1

8 phương pháp điều trị tăng sắc tố da

Tăng sắc tố da là một vấn đề rất phổ biến và có nhiều giải pháp điều trị khác nhau, từ những phương pháp đơn giản có thể thực hiện tại nhà cho đến những phương pháp chuyên sâu cần thực hiện tại bệnh viện hay spa.
8 phương pháp điều trị tăng sắc tố da 8 phương pháp điều trị tăng sắc tố da

Tăng sắc tố là gì?

Tăng sắc tố là một thuật ngữ y tế dùng để chỉ tình trạng một vùng da trở nên tối màu hơn vùng da xung quanh. Tăng sắc tố xảy ra do da tạo ra quá nhiều melanin – sắc tố tạo nên màu của da. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sản sinh melanin quá mức, từ tổn thường da, chẳng hạn như mụn trứng cá, tác hại của ánh nắng mặt trời cho đến sự thay đổi nội tiết tố.

Tăng sắc tố da là một vấn đề rất phổ biến và có nhiều giải pháp điều trị khác nhau, từ những phương pháp đơn giản có thể thực hiện tại nhà cho đến những phương pháp chuyên sâu cần thực hiện tại bệnh viện hay spa.

Dưới đây là 8 phương pháp hiệu quả nhất để điều trị tình trạng tăng sắc tố da.

Các phương pháp điều trị tăng sắc tố

1. Kem dưỡng trắng da

Kem hoặc gel dưỡng trắng da là phương pháp đơn giản nhất để cải thiện các vùng da thâm sạm. Những sản phẩm này chứa các thành phần hoạt tính có tác dụng làm giảm sự tăng sắc tố. Hầu hết các loại kem có bán trên thị trường đều có nồng độ thành phần hoạt tính ở mức thấp đến vừa và có thể sử dụng 1 – 2 lần hàng ngày nhưng cũng có những loại kem có nồng độ cao hơn, chỉ sử dụng vài lần một tuần. Những sản phẩm này có bán ở bệnh viện hoặc phòng khám da liễu.

Một số thành phần phổ biến có trong các sản phẩm dưỡng trắng da gồm có:

  • Hydroquinone
  • Chiết xuất cam thảo
  • N-acetylglucosamine
  • Vitamin B3 (niacinamide)
  • Alpha-arbutin
  • Vitamin C
  • Glutathione

Loại da phù hợp

Các loại kem hay gel dưỡng trắng da cho hiệu quả cao nhất khi dùng cho các vùng da tăng sắc tố phẳng, chẳng hạn như nám hoặc đồi mồi. Những sản phẩm này phù hợp với hầu hết các loại da.

Các sản phẩm nồng độ thấp đến vừa là lựa chọn an toàn để làm sáng màu các vùng da thâm sạm nhưng hiệu quả sẽ chậm hơn so với các sản phẩm nồng độ cao.

2. Tẩy da chết hóa học

Các sản phẩm tẩy da chết hóa học có tác dụng làm bong tế bào ở lớp trên cùng của da. Khi các tế bào da cũ bị loại bỏ, lớp tế bào mới bên dưới sẽ được đẩy lên để thay thế. Quá trình này giúp da đều màu và mịn màng hơn.

Tẩy da chết hóa học cũng gồm các sản phẩm nồng độ thấp đến vừa được bán ở các shop mỹ phẩm và các sản phẩm có nồng độ cao, cần sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ da liễu.

Các thành phần tẩy da chết hóa học phổ biến gồm có:

  • Alpha hydroxy acid, chẳng hạn như glycolic acid, lactic acid, citric acid, malic acid hoặc tartaric acid
  • Azelaic acid
  • Kojic acid
  • Salicylic acid
  • Vitamin C (ở dạng axit l-ascorbic)

Loại da phù hợp

Tẩy da chết hóa học cho hiệu quả cao nhất khi dùng để điều trị tăng sắc tố nhẹ trên làn da sáng màu.

3. Retinoid

Retinoid là một dẫn xuất vitamin A và là một trong những thành phần không kê đơn được sử dụng sớm nhất trong chăm sóc da. Nhờ có cấu trúc phân tử nhỏ nên retinoid có thể đi sâu vào da và điều trị các lớp da ở bên dưới biểu bì. Retinoid được mệnh danh là “thần dược” trong chăm sóc da với rất nhiều công dụng khác nhau như trị mụn, làm sáng da, ngăn ngừa lão hóa và trẻ hóa da.

Các sản phẩm chứa retinoid có cả dạng kê đơn và không kê đơn. Sản phẩm không kê đơn có nồng độ retinoid thấp hơn. Nếu chưa từng dùng retinoid trước đây thì nên bắt đầu từ nồng độ thấp. Nếu không thấy hiệu quả sau một thời gian sử dụng thì chuyển sang mức nồng độ cao hơn.

Loại da phù hợp

Retinoid không kê đơn an toàn cho mọi loại da và tông màu da nhưng nếu có da tối màu và định sử dụng retinoid lâu dài thì trước tiên nên đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn.

Cũng cần lưu ý, tác dụng chính của retinoid là ngăn ngừa lão hóa và trẻ hóa da chứ không phải điều trị tình trạng tăng sắc tố. Do đó, retinoid không phải là giải pháp tốt nhất để làm mờ các vết thâm sạm trên da.

4. Peel da hóa học

Peel da hóa học là phương pháp sử dụng axit nồng độ cao để điều trị các vấn đề trên da như sẹo, thâm sạm và nếp nhăn. Peel da hóa học giúp làm sáng màu các vùng da bị tăng sắc tố bằng cách loại bỏ đi lớp biểu bì. Một số loại dung dịch axit có thể thâm nhập sâu vào lớp giữa của da (lớp hạ bì), nhờ đó cho hiệu quả nhanh hơn và rõ rệt hơn.

Mặc dù có nhiều sản phẩm peel da hóa học không kê đơn nhưng nên cân nhắc peel da ở các phòng khám hay khoa da liễu của bệnh viện. Dung dịch axit được dùng tại bệnh viện có nồng độ cao hơn nhiều và sẽ cho kết quả nhanh hơn.

Tuy nhiên, cũng vì sử dụng axit nồng độ cao nên peel da hóa học tại bệnh viện có nguy cơ xảy ra vấn đề không mong muốn cao hơn.

Những vấn đề có thể xảy ra khi peel da hóa học là ửng đỏ, kích ứng và mụn nước. Khi thực hiện không đúng cách, da còn có thể bị phồng rộp hoặc hình thành sẹo.

Nếu bạn thường xuyên ra ngoài nắng thì peel da hóa học không phải lựa chọn điều trị phù hợp. Peel da hóa học khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Nếu không bôi kem chống nắng đầy đủ và không sử dụng các biện pháp bảo vệ da khác thì tia cực tím trong ánh nắng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tăng sắc tố da. Vì thế nên cần phải bảo vệ da thật cẩn thận trong thời gian ít nhất một tuần sau khi peel da hóa học.

Loại da phù hợp

Peel da hóa học có thể khắc phục các vấn đề như:

  • Đốm đồi mồi
  • Sạm da do ánh nắng
  • Nám da
  • Da không đều màu

Phương pháp này phù hợp nhất cho da sáng màu và mang lại hiệu quả nhanh hơn so với các sản phẩm tẩy da chết hóa học.

5. Tái tạo bề mặt da bằng laser

Phương pháp tái tạo bề mặt da bằng laser (laser resurfacing) sử dụng các chùm ánh sáng tập trung vào vùng da bị tăng sắc tố để làm sáng màu da.

Có hai loại laser là laser xâm lấn và laser không xâm lấn. Laser xâm lấn là loại có cường độ mạnh nhất và sẽ phá hủy các lớp da bên trên. Mặt khác, laser không xâm lấn nhắm vào lớp hạ bì để thúc đẩy tăng sinh và củng cố cấu trúc collagen.

Laser xâm lấn mạnh hơn nhưng rủi ro lại cao hơn. Cả laser xâm lấn và laser không xâm lấn đều phá hủy các yếu tố trong da để tạo điều kiện cho tế bào da mới phát triển, giúp da căng mịn và đều màu hơn.

Loại da phù hợp

Có nhiều loại laser được sử dụng để tái tạo bề mặt da và mỗi loại laser sẽ phù hợp với loại da và vấn đề khác nhau. Laser xâm lấn phù hợp với những người có da trắng. Ở một số người, laser không xâm lấn khiến cho da bị tối màu đi thay vì sáng lên. Bác sĩ da liễu sẽ dựa trên tình trạng da và màu da để chọn ra loại laser an toàn và hiệu quả nhất.

6. Liệu pháp ánh sáng xung cường độ cao (IPL)

Liệu pháp ánh sáng xung cường độ cao (IPL hay photofacial) là một phương pháp điều trị sử dụng laser không xâm lấn (laser phân tách). Liệu pháp IPL kích thích sự sản sinh collagen trong lớp hạ bì của da. Một liệu trình IPL thường gồm nhiều buổi điều trị.

IPL được sử dụng để khắc phục các vấn đề về sắc tố da nói chung nhưng đặc biệt hiệu quả đối với các đốm tăng sắc tố phẳng. Phương pháp này còn giúp làm mờ nếp nhăn, điều trị tĩnh mạch mạng nhện và thu nhỏ lỗ chân lông to.

Loại da phù hợp

Liệu pháp IPL phù hợp nhất cho da trắng.

7. Mài da vi điểm

Mài da vi điểm (microdermabrasion) cũng là một giải pháp điều trị tăng sắc tố da. Phương pháp này chỉ tác động đến lớp biểu bì của da.

Trong phương pháp mài da vi điểm, một thiết bị cầm tay được di nhẹ và nhanh trên da để loại bỏ đi lớp biểu bì. Thường phải trị liệu nhiều buổi để có kết quả như mong muốn.

Loại da phù hợp

Mài da vi điểm cho hiệu quả cao nhất khi dùng để trị các vết sẹo nông nhưng cũng có thể cải thiện tình trạng tăng sắc tố da. Phương pháp này phù hợp cho những người có da sáng màu.

8. Mài mòn da

Phương pháp mài mòn da (dermabrasion) cũng loại bỏ lớp biểu bì của da nhưng tác động xuống cả một phần của lớp hạ bì, có nghĩa là sâu hơn một chút so với mài da vi điểm.

Mặc dù mài mòn da đôi khi còn được sử dụng để làm mờ các nếp nhăn nhưng phương pháp này chủ yếu có tác dụng giải quyết các vấn đề như:

  • Sẹo mụn
  • Đốm đồi mồi
  • Sẹo do tổn thương da, chẳng hạn như sẹo do thủy đậu
  • Sạm da do ánh nắng mặt trời

Phương pháp mài mòn da cũng sử dụng một thiết bị cầm tay giống như mài da vi điểm. Thiết bị này được di nhanh trên da để loại bỏ lớp biểu bì và phần trên cùng của lớp hạ bì.

Loại da phù hợp

Mài mòn da là giải pháp dành cho những người đang muốn cải thiện tình trạng tăng sắc tố. Do tác động xuống sâu hơn nên phương pháp này cho hiệu quả nhanh hơn so với mài da vi điểm.

Mài mòn da phù hợp nhất với da trắng. Những người có da tối màu có thể sẽ bị tăng sắc tố nặng thêm sau khi trị liệu nhưng các mảng tăng sắc tố mới thường mờ dần sau khoảng 8 tuần.

Nên chọn phương pháp nào?

Màu da là một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn phương pháp điều trị tăng sắc tố, nồng độ (axit), cường độ (laser) và thời gian điều trị. Theo các chuyên gia da liễu, một số liệu pháp phù hợp cho mọi tông da nhưng những người có da tối màu cần điều trị nhiều lần hơn để có được kết quả tương đương với những người có tông da sáng.

Da trắng đáp ứng tốt với hầu hết các phương pháp điều trị tăng sắc tố.

Người có da dễ bắt nắng và da tối màu không nên chọn phương pháp điều trị bằng laser high-beam và IPL.

Người có tông da trung bình có thể chọn các phương pháp sau:

  • Peel da hóa học
  • Mài da vi điểm

Các phương pháp điều trị tăng sắc tố phù hợp với da tối màu:

  • Axit glycolic
  • Axit kojic
  • Kem làm trắng da
  • Mài da vi điểm
  • Peel da hóa học nồng độ thấp
  • Tái tạo bề mặt bằng laser nhưng phải sử dụng laser cường độ thấp và tăng số buổi điều trị để đảm bảo an toàn

Các sản phẩm dạng bôi thường cho hiệu quả chậm hơn và dù chọn phương pháp điều trị nào thì cũng đều phải kiên trì thực hiện đều đặn.

Tốt nhất nên đi khám bác sĩ da liễu để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng tăng sắc tố và được tư vấn giải pháp điều trị thích hợp.

Cho dù chọn phương pháp nào thì cũng phải chú ý bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời sau khi điều trị để tránh bị tăng sắc tố trở lại. Mỗi ngày đều phải bôi kem chống nắng, ngay cả khi trời nhiều mây và bôi lại nếu ở lâu ngoài trời hoặc ra nhiều mồ hôi. Nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên.

Tổng số điểm của bài viết là: 39 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các phương pháp trị mụn rộp (herpes) môi hiệu quả nhất
Các phương pháp trị mụn rộp (herpes) môi hiệu quả nhất

Cách hiệu quả nhất để điều trị và ngăn ngừa bùng phát mụn rộp vẫn là dùng thuốc kháng virus theo đơn của bác sĩ nhưng ngoài ra cũng có thể thử các loại thuốc không kê đơn và biện pháp điều trị tự nhiên.

Bệnh viêm da dị ứng: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Bệnh viêm da dị ứng: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Bệnh viêm da dị ứng là tình trạng da bị phát ban ngứa khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Tình trạng này thường xảy ra trong vòng vài giờ sau khi tiếp xúc với chất gây ra phản ứng dị ứng.

Tinh dầu tràm trà (tea tree oil) có thể giúp điều trị viêm da cơ địa
Tinh dầu tràm trà (tea tree oil) có thể giúp điều trị viêm da cơ địa

Tinh dầu tràm trà chứa các thành phần có đặc tính chữa lành nên có thể giúp làm giảm các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát viêm da cơ địa.

Dầu dừa có giúp điều trị bệnh trứng cá đỏ?
Dầu dừa có giúp điều trị bệnh trứng cá đỏ?

Dầu dừa giàu axit lauric – một loại axit béo có thể làm dịu da bị kích ứng. Vì dầu dừa đã được nghiên cứu về công dụng giảm sưng tấy nên có thể loại dầu này cũng có hiệu quả đối với các triệu chứng của bệnh trứng cá đỏ trên mũi, má và bên dưới mắt.

Dầu dừa – giải pháp cho đôi môi khô nứt nẻ
Dầu dừa – giải pháp cho đôi môi khô nứt nẻ

Nhờ có tác dụng dưỡng ẩm nên dầu dừa được nhiều người sử dụng để dưỡng da. Dầu dừa giúp cải thiện tình trạng da khô ở nhiều vị trí trên cơ thể, bao gồm cả đôi môi. Nếu bạn đang tìm một giải pháp tự nhiên để làm mềm đôi môi khô nứt nẻ thì có thử dùng dầu dừa xem sao.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây