Những hoạt động cần tránh sau khi thay khớp gối
Khớp gối liên tục phải chuyển động và chịu sức nặng của cơ thể. Đó là lý do tại sao sụn của khớp gối nhanh bị hao mòn hơn so với các khớp khác và khớp gối là một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể.
Một giải pháp điều trị thoái hóa khớp gối là phẫu thuật thay khớp. Phẫu thuật thay khớp gối giúp giảm đau và phục hồi chức năng đầu gối.
Phẫu thuật thay khớp gối được thực hiện rất phổ biến. Ước tính năm 2021 có khoảng 1 triệu ca phẫu thuật thay khớp gối toàn phần được thực hiện trên toàn thế giới. (1)
Sau khi phẫu thuật thay khớp gối, người bệnh cần đứng dậy đi lại sớm và thực hiện một số bài tập để nhanh chóng khôi phục chức năng đầu gối. Tuy nhiên, có một số bài tập và hoạt động mà người bệnh cần tránh trong giai đoạn hồi phục.
Những hoạt động cần tránh sau khi thay khớp gối
Mục tiêu của phẫu thuật thay khớp gối là giúp người bệnh không còn bị đau và có thể đi lại, vận động bình thường. Tuy nhiên, người bệnh cần tránh các bài tập và hoạt động dưới đây trong giai đoạn hồi phục sau phẫu thuật để tránh làm hỏng khớp gối mới và gây cản trở quá trình hồi phục.
Các hoạt động có nguy cơ té ngã cao
Sau khi thay khớp gối toàn phần, người bệnh sẽ dễ bị té ngã hơn do đầu gối còn yếu, phạm vi chuyển động bị hạn chế và khả năng giữ thăng bằng kém. Té ngã có thể sẽ làm hỏng khớp nhân tạo hoặc khiến cho vết thương lâu lành.
Một nghiên cứu vào năm 2018 được thực hiện trên 134 người đã phẫu thuật thay khớp gối cho thấy 17,2% số người tham gia bị ngã ít nhất một lần trong vòng 6 tháng sau phẫu thuật. Khoảng 2/3 số lần té ngã xảy ra khi đi lại bình thường. (2)
Một số cách để giảm nguy cơ té ngã khi đi lại và sinh hoạt gồm có:
- Bám chắc vào tay vịn khi lên xuống cầu thang
- Lắp tay vịn và trải thảm chống trơn trong nhà tắm
- Sử dụng ghế tắm
- Ngồi xuống khi mặc quần
- Cất hết những đồ đạc có thể gây vấp ngã trên sàn nhà như dây điện, thảm trơn, đồ chơi
- Tránh đi lại trên bề mặt trơn
Ngồi lâu
Ngồi lâu sau phẫu thuật thay khớp gối sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, đặc biệt là trong 2 tuần đầu sau phẫu thuật. Ngồi lâu còn gây cản trở sự thoát dịch ở cẳng chân và khiến tình trạng sưng tấy trở nên nặng hơn.
Trong 7 đến 10 ngày đầu sau phẫu thuật, người bệnh không nên ngồi quá 45 đến 60 phút liên tục. Nếu phải ngồi lâu, hãy gác chân lên cao để giảm sưng.
Các hoạt động khiến khớp gối phải chịu áp lực lớn
Sau khi thay khớp gối, người bệnh nên đứng dậy và đi lại càng sớm càng tốt nhưng cần sử dụng khung tập đi, nạng, gậy chống hoặc các dụng cụ hỗ trợ khác để khớp gối không phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể. Người bệnh có thể cần có người dìu khi đi lại.
Không nên leo cầu thang cho đến khi được sự đồng ý của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu. Khi lên cầu thang, hãy bước chân không phẫu thuật lên trước và khi xuống cầu thang thì bước chân đã phẫu thuật xuống trước.
Chạy và nhảy
Khi chạy, đầu gối phải chịu lực tác động lớn hơn khoảng ba lần so với khi đi bộ. Và khi nhảy, đầu gối sẽ phải chịu lực tác động lớn hơn.
Chạy và nhảy trong thời gian hồi phục sau phẫu thuật thay khớp gối sẽ làm chậm tốc độ lành vết thương hoặc làm hỏng khớp nhân tạo. Ngay cả khi đã đầu gối đã hồi phục hoàn toàn, người bệnh cũng nên tránh các hoạt động gây tác động mạnh lên khớp gối.
Các môn thể thao có tác động mạnh hoặc chuyển hướng đột ngột
Trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật thay khớp gối, người bệnh nên tránh tham gia các môn thể thao gây tác động mạnh lên đầu gối và những môn thể thao đòi hỏi phải chuyển hướng đột ngột, ví dụ như:
- Bóng đá
- Bóng bầu dục
- Trượt tuyết
- Bóng rổ
- Khúc côn cầu
- Thể dục dụng cụ
Thay vào đó, nên lựa chọn các môn thể thao ít gây áp lực lên khớp gối như đạp xe, chơi golf và bơi lội.
Quỳ
Khoảng 60 đến 80% người đã thay khớp gối toàn phần cho biết họ gặp khó khăn khi quỳ hoặc không thể quỳ sau phẫu thuật.
Hiện tại chưa có bằng chứng xác thực nào cho thấy việc quỳ sau phẫu thuật thay khớp gối sẽ làm giảm tuổi thọ của khớp nhân tạo nhưng nếu cảm thấy không thoải mái thì người bệnh không nên quỳ. (3)
Những bài tập có lợi cho việc phục hồi chức năng sau khi thay khớp gối
Sau khi phẫu thuật thay khớp gối, người bệnh sẽ phải trải qua quá trình phục hồi chức năng nhằm mục đích chính là tăng phạm vi chuyển động và tăng sức mạnh của cơ đùi trước (nhóm cơ chính hỗ trợ cho khớp gối).
Dưới đây là một số bài tập thường có trong các giai đoạn của quá trình phục hồi chức năng.
Ngay sau khi phẫu thuật
Ngay sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ phải bắt đầu tập các bài tập đơn giản để lấy lại khả năng vận động ở đầu gối. Ví dụ như:
Duỗi thẳng chân: Cuộn một chiếc khăn lại và đặt dưới gót chân, co các cơ phía trên đầu gối và cố gắng duỗi thẳng đầu gối hoàn toàn. Giữ trong 5 đến 10 giây.
Nằm co gối: Thực hiện bài tập này trong khi nằm và đặt hai bàn chân trên giường. Từ từ di chuyển hai bàn chân về phía mông. Khi bàn chân chạm mông, giữ nguyên tư thế trong 5 đến 10 giây rồi duỗi thẳng chân trở lại.
Bên cạnh những bài tập này, kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ giúp người bệnh học cách sử dụng và đi lại với các dụng cụ hỗ trợ như nạng hay khung tập đi.
3 tháng sau phẫu thuật
Trong vòng 3 tháng sau phẫu thuật, hầu hết người bệnh đều có thể hoạt động trở lại gần như bình thường và tập các bài tập cường độ thấp như:
- Nâng tạ nhẹ
- Bơi lội
- Khiêu vũ nhẹ nhàng
- Chơi golf
6 tháng sau phẫu thuật
Trong vòng 6 tháng sau phẫu thuật, hầu hết người bệnh có thể bắt đầu thực hiện các hoạt động cường độ cao hơn như tennis, nâng mức tạ nặng hơn và một số bài tập cardio. Người bệnh nên hỏi bác sĩ về các bài tập và môn thể thao phù hợp ở từng giai đoạn hồi phục.
Điều gì sẽ xảy ra nếu hoạt động quá sức sau khi thay khớp gối?
Thực hiện các hoạt động gây tác động mạnh lên đầu gối sẽ làm tăng nguy cơ bị lỏng hoặc gãy xương xung quanh khớp nhân tạo.
Vận động quá sức còn có thể gây tăng đau và sưng tấy ở đầu gối, làm chậm quá trình phục hồi và khiến cho việc tập thể dục trở nên khó khăn hơn.
Một số dấu hiệu cho thấy khớp gối đang phải hoạt động quá mức gồm có:
- Tăng đau
- Sưng đầu gối hoặc cẳng chân
- Nóng đỏ quanh đầu gối
Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, tốt hơn hết nên dừng hoạt động và chườm lạnh lên đầu gối trong 15 đến 20 phút.
Nếu tình trạng vẫn tiếp diễn, hãy báo cho bác sĩ.
Tóm tắt bài viết
Bắt đầu vận động sớm sau khi phẫu thuật thay khớp gối sẽ giúp khôi phục chức năng khớp nhanh hơn nhưng có một số hoạt động mà người bệnh nên tránh trong giai đoạn hồi phục, gồm có những hoạt động có nguy cơ té ngã cao, các hoạt động khiến khớp gối phải chịu áp lực lớn, chạy nhảy, quỳ và các môn thể thao gây tác động mạnh lên đầu gối.
Nếu không biết chắc một hoạt động nào đó có an toàn hay không, tốt nhất người bệnh nên hỏi bác sĩ hoặc tránh hoạt động đó cho đến khi đầu gối hồi phục.
Thay khớp háng là một quy trình phẫu thuật trong đó bác sĩ loại bỏ các phần bị hỏng của khớp háng và sau đó thay thế bằng bộ phận nhân tạo.
Sau khi phẫu thuật thay khớp gối, bổ sung một số chất dinh dưỡng có thể giúp bạn hồi phục nhanh hơn và duy trì sức khỏe khớp về lâu dài.
Phẫu thuật thay khớp thường không phải là lựa chọn đầu tiên để điều trị viêm khớp gối. Phẫu thuật thay khớp chỉ được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp gối quá nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp viêm khớp gối đều có thể điều trị bằng các phương pháp không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu.
Thoái hóa khớp gối là dạng thoái hóa khớp gối phổ biến nhất. Tình trạng này gây đau đớn và gây cản trở việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày. Các triệu chứng thoái hóa khớp gối thường tăng nặng sau khi phải đứng lâu, bê đồ nặng hoặc đi lại nhiều. Trong những trường hợp nghiêm trọng, ngay cả các hoạt động cơ bản hàng ngày cũng gây đau đớn. Khi bệnh thoái hóa khớp gối gây đau đầu gối dữ dội và ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật thay khớp gối.
Trong ca phẫu thuật thay khớp ngón tay, khớp ngón tay hỏng hoặc mòn sẽ bị cắt bỏ và thay bằng khớp nhân tạo. Phẫu thuật thay khớp ngón tay chủ yếu được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp nhưng đôi khi cũng được thực hiện để thay thế khớp hư hỏng do những nguyên nhân khác.