1

Ung thư bàng quang lan có nhanh không?

Ung thư bàng quang được chia thành nhiều loại và mỗi loại có tốc độ lan rộng khác nhau. Ví dụ, ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp thường lan chậm trong khi các loại khác lan nhanh hơn nhiều.
Ung thư bàng quang lan có nhanh không? Ung thư bàng quang lan có nhanh không?

Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp hay còn gọi là ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu là loại ung thư bàng quang phổ biến nhất. Loại này thường không lan nhanh. Tuy nhiên, các loại ung thư bàng quang khác, chẳng hạn như ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào nhỏ, lại lan nhanh hơn nhiều.

Giống như nhiều bệnh ung thư khác, phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm tóc độ lan của ung thư bàng quang. Ngay cả khi ung thư bàng quang đã lan đến các vị trí khác trong cơ thể (di căn) thì vẫn có thể điều trị thành công.

Cùng tìm hiểu về tốc độ lan các loại ung thư bàng quang, những vị trí mà ung thư bàng quang thường di căn và các phương pháp điều trị khi ung thư bàng quang đã lan rộng.

Những loại ung thư bàng quang lan nhanh

Có nhiều loại ung thư bàng quang, trong đó ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp là loại phổ biến nhất. Khoảng 90% số ca ung thư bàng quang là loại này. Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp có tốc độ lan chậm hơn so với các loại ung thư bàng quang khác.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), các loại ung thư bàng quang lan nhanh gồm có:

  • Ung thư biểu mô tế bào nhỏ: chỉ chiếm khoảng 1% số ca ung thư bàng quang nhưng loại ung thư bàng quang này có thể lan rất nhanh.
  • Ung thư biểu mô tuyến: chiếm khoảng 1% số ca ung thư bàng quang. Loại này thường xâm lấn và lan rộng với tốc độ nhanh.
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy: chiếm khoảng 1 đến 2% tổng số ca ung thư bàng quang. Trong nhiều trường hợp, ung thư biểu mô tế bào vảy phát triển và lan rộng nhanh chóng.

Ung thư bàng quang lan đến những đâu?

Ung thư bàng quang bắt đầu ở lớp tế bào bao phủ bề mặt bên trong bàng quang. Sau đó, ung thư sẽ lan vào thành bàng quang. Thành bàng quang gồm có bốn lớp. Ung thư sẽ lan vào từng lớp, sau đó lan ra khỏi thành bàng quang đến các vị trí khác như:

  • Hạch bạch huyết vùng chậu
  • Hạch bạch huyết vùng bụng
  • Gan
  • Phổi
  • Xương

Các triệu chứng của ung thư bàng quang

Nhiều bệnh lý ít nghiêm trọng hơn cũng có các dấu hiệu và triệu chứng tương tự như ung thư bàng quang. Ví dụ, máu trong nước tiểu thường là triệu chứng đầu tiên của ung thư bàng quang nhưng đó cũng là một triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nên đi khám càng sớm càng tốt khi gặp bất kỳ triệu chứng nào nghi là ung thư bàng quang. Mặc dù các triệu chứng có thể là của một bệnh lý khác nhưng trong trường hợp mắc ung thư bàng quang, việc phát hiện sớm sẽ giúp tăng khả năng điều trị thành công và cải thiện tiên lượng.

Các triệu chứng thường gặp của ung thư bàng quang gồm có:

  • Tiểu ra máu
  • Đau khi đi tiểu
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Tiểu nhiều lần, xảy ra cả vào ban đêm
  • Đau một bên thắt lưng

Khi ung thư bàng quang di căn, người bệnh sẽ còn gặp thêm các triệu chứng khác như:

  • Hụt hơi
  • Vàng da và lòng trắng mắt
  • Đau bụng
  • Đau xương
  • Đau vùng chậu
  • Mất cảm giác ngon miệng khi ăn
  • Sụt cân không chủ đích

Điều trị ung thư bàng quang

Phác đồ điều trị ung thư bàng quang phụ thuộc vào loại và mức độ lan rộng của ung thư.

Ung thư bàng quang giai đoạn đầu thường được điều trị bằng cách phẫu thuật cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, một khi ung thư đã lan rộng thì thường sẽ phải cắt bỏ toàn bộ bàng quang. Phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang cũng thường được chỉ định trong những trường hợp ung thư bàng quang cấp độ cao, xâm lấn và thể tích lớn chưa lan rộng nhưng có khả năng lan rộng cao.

Trong ca phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang, bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ bàng quang cùng một số cơ quan xung quanh trong vùng chậu. Tùy thuộc vào giải phẫu, các cơ quan cần cắt bỏ cùng bàng quang gồm có:

  • Tuyến tiền liệt
  • Túi tinh (nơi sản xuất phần lớn thành phần của tinh dịch)
  • Tử cung
  • Buồng trứng
  • Một phần âm đạo

Các chuyên gia khuyến nghị nên cố gắng bảo tồn bàng quang nếu có thể. Điều này có nghĩa là thay vì cắt bỏ toàn bộ bàng quang, bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ tế bào ung thư một cách tối đa và sau đó điều trị bổ trợ bằng hóa trị và xạ trị.

Trong trường hợp phải cắt bỏ toàn bộ bàng quang, bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật chuyển lưu dòng tiểu. Thủ thuật này tạo ra đường dẫn mới để đưa nước tiểu ra khỏi cơ thể.

Ngoài ra còn các phương pháp điều trị khác ngoài phẫu thuật, tùy thuộc vào mức độ lan rộng của ung thư:

  • Hóa trị: sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị có thể được sử dụng cho ung thư bàng quang đã lan rộng.
  • Xạ trị: sử dụng chùm tia phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u. Xạ trị đôi khi được kết hợp cùng với hóa trị.
  • Liệu pháp miễn dịch: đây là một phương pháp điều trị ung thư mới. Liệu pháp miễn dịch giúp hệ miễn dịch nhận biết và tấn công tế bào ung thư.
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: phương pháp điều trị này lợi dụng sự khác biệt về gen giữa tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh để giúp cơ thể phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư.

Câu hỏi thường gặp về ung thư bàng quang

Có khi nào ung thư bàng quang không lan rộng không?

Không phải khi nào ung thư bàng quang cũng lan khắp cơ thể. Phát hiện và điều trị sớm sẽ có thể ngăn chặn sự lan rộng của ung thư.

Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp chủ yếu lan vào các lớp trong của thành bàng quang, bao gồm cả lớp cơ. Loại ung thư này bắt đầu ở lớp niêm mạc bàng quang, sau đó có thể phát triển vào sâu hơn, gồm có lớp dưới niêm mạc và cơ. Ung thư cũng có thể lan ra ngoài bàng quang đến các vị trí khác, bao gồm cả phổi và xương.

Sau bao lâu thì ung thư bàng quang bắt đầu lan rộng?

Mỗi loại ung thư bàng quang có tốc độ lan rộng khác nhau. Ung thư biểu mô tế bào nhỏ, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tuyến lan nhanh hơn so với ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp.

Ung thư bàng quang có tiếp tục lan trong quá trình điều trị không?

Trong hầu hết các trường hợp, việc điều trị sẽ giúp làm chậm hoặc ngăn chặn sự lan rộng của ung thư bàng quang.

Tỷ lệ sống sót chung của người mắc bệnh ung thư bàng quang là khá cao. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với tất cả các giai đoạn của ung thư bàng quang trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2017 là 77%.

Tuy nhiên, trong những trường hợp ung thư phát triển, lan rộng nhanh và di căn, bệnh có thể trở nen kháng trị, có nghĩa là ung thư tiếp tục lan rộng dù đang trong quá trình điều trị.

Ung thư bàng quang đã lan rộng còn có thể chữa khỏi được không?

Ung thư bàng quang đã lan rộng vẫn có thể chữa khỏi. Mặc dù việc điều trị sẽ cho hiệu quả cao nhất khi ung thư chưa lan rộng nhưng kể cả khi ung thư đã lan ra ngoài bàng quang thì vẫn có nhiều giải pháp điều trị, gồm có phẫu thuật, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch.

Tóm tắt bài viết

Tốc độ lan của bệnh ung thư bàng quang phụ thuộc vào loại ung thư và thời gian bắt đầu điều trị.

Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp là loại ung thư bàng quang phổ biến nhất. Đây cũng là loại ít xâm lấn nhất và phát triển chậm nhất. Các loại ung thư bàng quang ít gặp hơn, chẳng hạn như ung thư biểu mô tế bào nhỏ, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tuyến, thường phát triển nhanh hơn nhiều.

Việc điều trị tùy thuộc vào loại ung thư và mức độ lan rộng của ung thư.

Nếu ung thư đã lan rộng hoặc là loại xâm lấn có khả năng lan rộng thì có thể phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang và các cơ quan vùng chậu xung quanh.

Tuy nhiên, các bác sĩ cố gắng bảo tồn bàng quang nếu có thể. Phương pháp điều trị có thể là cắt bỏ khối u nguyên phát và vùng mô xung quanh kết hợp với hóa trị và xạ trị để ngăn ung thư tiếp tục lan rộng.

Các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm trúng đích, cũng có thể được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang đã lan rộng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: ung thư bàng quang
Tin liên quan
Cannabidiol (CBD) có tác dụng điều trị bàng quang tăng hoạt không?
Cannabidiol (CBD) có tác dụng điều trị bàng quang tăng hoạt không?

Có nhiều phương pháp kiểm soát bàng quang tăng hoạt, từ các biện pháp tự nhiên như thảo dược, thay đổi chế độ ăn uống, tập cơ sàn chậu cho đến các phương pháp điều trị y tế như tiêm Botox, dùng thuốc, kích thích điện hay phẫu thuật. Nghiên cứu mới đây đã phát hiện thêm một phương pháp nữa để điều trị chứng bàng quang tăng hoạt, đó là cannabidiol (CBD).

Chụp CT có thể phát hiện ung thư bàng quang không?
Chụp CT có thể phát hiện ung thư bàng quang không?

Chụp cắt lớp vi tính (CT) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh rất hiệu quả trong việc phát hiện và theo dõi ung thư bàng quang.

Ung thư bàng quang có chữa khỏi được không?
Ung thư bàng quang có chữa khỏi được không?

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư bàng quang có thể cải thiện đáng kể khả năng sống sót. Ung thư bàng quang được phát hiện ở giai đoạn đầu thường có thể chữa khỏi.

Ung thư bàng quang không xâm lấn cơ là gì?
Ung thư bàng quang không xâm lấn cơ là gì?

Ung thư bàng quang thường bắt đầu ở lớp niêm mạc bên trong bàng quang. Khi ung thư chỉ giới hạn ở lớp niêm mạc bên trong hoặc lớp mô liên kết thì được gọi là ung thư bàng quang không xâm lấn cơ.

Nội soi bàng quang có phát hiện được ung thư bàng quang không?
Nội soi bàng quang có phát hiện được ung thư bàng quang không?

Nội soi bàng quang là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ quan sát bên trong bàng quang của người bệnh. Nội soi bàng quang giúp phát hiện nhiều vấn đề về bàng quang, trong đó có cả ung thư bàng quang. Trên thực tế, nội soi bàng quang là một phần quan trọng trong chẩn đoán ung thư bàng quang.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây