Có nên dưỡng râu bằng dầu dừa không?
Dầu dừa là một thành phần vốn nổi tiếng với công dụng dưỡng ẩm da, làm mềm da và dưỡng tóc. Vì lý do này nên một số người sử dụng dầu dừa làm dầu dưỡng râu. Ưu điểm của dầu dừa là dễ mua, giá rẻ và tự nhiên. Nhưng liệu rằng dầu dừa có thực sự thay thế được các sản phẩm dầu dưỡng râu bán trên thị trường hay không?
Lợi ích của dầu dừa
Dầu dừa được chứng minh là có tác dụng làm mềm tóc đồng thời bảo vệ các lớp bên ngoài của sợi tóc. Loại dầu này còn được cho là có thể kích thích sự mọc tóc. Vì râu có cấu tạo giống như tóc nên dầu dừa cũng mang lại các lợi ích tương tự khi được sử dụng để dưỡng râu.
Ngoài ra, dầu dừa còn có công dụng dưỡng ẩm và làm mềm da. Vì thế nên khi sử dụng trên da mặt, dầu dừa có thể thể giúp da khỏe mạnh, đủ ẩm và giữ cho lỗ chân lông không bị tắc nghẽn bởi các vảy da chết. Điều này giúp cho râu mọc đều và giảm nguy cơ mọc ngược – một nguyên nhân phổ biến gây viêm nang lông (razor bump).
Dầu dừa đã được nghiên cứu về công dụng làm mềm tóc và dưỡng da mặt. Dầu dừa nguyên chất có thể ngăn ngừa và làm giảm tình trạng tóc chẻ ngọn, cũng như là bảo vệ và củng cố hàng rào bảo vệ da.
Loại dầu này còn thúc đẩy quá trình phục hồi da khi bị kích ứng. Đặc biệt, dầu dừa còn có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm.
Nhờ tất cả những tác dụng này nên dầu dừa có thể được sử dụng làm dầu dưỡng râu.
Nhược điểm của việc dưỡng râu bằng dầu dừa
Theo tiến sĩ Owen Kramer - một bác sĩ da liễu nội trú tại Đại học Illinois (Chicago, Mỹ), hiện chưa có nhiều dữ liệu lâm sàng chứng minh việc sử dụng dầu dừa làm dầu dưỡng râu.
Dị ứng với dầu dừa là điều rất hiếm gặp nhưng dầu dừa vẫn có thể gây kích ứng ngay cả ở những người không bị dị ứng.
Bác sĩ Kramer cho biết: “Dầu dừa là một thành phần có thể gây bít tắc lỗ chân lông và dẫn đến nổi mụn.” Bất kỳ sản phẩm nào có chứa dầu dừa đều có thể gây mụn trứng cá, đặc biệt là ở những người có da dầu và dễ nổi mụn.
Tất nhiên không phải ai sử dụng dầu dừa trên mặt cũng bị nổi mụn nhưng đây là điều cần cân nhắc khi có ý định dưỡng râu bằng dầu dừa.
Nếu bạn thường hay bị nổi mụn xung quanh cằm và quai hàm thì tốt nhất không nên dùng dầu dừa để dưỡng râu.
Cách dưỡng râu bằng dầu dừa
Giống như các loại dầu dưỡng râu khác, tốt nhất nên bôi dầu dừa khi râu sạch và khô. Râu và da sẽ hấp thụ dầu nên không cần phải rửa sau khi bôi.
Cách thực hiện:
- Lấy một thìa cà phê dầu dừa vào lòng bàn tay. Xoa hai bàn tay vào nhau để làm chảy và ấm dầu, giúp cho dầu dừa bám đều vào các sợi râu và thẩm thấu dễ dàng hơn.
- Nên bôi từng chút một. Nếu thiếu thì có thể bôi thêm. Không nên bôi quá nhiều dầu dừa cùng một lúc để tránh bị nhờn bết.
- Từ từ mát-xa dầu trực tiếp lên da và vuốt xuống các sợi râu. Chú ý thoa đều dầu lên cả những sợi râu chỉa ra ngoài và định hình bộ râu trong lúc thoa dầu.
Vùng da mọc râu thường nhạy cảm hơn so với da đầu và các vùng da mọc lông trên cơ thể.
Râu thường mọc không đồng đều theo nhiều hướng khác nhau và do đó tạo thành bộ râu có hình dạng không được đẹp mắt nếu như không để ý chăm sóc. Đó là lý do tại sao một khi đã để râu, nam giới sẽ phải dưỡng và cắt tỉa thường xuyên. Có thể sẽ phải thử nhiều kiểu khác nhau để tìm ra kiểu để râu phù hợp nhất với khuôn mặt.
Dầu dừa có giúp râu mọc nhanh hơn không?
Một số người cho rằng dầu dừa có tác dụng thúc đẩy sự mọc râu nhưng điều này hiện chưa được nghiên cứu khoa học chứng minh.
Nếu râu vẫn mọc với tốc độ bình thường và bạn có sức khỏe tốt thì các loại dầu dưỡng hay các sản phẩm tương tự sẽ không giúp cho râu mọc nhanh hơn.
Các sản phẩm dưỡng râu tự nhiên khác
Ngoài dầu dừa còn có rất nhiều sản phẩm tự nhiên khác cũng có tác dụng dưỡng râu bóng khỏe.
Nếu bạn đang tìm một sản phẩm tự nhiên có đặc tính làm dịu và giúp râu mọc nhanh hơn thì có thể thử tinh dầu bạc hà.
Tinh dầu có nồng độ thành phần hoạt tính rất cao nên cần phải pha loãng với một loại dầu nền, chẳng hạn như dầu jojoba hoặc dầu hạnh nhân ngọt trước khi bôi lên da. Sau đó, cần chấm một ít tinh dầu đã pha loãng lên da cánh tay để thử phản ứng da trước khi dùng trên mặt.
Nếu bạn đang tìm một giải pháp để râu chắc khỏe hơn và ít gãy rụng thì có thể sử dụng dầu vitamin E nguyên chất.
Ngoài ra còn có các lựa chọn tự nhiên khác như sáp ong (bee wax), bơ hạt mỡ (shea butter), bơ ca cao (cocoa butter) và dầu argan (argan oil).
Tóm tắt bài viết
Dầu dừa có đặc tính dưỡng ẩm, bảo vệ da, làm dịu da và dưỡng tóc. Vì những lý do này nên dầu dừa có thể được sử dụng làm dầu dưỡng râu.
Có thể sử dụng dầu dừa nguyên chất hoặc các sản phẩm có chứa dầu dừa. Không cần thiết phải mua các loại dầu dưỡng có tác dụng kích thích mọc râu vì nhưng sản phẩm này thường không hiệu quả.
Dầu dừa có thể gây kích ứng và bít tắc lỗ chân lông nên nếu dễ bị mụn trứng cá thì nên lựa chọn những sản phẩm khác để dưỡng râu.
Dầu dừa được sử dụng làm thành phần trong nhiều loại thực phẩm, để nấu ăn, cũng như là để làm đẹp. Có rất nhiều nghiên cứu về lợi ích của dầu dừa đối với cơ thể, làn da và mái tóc. Một trong những lợi ích đó là kích thích mọc tóc. Dầu dừa có thực sự giúp tóc mọc nhanh hơn không?
Dầu dừa chứa nhiều axit béo và có đặc tính cấp ẩm rất tốt. Vậy có thể sử dụng dầu dừa để dưỡng ẩm cho da không?
Ngoài dùng trong nấu ăn và làm đẹp, dầu dừa còn được sử dụng để điều trị một số vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng và chấn thương. Lý do là bởi dầu dừa có nhiều đặc tính có lợi, ví dụ như đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. Một trong những vấn đề mà dầu dừa được sử dụng để điều trị là bệnh hắc lào - một bệnh về da do nhiễm nấm.
Mụn trứng cá hình thành khi dầu (bã nhờn) tích tụ trong lỗ chân lông. Tuy nhiên, một xu hướng chăm sóc da được rất nhiều người biết đến trong thời gian gần đây là sử dụng dầu để làm sạch da nhằm ngăn ngừa mụn. Nhiều hãng sản xuất mỹ phẩm cũng đã tung ra thị trường các sản phẩm tẩy trang dạng dầu bên cạnh tẩy trang dạng nước thông thường.
Nguyên lý của việc dùng dầu để làm sạch da là “dầu hòa tan dầu”. Phương pháp làm sạch da bằng dầu mang lại nhiều lợi ích cho da như loại bỏ dầu thừa, giảm bít tắc lỗ chân lông và làm sạch tế bào da chết.