1

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Tradjenta

Giống như nhiều loại thuốc khác, Tradjenta cũng có thể gây ra tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng.
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Tradjenta Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Tradjenta

Tradjenta là gì?

Tradjenta là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2.

Tradjenta chứa hoạt chất linagliptin, thuộc nhóm thuốc ức chế DPP-4 và thường được sử dụng lâu dài.

Tradjenta có dạng viên nén dùng qua đường uống và chỉ có duy nhất một mức hàm lượng là 5 miligam (mg).

Để biết thêm thông tin về Tradjenta, gồm có công dụng, cơ chế tác dụng, liều dùng và tác dụng phụ, vui lòng đọc bài viết này.

Giống như các loại thuốc khác, Tradjenta cũng có thể gây ra tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Tác dụng phụ phổ biến của Tradjenta

Tradjenta có thể gây tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Mặc dù một số tác dụng phụ xảy ra khá phổ biến nhưng không phải ai sử dụng Tradjenta cũng gặp phải tác dụng phụ.

Một số tác dụng phụ thường được báo cáo của Tradjenta gồm có:

  • Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
  • Đau họng
  • Ho
  • Tiêu chảy*

* Để tìm hiểu thêm về tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Tác dụng phụ nhẹ của Tradjenta

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Tradjenta cũng có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ. Nhưng những tác dụng phụ này không phổ biến. Hầu hết người dùng Tradjenta trong các nghiên cứu đều không gặp tác dụng phụ.

Một số tác dụng phụ nhẹ đã được báo cáo của Tradjenta gồm có:

  • Ho
  • Đau họng
  • Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
  • Táo bón*
  • Tiêu chảy*
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu**
  • Tăng cân**

* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.
** Tác dụng phụ này chỉ được báo cáo khi Tradjenta được sử dụng cùng với các loại thuốc điều trị tiểu đường khác. Những người chỉ sử dụng mình Tradjenta không gặp phải tác dụng phụ này.

Trong hầu hết các trường hợp, những tác dụng phụ này chỉ là tạm thời và một số có thể kiểm soát được một cách dễ dàng. Nhưng nếu các tác dụng phụ kéo dài dai dẳng hoặc gây khó chịu thì nên báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ. Người bệnh không được tự ý ngừng sử dụng Tradjenta mà không có sự đồng ý của bác sĩ.

Tradjenta còn có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ ngoài những tác dụng phụ kể trên. Người bệnh có thể đọc Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết chi tiết.

Tác dụng phụ nghiêm trọng của Tradjenta

Ngoài các tác dụng phụ nhẹ, Tradjenta còn có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng những tác dụng phụ này đều rất hiếm gặp. Trong các nghiên cứu, rất ít người dùng Tradjenta bị tác dụng phụ nghiêm trọng.

Các tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo của Tradjenta gồm có:

  • Đau khớp
  • Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)
  • Dị ứng*
  • Viêm tụy*
  • Pemphigoid bọng nước (một vấn đề về da)*

Suy tim là một tác dụng phụ có thể xảy ra với các loại thuốc tương tự như Tradjenta nhưng trong nghiên cứu, Tradjenta không gây tác dụng phụ này.

Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng Tradjenta, hãy báo ngay cho bác sĩ. Nếu cảm thấy các triệu chứng gặp phải có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Câu hỏi thường gặp về tác dụng phụ của Tradjenta

Dùng Tradjenta có gây hại cho thận không?

Trong các nghiên cứu, Tradjenta không gây ra tác dụng phụ liên quan đến thận.

Tuy nhiên, người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị bệnh thận cao hơn. Lý do là bởi lượng đường trong máu cao sẽ dần dần làm hỏng thận. Tradjenta giúp giảm lượng đường trong máu.

Các loại thuốc khác được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến thận nhưng theo nghiên cứu thì Tradjenta không có tác dụng phụ này. Nếu người bệnh cảm thấy lo ngại Tradjenta sẽ ảnh hưởng đến thận thì hãy trao đổi với bác sĩ để được giải đáp.

Tradjenta có gây tác dụng phụ lâu dài không?

Tradjenta có thể gây tác dụng phụ lâu dài. Một tác dụng phụ lâu dài nhưng rất hiếm gặp của Tradjenta là viêm tụy. Tác dụng phụ này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình điều trị bằng Tradjenta. (Để tìm hiểu thêm về tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.)

Một tác dụng phụ lâu dài khác có thể xảy ra khi dùng Tradjenta là suy tim. Mặc dù suy tim không được báo cáo trong các nghiên cứu về Tradjenta nhưng đã được báo cáo trong nghiên cứu về các loại thuốc khác thuộc cùng nhóm thuốc với Tradjenta (thuốc ức chế DPP-4). Những người có nguy cơ bị suy tim cần cho bác sĩ biết trước khi sử dụng Tradjenta. Bác sĩ sẽ nói rõ những rủi ro khi sử dụng thuốc.

Dùng Tradjenta cùng với metformin có làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ không?

Dùng Tradjenta cùng với metformin có thể làm tăng nguy cơ sụt cân so với khi chỉ sử dụng Tradjenta. Tuy nhiên, mức tăng là không đáng kể và việc dùng hai loại thuốc này cùng nhau không làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ khác.

Nếu người bệnh có thắc mắc về việc dùng Tradjenta và metformin cùng nhau, hãy hỏi trực tiếp bác sĩ hoặc dược sĩ để được giải đáp.

Lưu ý, hiện nay có cả các loại thuốc kết hợp chứa linagliptin (hoạt chất trong Tradjenta) và metformin. Những loại thuốc này có tên thương mại (biệt dược) là Jentadueto, Jentadueto XR và Trajenta Duo.

Tradjenta có gây tăng cân không?

Điều này còn tùy thuộc vào các loại thuốc khác mà người bệnh đang dùng. Các nghiên cứu cho thấy sử dụng mình Tradjenta không gây tăng cân. Tuy nhiên, người bệnh có thể tăng cân nếu sử dụng Tradjenta cùng với một số loại thuốc trị tiểu đường khác.

Trong các nghiên cứu về Tradjenta, việc sử dụng Tradjenta cùng với các loại thuốc khác đã gây ra những thay đổi về cân nặng sau đây:

  • Sụt cân nhẹ: Dùng Tradjenta cùng metformin
  • Cân nặng không thay đổi: Chỉ dùng Tradjenta hoặc dùng Tradjenta cùng thuốc nhóm sulfonylurea
  • Tăng cân nhẹ: Dùng Tradjenta cùng pioglitazone

Tăng cân là một vấn đề phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2 và có mức đường huyết cao. Và các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường khác có thể ảnh hưởng đến cân nặng.

Tăng cân cũng có thể là một triệu chứng của bệnh suy tim - một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của Tradjenta. Suy tim thường gây tăng cân đột ngột.

Trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu người bệnh lo lắng về cân nặng của mình. Bác sĩ sẽ xác định xem nguyên nhân gây tăng cân có phải do tác dụng phụ của thuốc hay không và đưa ra các cách để duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Tradjenta có an toàn cho người mắc bệnh gan không? Thuốc có gây tác dụng phụ liên quan đến gan không?

Trong các nghiên cứu, Tradjenta không gây ra tác dụng phụ liên quan đến gan. Cơ thể đào thải thuốc theo nhiều cách khác nhau. Tradjenta không được đào thải bởi gan nên thuốc không ảnh hưởng đến gan và an toàn cho những người có vấn đề về gan.

Chi tiết tác dụng phụ

Tìm hiểu thêm về một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng Tradjenta.

Tiêu chảy

Tiêu chảy là một tác dụng phụ của Tradjenta. Mặc dù có tỷ lệ xảy ra cao hơn so với các tác dụng phụ khác được báo cáo trong các nghiên cứu về Tradjenta nhưng tiêu chảy không phải một tác dụng phụ phổ biến. Phần lớn người dùng Tradjenta đều không bị tiêu chảy.

Tiêu chảy do Tradjenta có thể tự khỏi. Nhưng nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài hoặc ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thì hãy báo với bác sĩ hoặc dược sĩ để được kê thuốc điều trị, chẳng hạn như loperamid hoặc bismuth subsalicylate.

Viêm tụy

Mặc dù hiếm gặp nhưng viêm tụy là một tác dụng phụ của Tradjenta. Tác dụng phụ này không phổ biến trong các nghiên cứu về thuốc. Viêm tụy gây sưng và tổn thương ở tuyến tụy. Viêm tụy nghiêm trọng có thể gây tử vong.

Một số triệu chứng thường gặp của viêm tụy gồm có:

  • Đau bụng đột ngột, dữ dội
  • Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy
  • Ăn không ngon miệng
  • Sốt

Một số người có nguy cơ viêm tụy cao hơn bình thường khi dùng Tradjenta, ví dụ như:

  • Người từng bị viêm tụy
  • Người từng bị sỏi mật (sỏi trong túi mật)
  • Người đang hoặc từng bị triglyceride cao
  • Người nghiện rượu

Nên đi khám ngay khi có các triệu chứng viêm tụy. Nếu các triệu chứng có vẻ nghiêm trọng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Pemphigoid bọng nước

Mặc dù rất hiếm khi xảy ra nhưng Tradjenta có thể gây ra một vấn đề về da gọi là pemphigoid bọng nước. Hiện vẫn chưa lý giải được tại sao tác dụng phụ này lại xảy ra ở một số người dùng Tradjenta.

Pemphigoid bọng nước xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm tế bào da. Kết quả là hình thành các bọng nước lớn trên da. Những bọng nước này có thể bị thâm, ngứa và đau, vùng da xung quanh có thể bị đỏ hoặc sẫm màu hơn bình thường. Sau một thời gian, các bọng nước sẽ vỡ ra, tạo ra vết thương hở trên da. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bị pemphigoid bọng nước phải nhập viện để điều trị.

Người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ nếu da bị phát ban hoặc nổi bọng nước trong khi dùng Tradjenta. Người bệnh sẽ phải đến khám trực tiếp để bác sĩ kiểm tra kỹ các triệu chứng và xác định chính xác vấn đề. Nếu nguyên nhân đúng là do tác dụng phụ của Tradjenta thì sẽ phải ngừng thuốc. Bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị pemphigoid bọng nước. Người bệnh có thể sẽ phải điều trị tại bệnh viện.

Táo bón

Người dùng Tradjenta có thể bị táo bón nhưng trong các nghiên cứu, táo bón chỉ xảy ra khi sử dụng Tradjenta cùng với insulin tác dụng kéo dài. Những người chỉ dùng Tradjenta hoặc dùng Tradjenta cùng với các loại thuốc trị tiểu đường khác không phải insulin tác dụng kéo dài đều không bị táo bón.

Táo bón cũng không phải tác dụng phụ phổ biến ở những người dùng Tradjenta cùng với insulin tác dụng kéo dài.

Táo bón có thể tự hết. Nhưng nếu tình trạng táo bón kéo dài hoặc gây khó chịu thì hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được kê thuốc điều trị, chẳng hạn như docusate.

Dị ứng

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Tradjenta cũng có thể gây dị ứng ở một số người. Mặc dù tác dụng phụ này không được báo cáo trong các nghiên cứu ban đầu về thuốc nhưng đã có một số người phản ánh về việc bị dị ứng khi sử dụng Tradjenta kể từ khi loại thuốc này được phê duyệt sử dụng. Tuy nhiên, chưa rõ xác suất xảy ra tác dụng phụ này và cũng chưa có đủ bằng chứng kết luận Tradjenta chính là nguyên nhân gây dị ứng.

Phản ứng dị ứng có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng với các triệu chứng như:

  • Da mẩn đỏ
  • Ngứa
  • Da nóng đỏ
  • Sưng dưới da, thường là ở mí mắt, môi, tay hoặc chân
  • Sưng miệng, lưỡi hoặc cổ họng, gây khó thở

Nếu người bệnh có các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ, chẳng hạn như phát ban da, hãy báo ngay cho bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định dùng thuốc kháng histamin đường uống không kê đơn, chẳng hạn như diphenhydramine hoặc thuốc bôi ngoài da, chẳng hạn như hydrocortisone.

Trong trường hợp người bệnh chỉ bị dị ứng nhẹ với Tradjenta, bác sĩ sẽ quyết định xem có nên tiếp tục sử dụng thuốc hay không.

Nếu người bệnh có các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sưng phù hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Những triệu chứng này có thể đe dọa đến tính mạng và cần được điều trị khẩn cấp.

Nếu đã bị dị ứng nghiêm trọng với Tradjenta thì không được tiếp tục sử dụng thuốc. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc điều trị tiểu đường khác.

Theo dõi tác dụng phụ

Trong quá trình điều trị bằng Tradjenta, người bệnh nên theo dõi và ghi lại các tác dụng phụ gặp phải, sau đó báo với bác sĩ. Điều này rất cần thiết khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới hoặc sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc cùng lúc.

Một số thông tin cần ghi lại gồm có:

  • Liều dùng thuốc khi xảy ra tác dụng phụ
  • Sau khi dùng thuốc bao lâu thì có tác dụng phụ
  • Các triệu chứng gặp phải
  • Tác dụng phụ ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động hàng ngày
  • Những loại thuốc khác đang dùng
  • Những thông tin khác có liên quan

Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ hiểu thêm về ảnh hưởng của Tradjenta đến người bệnh, từ đó điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

Cảnh báo về Tradjenta

Tradjenta có thể không phù hợp với những người đang mắc một số bệnh lý hoặc có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử cá nhân trước khi bắt đầu sử dụng thuốc. Dưới đây là những yếu tố cần cân nhắc khi sử dụng Tradjenta:

  • Tiền sử viêm tụy: Mặc dù hiếm gặp nhưng Tradjenta có thể gây viêm tụy. Chưa rõ liệu việc có tiền sử viêm tụy có làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ này khi sử dụng Tradjenta hay không. Nếu người bệnh từng bị viêm tụy thì cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê thuốc phù hợp.
  • Rối loạn sử dụng rượu: Rối loạn sử dụng rượu có thể làm tăng nguy cơ viêm tụy - một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của Tradjenta.
  • Vấn đề về tim mạch hoặc thận: Những người bệnh có vấn đề về tim mạch hoặc thận có nguy cơ bị suy tim cao khi sử dụng Tradjenta.
  • Mức triglyceride cao: Có mức triglyceride (một dạng chất béo) cao có thể làm tăng nguy cơ viêm tụy - một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của Tradjenta. Nếu người bệnh có mức triglyceride cao thì có thể sẽ phải sử dụng thuốc giảm triglyceride một thời gian trước khi bắt đầu dùng Tradjenta.
  • Sỏi mật: Mặc dù hiếm gặp nhưng Tradjenta có thể gây viêm tụy. Mặc dù chưa được xác nhận nhưng tiền sử sỏi mật có thể làm tăng nguy cơ viêm tụy khi sử dụng Tradjenta.
  • Dị ứng: Nếu người bệnh từng bị dị ứng với Tradjenta hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc, bác sĩ thường sẽ không kê Tradjenta. Thay vào đó, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc trị tiểu đường khác.

Có được uống rượu bia khi dùng Tradjenta không?

Đồ uống có cồn và Tradjenta không tương tác trực tiếp với nhau nhưng đồ uống có cồn có thể làm trầm trọng thêm một số tác dụng phụ của Tradjenta, chẳng hạn như buồn nôn và tiêu chảy. Việc uống rượu bia còn khiến cho việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, uống rượu bia có thể làm giảm hiệu quả của Tradjenta.

Uống rượu bia còn làm tăng nguy cơ viêm tụy - một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nguy hiểm của Tradjenta. Những người bị chứng rối loạn sử dụng rượu có nguy cơ bị viêm tụy cao hơn.

Nếu như không thể bỏ hẳn rượu bia thì hãy hỏi bác sĩ về mức tiêu thụ an toàn.

Đang mang thai hoặc cho con bú có thể dùng Tradjenta không?

Chưa rõ dùng Tradjenta khi đang mang thai hoặc cho con bú có an toàn hay không vì loại thuốc này hiện chưa được nghiên cứu ở phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú.

Nếu mang thai, dự định có thai hoặc cho con bú thì người bệnh cần báo cho bác sĩ để điều chỉnh phác đồ điều trị tiểu đường.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Liều dùng thuốc trị tiểu đường Actos
Liều dùng thuốc trị tiểu đường Actos

Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2. Thuốc được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường metformin
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường metformin

Metformin có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ về tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn hoặc nôn. Mặc dù hiếm gặp nhưng metformin cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng cần can thiệp khẩn cấp như nhiễm toan axit lactic.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Glyxambi
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Glyxambi

Người dùng Glyxambi có thể gặp phải các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, tùy vào liều dùng và phản ứng của cơ thể với thuốc.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Levemir
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Levemir

Giống như các loại thuốc khác, Levemir cũng có thể gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Những tác dụng phụ này có thể chỉ là tạm thời hoặc cũng có thể kéo dài.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Toujeo
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Toujeo

Toujeo là một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào, người bệnh cũng cần biết các tác dụng phụ của thuốc.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây