Các biện pháp tự nhiên để điều trị bệnh trứng cá đỏ
Bệnh trứng cá đỏ là gì?
Bệnh trứng cá đỏ (rosacea) là một bệnh lý mạn tính có triệu chứng đặc trưng là đỏ bừng mặt, nổi các mạch máu nhỏ dưới da do giãn mạch, sẩn và mụn mủ, chủ yếu là ở trán, quanh mũi và má nhưng các triệu chứng có thể xảy ra ở lưng, ngực, tai và mí mắt. Trong một số trường hợp, bệnh trứng cá đỏ còn khiến mũi dày lên, gọi là tình trạng mũi sư tử. Các triệu chứng của bệnh thường bùng phát theo đợt khi có tác động của các yếu tố như stress, thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ cao, đồ uống có cồn, đồ ăn cay nóng hay tiếp xúc với hóa chất, ánh nắng. Bệnh này chủ yếu xảy ra ở những người có da trắng và nguy cơ tăng lên khi có tuổi.
Có nhiều cách để điều trị bệnh trứng cá đỏ và trong đó có cả những biện pháp điều trị tự nhiên. Đôi khi còn có thể sử dụng chính những nguyên liệu sẵn có trong nhà.
Phương pháp điều trị tự nhiên
Tốt nhất nên đi khám bác sĩ da liễu khi nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trên da. Mặc dù bệnh trứng cá đỏ thường khá lành tính nhưng những thay đổi trên da có thể là dấu hiệu chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng hơn chứ không chỉ đơn giản là trứng cá đỏ. Cần đi khám để xác định vấn đề và có biện pháp điều trị thích hợp.
Nếu đúng là bệnh trứng cá đỏ và tình trạng không quá nghiêm trọng thì có thể thử các biện pháp dưới đây trước khi điều trị bằng thuốc.
Lô hội
Chất gel trong suốt bên trong lá lô hội có tác dụng làm mềm và dưỡng ẩm cho da. Những đặc tính có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh trứng cá đỏ.
Nhiều loại kem dưỡng ẩm có thành phần lô hội. Bạn có thể sử dụng những sản phẩm này hoặc bôi gel lô hội tươi. Nếu dùng lô hội tươi thì phải cẩn thận loại bỏ lớp vỏ xanh để tránh bị kích ứng da. Lô hội có thể gây dị ứng hoặc kích ứng nên hãy thoa thử lên da cánh tay trước khi dùng cho mặt.
Ngưu bàng
Ngưu bàng (burdock) là một loại thảo dược có bán ở dạng khô, trà và thực phẩm chức năng.
Rễ ngưu bàng có tác dụng thanh lọc gan và điều trị các bệnh về da như mụn trứng cá. Chiết xuất cây ngưu bàng còn có thể giúp trị bệnh trứng cá đỏ.
Hoa cúc
Giống như lô hội, chiết xuất hoa cúc cũng là một thành phần phổ biến trong nhiều sản phẩm dưỡng da. Hoa cúc có chứa các chất giúp làm dịu và phục hồi da bị viêm hoặc tổn thương.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác dụng điều trị viêm da của hoa cúc. (1) Có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm có chứa chiết xuất hoa cúc hoặc mua tinh dầu hoa cúc, pha loãng với dầu nền và thoa lên da. Ngoài ra, bạn cũng có thể pha trà hoa cúc, đợi cho nguội và dùng để rửa mặt hoặc đắp lên da.
Dầu dừa
Các thành phần có công dụng dưỡng ẩm như dầu dừa rất có lợi cho các bệnh về da do viêm, bao gồm cả bệnh trứng cá đỏ.
Mặc dù gần đây chưa có nghiên cứu nào cho thấy dầu dừa có thể điều trị bệnh trứng cá đỏ nhưng loại dầu này có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và dưỡng ẩm rất tốt. Những đặc tính này có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh trứng cá đỏ.
Có thể thoa dầu dừa nguyên chất trực tiếp lên da hoặc sử dụng dầu dừa làm dầu nền để pha loãng tinh dầu. Chỉ nên thoa một lượng dầu nhỏ vì dầu dừa có thể gây bít tắc lỗ chân lông.
Liên mộc
Liên mộc hay hoa chuông (comfrey) là một loài cây bụi được sử dụng làm thảo dược. Hợp chất allantoin trong loài cây này có tác dụng làm dịu các phản ứng trên da.
Một nghiên cứu vào năm 2017 về một sản phẩm bôi da có chứa allantoin cho thấy hợp chất này giúp cải thiện tình trạng mẩn đỏ và các triệu chứng khác mà hầu như không có tác dụng phụ. (2) Bạn có thể tìm mua các sản phẩm kem bôi có chứa chiết xuất hoa chuông hoặc allantoin.
Cúc thơm
Cúc thơm (feverfew) là một loài thực vật có hoa trắng thuộc họ Cúc, được sử dụng làm thảo dược chữa nhiều bệnh, trong đó có bệnh trứng cá đỏ.
Cúc thơm chứa chất chống oxy hóa và còn có tác dụng bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím giống như một loại kem chống nắng nhẹ. Tiếp xúc với tia cực tím có thể gây bùng phát triệu chứng và làm trầm trọng thêm bệnh trứng cá đỏ.
Nhiều sản phẩm bôi da có chứa chiết xuất cúc thơm nhưng nên chọn những sản phẩm không có parthenolide. Parthenolide có thể làm tăng độ nhạy cảm của da.
Trà xanh
Lá trà xanh rất giàu chất chống oxy hóa, được sử dụng để làm trà, thực phẩm chức năng và cũng là thành phần trong nhiều sản phẩm chăm sóc da. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trà xanh có thể giúp điều trị bệnh trứng cá đỏ.
Chất chống oxy hóa có tác dụng giảm viêm và nhờ đó cải thiện các vấn đề về da do viêm. Do đó, trà xanh là một thành phần phổ biến trong các loại thuốc và kem bôi trị bệnh trứng cá đỏ. Sử dụng các sản phẩm bôi ngoài da có chứa tinh chất trà xanh là phương pháp an toàn và hiệu quả để điều trị bệnh lý này.
Ngoài ra có thể pha trà xanh, sau đó để nguội và đắp lên da. Uống trà xanh cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Tinh dầu oải hương
Có thể sử dụng nhiều loại tinh dầu để làm giảm triệu chứng bệnh trứng cá đỏ. Một trong những loại tinh dầu được nghiên cứu nhiều nhất về công dụng trị bệnh trứng cá đỏ là tinh dầu oải hương (lavender).
Pha loãng tinh dầu oải hương với dầu nền (chẳng hạn như dầu dừa) và thoa lên da hoặc trộn một vài giọt tinh dầu vào kem dưỡng ẩm với tỷ lệ khoảng 5 giọt tinh dầu cho mỗi 30 gram kem. Tinh dầu có thể gây dị ứng nên cần thử phản ứng trên da cánh tay trước khi dùng cho mặt.
Niacinamide
Niacinamide là một dạng vitamin B3 có trong nhiều loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh và ngũ cốc.
Niacinamide đang là một thành phần dưỡng da rất nổi tiếng với nhiều công dụng như ngăn ngừa lão hóa da, làm đều màu da, trị mụn trứng cá, duy trì độ ẩm cho da, phục hồi da tổn thương, thu nhỏ lỗ chân lông và kiểm soát sự tiết dầu. Niacinamide còn giúp ngăn ngừa và làm dịu tình trạng đỏ da do bệnh trứng cá đỏ. Niacinamide có trong nhiều loại serum và kem dưỡng da.
Bột yến mạch
Bột yến mạch từ lâu đã được sử dụng để điều trị bệnh trứng cá đỏ. Bột yến mạch được cho là có tác dụng giúp da khỏe hơn và giảm mất nước – một trong những nguyên nhân có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Bột yến mạch còn giúp giảm ngứa.
Có thể trộn vài thìa bột yến mạch với nước và đắp lên da giống như mặt nạ.
Mật ong thô
Mật ong, đặc biệt là mật ong thô (raw honey), có thể giúp làm dịu các triệu chứng của bệnh trứng cá đỏ vì mật ong có tác dụng duy trì độ ẩm cho da. Tình trạng khô da sẽ làm trầm trọng thêm bệnh trứng cá đỏ. Trong một nghiên cứu vào năm 2015, mật ong từ phấn hoa kanuka đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc điều trị bệnh trứng cá đỏ. (3)
Nên mua mật ong nguyên chất và nếu có thể thì nên tìm mua mật ong kanuka hoặc manuka. Bôi một lượng nhỏ mật ong trực tiếp lên da và rửa sạch bằng nước ấm sau 15 – 20 phút.
Tinh dầu tràm trà
Tinh dầu tràm trà (tea tree oil) có tác dụng điều trị rất nhiều vấn đề về da nhờ có đặc tính chống viêm. Loại tinh dầu này còn giúp giảm ngứa.
Chưa có nhiều nghiên cứu tập trung cụ thể vào công dụng trị bệnh trứng cá đỏ của tinh dầu tràm trà nhưng đã có nhiều bằng chứng cho thấy tinh dầu tràm trà có thể cải thiện các vấn đề về da tương tự nên đây là một thành phần rất đáng thử.
Có thể pha loãng tinh dầu tràm trà với dầu nền và thoa lên da hoặc sử dụng các loại kem dưỡng da có chứa thành phần này. Tuy nhiên, cần chú ý đến các thành phần khác có trong sản phẩm và tránh những thành phần gây hại cho da.
Nghệ
Nghệ không chỉ là một loại gia vị mà còn là một loại thảo dược được dùng để chữa nhiều bệnh nhờ tác dụng chống viêm. Các chất trong củ nghệ có thể làm giảm triệu chứng đau và viêm của bệnh trứng cá đỏ. Ngoài ra, nên thêm nghệ vào các món ăn vì loại gia vị này mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Có nhiều cách để điều trị bệnh trứng cá đỏ bằng nghệ, ví dụ như thoa tinh dầu nghệ pha loãng với dầu nền lên da, dùng các loại kem bôi da có chứa tinh chất nghệ hoặc trộn tinh bột nghệ với nước và đắp lên da như mặt nạ.
Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống
Ngoài các biện pháp kể trên, một số thay đổi nhất định trong lối sống và chế độ ăn uống cũng giúp kiểm soát bệnh trứng cá đỏ và ngăn ngừa các đợt bùng phát triệu chứng.
- Hạn chế căng thẳng và lo âu
- Tránh các loại thực phẩm và đồ uống có thể gây bùng phát triệu chứng như đồ ăn cay, nóng và đồ uống có cồn
- Ăn nhiều thực phẩm có chứa chất chống viêm và chất chống oxy hóa như rau màu xanh đậm, rau củ có màu sặc sỡ, cà chua, quả mọng, cá béo, các loại hạt, gừng, nghệ…
- Bôi kem chống nắng hàng ngày để ngăn ngừa bệnh trứng cá đỏ bùng phát do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tia UV.
- Tránh một số loại thuốc, chẳng hạn như steroid tại chỗ, thuốc giãn mạch và thuốc chẹn beta vì các loại thuốc này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh hoặc gây đỏ bừng mặt.
Tuy nhiên, phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ngừng bất kỳ loại thuốc kê đơn nào.
Điều trị bệnh trứng cá đỏ bằng thuốc
Khi đã thử các biện pháp tự nhiên và thay đổi lối sống, chế độ ăn mà tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm thì sẽ cần điều trị bằng các loại thuốc như:
- Axit azelaic
- Benzoyl peroxide
- Thuốc ức chế calcineurin
- Clindamycin
- Metronidazole
- Permethrin
- Retinoid
- Sodium sulfacetamide-sulfur
Tóm tắt bài viết
Có rất nhiều biện pháp đơn giản và tự nhiên để điều trị bệnh trứng cá đỏ. Một số biện pháp còn sử dụng những nguyên liệu sẵn có trong nhà như dầu dừa, trà xanh, nghệ và mật ong. Nếu tình trạng bệnh không nghiêm trọng thì có thể chỉ cần những biện pháp này là đủ để làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh bùng phát mà không cần phải dùng thuốc.
Cần lưu ý, bất kỳ loại thảo dược, tinh dầu hay dầu nào cũng đều có thể gây kích ứng hay dị ứng da nên cần phải thử trên cánh tay và theo dõi phản ứng trong 24 giờ trước khi dùng cho vùng mặt.
Nếu đã thử nhiều biện pháp tự nhiên mà các triệu chứng vẫn không cải thiện hoặc bệnh vẫn bùng phát thường xuyên thì sẽ cần điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp khác để kiểm soát tình trạng bệnh.
Xem thêm: Bệnh trứng cá đỏ là gì và cách điều trị
Bệnh viêm da dị ứng là tình trạng da bị phát ban ngứa khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Tình trạng này thường xảy ra trong vòng vài giờ sau khi tiếp xúc với chất gây ra phản ứng dị ứng.
Nguyên lý của việc dùng dầu để làm sạch da là “dầu hòa tan dầu”. Phương pháp làm sạch da bằng dầu mang lại nhiều lợi ích cho da như loại bỏ dầu thừa, giảm bít tắc lỗ chân lông và làm sạch tế bào da chết.
Tăng sắc tố da là một vấn đề rất phổ biến và có nhiều giải pháp điều trị khác nhau, từ những phương pháp đơn giản có thể thực hiện tại nhà cho đến những phương pháp chuyên sâu cần thực hiện tại bệnh viện hay spa.
Hắc lào hay nấm da là một bệnh về da do một nhóm nấm ăn keratin có tên là dermatophyte gây ra. Các loại nấm này phát triển trên da, tóc và móng vì đó là những khu vực có nhiều keratin của cơ thể.
Các loại dầu và tinh dầu được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm cả các bệnh về da như vảy nến.