chỉ nên tiêu thụ tối đa 400 mg caffeine mỗi ngày, hạn chế thêm đường và uống bổ sung nhiều nước.
Tiêu thụ quá nhiều caffeine sẽ gây hại và thậm chí dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng.
Thường xuyên uống cà phê mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, thức uống này có thể gây hại nếu uống quá nhiều hoặc thêm những thành phần không lành mạnh vào cà phê.
Uống cà phê trước khi ngủ trưa giúp làm tăng mức năng lượng một cách hiệu quả hơn so với chỉ uống cà phê hoặc chỉ ngủ trưa.
Theo một số khuyến nghị thì 400 mg caffeine mỗi ngày, tương đương với 4 cốc cà phê (960 ml) là mức tiêu thụ an toàn đối với một người trưởng thành khỏe mạnh.
Mặc dù không nhất thiết phải bổ sung caffeine trước buổi tập nhưng nhiều người nhận thấy rằng uống cà phê trước khi tập luyện giúp tăng cường năng lượng cho cơ thể và đạt được hiệu suất tốt hơn trong suốt quá trình hoạt động thể chất.