1

Ngộ độc vitamin E: Dấu hiệu, tác hại và cách điều trị

Vitamin E là một loại vitamin thiết yếu có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Tuy nhiên, giống như nhiều loại vitamin khác, bổ sung quá nhiều vitamin E cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Uống bổ sung vitamin E liều quá cao có thể dẫn đến ngộ độc.
Ngộ độc vitamin E: Dấu hiệu, tác hại và cách điều trị Ngộ độc vitamin E: Dấu hiệu, tác hại và cách điều trị

Ngộ độc vitamin E là gì?

Ngộ độc vitamin E xảy ra khi lượng vitamin E tích tụ trong cơ thể tăng quá cao và gây ra các vấn đề không mong muốn.

Vitamin E là một loại vitamin tan trong chất béo, có chức năng như một chất chống oxy hóa. Vitamin này có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, một số bệnh ung thư, các vấn đề về thị lực và thần kinh. (1)

Một trong những chức năng chính của vitamin E là giữ cho các mạch máu mở rộng và ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông.

Nhu cầu vitamin E khuyến nghị là 15 mg mỗi ngày. Vitamin này có trong nhiều loại thực phẩm như:

  • Các loại dầu thực vật: dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu cám gạo, dầu mầm lúa mì, dầu ngô,…
  • Các loại hạt và quả hạch: hạt hướng dương, hạnh nhân, hạt phỉ, đậu phộng,…
  • Trái cây như kiwi, xoài, cà chua,…
  • Các loại rau như măng tây, bông cải xanh…

Vitamin E và các loại vitamin tan trong chất béo khác có thể tích tụ trong mỡ cơ thể. Khi nồng độ tăng quá cao, những vitamin này có thể gây hại. Tuy nhiên, lượng vitamin từ thực phẩm không bao giờ gây ra tình trạng này. Quá liều và ngộ độc vitamin đa phần chỉ xảy ra do dùng viên uống bổ sung.

Đối với vitamin E, giới hạn tiêu thụ (lượng vitamin tối đa mà một người khỏe mạnh có thể tiêu thụ hàng ngày từ thực phẩm và viên uống bổ sung mà không gây hại cho sức khỏe) là 1.000 mg. (1)

Tóm tắt: Vitamin E là một loại vitamin tan trong chất béo và có đặc tính chống oxy hóa. Khi bổ sung quá nhiều, vitamin E có thể tích tụ trong mỡ và gây ra các vấn đề không mong muốn.

Ai cần uống bổ sung vitamin E?

Nhờ tác dụng chống oxy hóa và khả năng chống lão hóa nên vitamin E mang lại nhiều lợi ích như tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ ung thư, giúp tóc chắc khỏe, giảm tình trạng da khô và móng tay giòn, dễ gãy. (2) Tuy nhiên, vì chế độ ăn uống hàng ngày có thể đáp ứng nhu cầu vitamin E của hầu hết mọi người nên việc dùng thêm viên uống bổ sung là điều không cần thiết, trừ khi đang bị thiếu vitamin E.

Thiếu hụt vitamin E chủ yếu chỉ xảy ra ở những người có chế độ ăn quá ít chất béo hoặc đang mắc các bệnh làm giảm khả năng tiêu hóa và hấp thụ chất béo, chẳng hạn như bệnh Crohn hoặc bệnh xơ nang.

Tóm tắt: Không cần thiết phải uống bổ sung vitamin E, trừ khi đang bị thiếu hụt. Các bệnh lý gây ảnh hưởng đến sự hấp thu chất béo hoặc chế độ ăn uống quá ít chất béo có thể làm tăng nguy cơ thiếu vitamin E.

Tác dụng phụ của vitamin E và dấu hiệu ngộ độc vitamin E

Uống quá nhiều vitamin E sẽ làm loãng máu, gây chảy nhiều máu khi bị thương và thậm chí còn có thể dẫn đến tử vong. Vitamin E gây cản trở quá trình đông máu – đây là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể để tránh bị mất máu quá nhiều khi bị thương.

Bổ sung vitamin E quá liều còn có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết (đột quỵ do chảy máu trong não).

Một nghiên cứu cho thấy rằng vitamin E liều cao có thể làm tăng nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào. (3)

Một số dấu hiệu, triệu chứng khi bị ngộ độc vitamin E:

  • Buồn nôn
  • Đau bụng
  • Tiêu chảy
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Dễ bị bầm tím và chảy máu

Tương tác thuốc

Khi tiêu thụ ở mức vừa phải, khả năng vitamin E tương tác với các loại thuốc đang dùng là rất thấp.

Tuy nhiên, khi uống bổ sung liều cao (trên 300 mg mỗi ngày), vitamin E có thể tương tác với các loại thuốc chống đông máu, ví dụ như aspirin và warfarin.

Vitamin E còn có thể cản trở hoạt động của tamoxifen - một loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư vú và cyclosporine - một loại thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng sau phẫu thuật ghép tạng.

Nếu như đang dùng bất kỳ loại thuốc nào thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống vitamin E.

Tóm tắt: Bổ sung quá nhiều vitamin E có thể gây loãng máu, làm tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết hoặc tử vong. Vitamin E liều cao có thể tương tác với các loại thuốc chống đông máu, tamoxifen và cyclosporin.

Điều trị và phòng ngừa ngộ độc vitamin E

Đối với các trường hợp ngộ độc nhẹ thì chỉ cần ngừng uống bổ sung vitamin E và hạn chế ăn thực phẩm giàu vitamin E là các triệu chứng sẽ tự hết dần nhưng những trường hợp nghiêm trọng sẽ cần đến các phương pháp can thiệp y tế, ví dụ như truyền máu hay phẫu thuật để khôi phục các mạch máu bị tổn hại.

Cách tốt nhất để phòng ngừa ngộ độc vitamin E là không tiêu thụ quá 1.000 mg vitamin E hàng ngày (bao gồm cả lượng vitamin E từ thực phẩm và viên uống bổ sung). Nếu như chỉ bổ sung vitamin E từ chế độ ăn thì rất khó vượt quá mức này.

Viên uống vitamin E có thể bắt đầu tương tác với các loại thuốc khi liều lượng vượt quá 300 mg/ngày. Một nghiên cứu đã ghi nhận sự gia tăng nguy cơ đột quỵ ở những người uống 180 mg vitamin E mỗi ngày. (4)

Hãy để các sản phẩm bổ sung vitamin E ở nơi an toàn, ngoài tầm với của trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ sẽ dễ gặp phải các tác dụng phụ do quá liều và ngộ độc vitamin E hơn so với người lớn.

Tóm tắt: Nếu được phát hiện sớm, tình trạng ngộ độc vitamin E thường chỉ ở mức độ nhẹ và có thể dễ dàng điều trị bằng cách ngừng bổ sung vitamin E. Các trường hợp nặng sẽ cần đến các biện pháp can thiệp y tế. Để tránh bị ngộ độc thì không tiêu thụ quá 1.000 mg vitamin E mỗi ngày.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù vitamin E là một chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể nhưng bổ sung quá nhiều sẽ có hại. Điều này chủ yếu xảy ra khi dùng viên uống vitamin E.

Ngộ độc vitamin E có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như chảy máu nhiều và làm tăng nguy cơ đột quỵ, tử vong.

Để ngăn ngừa ngộ độc thì tổng lượng vitamin E tiêu thụ mỗi ngày từ thực phẩm và viên uống bổ sung không được vượt quá 1.000 mg.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị thiếu kẽm
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị thiếu kẽm

Khi thiếu kẽm, cơ thể không thể sản sinh ra các tế bào mới khỏe mạnh và điều này dẫn đến nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác nhau.

Tất cả những điều cần biết về vitamin D
Tất cả những điều cần biết về vitamin D

Có rất ít thực phẩm chứa nhiều vitamin D và tình trạng thiếu hụt loại vitamin quan trọng này là điều mà rất nhiều người gặp phải.

Vitamin D có thật sự điều trị được bệnh viêm khớp?
Vitamin D có thật sự điều trị được bệnh viêm khớp?

Vấn đề phổ biến nhất có thể xảy ra khi bị thiếu hụt vitamin D là loãng xương. Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương, đau xương và mất thính giác.

8 dấu hiệu thiếu hụt vitamin D
8 dấu hiệu thiếu hụt vitamin D

Thiếu hụt vitamin D là vấn đề vô cùng phổ biến nhưng hầu hết mọi người đều không biết mình bị thiếu hụt vì các dấu hiệu, triệu chứng thường không biểu hiện rõ và nếu có thì cũng thường được cho là dấu hiệu của các vấn đề khác.

15 dấu hiệu thiếu vitamin C
15 dấu hiệu thiếu vitamin C

Thiếu vitamin C ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể và có thể gây ra nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác nhau.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây