1

Những điều cần biết về phương pháp làm sạch da bằng dầu

Nguyên lý của việc dùng dầu để làm sạch da là “dầu hòa tan dầu”. Phương pháp làm sạch da bằng dầu mang lại nhiều lợi ích cho da như loại bỏ dầu thừa, giảm bít tắc lỗ chân lông và làm sạch tế bào da chết.
Những điều cần biết về phương pháp làm sạch da bằng dầu Những điều cần biết về phương pháp làm sạch da bằng dầu

Dầu là một thành phần vẫn luôn bị mang tiếng xấu trong chăm sóc da. Chúng ta đều biết rằng nên tránh sử dụng các sản phẩm dưỡng da hay mỹ phẩm có chứa dầu vì dầu có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông và dẫn đến nổi mụn trứng cá.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã bắt đầu khám phá ra những lợi ích đáng kinh ngạc của dầu đối với làn da và các thành phần có tác dụng làm dịu, phục hồi da vốn đã được sử dụng từ cách đây hàng trăm năm đang nhận được nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây.

Gần đây, phương pháp làm sạch da mặt bằng dầu đang trở nên nổi tiếng. Nhiều hãng sản xuất mỹ phẩm lớn đều đã cho ra đời các sản phẩm tẩy trang dạng dầu. Những sản phẩm này ngày càng được nhiều người lựa chọn nhờ tác dụng loại bỏ sạch lớp trang điểm và ngăn ngừa mụn.

Sử dụng dầu thay cho nước tẩy trang truyền thống và sữa rửa mặt còn giúp bảo vệ lớp lipid tự nhiên của da và các vi khuẩn có lợi trong đó.

Mặc dù còn nhiều điều mà chúng ta chưa hiểu hết về hệ vi sinh vật trong cơ thể và trên da nhưng nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng vi khuẩn có lợi giúp bảo vệ da khỏi các vấn đề do nhiễm trùng như mụn trứng cá. (1)

Dầu làm sạch da như thế nào?

Đối với nhiều người, để làm sạch da thì phải sử dụng các loại sữa rửa mặt tạo bọt và sau đó rửa lại bằng nước.

Khác với thói quen rửa mặt thông thường, làm sạch da bằng dầu không tạo bọt và có thể không cần rửa bằng nước mà chỉ cần lau bằng một chiếc khăn bông sạch nhúng nước ấm.

Nhưng một xu hướng làm sạch da được rất nhiều người áp dụng hiện nay là kết hợp cả hai bước này. Cụ thể, mỗi lần rửa mặt gồm có hai bước, bước đầu tiên là sử dụng dầu và tiếp theo là sử dụng sữa rửa mặt. Phương pháp này được gọi là “làm sạch hai bước” hay “double cleansing”, vốn có nguồn gốc từ Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng sau đó đã được phụ nữ trên khắp thế giới học theo.

Nguyên lý của việc dùng dầu để làm sạch da là “dầu hòa tan dầu”. Theo các hướng dẫn về phương pháp này thì việc dùng dầu sẽ giúp:

  • loại bỏ dầu thừa - chất nhờn được tạo ra bởi các tuyến bã nhờn trong da
  • giảm bít tắc lỗ chân lông, nhờ đó cải thiện tình trạng mụn đầu đen và mụn đầu trắng
  • làm sạch tế bào da chết, bụi bẩn và mỹ phẩm trang điểm

Các sản phẩm tẩy trang thường có chứa dầu vì dầu giúp tẩy sạch các loại mỹ phẩm, bao gồm cả mỹ phẩm không chứa dầu, mỹ phẩm gốc dầu và mỹ phẩm không thấm nước.

Các loại sữa rửa mặt, đặc biệt là những loại tạo nhiều bọt, có thể gây kích ứng da, khô da và khiến cho các tuyến bã nhờn tiết ra quá nhiều dầu để cân bằng lại độ ẩm. Điều này cuối cùng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mụn trứng cá. Mặt khác, làm sạch da bằng dầu có thể giúp cân bằng da và khóa ẩm.

Một số loại dầu được sử dụng để làm sạch da còn có tác dụng phục hồi, có chứa các chất dinh dưỡng quan trọng hoặc các đặc tính có lợi khác cho da.

Mặc dù hiện tại có rất ít nghiên cứu về phương pháp làm sạch da bằng dầu nhưng một nghiên cứu nhỏ được thực hiện vào năm 2010 đã chỉ ra rằng dầu làm sạch rất tốt cho da khô và lão hóa. (2)

Mới đây, một nghiên cứu khác cho thấy rằng người lớn và trẻ nhỏ sử dụng dầu tắm cách ngày trong vòng một tháng có chức năng hàng rào bảo vệ da tốt hơn và ít bị khô da hơn so với những người sử dụng sữa tắm không chứa dầu. (3)

Nên chọn loại dầu nào để làm sạch da?

Rất nhiều hãng sản xuất mỹ phẩm đã cho ra đời các sản phẩm tẩy trang dạng dầu. Bạn có thể lựa chọn những sản phẩm này hoặc sử dụng dầu nguyên chất để làm sạch da.

Nếu da dễ bị nổi mụn thì bạn nên chọn mua các sản phẩm có kết cấu lỏng nhẹ, không gây kích ứng và không làm bít tắc lỗ chân lông.

Nếu chọn sử dụng dầu nguyên chất thì có thể dùng một loại hoặc pha trộn nhiều loại dầu với nhau. Hai loại dầu được dùng phổ biến nhất là dầu ô liu và dầu thầu dầu (castor oil). Ban đầu hãy thử trộn hai loại dầu với tỷ lệ 1:1. Nếu da khô thì tăng lượng dầu ô liu và nếu da dầu, dễ nổi mụn thì tăng lượng dầu thầu dầu.

Dầu ô liu rất giàu vitamin và chất chống oxy hóa. Loại dầu này rất quan trọng cho quá trình hydrat hóa. Dầu thầu dầu có đặc tính kháng khuẩn và se khít lỗ chân lông. Tuy nhiên, cũng do có đặc tính làm se này nên dầu thầu dầu có thể gây khô da.

Ngoài dầu ô liu và dầu thầu dầu, bạn cũng có thể chọn các loại dầu khác để làm sạch da, tùy thuộc vào loại da và nhu cầu của làn da. Ví dụ, bạn có thể dùng dầu jojoba nếu có da nhờn hoặc dễ bị mụn vì dầu jojoba đã được chứng minh là giúp giảm mụn trứng cá và cân bằng sự tiết dầu. Còn nếu có da khô thì có thể sử dụng dầu quả bơ (avocado oil) để tăng thêm độ ẩm.

Các loại dầu có thể dùng để làm sạch da:

  • Dầu ô liu
  • Dầu thầu dầu
  • Dầu hạnh nhân ngọt (sweet almond oil)
  • Dầu hạt nho (grapeseed oil)
  • Dầu quả bơ
  • Dầu hướng dương (sunflower oil)
  • Dầu hạt mơ (apricot kernel oil)
  • Dầu argon
  • Dầu jojoba

Bất kể là loại dầu nào thì cũng phải chọn mua sản phẩm chất lượng cao, không chứa hương liệu, phẩm màu và các thành phần có thể gây kích ứng da khác. Nếu có thể thì hãy tìm dầu nguyên chất được ép lạnh, không qua tinh chế, chuyên dùng cho da thay vì dầu dùng để nấu ăn. Đối với dầu ô liu thì nên chọn loại nguyên chất tinh khiết (extra virgin olive oil).

Cách làm sạch da bằng dầu

Có hai cách để làm sạch da bằng dầu. Một là mát xa da bằng dầu và sau đó rửa bằng nước ấm hoặc lau bằng khăn ướt. Cách thứ hai là phương pháp làm sạch hai bước (double cleansing), gồm có bước đầu là sử dụng dầu và tiếp theo là loại bỏ dầu bằng sữa rửa mặt.

Trước tiên nên bôi thử dầu lên một vùng da nhỏ ở cánh tay và theo dõi trong ít nhất 24 tiếng để xem da có phản ứng gì hay không.

Cách làm sạch da bằng dầu cơ bản

  1. Đổ 1 đến 2 thìa cà phê dầu vào lòng bàn tay. Nếu là da khô thì trộn 1/2 thìa dầu ô liu với 1/2 thìa dầu thầu dầu. Nếu là da dầu hoặc bị mụn trứng cá thì dùng hỗn hợp gồm 1/2 thìa dầu jojoba và 1/2 thìa dầu thầu dầu.
  2. Thoa dầu lên da khô. Nhẹ nhàng mát-xa bằng đầu ngón tay trong 1 - 2 phút để dầu thẩm thấu vào da và loại bỏ bã nhờn, bụi bẩn, mỹ phẩm trang điểm cùng tế bào da chết.
  3. Nhúng một chiếc khăn sạch vào nước ấm và vắt bớt nước.
  4. Đắp khăn lên mặt, chờ vài giây và nhẹ nhàng lau sạch dầu. Lưu ý không chà xát mạnh vì điều này sẽ gây kích ứng da và nổi mụn.
  5. Bạn cũng có thể rửa sạch bằng nước ấm thay vì dùng khăn. Sau khi rửa, da sẽ ẩm mịn và không quá nhờn dính.
  6. Nhẹ nhàng thấm khô da bằng khăn sạch và thoa kem dưỡng ẩm nếu cần thiết.

Phương pháp làm sạch hai bước

Nếu bạn dễ bị mụn trứng cá hoặc có da dầu thì nên thử phương pháp này. Da vẫn sẽ được làm sạch và dưỡng ẩm giống như phương pháp bên trên nhưng làm sạch hai bước sẽ giúp giảm nguy cơ dầu bị sót lại và gây bít tắc lỗ chân lông.

  1. Thực hiện theo ba bước đầu tiên giống như phương pháp làm sạch da bằng dầu cơ bản.
  2. Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, chẳng hạn như Cetaphil để không làm mất đi lớp dầu trên da.
  3. Nhẹ nhàng thấm khô bằng khăn và thoa kem dưỡng ẩm nếu cần thiết.

Lưu ý, một số sản phẩm dầu tẩy trang có chứa chất hoạt động bề mặt để tạo bọt nhẹ khi rửa bằng nước.

Nên làm sạch bằng dầu bao lâu một lần?

Có thể làm sạch da bằng dầu hàng ngày nhưng mỗi ngày chỉ nên làm một lần. Bạn cũng có thể thực hiện một tuần một lần hoặc thi thoảng mới thực hiện như một biện pháp làm sạch sâu. Tốt nhất nên làm sạch da bằng dầu vào buổi tối để làn da được giữ ẩm trong khi ngủ.

Làm sạch bằng dầu có gây hại cho da không?

Sau khi làm sạch bằng dầu, bạn sẽ có cảm giác da mềm mại và sạch hơn. Nếu là da dầu thì sau đó có thể không cần dưỡng ẩm.

Làm sạch da bằng dầu có thể gây ra phản ứng dị ứng, kích ứng hoặc bít tắc lỗ chân lông. Đó là lý do tại sao cần phải xoa dầu lên vùng da trên cánh tay để kiểm tra phản ứng dị ứng trước khi dùng lên mặt. Những người bị mụn trứng cá dạng nang nên đi khám bác sĩ da liễu và hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng dầu để làm sạch da vì phương pháp này có thể khiến cho tình trạng mụn trở nên nặng hơn.

Đến nay mới chỉ có rất ít nghiên cứu về việc làm sạch da bằng dầu nhưng có bằng chứng cho thấy rằng có thể phải mất 1 - 2 tuần để da làm quen với phương pháp này. Trong thời gian đầu sử dụng một số sản phẩm chăm sóc da, chẳng hạn như AHA, BHA hay retinoid, da có thể bị nổi mụn. Đây được gọi là hiện tượng “đẩy mụn” (purging) do các thành phần hoạt tính trong sản phẩm làm tăng tốc độ tái tạo tế bào da và mang vi khuẩn lên bề mặt da. Tuy nhiên, nổi mụn không phải là hiện tượng bình thường khi làm sạch da bằng dầu. Nếu da bị nổi mụn hoặc tình trạng mụn trở nên nặng thêm thì phải đổi loại dầu hoặc dừng sử dụng dầu và chuyển sang dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: chăm sóc da
Tin liên quan
Điều trị hắc lào (nấm da) bằng dầu dừa có hiệu quả không?
Điều trị hắc lào (nấm da) bằng dầu dừa có hiệu quả không?

Ngoài dùng trong nấu ăn và làm đẹp, dầu dừa còn được sử dụng để điều trị một số vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng và chấn thương. Lý do là bởi dầu dừa có nhiều đặc tính có lợi, ví dụ như đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. Một trong những vấn đề mà dầu dừa được sử dụng để điều trị là bệnh hắc lào - một bệnh về da do nhiễm nấm.

Điều trị mụn rộp (herpes môi) bằng dầu dừa
Điều trị mụn rộp (herpes môi) bằng dầu dừa

Bôi trực tiếp dầu dừa lên da và ăn dầu dừa đều có tác dụng điều trị mụn rộp ở môi. Để có kết quả tốt nhất thì nên sử dụng dầu dừa nguyên chất (loại dầu không qua xử lý) thay vì dầu dừa tinh luyện.

Điều trị da sần vỏ cam bằng dầu dừa
Điều trị da sần vỏ cam bằng dầu dừa

Không chỉ được dùng trong nấu ăn, dầu dừa còn được sử dụng làm một thành phần chăm sóc da nhờ có nhiều lợi ích cho làn da như dưỡng ẩm da, phục hồi tổn thương và thậm chí là giúp điều trị một số vấn đề về da như viêm da cơ địa. Và gần đây, dầu dừa còn được dùng để điều trị da sần vỏ cam.

Các phương pháp trị mụn rộp (herpes) môi hiệu quả nhất
Các phương pháp trị mụn rộp (herpes) môi hiệu quả nhất

Cách hiệu quả nhất để điều trị và ngăn ngừa bùng phát mụn rộp vẫn là dùng thuốc kháng virus theo đơn của bác sĩ nhưng ngoài ra cũng có thể thử các loại thuốc không kê đơn và biện pháp điều trị tự nhiên.

Điều trị bệnh vảy nến bằng dầu và tinh dầu
Điều trị bệnh vảy nến bằng dầu và tinh dầu

Các loại dầu và tinh dầu được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm cả các bệnh về da như vảy nến.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây