1

Nguyên nhân gây rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành và cách điều trị

Rung nhĩ là biến chứng thường gặp sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Tình trạng này thường chỉ xảy ra tạm thời và sẽ tự hết nhưng cũng có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về tim mạch khác.
Hình ảnh 202 Nguyên nhân gây rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành và cách điều trị

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành là một thủ thuật trong đó bác sĩ sử dụng một mạch máu từ bộ phận khác trên cơ thể để tạo đường dẫn máu mới, vòng qua đoạn động mạch bị tắc nghẽn trong tim.

Rung nhĩ (AFib) là tình trạng rối loạn nhịp tim, trong đó hai buồng tim trên (tâm nhĩ) đập bất thường và thường gây nhịp tim nhanh. Đây là biến chứng thường gặp sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Mặc dù thường chỉ xảy ra tạm thời nhưng nghiên cứu đã cho thấy rung nhĩ có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng tim mạch trong ngắn hạn và dài hạn, trong đó có đột quỵ.

Dưới đây là nguyên nhân dẫn đến rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu và cách để kiểm soát tình trạng này.

Nguyên nhân gây rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Rung nhĩ (AFib) là biến chứng thường gặp nhất của phẫu thuật tim. Nguyên nhân dẫn đến rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành khá phức tạp và do nhiều yếu tố tác động, bao gồm:

  • Căng thẳng thể chất và phản ứng viêm ở tim xảy ra do phẫu thuật
  • Những thay đổi trong hệ thần kinh giao cảm sau phẫu thuật
  • Tác dụng phụ của thuốc
  • Giảm lưu lượng máu đến tâm nhĩ (thiếu máu cục bộ)
  • Mất cân bằng điện giải và các chất khác trong máu
  • Biến chứng nhiễm khuẩn huyết (sepsis)
  • Thay đổi lưu lượng máu trong tim

Rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành phổ biến đến mức nào?

Hơn 200.000 ca phẫu thuật bắc cầu động mạch vành được thực hiện mỗi năm tại Hoa Kỳ. Rung nhĩ là biến chứng thường gặp nhất, xảy ra ở khoảng 15–45% số bệnh nhân. Tình trạng này thường tự hết trong vòng 6 tuần.

Một số nghiên cứu cho thấy những người bị rung nhĩ sau phẫu thuật có nguy cơ đột quỵ cao hơn 2–4 lần so với bình thường.

Triệu chứng của rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Triệu chứng của rung nhĩ có thể bao gồm:

  • Nhịp tim rất nhanh (có thể trên 100 nhịp/phút)
  • Chóng mặt
  • Khó thở
  • Mệt mỏi
  • Đánh trống ngực

Trong một số trường hợp, rung nhĩ không gây ra triệu chứng rõ ràng, khiến người bệnh không nhận ra mình đang mắc phải tình trạng này.

Những ai có nguy cơ cao bị rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành?

Rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành thường gặp phải nhiều hơn ở những người có các vấn đề sức khoẻ nhất định hoặc các yếu tố nguy cơ khác.

Trong một bài đánh giá năm 2021, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những yếu tố nguy cơ gây rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành sau:

  • Tuổi cao
  • Huyết áp cao
  • Bị suy thận từ trước
  • Mức creatinine trong máu cao trước phẫu thuật
  • Nồng độ hemoglobin thấp trước phẫu thuật
  • Phân suất tống máu thất trái thấp
  • Thời gian phẫu thuật kéo dài
  • Cần thực hiện phẫu thuật lần hai
  • Sử dụng thuốc tăng co bóp cơ tim (inotropes) sau phẫu thuật
  • Suy thận sau phẫu thuật

Nghiên cứu cho thấy rung nhĩ thường xuất hiện sau phẫu thuật khoảng 2–3 ngày.

Biến chứng của rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Những người bị rung nhĩ sau phẫu thuật có nguy cơ mắc đột quỵ và các biến chứng tim mạch khác cao hơn cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Một nghiên cứu năm 2021 tại Thụy Điển đã theo dõi 7.368 bệnh nhân bị rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành trong giai đoạn 2007–2015, với thời gian theo dõi trung bình 4,5 năm.

Kết quả cho thấy rung nhĩ làm tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề như:

  • Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: tăng 18% (khoảng tin cậy 95%: 5–32%)
  • Biến cố huyết khối - tắc mạch: tăng 16% (khoảng tin cậy 95%: 5–28%)
  • Suy tim cần nhập viện: tăng 35% (khoảng tin cậy 95%: 21–51%)
  • Tái phát rung nhĩ: tăng 316% (khoảng tin cậy 95%: 276–360%)

Các nghiên cứu khác cũng ghi nhận bệnh nhân bị rung nhĩ sau phẫu thuật có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 4 lần so với người không mắc bệnh.

Chẩn đoán rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Bác sĩ có thể chẩn đoán rung nhĩ thông qua:

  • Điện tâm đồ 12 chuyển đạo (ECG)
  • Theo dõi nhịp tim liên tục (đo từ xa)

Khoảng 75% trường hợp rung nhĩ sau phẫu thuật được phát hiện bằng phương pháp theo dõi nhịp tim từ xa, liên tục trong nhiều ngày để phát hiện bất thường.

Điều trị rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Hướng dẫn quốc tế hiện tại khuyến nghị dùng thuốc chống đông đường uống cho người bị rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu.

Hướng dẫn của ACC/AHA/ACCP/HRS năm 2023 về chẩn đoán và quản lý rung nhĩ đặc biệt khuyến nghị các phương pháp điều trị sau đây cho những người mắc rung nhĩ sau phẫu thuật:

  • Thuốc chẹn beta: lựa chọn ưu tiên để kiểm soát tần số tim. Nếu không hiệu quả hoặc không phù hợp, có thể sử dụng thuốc chẹn kênh canxi
  • Thuốc kiểm soát nhịp tim hoặc tần số tim: lựa chọn điều trị đầu tay
  • Sốc điện chuyển nhịp (Cardioversion): sử dụng cú sốc có kiểm soát để khôi phục nhịp tim bình thường
  • Thuốc chống loạn nhịp tim: được khuyến nghị cho bệnh nhân rung nhĩ kéo dài hơn 48 giờ nhưng chưa dùng thuốc chống đông máu

Hướng dẫn cũng khuyến nghị sử dụng thuốc chống đông máu trong 60 ngày sau phẫu thuật nếu không có biến chứng.

Sau 30–60 ngày, bác sĩ có thể đánh giá lại tình trạng nhịp tim của bệnh nhân và xem xét sốc điện chuyển nhịp nếu thuốc chống đông máu không đạt hiệu quả mong muốn.

Phòng ngừa rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tìm hiểu cách để phòng ngừa rung nhĩ sau phẫu thuật.

Một số biện pháp có thể làm giảm nguy cơ này gồm có:

  • Dùng thuốc chẹn beta trước phẫu thuật để giảm nguy cơ rung nhĩ
  • Sử dụng amiodarone (thuốc chống loạn nhịp tim) cho bệnh nhân có nguy cơ cao bị rung nhĩ

Câu hỏi thường gặp về rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành nghiêm trọng như thế nào?

Nghiên cứu năm 2022 cho thấy rung nhĩ sau phẫu thuật có thể kéo dài thời gian nằm viện lâu hơn và tăng nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch sau phẫu thuật. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vẫn có thể hồi phục mà không gặp biến chứng lâu dài.

Rung nhĩ có tự hết sau phẫu thuật không?

Rung nhĩ sau phẫu thuật thường xảy ra tạm thời. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống đông máu và có thể thêm thuốc chống loạn nhịp tim để giảm nguy cơ biến chứng.

Rung nhĩ sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành kéo dài bao lâu?

Khoảng 15–20% trường hợp rung nhĩ sau phẫu thuật sẽ tự hết trong vòng vài giờ. Hơn 90% trường hợp khỏi trong vòng 6 tuần.

Kết luận

Rung nhĩ là một trong những biến chứng phổ biến sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Mặc dù thường chỉ là tạm thời và không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng rung nhĩ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và các biến chứng tim mạch khác.

Một số loại thuốc như thuốc chẹn beta và amiodarone có thể giúp làm giảm nguy cơ rung nhĩ sau phẫu thuật. Cần trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện thủ thuật để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nhịp tim nhanh trên thất: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nhịp tim nhanh trên thất: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Nhịp tim nhanh trên thất (supraventricular tachycardia) là tình trạng nhịp tim rất nhanh (thường là từ 151 đến 250 lần mỗi phút) và có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nhịp tim nhanh trên thất có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em với tỷ lệ mắc là 2 trên 1.000 người.

Nguyên nhân gây rung nhĩ là gì? Có thể phòng ngừa rung nhĩ không?
Nguyên nhân gây rung nhĩ là gì? Có thể phòng ngừa rung nhĩ không?

Rung nhĩ (AFib) là loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất. Tình trạng này xảy ra khi hai buồng trên của tim (tâm nhĩ) rung lên bất thường, khiến nhịp tim không đều.

Rung nhĩ: Hiệu quả của phương pháp phẫu thuật Maze
Rung nhĩ: Hiệu quả của phương pháp phẫu thuật Maze

Rung nhĩ (AFib) là một loại rối loạn nhịp tim thường gặp. Phẫu thuật Maze là một phương pháp can thiệp ngoại khoa được sử dụng để điều trị rung nhĩ trong trường hợp thuốc và các phương pháp không phẫu thuật khác không kiểm soát được bệnh hiệu quả.

Hình thành cục máu đông do rung nhĩ: Triệu chứng và cách phòng ngừa
Hình thành cục máu đông do rung nhĩ: Triệu chứng và cách phòng ngừa

Rung nhĩ (AFib) là một dạng rối loạn nhịp tim, có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, trong đó phổ biến nhất là hình thành cục máu đông. Để giảm nguy cơ xảy ra biến chứng, cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Tại sao cần dùng thuốc chống đông máu trong điều trị rung nhĩ?
Tại sao cần dùng thuốc chống đông máu trong điều trị rung nhĩ?

Những người mắc rung nhĩ sẽ có nguy cơ cao hình thành cục máu đông. Thuốc chống đông máu có thể giúp ngăn ngừa tình trạng này.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây