1

Dầu ô liu có tác dụng dưỡng trắng da không?

Để trả lời câu hỏi dầu ô liu có tác dụng làm trắng da hay không, trước tiên chúng ta cần hiểu cơ bản về cơ chế hoạt động của các chất làm trắng da và những đặc tính của dầu ô liu.
Dầu ô liu có tác dụng dưỡng trắng da không? Dầu ô liu có tác dụng dưỡng trắng da không?

Cơ chế hoạt động của các chất làm trắng da

Các loại kem làm trắng da thường hoạt động ở bề mặt hoặc lớp trên của da.

Thành phần hoạt tính trong những sản phẩm này làm trắng da theo một trong hai cơ chế là giảm sắc tố da hoặc tăng tốc độ thay tế bào da.

1. Giảm sắc tố da

Melanin là sắc tố tạo nên màu da. Càng có nhiều melanin thì da càng tối màu. Melanin được tạo ra bởi một loại tế bào trong da gọi là tế bào hắc tố.

Các sản phẩm dưỡng trắng da có tác dụng ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình mà tế bào hắc tố sản sinh ra melanin. Một số sản phẩm còn ngăn cản melanin được đưa đến lớp trên của da.

Tất cả các sản phẩm dưỡng da làm trắng đều không mang lại kết quả vĩnh viễn vì các tế bào hắc tố mới không ngừng được tạo ra.

2. Tăng tốc độ thay tế bào da

Các tế bào da được tạo ra ở lớp đáy (lớp dưới cùng của lớp biểu bì), sau đó di chuyển dần lên bề mặt da và bong ra để nhường chỗ cho các tế bào da mới. Tế bào da cũ bong ra sẽ làm sáng vùng da bị sạm do ánh nắng hoặc thâm do tổn thương. Tuy nhiên, quá trình thay tế bào da tự nhiên bị chậm lại theo thời gian. Đó là lý do tại sao các vết thâm sạm thường lâu mờ hơn khi chúng ta có tuổi.

Một số chất làm trắng da có cơ chế hoạt động là thúc đẩy quá trình thay tế bào da tự nhiên, có nghĩa là khiến cho các tế bào da chết bong ra nhanh hơn và để lộ lớp tế bào mới bên dưới sáng màu hơn.

Làm trắng da và chống nắng

Một số sản phẩm làm trắng da còn chứa thành phần chống nắng để bảo vệ cho vùng da mới được làm trắng khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời và ngăn ngừa sạm da. Các thành phần có tác dụng ngăn chặn tia cực tím (tia UV) trong ánh nắng mặt trời gồm có oxit kẽm (zinc oxide) và titanium dioxide.

Chọn loại dầu ô liu nào để chăm sóc da?

Khi dùng dầu ô liu để chăm sóc da, chất lượng dầu là yếu tố rất quan trọng.

Dầu ô liu được ép từ ​​quả của cây ô liu nhưng không phải loại dầu ô liu nào cũng đều giống nhau. Có nhiều phương pháp để ép dầu ô liu và mỗi phương pháp sẽ cho ra loại dầu có hàm lượng chất béo tốt, các chất dinh dưỡng và thậm chí là mùi vị khác nhau. Tùy vào phương pháp được sử dụng để ép dầu mà dầu ô liu được chia thành 3 loại:

Dầu ô liu nguyên chất tinh khiết (extra virgin olive oil): là loại dầu ô liu được ép lạnh, có nghĩa là dầu được ép trực tiếp từ toàn bộ quả ô liu mà không sử dụng hóa chất hay nhiệt.

Dầu ô liu tinh luyện: loại dầu này thường chỉ được dán nhãn là “olive oil”. Quá trình ép dầu sử dụng hóa chất và thành phẩm có thể không chỉ chứa dầu ô liu mà còn có cả các loại dầu thực vật. Loại dầu này mang lại ít lợi ích cho sức khỏe hơn so với dầu ô liu nguyên chất.

Dầu ô liu nguyên chất: là loại dầu có pha trộn cả dầu ô liu nguyên chất tinh khiết và dầu ô liu tinh luyện. Loại dầu này thường được chiết xuất từ những quả ô liu chưa chín kỹ.

Dầu ô liu nguyên chất tinh khiết là loại dầu được ưa chuộng nhất vì quy trình sản xuất giúp giữ lại tối đa giá trị dinh dưỡng và các đặc tính có lợi của quả ô liu. Hơn nữa, loại dầu này chứa ít hóa chất và các thành phần khác.

Cách dưỡng da bằng dầu ô liu

Dầu ô liu có lợi cho da và để có được các lợi ích của dầu ô liu thì có thể thêm dầu vào chế độ ăn hoặc dùng trong quy trình chăm sóc da hoặc kết hợp cả hai.

Thêm dầu ô liu vào chế độ ăn

Nghiên cứu cho thấy rằng ăn dầu ô liu và các loại thực phẩm khác chứa axit béo omega-3 giúp giảm viêm trong cơ thể. (1) Điều này có thể giúp ngăn ngừa hoặc phục hồi tổn thương da do viêm. Ví dụ, tổn thương do ánh nắng mặt trời hoặc ánh sáng xảy ra do da bị viêm, dẫn đến xuất hiện các đốm nâu, rãnh nhăn, nếp nhăn và ửng đỏ da.

Dùng sản phẩm dưỡng da chứa dầu ô liu

Dầu ô liu là thành phần có trong nhiều sản phẩm dưỡng da và thường xuất hiện trong bảng thành phần dưới những cái tên như:

  • hydrogenated olive oil (dầu ô liu hydro hóa)
  • olea europaea fruit oil
  • olive acid
  • potassium olivate
  • sodium olivate

Dùng dầu ô liu nguyên chất

Bôi dầu ô liu lên da giúp ngăn chặn khoảng 20% tia cực tím trong ánh nắng mặt trời. (2) Dầu ô liu có tác dụng này là nhờ khả năng kích thích các protein chống nắng tự nhiên của da. Dầu ô liu còn chứa một loại chất béo có tên là squalene. Đây là loại chất béo có chức năng bảo vệ quan trọng nhất của da. Sử dụng dầu ô liu sẽ giúp củng cố hàng rào bảo vệ da tự nhiên này.

Dầu ô liu có chứa chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về lợi ích chống oxy hóa của dầu ô liu khi dùng làm thực phẩm hoặc chăm sóc da.

Tác dụng làm trắng da của dầu ô liu

Dầu ô liu nguyên chất tinh khiết chỉ có tác dụng làm trắng da rất nhẹ. Dầu ô liu không làm giảm sắc tố melanin và cũng không thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da. Tuy nhiên, dầu ô liu có thể giúp ngăn chặn các tổn thương da và sự tăng sắc tố do ánh nắng mặt trời. Loại dầu này còn có tác dụng giảm ửng đỏ và nếp nhăn trên da.

Công dụng của dầu ô liu trong sản phẩm chăm sóc da

Dầu ô liu được sử dụng trong nhiều loại mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da, gồm có kem dưỡng ẩm, lotion, mỹ phẩm trang điểm, sữa rửa mặt, dầu tẩy trang, kem chống nắng, xà phòng tắm, dầu gội và dầu dưỡng tóc.

Trong mỗi một sản phẩm, thành phần dầu ô liu lại có một số công dụng và lợi ích khác nhau:

  • Làm sạch: giúp loại bỏ bã nhờn, bụi bẩn và mỹ phẩm trang điểm.
  • Chất nhũ hoá: giúp các thành phần khác hòa quyện với nhau.
  • Dưỡng ẩm: tăng thêm độ ẩm hoặc tạo thành hàng rào bảo vệ khóa ẩm trên da.
  • Chống nắng tự nhiên: dầu ô liu có chức năng giống như kem chống năng vật lý, giúp bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng.

Các cách chăm sóc da khác bằng dầu ô liu

Tẩy da chết bằng dầu ô liu và nước cốt chanh

Có thể sử dụng hỗn hợp dầu ô liu và nước cốt chanh để làm sáng da. Nước chanh không thực sự được coi là một thành phần làm trắng da nhưng lại có chứa chất chống oxy hóa giúp làm dịu tổn thương da – nguyên nhân gây ra các vết thâm. Tác dụng làm sáng da chính của nước chanh đến từ axit citric – một loại một axit yếu giúp tẩy tế bào chết trên da. Không nên sử dụng hỗn hợp dầu ô liu và nước cốt chanh quá thường xuyên vì axit có thể gây kích ứng da, khô da và mẩn đỏ.

Ở một số người, chanh và các loại quả khác trong họ cam quýt có thể gây ra phản ứng trên da khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tình trạng này được gọi là Viêm da ánh sáng thực vật.

Tẩy trang bằng dầu ô liu

Dầu ô liu có thể được sử dụng làm dầu tẩy trang tự nhiên. Thấm dầu ô liu vào một miếng bông và nhẹ nhàng lau sạch lớp trang điểm. Dầu ô liu giúp làm sạch da mà không cần sử dụng các hóa chất tẩy rửa mạnh.

Dưỡng ẩm bằng dầu ô liu

Dầu ô liu có tác dụng dưỡng ẩm rất tốt. Tương tự như khi sử dụng dầu ô liu làm dầu tẩy trang, có thể thấm dầu vào miếng bông hoặc lấy một lượng dầu vừa đủ ra tay và thoa lên da sau khi đã rửa mặt sạch và thấm khô. Xoa hai tay vào nhau để làm ấm dầu và giúp dầu thẩm thấu vào da dễ hơn. Sau đó dùng khăn giấy thấm bớt lượng dầu thừa.

Tác dụng phụ của dầu ô liu khi dùng trên da

Mặc dù có nguồn gốc tự nhiên nhưng dầu ô liu hay bất cứ loại dầu thực vật nào cũng đều có thể gây tác dụng phụ khi sử dụng trực tiếp trên da. Một nghiên cứu cho thấy rằng việc thoa dầu ô liu nguyên chất tinh khiết lên da người lớn trong vòng 4 tuần có thể gây phản ứng dị ứng. (3) Điều này xảy ra ở cả những người không có tiền sử dị ứng da.

Các loại kem dưỡng có thành phần dầu ô liu thường chỉ chứa chiết xuất dầu ô liu hoặc cân bằng dầu dầu ô liu với các thành phần khác. Do đó mà những sản phẩm này sẽ an toàn cho da hơn so với dầu ô liu nguyên chất.

Thường xuyên bôi dầu ô liu lên da có thể gây kích ứng. Điều này xảy ra do dầu ô liu làm bít tắc lỗ chân lông hoặc ảnh hưởng đến các loại dầu tự nhiên khác của da.

Các thành phần làm trắng da

Các sản phẩm dưỡng trắng da thường có chứa một hoặc nhiều thành phần có tác dụng làm trắng dưới đây:

  • Arbutin
  • Axit azelaic
  • Glabridin (chiết xuất cam thảo)
  • Axit glycolic
  • Hydroquinon (tocopheryl axetat, tocopherol)
  • Axit kojic (chiết xuất nấm)
  • Retinoid (retinol, tretinoin)

Ngoài các sản phẩm dạng bôi thông thường, trên thị trường còn có các sản phẩm làm trắng da dạng tiêm nhưng những sản phẩm này đều chưa được kiểm chứng tính hiệu quả và an toàn.

Tất cả các chất làm trắng da đều có thể gây kích ứng da và phải sử dụng sản phẩm đúng theo hướng dẫn.

Các sản phẩm làm trắng da chủ yếu được sử dụng trong quy trình chăm sóc da hàng ngày để làm sáng hay làm đều màu da nhưng một số sản phẩm còn được sử dụng trong y tế để điều trị các vấn đề trên da như:

  • Tàn nhang
  • Đốm đồi mồi
  • Tăng sắc tố
  • Nám da
  • Thâm hay sẹo do mụn trứng cá
  • Sạm da do nội tiết tố

Tóm tắt bài viết

Các nghiên cứu cho thấy rằng ăn dầu ô liu mang lại nhiều lợi ích cho cả bên trong cơ thể lẫn ngoài da nhưng cần nghiên cứu thêm về tác dụng của dầu ô liu khi dùng trực tiếp trên da.

Hãy thêm dầu ô liu nguyên chất và nguyên chất tinh khiết vào chế độ ăn uống. Tốt nhất chỉ nên dùng dầu ô liu trong các món nguội như salad hoặc thêm vào món ăn sau khi nấu. Dầu ô liu có điểm bốc khói thấp hơn các loại dầu khác và không nên dùng để nấu ăn ở nhiệt độ cao.

Dầu ô liu không có tác dụng làm trắng da nhưng có chứa một số chất giúp bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím, giảm mẩn đỏ và phục hồi tổn thương da. Tuy nhiên, không nên sử dụng dầu ô liu làm biện pháp chống nắng chính. Bôi kem chống nắng và mặc quần áo dài vẫn là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn các tác hại của ánh nắng.

Nếu muốn làm trắng da thì nên lựa chọn những thành phần khác hoặc đến các cơ sở thẩm mỹ uy tín để được tư vấn các phương pháp dưỡng trắng da chuyên sâu.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Dầu ô liu có tác dụng kích thích mọc tóc không?
Dầu ô liu có tác dụng kích thích mọc tóc không?

Dầu ô liu rất giàu axit béo và chất chống oxy hóa. Dầu ô liu còn chứa một số chất đặc biệt mà những loài thực vật khác không có và trong đó có những chất có lợi cho tóc. Đó là lý do tại sao từ lâu dầu ô liu đã được sử dụng để chăm sóc tóc. Thậm chí còn có bằng chứng cho thấy dầu ô liu có tác dụng làm dịu da đầu, củng cố nang tóc và kích thích mọc tóc.

Có nên dùng dầu ô liu để trị viêm da cơ địa không?
Có nên dùng dầu ô liu để trị viêm da cơ địa không?

Nhiều loại dầu khác nhau, trong đó có cả dầu ô liu, đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và thúc đẩy quá trình phục hồi tổn thương da, nhờ đó giúp điều trị viêm da cơ địa.

Dưỡng dài lông mi bằng dầu dừa có hiệu quả không?
Dưỡng dài lông mi bằng dầu dừa có hiệu quả không?

Nhờ có nhiều lợi ích đã được chứng minh nên dầu dừa được sử dụng làm nguyên liệu chính trong nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Dầu dừa có nhiều tác dụng, từ dưỡng ẩm, bảo vệ da và tóc cho đến đặc tính kháng khuẩn và chống nấm, không ít tác dụng trong số đó có lợi cho lông mi.

Dầu dừa có tác dụng làm rậm lông mày không?
Dầu dừa có tác dụng làm rậm lông mày không?

Khi được sử dụng làm thực phẩm, dầu dừa đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như cung cấp năng lượng, thúc đẩy giảm mỡ, tăng cholesterol tốt và kiểm soát đường huyết. Và khi được sử dụng tại chỗ, dầu dừa cũng có nhiều tác dụng đối với da, tóc và cả lông mày.

Dầu dừa có tác dụng trị sẹo không?
Dầu dừa có tác dụng trị sẹo không?

Dầu dừa không chỉ là một nguyên liệu nấu ăn lành mạnh mà còn được dùng rộng rãi trong làm đẹp vì đặc tính dưỡng ẩm của loại dầu này rất tốt cho tóc và da. Một số thành phần hoạt tính trong dầu dừa thậm chí còn được cho là giúp trị sẹo. Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn nữa nhưng các bằng chứng cho đến thời điểm hiện tại đều rất hứa hẹn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây