1

Những bệnh có liên quan đến rối loạn nhịp tim

Các vấn đề như cơn hoảng loạn và hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp) đôi khi có triệu chứng giống rối loạn nhịp tim. Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra do một số bệnh lý như bệnh tim hay bệnh tuyến giáp. Nếu không được điều trị, rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến nhiều biến chứng.
Những bệnh có liên quan đến rối loạn nhịp tim Những bệnh có liên quan đến rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim (arrhythmia) là thuật ngữ y khoa chỉ tình trạng nhịp tim bất thường. Tim đập quá nhanh, quá chậm hay không đều đều được coi là rối loạn nhịp tim. Có nhiều loại rối loạn nhịp tim, trong đó có những loại nhẹ và có thể không cần điều trị nhưng cũng có những loại nghiêm trọng, có thể dẫn đến các vấn đề nguy hiểm như suy tim hoặc đột quỵ.

Một số vấn đề sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn nhịp tim hoặc khiến cho chứng rối loạn nhịp tim khởi phát.

Cùng tìm hiểu xem những vấn đề nào có triệu chứng giống như rối loạn nhịp tim, những bệnh có thể gây rối loạn nhịp tim và các biến chứng của rối loạn nhịp tim.

Những vấn đề có triệu chứng giống rối loạn nhịp tim

Có nhiều vấn đề cũng gây ra sự thay đổi tạm thời về nhịp tim và biểu hiện giống như chứng rối loạn nhịp tim.

Lo lắng và hoảng loạn

Khi chúng ta cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng, tim sẽ đập nhanh hơn. Sợ hãi, hoảng loạn cũng làm tăng nhịp tim. Cơn hoảng loạn có một số triệu chứng tương tự như rung nhĩ – loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất, chẳng hạn như đổ mồ hôi và choáng váng.

Tiêu thụ nhiều caffeine

Tiêu thụ nhiều caffeine có thể gây ra tình trạng tim đập nhanh và đánh trống ngực.

Đánh trống ngực là khi bạn cảm nhận được tim đập nhanh hoặc mạnh. Hiện tượng này thường chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và đa phần không phải do vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Tuy nhiên, đôi khi đánh trống ngực là biểu hiện của rối loạn nhịp tim.

Những thay đổi về nhịp tim do caffeine gây ra thường không nghiêm trọng nhưng tiêu thụ lượng caffeine quá lớn có thể gây ngừng tim.

Tập thể dục cường độ cao

Tập thể dục cường độ cao có thể gây tình trạng đánh trống ngực. Tình trạng này đa phần tự hết sau khi ngừng tập.

Hạ đường huyết

Lượng đường trong máu thấp thường xảy ra sau một thời gian dài không tiêu thụ carbohydrate. Tình trạng này có thể khiến tim đập nhanh và các triệu chứng khác như:

  • Cáu kỉnh
  • Đổ mồ hôi
  • Run tay
  • Cảm giác đói
  • Chóng mặt, hoa mắt

Những vấn đề có thể gây ra hoặc góp phần gây rối loạn nhịp tim

Có rất nhiều bệnh lý và vấn đề có thể gây ra hoặc góp phần gây ra chứng rối loạn nhịp tim.

Bệnh tim mạch

Một số bệnh tim mạch làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim gồm có:

  • Bệnh cơ tim
  • Bệnh mạch vành
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Nhồi máu cơ tim
  • Viêm tim

Bệnh tuyến giáp

Cả cường giáp (nồng độ hormone tuyến giáp cao) và suy giáp (nồng độ hormone tuyến giáp thấp) đều làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim.

Cường giáp có thể làm tăng nhịp tim và góp phần gây ra những loại rối loạn nhịp tim như rung nhĩ.

Một phương pháp điều trị suy giáp là bổ sung hormone tuyến giáp. Bổ sung hormone tuyến giáp quá liều có thể gây rối loạn nhịp tim và khiến cho tình trạng loãng xương trở nên trầm trọng hơn. Người bệnh cần phải làm xét nghiệm máu định kỳ trong thời gian điều trị để giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim.

Bản thân bệnh suy giáp cũng có thể gây rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như nhịp tim chậm và rung nhĩ.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh hô hấp xảy ra khi phổi bị viêm kéo dài, khiến cho mô phổi bị tổn thương và diện tích phổi bị thu hẹp, gây tắc nghẽn luồng khí ở phổi.

Nghiên cứu cho thấy COPD có thể góp phần gây ra một số loại rối loạn nhịp tim và bệnh tim, chẳng hạn như:

  • Rung nhĩ
  • Loạn nhịp thất
  • Đột tử do tim

Béo phì

Béo phì làm tăng đáng kể nguy cơ rối loạn nhịp tim do các yếu tố như:

  • Tăng áp lực trong các buồng tim
  • Khiến cho phần bên trái của tim phải làm việc nhiều hơn
  • Mỡ tích tụ trong mô tim
  • Gây viêm và sẹo trong tim
  • Thay đổi tín hiệu điện trong tim
  • Những thay đổi về thần kinh và nội tiết tố

Ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là một vấn đề phổ biến ở những người bị rối loạn nhịp tim. Các chuyên gia cho rằng chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra nhiều thay đổi trong cơ thể góp phần dẫn đến rối loạn nhịp tim như:

  • Giảm nồng độ oxy trong máu
  • Gia tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm
  • Tái cấu trúc tim

Nhiễm trùng do virus

Các nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa nhiều bệnh nhiễm trùng do virus và rối loạn nhịp tim, gồm có:

  • COVID-19
  • Nhiễm virus Zika
  • Sốt xuất huyết
  • Sốt xuất huyết Dengue
  • Nhiễm adenovirus
  • Cúm

Những loại virus này gây ra một số thay đổi ở tim làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như viêm và sẹo ở mô tim.

Uống nhiều rượu

Nghiên cứu cho thấy uống quá nhiều rượu làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại rối loạn nhịp tim, gồm có rung nhĩ và cuồng nhĩ.

“Hội chứng tim ngày lễ” (Holiday heart syndrome) là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng rung nhĩ do uống rượu quá nhiều. Do tình trạng này thường xảy ra vào các kỳ nghỉ lễ, khi mọi người tụ tập ăn uống nên được gọi là hội chứng tim ngày lễ.

Triệu chứng thường gặp nhất của hội chứng tim ngày lễ là đánh trống ngực, có thể là tạm thời hoặc kéo dài.

Các tác nhân kích hoạt rối loạn nhịp tim

Cơn rối loạn nhịp tim có thể tái phát do nhiều tác nhân như:

  • Lượng đường trong máu cao hoặc thấp
  • Tiêu thụ caffeine
  • Sử dụng ma túy
  • Sử dụng các chất làm tăng tỉnh táo hoặc mức năng lượng
  • Nồng độ chất điện giải thấp
  • Tập thể dục cường độ cao
  • Những cảm xúc như căng thẳng, lo lắng, sợ hãi hoặc tức giận
  • Nôn mửa hoặc ho

Các biến chứng của rối loạn nhịp tim

Nếu không được điều trị, rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Cục máu đông

Rung nhĩ là tình trạng các buồng trên của tim co bóp quá nhanh, khiến cho máu không được đẩy hết xuống các buồng dưới. Máu ứ đọng lại trong tâm nhĩ có thể hình thành cục máu đông.

Đột quỵ

Cục máu đông có thể di chuyển theo máu đến não và gây đột quỵ. Ước tính, 10 đến 12% số ca đột quỵ do thiếu máu cục bộ là do rung nhĩ. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là loại đột quỵ xảy ra khi một động mạch cấp máu cho não bị tắc nghẽn.

Nghiên cứu cho thấy rằng những người bị rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao hơn gấp sáu lần so với những người không bị rung nhĩ.

Thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi là tình trạng cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch ở phổi. Tình trạng này có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Trong một nghiên cứu vào năm 2018, các nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng những người bị rung nhĩ có nguy cơ bị thuyên tắc phổi cao hơn gần gấp 11 lần so với những người không bị rung nhĩ.

Suy tim

Suy tim là khi tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Rung nhĩ làm tăng nguy cơ suy tim và ngược lại, suy tim cũng làm tăng nguy cơ rung nhĩ.

Ngừng tim

Ngừng tim là khi tim đột ngột ngừng đập. Rung thất là nguyên nhân phổ biến nhất gây ngừng tim. Khoảng 70% số ca ngừng tim là do rung thất.

Tóm tắt bài viết

Rối loạn nhịp tim là nhịp tim bất thường, gồm có tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Một số loại rối loạn nhịp tim không cần điều trị nhưng cũng có những loại nghiêm trọng, có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng.

Hãy đi khám càng sớm càng tốt khi có những triệu chứng rối loạn nhịp tim. Bác sĩ sẽ xác định loại rối loạn nhịp tim và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim gồm có dùng thuốc, thiết bị tim cấy ghép, thủ thuật tim và thay đổi lối sống.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Loạn nhịp xoang là gì?
Loạn nhịp xoang là gì?

Rối loạn nhịp xoang là tình trạng nhịp tim không đều, quá nhanh hoặc quá chậm.

Rối loạn nhịp tim: Triệu chứng, tiên lượng và cách điều trị
Rối loạn nhịp tim: Triệu chứng, tiên lượng và cách điều trị

Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim hoặc tần số tim bất thường. Điều này xảy ra khi các xung điện chỉ đạo và điều hòa nhịp tim không hoạt động bình thường, khiến tim đập quá nhanh (nhịp tim nhanh), quá chậm (nhịp tim chậm), quá sớm (ngoại tâm thu) hoặc hỗn loạn, không đều (rung nhĩ/rung thất).

Rối loạn nhịp tim chậm là gì?
Rối loạn nhịp tim chậm là gì?

Trái tim khỏe mạnh có tần suất đập ổn định. Ở hầu hết người lớn, nhịp tim khi nghỉ ngơi là từ 60 đến 100 lần mỗi phút. Rối loạn nhịp tim chậm (bradyarrhythmia) là khi tim đập dưới 60 lần/phút và sự co bóp của tim không bắt đầu từ nút xoang, nơi xuất phát các tín hiệu điện điều hòa nhịp tim.

Rối loạn nhịp thất là gì và điều trị bằng cách nào?
Rối loạn nhịp thất là gì và điều trị bằng cách nào?

Rối loạn nhịp thất (ventricular arrhythmia) là tình trạng nhịp tim bất thường bắt đầu từ tâm thất, hai buồng dưới của tim. Tim có thể đập quá nhanh hoặc các buồng tim co bóp không đồng bộ khiến tim không thể hoạt động bình thường.

Rối loạn nhịp tim có gây tử vong không?
Rối loạn nhịp tim có gây tử vong không?

Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim bất thường, có thể là nhanh hơn, chậm hơn bình thường hoặc hỗn loạn, không ổn định. Có nhiều loại rối loạn nhịp tim. Mỗi loại có mức độ nghiêm trọng và nguy cơ tử vong khác nhau. Những loại rối loạn nhịp tim bắt nguồn từ tâm thất (hai buồng dưới của tim) đặc biệt nguy hiểm.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây