Phân biệt dị ứng thực phẩm và nhạy cảm với thực phẩm
Dị ứng và nhạy cảm với thực phẩm hay không dung nạp thực phẩm đều là những phản ứng bất lợi của cơ thể khi ăn một loại thực phẩm nào đó nhưng những vấn đề này khác nhau như thế nào?
Điểm khác biệt giữa dị ứng thực phẩm và nhạy cảm với thực phẩm là loại phản ứng của cơ thể. Dị ứng thực phẩm xảy ra do phản ứng của hệ miễn dịch. Trong khi đó, nhạy cảm hay không dung nạp thực phẩm lại là phản ứng được kích hoạt bởi hệ tiêu hóa.
Các triệu chứng không dung nạp thực phẩm thường là đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón, đau bụng và buồn nôn. Các triệu chứng phổ biến của dị ứng thực phẩm là nổi mề đay, sưng tấy, ngứa ngáy, chóng mặt, tụt huyết áp và nếu nghiêm trọng thì còn có thể xảy ra sốc phản vệ.
Nhạy cảm với thực phẩm
Theo Sherry Farzan – một nhà dị ứng học và miễn dịch học tại Hệ thống Y tế North Shore-LIJ (Great Neck, New York), nhạy cảm với thực phẩm không nguy hiểm đến tính mạng. Bà giải thích rằng có những dạng không dung nạp thực phẩm không qua trung gian miễn dịch mà nguyên nhân là do cơ thể không có khả năng xử lý hoặc tiêu hóa thức ăn.
Theo Hiệp hội Dị ứng Anh quốc (British Allergy Foundation), nhạy cảm và không dung nạp thực phẩm là vấn đề phổ biến hơn dị ứng thực phẩm và không liên quan đến hệ miễn dịch.
Tình trạng không dung nạp xảy ra trong đường tiêu hóa. Những người bị không dung nạp thường chỉ nhạy cảm với 1, 2 loại thực phẩm nhất định và cơ thể phản ứng thái quá hoặc không có khả năng tiêu hóa loại thực phẩm đó một cách bình thường. Ví dụ, không dung nạp lactose xảy ra do cơ thể không thể tiêu hóa lactose - một loại đường có trong các sản phẩm từ sữa.
Nhạy cảm hay không dung nạp thực phẩm có thể là do nhiều nguyên nhân, gồm có:
- Cơ thể bị thiếu các enzyme cần thiết cho sự tiêu hóa một loại thực phẩm nhất định
- Phản ứng với phụ gia thực phẩm hoặc chất bảo quản như sulfit, bột ngọt hoặc màu nhân tạo
- Các yếu tố dược lý, chẳng hạn như nhạy cảm với caffeine hoặc các hóa chất khác
- Nhạy cảm với các loại đường có tự nhiên trong một số loại thực phẩm như hành tây, bông cải xanh hoặc bắp cải tí hon
Không dung nạp thực phẩm có nhiều triệu chứng khác nhau nhưng đều có liên quan đến đường tiêu hóa. Các triệu chứng thường gặp gồm có:
- Đầy hơi, chướng bụng
- Tiêu chảy
- Táo bón
- Đau bụng
- Buồn nôn và nôn
Dị ứng thực phẩm
Hệ miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi những “kẻ xâm lược” như vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng hoặc virus. Dị ứng thực phẩm xảy ra khi hệ miễn dịch nhận định nhầm một loại protein trong thực phẩm là tác nhân gây hại và tạo ra các kháng thể để tấn công.
Bác sĩ Sherry Farzan giải thích rằng dị ứng thực phẩm là một dạng phản ứng qua trung gian miễn dịch mà phổ biến nhất là phản ứng qua trung gian immunoglobulin E (IgE). IgE là các kháng thể dị ứng. Chúng gây ra phản ứng tức thì khi các chất hóa học được giải phóng, chẳng hạn như histamine từ tế bào mast.
Không giống như chứng không dung nạp hay nhạy cảm với thực phẩm, dị ứng thực phẩm có thể gây tử vong. Trong những trường hợp dị ứng nặng, ăn một lượng nhỏ hoặc thậm chí tiếp xúc da với chất gây dị ứng cũng gây ra phản ứng nghiêm trọng.
Các triệu chứng dị ứng thực phẩm gồm có:
- Các phản ứng da, chẳng hạn như nổi mề đay, sưng tấy và ngứa
- Các triệu chứng về tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy
- Các triệu chứng sốc phản vệ như khó thở, thở khò khè, chóng mặt, tụt huyết áp. Nếu không can thiệp kịp thời, sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong.
8 loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất, chiếm 90% các ca dị ứng thực phẩm là sữa, trứng, cá, động vật có vỏ, đậu phộng, các loại hạt, bột mì và đậu nành.
Cũng có những trường hợp dị ứng thực phẩm không qua trung gian IgE. Dạng phản ứng này xảy ra khi các phần khác của hệ miễn dịch được kích hoạt chứ không phải kháng thể IGE.
Các triệu chứng của phản ứng dị ứng không qua trung gian IgE thường không xuất hiện ngay và chủ yếu xảy ra ở đường tiêu hóa, gồm có nôn mửa, tiêu chảy hoặc chướng bụng. Dạng phản ứng này ít được biết đến hơn phản ứng qua trung gian miễn dịch nhưng nói chung là không gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cần làm gì khi bị dị ứng thực phẩm?
Có 8 loại thực phẩm gây dị ứng chính là:
- Sữa
- Trứng
- Cá
- Động vật có vỏ
- Đậu phộng
- Các loại hạt như óc chó, hạt dẻ
- Bột mì
- Đậu nành
Một người có thể chỉ bị dị ứng với một loại thực phẩm duy nhất hoặc dị ứng với nhiều loại thực phẩm cùng lúc. Cách tốt nhất để tránh gặp phải các triệu chứng dị ứng là không ăn và tiếp xúc với loại thực phẩm gây phản ứng dị ứng. Trẻ nhỏ chưa biết cách tự bảo vệ bản thân nên cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần biết được tác nhân gây dị ứng và không để trẻ tiếp xúc.
Những người bị dị ứng thực phẩm hay cha mẹ có con bị dị ứng cần chuẩn bị sẵn bút tiêm tự động epinephrine để sử dụng ngay khi cần thiết.
Phản ứng dị ứng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhưng nếu cẩn thận trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày thì có thể giảm thiểu đáng kể nguy cơ. Khi mua đồ, cần đọc kỹ bảng thành phần và tránh những sản phẩm có chứa thành phần gây dị ứng.
Để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời là một cách đơn giản và hiệu quả để cung cấp vitamin D cho cơ thể. Nếu như ít khi ra nắng thì sẽ có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin D và cần phải bổ sung từ các loại thực phẩm.
Vitamin C có mặt trong rất nhiều loại thực phẩm khác nhau nên không khó để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của cơ thể.
Có rất nhiều loại khoáng chất, vitamin và thảo dược có lợi đối với hệ miễn dịch, chẳng hạn như kẽm, vitamin C, vitamin D, nấm dược liệu…
Bên cạnh việc hạn chế các loại thực phẩm có hại cho sức khỏe tim mạch, những người có chỉ số cholesterol cao cũng nên thêm một số loại thực phẩm và chất dinh dưỡng vào chế độ ăn hàng ngày để giảm cholesterol.
Ngoài thói quen sinh hoạt điều độ, một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng với các loại thực phẩm lành mạnh sẽ giúp hạ huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.