Suy thận có thể dẫn đến nhiễm trùng máu
Nhiễm trùng máu là một tình trạng rất nguy hiểm xảy ra do hệ miễn dịch phản ứng quá mức với nhiễm trùng. Gần như bất kỳ loại nhiễm trùng nào cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.
Nhiễm trùng máu gây ra phản ứng viêm trên khắp cơ thể và điều này có thể dẫn đến suy đa tạng. Trên thực tế, nhiễm trùng máu là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của suy thận cấp và xảy ra ở 26 đến 50% số ca suy thận cấp. Suy thận cấp, hay tổn thương thận cấp tính là tình trạng thận bị giảm chức năng đột ngột.
Suy thận cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng máu. Những người bị suy thận thường có hệ miễn dịch yếu và do đó có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn.
Cùng tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa nhiễm trùng máu và suy thận.
Mối liên hệ giữa nhiễm trùng máu và suy thận
Nhiễm trùng máu có thể dẫn đến suy thận cấp và suy thận có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng máu.
Nhiễm trùng máu có thể gây suy thận cấp
Nhiễm trùng máu là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận cấp ở những người mắc các bệnh nghiêm trọng. Suy thận cấp thường có thể chữa khỏi nhưng sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh thận sau này.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu lý do tại sao nhiễm trùng máu dẫn đến tổn thương thận. Hầu hết những lời giải thích cho đến nay đều đến từ các nghiên cứu trên động vật hoặc nghiên cứu khám nghiệm tử thi. Theo các nghiên cứu, một số yếu tố có thể góp phần gây tổn thương thận ở những trường hợp nhiễm trùng máu gồm có:
- Phản ứng viêm
- Rối loạn chức năng các mạch máu nhỏ
- Thay đổi quá trình trao đổi chất, trong đó cơ thể ưu tiên sử dụng đường thay cho chất béo làm nguồn năng lượng chính, điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng.
Những người bị nhiễm trùng máu thường bị suy thận cấp nặng hơn so với những người bị suy thận mà không bị nhiễm trùng máu. Những người này còn có nguy cơ tử vong do suy thận cao hơn.
Suy thận làm tăng nguy cơ nhiễm trùng máu
Bị suy thận có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng máu. Lý do là vì suy thận gây suy yếu hệ hệ miễn dịch và hệ miễn dịch yếu sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng máu.
Ảnh hưởng của suy thận đến hệ miễn dịch
Những người mắc suy thận mạn thường có hệ miễn dịch suy yếu. Điều này là do sự tích tụ các chất độc trong máu khi thận không hoạt động bình thường.
Lọc máu điều trị suy thận làm tăng nguy cơ nhiễm trùng máu
Trước khi bắt đầu lọc máu điều trị suy thận, người bệnh sẽ phải trải qua phẫu thuật tạo đường vào mạch máu, có thể bằng cách nối động – tĩnh mạch, đặt cầu nối nhân tạo hoặc ống thông (catheter). Quá trình phẫu thuật có thể đưa vi khuẩn vào trong máu và dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng máu. Theo một thống kê tại Mỹ, vào năm 2020 có hơn 14.000 bệnh nhân lọc máu bị nhiễm trùng máu.
Nguy cơ nhiễm trùng máu phụ thuộc vào loại đường vào mạch máu.
Trong một nghiên cứu lớn vào năm 2020 với hơn 870.000 người tham gia, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khoảng 30% số bệnh nhân lọc máu tại Mỹ từ năm 2006 đến 2014 bị nhiễm trùng máu tại thời điểm tái khám trung bình là 1,64 năm. Những trường hợp sử dụng cầu nối nhân tạo và catheter có nguy cơ nhiễm trùng máu cao hơn đáng kể so với những trường hợp nối động – tĩnh mạch. (1) Chạy thận nhân tạo là loại lọc máu phổ biến nhất. Trong quá trình chạy thận nhân tạo, máu được đưa ra khỏi cơ thể vào máy lọc để loại bỏ chất thải và sau đó được đưa trở lại vào cơ thể.
Triệu chứng nhiễm trùng máu và suy thận cấp
Nhiễm trùng máu và suy thận cấp đều là tình trạng nguy hiểm cần điều trị khẩn cấp. Hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất khi nhận thấy các triệu chứng của nhiễm trùng máu hoặc suy thận cấp.
Triệu chứng nhiễm trùng máu
Các triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng máu ở người lớn gồm có:
- Lú lẫn, nói năng khó khăn, nói ngọng, dính chữ
- Khó thở hoặc thở gấp
- Phát ban da
- Da, lưỡi và mô tím tái hoặc có đốm ở lòng bàn tay, bàn chân
- Sốt, run tay, ớn lạnh
- Da lạnh, đổ mồ hôi
- Đau đớn dữ dội
- Tụt huyết áp
- Tim đập nhanh
Các triệu chứng nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
- Da tái, nổi vân tím, phát ban,
- Ngủ li bì
- Lờ đờ, kém linh hoạt
- Ăn kém
- Tiếng khóc the thé hoặc yếu ớt
Triệu chứng suy thận cấp
Các triệu chứng suy thận cấp thường xuất hiện trong vòng vài giờ đến vài ngày, gồm có:
- Lượng nước tiểu ít hơn bình thường
- Mất nước
- Tích nước, gây phù nề ở chân
- Lú lẫn
- Thở gấp
- Mệt mỏi, buồn ngủ
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Rối loạn nhịp tim
Điều trị nhiễm trùng máu và suy thận
Nhiễm trùng máu và suy thận cấp cần được điều trị khẩn cấp tại bệnh viện. Người bệnh sẽ được theo dõi chặt chẽ để ngăn ngừa các biến chứng đe dọa đến tính mạng. Mục tiêu chính của việc điều trị là giải quyết tình trạng nhiễm trùng gây ra vấn đề và kiểm soát các triệu chứng.
Các phương pháp điều trị gồm có:
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn. Mỗi giờ trì hoãn dùng kháng sinh có thể làm tăng 8% nguy cơ tử vong ở những người bị nhiễm trùng máu và suy thận cấp. (2, https://www.karger.com/Article/FullText/528685
- Thuốc kháng virus: Thuốc kháng sinh không thể điều trị nhiễm trùng do virus. Nhiễm trùng do virus cần điều trị bằng thuốc kháng virus. Thuốc kháng sinh thường chỉ được dùng khi không rõ nguyên nhân gây nhiễm trùng.
- Truyền dịch tĩnh mạch: Bổ sung nước qua đường tĩnh mạch giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước và suy thận.
- Liệu pháp oxy: Người bệnh có thể được cung cấp oxy qua mặt nạ hoặc ống thông để tăng lượng oxy lưu thông trong máu.
- Thuốc tăng huyết áp: Người bệnh có thể cần dùng thuốc vận mạch để làm tăng huyết áp nếu huyết áp tụt xuống mức thấp nguy hiểm.
- Các loại thuốc khác: Bác sĩ cũng có thể sẽ kê thêm các loại thuốc khác để:
- cân bằng lượng đường trong máu
- ngăn ngừa hình thành cục máu đông
- ngăn ngừa các biến chứng khác
- kiểm soát mức kali và canxi
- Lọc máu: Nếu nhiễm trùng máu gây suy thận cấp thì người bệnh có thể phải lọc máu để giảm nồng độ hóa chất độc hại trong máu.
Nhiễm trùng máu đi kèm suy thận nguy hiểm như thế nào?
Nhiễm trùng máu và suy thận cấp có thể đe dọa đến tính mạng nếu hai tình trạng này xảy ra đồng thời. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị suy đa tạng và tử vong.
Trong một nghiên cứu vào năm 2022 với 1.122 người tham gia, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tỷ lệ tử vong ở những người bị nhiễm trùng máu là 16,59% nhưng tỷ lệ tử vong tăng lên 25,68% ở những người bị cả nhiễm trùng máu và suy thận.
Những người phải lọc máu có nguy cơ tử vong do nhiễm trùng máu cao gấp 30 đến 50 lần so với những người không phải lọc máu.
Tiên lượng nhiễm trùng máu kèm theo suy thận
Mặc dù là những tình trạng nguy hiểm nhưng nếu được điều trị kịp thời, người bị nhiễm trùng máu kèm theo suy thận vẫn có thể được cứu sống.
Trong một nghiên cứu vào năm 2018, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy những người từng bị suy thận cấp cùng với nhiễm trùng máu và đã được điều trị khỏi có tuổi thọ tương đương những người chỉ bị nhiễm trùng máu mà không bị suy thận. (3)
Một số người hồi phục hoàn toàn sau khi bị nhiễm trùng máu. Thời gian hồi phục phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng máu
- Thời điểm được điều trị kể từ khi xảy ra vấn đề
- Sức khỏe tổng thể
- Thời gian nhập viện
Suy thận cấp có thể dẫn đến các biến chứng suốt đời như suy thận mạn.
Trong một nghiên cứu vào năm 2022, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có tiền sử nhiễm trùng máu có nguy cơ mắc các vấn đề về thận cao hơn đáng kể so với người không có tiền sử nhiễm trùng máu.
Tóm tắt bài viết
Nhiễm trùng máu là một tình trạng nguy hiểm xảy do phản ứng của hệ miễn dịch với nhiễm trùng. Suy thận cấp là một biến chứng phổ biến của nhiễm trùng máu. Cả hai tình trạng đều cần được điều trị khẩn cấp.
Những người mắc bệnh suy thận cũng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu do suy thận ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch. Lọc máu điều trị suy thận cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng máu.
Ghép thận là một phương pháp phẫu thuật nhằm điều trị suy thận, giúp người bệnh không phải phụ thuộc lâu dài vào thiết bị lọc máu.
Ở những người bị suy thận và mắc bệnh tim, lợi ích của việc điều trị bằng statin có thể sẽ lớn hơn rủi ro. Tuy nhiên, phương pháp điều trị sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh suy thận.
Ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến thận và dẫn đến suy thận. Vấn đề về thận thường xảy ra vào các giai đoạn sau của ung thư.
Mỗi quả thận có những đơn vị lọc máu nhỏ gọi là nephron. Có nhiều nguyên nhân khiến cho các đơn vị lọc máu này bị hỏng và lọc máu kém, cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Hai nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn giai đoạn cuối là bệnh tiểu đường và cao huyết áp.
Bệnh thận mạn và sức khỏe tinh thần có mối liên hệ hai chiều. Bệnh thận mạn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe tinh thần cũng có thể ảnh hưởng đến bệnh thận mạn.