Ung thư bàng quang không xâm lấn cơ là gì?
Ung thư bàng quang không xâm lấn cơ là gì?
Bàng quang là một cơ quan có khả năng đàn hồi, giống như chiếc túi nằm ở phía trước của khoang chậu. Nước tiểu sau khi được tạo ra ở thận sẽ chảy qua niệu quản và được chứa trong bàng quang cho đến khi đi tiểu.
Bàng quang gồm có nhiều lớp. Theo thứ tự từ trong ra ngoài, các lớp chính gồm có:
- Lớp niêm mạc (hay còn gọi là biểu mô tế bào chuyển tiếp)
- Lớp mô liên kết
- Lớp cơ
- Lớp mỡ
Giống như nhiều cơ quan khác trong cơ thể, bàng quang cũng có thể bị ung thư. Ung thư bàng quang xếp thứ 10 trong số những căn bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Khoảng 90% người bị ung thư bàng quang trên 55 tuổi và độ tuổi trung bình tại thời điểm chẩn đoán là 73.
Ung thư bàng quang thường bắt đầu ở lớp niêm mạc bên trong bàng quang. Khi ung thư chỉ giới hạn ở lớp niêm mạc bên trong hoặc lớp mô liên kết thì được gọi là ung thư bàng quang không xâm lấn cơ (non-muscle invasive bladder cancer - NMIBC) vì ung thư chưa lan vào lớp cơ.
Nguyên nhân gây ung thư bàng quang không xâm lấn cơ
Bất kỳ loại ung thư bàng quang nào cũng đều là do sự phát triển bất thường của các tế bào trong bàng quang gây ra. Ung thư có thể bắt đầu từ nhiều loại tế bào trong bàng quang nhưng cho đến nay, ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp là loại ung thư bàng quang phổ biến nhất.
Nguyên nhân chính xác khiến tế bào bàng quang trở thành tế bào ung thư vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang, bao gồm cả ung thư bàng quang không xâm lấn cơ. Các yếu tố này gồm có:
- Sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là hút thuốc
- Tiền sử gia đình mắc ung thư bàng quang
- Mang một số đột biến gen nhất định
- Tiếp xúc với một số hóa chất công nghiệp, ví dụ như hóa chất dùng trong sản xuất sơn, thuốc nhuộm, kim loại và các sản phẩm dầu mỏ
- Tiền sử xạ trị vùng chậu
- Từng sử dụng một số loại thuốc hóa trị như cyclophosphamide hoặc ifosfamide
- Từng sử dụng mộc phòng kỷ (Aristolochia fangchi)
- Uống nước có chứa asen hoặc clo
- Tiền sử nhiễm trùng bàng quang
- Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài
- Tuổi cao
Triệu chứng ung thư bàng quang không xâm lấn cơ
Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư bàng quang là tiểu ra máu (đái máu). Điều này khiến nước tiểu có màu hồng, đỏ tươi, nâu đỏ hoặc cam. Tuy nhiên, đôi khi lượng máu rất nhỏ và không phát hiện thấy bằng mắt thường. Chỉ khi làm xét nghiệm nước tiểu mới phát hiện có hồng cầu trong nước tiểu.
Các triệu chứng khác của ung thư bàng quang không xâm lấn cơ:
- Đi tiểu nhiều lần
- Tiểu gấp (buồn tiểu đột ngột)
- Đau khi đi tiểu
- Tiểu khó
- Đau lưng
- Đau vùng chậu
Nhiều triệu chứng trong số này giống với triệu chứng của các bệnh lý ít nghiêm trọng hơn, ví dụ như nhiễm trùng đường tiết niệu. Đừng nên chủ quan mà hãy đi khám ngay khi nhận thấy triệu chứng bất thường để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Cấp độ và giai đoạn ung thư bàng quang không xâm lấn cơ
Ung thư bàng quang được phân chia thành các cấp độ và giai đoạn. Việc xác định cấp độ và giai đoạn giúp bác sĩ biết được mức độ tiến triển của bệnh và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất.
Cấp độ ung thư bàng quang
Trước đây, cấp độ (độ mô học) ung thư bàng quang được thể hiện dưới dạng số (từ 1 đến 3) nhưng hiện nay, ung thư bàng quang được chia thành cấp độ thấp (1 đến khoảng 2,5) và cấp độ cao (khoảng 2,5 đến 3).
Các tế bào ung thư càng ít giống tế bào bình thường thì cấp độ càng cao. Cấp độ càng cao thì có nghĩa là ung thư càng dễ lan vào lớp cơ của bàng quang và sau đó lan đến các bộ phận khác trên cơ thể.
Các giai đoạn ung thư bàng quang
Một trong các hệ thống phân chia giai đoạn ung thư bàng quang được sử dụng nhiều nhất là hệ thống TNM. Theo hệ thống này, ung thư bàng quang được chia giai đoạn dựa trên 3 yếu tố là kích thước khối u (tumor – T), mức độ lan đến hạch bạch huyết (node - N) và mức độ di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể (metastasis – M).
Số T càng cao có nghĩa là ung thư càng lan sâu vào các lớp của thành bàng quang. Ung thư bàng quang không xâm lấn cơ là các giai đoạn có số T dưới 2.
Số N lớn hơn 0 có nghĩa là ung thư đã lan tới ít nhất một hạch bạch huyết. Số M lớn hơn 0 có nghĩa là ung thư đã lan đến hạch bạch huyết ở xa hoặc cơ quan khác trong cơ thể (thường là phổi, gan hoặc xương).
Biến chứng của ung thư bàng quang không xâm lấn cơ
Ung thư bàng quang không xâm lấn cơ có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Sụt cân
- Mệt mỏi
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Tắc nghẽn đường tiết niệu
- Suy thận mạn
Khối u càng phát triển thì nguy cơ biến chứng càng cao. Trong những trường hợp ung thư bàng quang không xâm lấn cơ, do khối u có kích thước nhỏ và chưa phát triển vào lớp cơ của bàng quang nên nếu được điều trị kịp thời thì nguy cơ xảy ra biến chứng sẽ thấp hơn so với một số loại ung thư bàng quang khác.
Chẩn đoán ung thư bàng quang không xâm lấn cơ
Hơn một nửa số ca ung thư bàng quang là ung thư không xâm lấn cơ. (1)
Đẻ chẩn đoán ung thư bàng quang, bao gồm cả ung thư bàng quang không xâm lấn cơ, bác sĩ trước tiên sẽ hỏi về bệnh sử và các triệu chứng, sau đó sẽ khám trực tràng (đối với nam giới) hoặc khám vùng chậu (đối với phụ nữ) để xem có khối u hay không.
Sau đó, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu. Các xét nghiệm này giúp phát hiện dấu hiệu của ung thư hoặc các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự ung thư bàng quang.
Thông thường sẽ phải nội soi bàng quang hoặc các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp bể thận niệu quản ngược dòng. Nếu phát hiện khu vực bất thường trong bàng quang thì sẽ phải làm sinh thiết. Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ lấy mẫu mô nhỏ từ khu vực đáng ngờ trong bàng quang để kiểm tra xem có tế bào ung thư hay không.
Điều trị ung thư bàng quang không xâm lấn cơ
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư bàng quang không xâm lấn cơ. Phác đồ điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào cấp độ, giai đoạn ung thư và đáp ứng điều trị.
Dưới đây là các phương pháp điều trị chính.
Cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT)
Trong ca phẫu thuật cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi qua niệu đạo vào bàng quang của người bệnh và cắt bỏ khối u. Phương pháp phẫu thuật này không cần phải cắt rạch qua thành bụng.
Hóa trị trong bàng quang
Hóa trị trong bàng quang có nghĩa là thuốc hóa trị được đưa trực tiếp vào bên trong bàng quang thay vì được uống hoặc tiêm truyền qua đường tĩnh mạch. Hóa trị trong bàng quang thường được thực hiện ngay sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
Liệu pháp miễn dịch trong bàng quang
Tương tự như hóa trị trong bàng quang, liệu pháp miễn dịch trong bàng quang có nghĩa là thuốc miễn dịch được đưa trực tiếp vào bàng quang. Các loại thuốc này giúp hệ miễn dịch chống lại tế bào ung thư. Một loại thuốc miễn dịch được dùng để điều trị ung thư bàng quang là Bacillus-Calmette-Guerin (BCG). Đây cũng chính là loại vắc xin được sử dụng để phòng ngừa bệnh lao.
Phẫu thuật cắt bàng quang
Một số ca bệnh cần phải phẫu thuật cắt bàng quang, có thể chỉ cần cắt một phần hoặc cắt toàn bộ bàng quang.
Tiên lượng của người mắc ung thư bàng quang không xâm lấn cơ
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), tỷ lệ sống sót sau 5 năm của người mắc bệnh ung thư bàng quang không xâm lấn cơ là 96%, cao hơn tỷ lệ sống sót của bệnh ung thư bàng quang nói chung (77%). (2)
Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót chỉ mang tính tham khảo. Tiên lượng thực tế của mỗi ca bệnh là khác nhau vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể, phương pháp điều trị và đáp ứng điều trị. Hơn nữa, tỷ lệ sống sót được tổng hợp từ số liệu từ ít nhất 5 năm trước mà các phương pháp điều trị ung thư không ngừng có sự thay đổi và ngày càng hiệu quả hơn. Nhờ đó mà tuổi thọ của bệnh nhân ung thư ngày nay đã cao hơn so với trước.
Bác sĩ sẽ cho người bệnh biết về tiên lượng cụ thể.
Tóm tắt bài viết
Ung thư bàng quang xảy ra khi tế bào bàng quang phát triển mất kiểm soát. Ung thư bàng quang không xâm lấn cơ có nghĩa là ung thư chưa lan vào lớp cơ của thành bàng quang.
Phần lớn các ca ung thư bàng quang là ung thư không xâm lấn cơ. Tiên lượng ở giai đoạn này đa phần là rất tốt.
Ung thư được phát hiện càng sớm thì càng có nhiều lựa chọn điều trị và khả năng điều trị thành công sẽ càng cao.
Có nhiều phương pháp kiểm soát bàng quang tăng hoạt, từ các biện pháp tự nhiên như thảo dược, thay đổi chế độ ăn uống, tập cơ sàn chậu cho đến các phương pháp điều trị y tế như tiêm Botox, dùng thuốc, kích thích điện hay phẫu thuật. Nghiên cứu mới đây đã phát hiện thêm một phương pháp nữa để điều trị chứng bàng quang tăng hoạt, đó là cannabidiol (CBD).
Chụp cắt lớp vi tính (CT) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh rất hiệu quả trong việc phát hiện và theo dõi ung thư bàng quang.
Phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư bàng quang có thể cải thiện đáng kể khả năng sống sót. Ung thư bàng quang được phát hiện ở giai đoạn đầu thường có thể chữa khỏi.
Ung thư bàng quang được chia thành nhiều loại và mỗi loại có tốc độ lan rộng khác nhau. Ví dụ, ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp thường lan chậm trong khi các loại khác lan nhanh hơn nhiều.
Nội soi bàng quang là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ quan sát bên trong bàng quang của người bệnh. Nội soi bàng quang giúp phát hiện nhiều vấn đề về bàng quang, trong đó có cả ung thư bàng quang. Trên thực tế, nội soi bàng quang là một phần quan trọng trong chẩn đoán ung thư bàng quang.