1

Nội soi bàng quang có phát hiện được ung thư bàng quang không?

Nội soi bàng quang là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ quan sát bên trong bàng quang của người bệnh. Nội soi bàng quang giúp phát hiện nhiều vấn đề về bàng quang, trong đó có cả ung thư bàng quang. Trên thực tế, nội soi bàng quang là một phần quan trọng trong chẩn đoán ung thư bàng quang.
Nội soi bàng quang có phát hiện được ung thư bàng quang không? Nội soi bàng quang có phát hiện được ung thư bàng quang không?

Khi nghi ngờ ung thư bàng quang, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi bàng quang để kiểm tra. Nội soi bàng quang còn giúp đánh giá và xác định giai đoạn ung thư. Thông thường trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô từ khu vực nghi ngờ trong bàng quang, sau đó mang đi kiểm tra xem có tế bào ung thư hay không. Thủ thuật này gọi là sinh thiết. Khối u kích thước nhỏ cũng có thể được cắt bỏ bằng phương pháp nội soi bàng quang.

Nội soi bàng quang là gì?

Nội soi bàng quang là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cho phép bác sĩ nhìn thấy bên trong bàng quang của người bệnh. Nội soi bàng quang được sử dụng trong chẩn đoán nhiều vấn đề về bàng quang, bao gồm cả ung thư bàng quang. Đôi khi, các vấn đề về bàng quang được điều trị ngay trong quá trình nội soi.

Trong quá trình nội soi bàng quang, một ống dài và hẹp được đưa qua niệu đạo vào bàng quang. Có hai loại ống nội soi bàng quang là ống nội soi mềm và ống nội soi cứng:

  • Ống nội soi mềm: đây là loại ống nội soi hẹp và có thể uốn cong. Quá trình nội soi bàng quang bằng ống nội soi mềm thường không cần phải gây mê. Tuy nhiên, ống nội soi mềm chỉ có thể giúp quan sát bên trong bàng quang và niệu đạo chứ không thể thực hiện thủ thuật.
  • Ống nội soi cứng: loại ống nội soi này có đường kính lớn hơn nhưng không thể uốn cong. Nội soi bàng quang bằng ống nội soi cứng thường phải gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ. Bác sĩ có thể đưa dụng cụ phẫu thuật qua ống nội soi cứng.

Thông thường, ống nội soi cứng được sử dụng khi cần thực hiện các thủ thuật trong quá trình nội soi, ví dụ như cắt bỏ u nang, khối u lành tính, khối u ung thư nhỏ hoặc lấy mẫu sinh thiết. Ống nội soi mềm được sử dụng khi chỉ cần quan sát bên trong bàng quang. Tuy nhiên, cả hai loại đều có thể được sử dụng để chẩn đoán ung thư bàng quang.

Nội soi bàng quang giúp phát hiện ung thư bàng quang như thế nào?

Nội soi bàng quang giúp bác sĩ nhìn thấy bên trong bàng quang của người bệnh. Khi nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi bàng quang để tìm khối u và đánh giá kích thước cũng như vị trí khối u.

Nếu phát hiện khu vực bất thường trong quá trình nội soi bàng quang, bác sĩ sẽ lấy một mảnh mô nhỏ và sau đó mẫu mô sẽ được kiểm tra xem có tế bào ung thư hay không. Nếu khối u có kích thước nhỏ, bác sĩ có thể cắt bỏ ngay trong khi nội soi bàng quang.

Nội soi bàng quang còn được sử dụng trong quá trình tái khám theo dõi sau khi hoàn tất điều trị ung thư. Người bệnh thường phải tái khám sau 6 tháng và 12 tháng để kiểm tra xem có dấu hiệu ung thư tái phát hay không.

Quá trình nội soi bàng quang

Quá trình nội soi bàng quang diễn ra rất nhanh. Thời gian và các bước thực hiện cụ thể sẽ phụ thuộc vào loại nội soi bàng quang và có cần kết hợp thực hiện các thủ thuật khác, chẳng hạn như sinh thiết hoặc phẫu thuật cắt bỏ hay không.

Dưới đây là các bước chính trong quá trình nội soi bàng quang:

  1. Người bệnh đi tiểu để làm trống bàng quang và thay áo choàng bệnh viện.
  2. Phụ nữ thường sẽ nằm lên bàn khám giống như bàn khám phụ khoa. Nếu là nam giới và sử dụng ống nội soi bàng quang mềm thì thông thường người bệnh sẽ nằm ngửa, thẳng người còn nếu sử dụng ống nội soi bàng quang cứng, người bệnh sẽ nằm ngửa, hai chân tách ra và nâng lên.
  3. Người bệnh có thể sẽ được gây mê toàn thân, đặc biệt là khi sử dụng ống nội soi cứng hoặc nếu cần sinh thiết hoặc phẫu thuật cắt bỏ trong quá trình nội soi. Bác sĩ sẽ thông báo trước về phương pháp vô cảm được sử dụng.
  4. Ống nội soi sẽ được phủ một lớp gel gây tê để giảm đau đớn. Gel gây tê cũng sẽ được bôi vào niệu đạo của người bệnh trước khi bác sĩ đưa ống nội soi vào.
  5. Ống nội soi từ từ được đưa qua niệu đạo vào bàng quang.
  6. Camera ở đầu ống nội soi sẽ thu hình ảnh bên trong bàng quang và hiển thị trên màn hình, giúp bác sĩ đánh giá bên trong niệu đạo và bàng quang.
  7. Bơm dung dịch muối sinh lý hoặc một loại dung dịch vô trùng vào bàng quang để làm căng phồng bàng quang. Điều này sẽ giúp bác sĩ quan sát rõ hơn.
  8. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành các thủ thuật như sinh thiết hoặc cắt bỏ khối u nhỏ.
  9. Sau khi hoàn tất, ống nội soi được rút ra.

Rủi ro của nội soi bàng quang

Nội soi bàng quang rất an toàn nhưng không phải hoàn toàn không có rủi ro. Một số vấn đề không mong muốn có thể phát sinh trong và sau khi nội soi bàng quang gồm có:

  • Tiểu ra máu
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Tạm thời không thể đi tiểu
  • Tổn thương bàng quang
  • Tổn thương niệu đạo (chẳng hạn như hẹp niệu đạo)
  • Cần đặt ống thông tiểu

Nếu người bệnh gặp khó khăn khi đi tiểu hoặc nếu có triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu, chẳng hạn như đau bụng, đau vùng chậu, tiểu gấp, nóng rát khi đi tiểu hoặc nước tiểu đục thì hãy đi khám ngay. Nhiễm trùng đường tiết niệu cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng nhiễm trùng sẽ ngày càng nghiêm trọng và dẫn đến biến chứng. Nếu không thể đi tiểu hoặc không thể làm trống bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu, người bệnh sẽ phải sử dụng ống thông tiểu tạm thời.

Mức độ chính xác của nội soi bàng quang

Hình ảnh và kết quả nội soi sẽ được bác sĩ thông báo ngay sau khi nội soi xong.

Tuy nhiên, nếu phải sinh thiết trong khi nội soi bàng quang thì thường phải sau vài ngày mới có kết quả.

Nội soi bàng quang rất chính xác và là bước rất quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi bệnh ung thư bàng quang. Theo nghiên cứu, tỷ lệ phát hiện chính xác ung thư bàng quang bằng nội soi bàng quang là khoảng 97%. (1) Các bước chẩn đoán khác như sinh thiết cũng rất quan trọng.

Các phương pháp chẩn đoán ung thư bàng quang khác

Nội soi bàng quang thường được sử dụng kết hợp với các xét nghiệm và phương tiện chẩn đoán hình ảnh để xác nhận ung thư bàng quang, gồm có:

  • Tổng phân tích nước tiểu: giúp loại trừ nhiễm trùng – tình trạng này cũng có nhiều triệu chứng tương tự ung thư bàng quang.
  • Xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư: xét nghiệm này giúp phát hiện sự hiện diện của các chất chỉ ra ung thư trong mẫu nước tiểu.
  • Chụp MRI, CT hoặc các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác: các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này giúp bác sĩ đánh giá bên trong bàng quang một cách chi tiết hơn. Một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng thuốc cản quang. Thuốc cản quang sẽ được tiêm vào tĩnh mạch của người bệnh, sau đó theo máu chảy đến đường tiết niệu và làm cho các cơ quan trong đường tiết niệu hiện thị rõ trên ảnh chụp. Phương pháp này gọi là chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch.
  • Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT): đây vừa một kỹ thuật chẩn đoán và vừa là một phương pháp điều trị. Bác sĩ sẽ cắt bỏ khối u trong bàng quang và sau đó khối u được mang đi phân tích. TURBT thường chỉ được thực hiện khi khối u có kích thước rất nhỏ.

Câu hỏi thường gặp về nội soi bàng quang và ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang có phổ biến không?

Ung thư bàng quang xếp thứ 10 trong danh sách các bệnh ung thư phổ biến nhất trên toàn thế giới. Đây là bệnh ung thư phổ biến thứ 6 ở nam giới và thứ 17 ở phụ nữ. Ước tính có hơn 573.000 ca mắc ung thư bàng quang vào năm 2020. (2)

Tỷ lệ sống sót của người bị ung thư bàng quang có cao không?

Ung thư bàng quang có thể chữa khỏi được nếu được phát hiện sớm. Nếu ung thư được phát hiện và điều trị khi chưa lan ra ngoài bàng quang thì tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh là 96%. (3)

Theo số liệu thống kê từ năm 2011 đến năm 2017, tỷ lệ sống sau 5 năm tổng thể của người mắc bệnh ung thư bàng quang là 77%. Các phương pháp điều trị ung thư đã có nhiều cải tiến trong những năm gần đây và do đó, tỷ lệ sống sót của người bệnh hiện nay cao hơn so với trước.

Nguyên nhân nào gây ung thư bàng quang?

Ung thư bàng quang và các loại ung thư khác có liên quan đến sự biến đổi nhiễm sắc thể. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra những sự biến đổi này.

Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang, chẳng hạn như hút thuốc, tiếp xúc với một số hóa chất, từng xạ trị và thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể trở thành ung thư bàng quang không?

Nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ không tiến triển thành ung thư bàng quang. Tuy nhiên, nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên và mạn tính sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang.

Tóm tắt bài viết

Nội soi bàng quang là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có vai trò quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi ung thư bàng quang. Trong quá trình nội soi bàng quang, một ống dài hẹp được đưa qua niệu đạo vào bàng quang. Hình ảnh thu được sẽ cho phép các bác sĩ kiểm tra bên trong bàng quang và phát hiện khối u hoặc các bất thường khác.

Đôi khi, sinh thiết hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u nhỏ được thực hiện trong quá trình nội soi bàng quang.

Nội soi bàng quang rất chính xác nhưng thường vẫn phải thực hiện thêm các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư trong nước tiểu, chụp MRI hoặc CT để xác nhận kết quả.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Phân biệt bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu
Phân biệt bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu

Tìm hiểu về điểm khác biệt giữa bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu, gồm có nguyên nhân và phương pháp điều trị.

Bàng quang tăng hoạt có xảy ra khi còn trẻ không?
Bàng quang tăng hoạt có xảy ra khi còn trẻ không?

Bàng quang tăng hoạt gây buồn tiểu đột ngột và có thể dẫn đến rò rỉ nước tiểu. Tình trạng này phổ biến nhất ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi nhưng đôi khi xảy ra ở cả những người trẻ tuổi.

Cannabidiol (CBD) có tác dụng điều trị bàng quang tăng hoạt không?
Cannabidiol (CBD) có tác dụng điều trị bàng quang tăng hoạt không?

Có nhiều phương pháp kiểm soát bàng quang tăng hoạt, từ các biện pháp tự nhiên như thảo dược, thay đổi chế độ ăn uống, tập cơ sàn chậu cho đến các phương pháp điều trị y tế như tiêm Botox, dùng thuốc, kích thích điện hay phẫu thuật. Nghiên cứu mới đây đã phát hiện thêm một phương pháp nữa để điều trị chứng bàng quang tăng hoạt, đó là cannabidiol (CBD).

Ung thư bàng quang không xâm lấn cơ là gì?
Ung thư bàng quang không xâm lấn cơ là gì?

Ung thư bàng quang thường bắt đầu ở lớp niêm mạc bên trong bàng quang. Khi ung thư chỉ giới hạn ở lớp niêm mạc bên trong hoặc lớp mô liên kết thì được gọi là ung thư bàng quang không xâm lấn cơ.

Ung thư bàng quang lan có nhanh không?
Ung thư bàng quang lan có nhanh không?

Ung thư bàng quang được chia thành nhiều loại và mỗi loại có tốc độ lan rộng khác nhau. Ví dụ, ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp thường lan chậm trong khi các loại khác lan nhanh hơn nhiều.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây