1

Tác dụng của dầu Neem trong chăm sóc da

Dầu Neem có nhiều lợi ích cho da như giảm khô da, làm mờ nếp nhăn, trị sẹo, chữa lành vết thương và trị mụn trứng cá.
Tác dụng của dầu Neem trong chăm sóc da Tác dụng của dầu Neem trong chăm sóc da

Dầu Neem là gì?

Dầu Neem được chiết xuất từ ​​hạt của cây Neem (tên khoa học là Azadirachta indica) – một loài cây thường xanh thân gỗ lớn, chịu hạn tốt thuộc họ Xoan. Dầu Neem từ lâu đã được sử dụng như một vị thuốc trong y học dân gian trên khắp thế giới và được cho là có tác dụng điều trị nhiều bệnh khác nhau. Mặc dù có mùi hăng khó chịu nhưng dầu Neem chứa rất nhiều axit béo và các chất dinh dưỡng khác. Ngày nay, dầu Neem là thành phần có trong nhiều sản phẩm chăm sóc da và tóc.

Dầu Neem chứa nhiều thành phần vô cùng có lợi cho da, chẳng hạn như:

  • Axit béo (EFA)
  • Imonoid
  • Vitamin E
  • Chất béo trung tính (triglyceride)
  • Chất chống oxy hóa
  • Canxi

Loại dầu này mang lại nhiều lợi ích cho da như:

  • Cải thiện da khô và giảm nếp nhăn
  • Kích thích sản sinh collagen
  • Làm mờ sẹo
  • Chữa lành vết thương
  • Trị mụn trứng cá
  • Giảm mụn cóc và nốt ruồi

Dầu Neem còn có thể được sử dụng để điều trị bệnh vẩy nến, viêm da cơ địa và các bệnh về da khác.

Tác dụng của dầu Neem đối với da

Đã có một số nghiên cứu cho thấy lợi ích của việc sử dụng dầu Neem trong chăm sóc da. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong số đó có kích thước mẫu rất nhỏ hoặc không được thực hiện trên người.

Một nghiên cứu được thực hiện trên chuột không lông chỉ ra rằng dầu Neem là một thành phần đầy hứa hẹn trong điều trị các dấu hiệu lão hóa da như da mỏng, khô và nếp nhăn. (1)

Trong một nghiên cứu nhỏ được thực hiện trên 9 người vào năm 2012, dầu Neem đã được chứng minh là có tác dụng thúc đẩy quá trình lành vết mổ trên da đầu sau phẫu thuật. (2)

Trong một nghiên cứu trong ống nghiệm vào năm 2013, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng có thể sử dụng dầu Neem làm phương pháp trị mụn trứng cá lâu dài.

Hiện tại chưa có nghiên cứu nào về công dụng của dầu Neem trong điều trị nốt ruồi, mụn cóc hay thúc đẩy sản sinh collagen. Tuy nhiên, một nghiên cứu trên động vật vào năm 2014 cho thấy dầu Neem có thể giúp làm giảm khối u do ung thư da.

Dầu Neem an toàn với hầu hết mọi người nhưng cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người để kiểm chứng các lợi ích mà loại dầu này mang lại cho da.

Cách sử dụng dầu Neem trên da

Nên chọn mua dầu Neem hữu cơ ép lạnh và 100% nguyên chất. Dầu thường có màu đục và hơi vàng, mùi hăng giống như mù tạt, tỏi hay lưu huỳnh. Khi không sử dụng, hãy bảo quản dầu ở nơi tối và mát mẻ.

Nên thử chấm một ít dầu lên da cánh tay để thử phản ứng trước khi thoa lên mặt. Nếu trong vòng 24 giờ mà da không có các dấu hiệu dị ứng như mẩn đỏ, châm chích, ngứa hoặc sưng tấy thì có thể yên tâm sử dụng dầu Neem trên mặt và các vùng da khác trên cơ thể.

Dầu Neem nguyên chất rất mạnh. Để trị mụn trứng cá, nhiễm trùng do nấm, mụn cóc hoặc nốt ruồi, bạn hãy chấm trực tiếp dầu Neem chưa pha loãng lên vùng da cần điều trị, để nguyên trong 20 phút và sau đó rửa sạch bằng nước ấm. Sử dụng hàng ngày cho đến khi có được kết quả như mong muốn.

Nếu bạn có da nhạy cảm hoặc cần điều trị cho các vùng da lớn trên mặt và cơ thể thì nên pha dầu Neem với một loại dầu nền như dầu jojoba, dầu hạt nho hoặc dầu dừa trước khi sử dụng.

Việc pha với dầu nền còn giúp làm dịu mùi của dầu Neem. Bạn cũng có thể thêm vài giọt tinh dầu có mùi thơm như tinh dầu oải hương vào dầu Neem để giảm bớt mùi hăng. Trộn đều các thành phần với nhau và sử dụng giống như kem dưỡng cho mặt và cơ thể.

Nếu như cảm thấy hỗn hợp dầu quá nhờn thì có thể trộn vài giọt dầu Neem với gel lô hội. Gel lô hội có tác dụng làm dịu da khi bị kích ứng hoặc cháy nắng.

Ngoài ra, bạn có thể pha dầu Neem vào nước tắm và ngâm mình để điều trị cho các vùng da lớn trên cơ thể.

Các lưu ý khi sử dụng dầu Neem trên da

Dầu Neem an toàn cho da nhưng vì loại dầu này rất mạnh nên có thể gây ra phản ứng bất lợi ở những người có da nhạy cảm hoặc có các vấn đề về da như viêm da cơ địa.

Nếu bạn chưa từng dùng dầu Neem bao giờ thì nên pha loãng dầu và bôi thử một ít lên vùng da nhỏ trên cánh tay trước khi thoa lên mặt hoặc thoa lên vùng da lớn. Nếu da bị mẩn đỏ hoặc ngứa thì không nên sử dụng dầu Neem hoặc phải pha thêm dầu nền.

Nổi mề đay, phát ban nghiêm trọng hoặc khó thở có thể là dấu hiệu của phản ứng dị ứng. Ngừng sử dụng dầu Neem ngay lập tức khi nhận thấy những dấu hiệu này và đến ngay cơ sở y tế nếu tình trạng vẫn tiếp diễn.

Dầu Neem là một loại dầu mạnh và không thích hợp cho trẻ nhỏ. Cần tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi dùng dầu Neem cho trẻ.

Chưa có nghiên cứu nào kiểm chứng tính an toàn của dầu Neem khi dùng trong thời gian mang thai nên phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú tốt nhất không nên sử dụng.

Tuyệt đối không được uống dầu Neem vì loại dầu này có độc tính và sẽ gây hại khi vào bên trong cơ thể.

Tóm tắt bài viết

Dầu Neem là một loại dầu hoàn toàn tự nhiên, có nhiều lợi ích cho da, chẳng hạn như giảm khô da, chống lão hóa và điều trị một số bệnh về da. Có thể sử dụng mình dầu Neem hoặc pha với các loại tinh dầu và dầu khác như dầu dừa hay dầu jojoba. Dầu Neem rất mạnh nên hãy bôi thử lên một vùng da nhỏ trước khi dùng cho mặt để đảm bảo không bị dị ứng hay kích ứng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tác dụng, chăm sóc
Tin liên quan
Dầu ô liu có tác dụng làm sạch da và trị mụn trứng cá không?
Dầu ô liu có tác dụng làm sạch da và trị mụn trứng cá không?

Mụn trứng cá hình thành khi dầu (bã nhờn) tích tụ trong lỗ chân lông. Tuy nhiên, một xu hướng chăm sóc da được rất nhiều người biết đến trong thời gian gần đây là sử dụng dầu để làm sạch da nhằm ngăn ngừa mụn. Nhiều hãng sản xuất mỹ phẩm cũng đã tung ra thị trường các sản phẩm tẩy trang dạng dầu bên cạnh tẩy trang dạng nước thông thường.

Dầu ô liu có tác dụng dưỡng trắng da không?
Dầu ô liu có tác dụng dưỡng trắng da không?

Để trả lời câu hỏi dầu ô liu có tác dụng làm trắng da hay không, trước tiên chúng ta cần hiểu cơ bản về cơ chế hoạt động của các chất làm trắng da và những đặc tính của dầu ô liu.

Dầu ô liu có tác dụng kích thích mọc tóc không?
Dầu ô liu có tác dụng kích thích mọc tóc không?

Dầu ô liu rất giàu axit béo và chất chống oxy hóa. Dầu ô liu còn chứa một số chất đặc biệt mà những loài thực vật khác không có và trong đó có những chất có lợi cho tóc. Đó là lý do tại sao từ lâu dầu ô liu đã được sử dụng để chăm sóc tóc. Thậm chí còn có bằng chứng cho thấy dầu ô liu có tác dụng làm dịu da đầu, củng cố nang tóc và kích thích mọc tóc.

Có nên dùng dầu ô liu để trị viêm da cơ địa không?
Có nên dùng dầu ô liu để trị viêm da cơ địa không?

Nhiều loại dầu khác nhau, trong đó có cả dầu ô liu, đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và thúc đẩy quá trình phục hồi tổn thương da, nhờ đó giúp điều trị viêm da cơ địa.

Dầu dừa có tác dụng làm rậm lông mày không?
Dầu dừa có tác dụng làm rậm lông mày không?

Khi được sử dụng làm thực phẩm, dầu dừa đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như cung cấp năng lượng, thúc đẩy giảm mỡ, tăng cholesterol tốt và kiểm soát đường huyết. Và khi được sử dụng tại chỗ, dầu dừa cũng có nhiều tác dụng đối với da, tóc và cả lông mày.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây