Nên đi ngủ và thức dậy lúc mấy giờ?
Thời gian đi ngủ và thức dậy
Tốt nhất, bạn nên đi ngủ sớm vào buổi tối và thức dậy sớm vào buổi sáng. Lịch trình này phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể và thời gian mọc và lặn của mặt trời. Khi trời tối, bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ và thức giấc khi trời sáng.
Thời điểm mà bạn nên đi ngủ vào buổi tối phụ thuộc vào thời điểm bạn thức dậy vào buổi sáng và thời gian ngủ bạn cần mỗi đêm.
Nhịp sinh học
Nhịp sinh học là chu kỳ ngủ - thức tự nhiên của não. Nó giống như một chiếc đồng hồ bên trong cơ thể.
Tất cả chúng ta đều trải qua giai đoạn tỉnh táo và mệt mỏi, buồn ngủ vào những khoảng thời gian nhất định trong vòng 24 giờ. Hầu hết mọi người thường cảm thấy buồn ngủ vào hai thời điểm là từ 1 giờ chiều đến 3 giờ chiều và từ 2 giờ sáng đến 4 giờ sáng.
Chất lượng giấc ngủ ban đêm càng tốt thì sẽ càng ít bị buồn ngủ vào ban ngày.
Nhịp sinh học còn quyết định thời điểm đi ngủ và thức giấc tự nhiên vào buổi sáng. Khi bạn đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, não sẽ quen với lịch trình này. Kết quả là bạn sẽ buồn ngủ và dễ đi vào giấc ngủ hơn vào ban đêm, sau đó dễ dàng thức dậy vào buổi sáng.
Nhịp sinh học có thể bị xáo trộn nếu bạn làm việc theo ca không cố định hoặc đi ngủ vào những thời điểm khác nhau trong tuần. Điều này có thể dẫn đến tình trạng buồn ngủ vào ban ngày.
Cần ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày?
Người lớn nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày. Dưới đây là thời gian ngủ mỗi ngày ở từng độ tuổi: (1)
Độ tuổi | Thời gian ngủ mỗi ngày |
0 - 3 tháng tuổi | 14 - 17 giờ |
4 - 12 tháng tuổi | 12 - 16 giờ |
1 - 2 tuổi | 11 - 14 giờ |
3 - 5 tuổi | 10 - 13 giờ |
9 - 12 tuổi | 9 - 12 giờ |
13 - 18 tuổi | 8 - 10 giờ |
18 - 60 tuổi | Ít nhất 7 giờ |
61 - 64 tuổi | 7 - 9 giờ |
65 tuổi trở lên | 7 - 8 giờ |
Điều gì xảy ra nếu ngủ không đủ giấc?
Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, đó là dấu hiệu cho thấy bạn không ngủ đủ giấc vào ban đêm. Thiếu ngủ còn ảnh hưởng đến tâm trạng, giảm khả năng suy nghĩ, tập trung, trí nhớ và tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.
Thường xuyên không ngủ đủ giấc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như:
- Suy giảm miễn dịch
- Cao huyết áp
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh tim mạch
- Béo phì
- Trầm cảm
Điều gì xảy ra nếu ngủ quá nhiều?
Giống như ngủ không đủ giấc, ngủ quá nhiều cũng gây hại cho sức khỏe.
Thường xuyên ngủ trên 8 – 9 tiếng mỗi đêm được coi là ngủ nhiều, đặc biệt là khi vẫn cảm thấy buồn ngủ và muốn ngủ vào ban ngày.
Ngủ quá nhiều có thể dẫn đến những tác hại như:
- Trầm cảm
- Cáu gắt
- Vấn đề về tim mạch
Tuy nhiên, những vấn đề này không phải lúc nào cũng là do ngủ quá nhiều gây ra mà đôi khi là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn gây ngủ nhiều, chẳng hạn như:
- Trầm cảm
- Rối loạn lo âu
- Chứng ngưng thở khi ngủ
- Bệnh parkinson
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh tim mạch
- Béo phì
- Bệnh tuyến giáp
- Hen suyễn
Nên đi ngủ lúc mấy giờ?
Thời điểm nên đi ngủ vào buổi tối phụ thuộc vào thời điểm thức dậy vào buổi sáng và thời gian ngủ bạn cần.
Ví dụ, nếu bạn ở độ tuổi trưởng thành và cần thức dậy lúc 6 giờ sáng thì nên đi ngủ vào lúc 11 giờ tối hoặc sớm hơn.
Nên đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả vào ngày nghỉ. Thức khuya và ngủ dậy muộn vào ngày nghỉ sẽ khiến bạn khó quay trở lại lịch trình ngủ bình thường và dễ bị buồn ngủ vào ban ngày.
Tóm tắt bài viết
Tốt nhất bạn nên đi ngủ sớm vào buổi tối và thức dậy sớm vào buổi sáng.
Điều quan trọng là ngủ đủ giấc và có chất lượng giấc ngủ tốt. Để được như vậy thì nên đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Nên đi khám nếu bạn bị khó ngủ vào ban đêm và thường xuyên cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày mặc dù đã duy trì lịch trình ngủ đều đặn.
Có nhiều nguyên nhân khiến bạn thức giấc giữa đêm. Điều chỉnh một số thói quen hiện tại có thể giúp bạn ngủ sâu giấc hơn và không bị gián đoạn giấc ngủ.
Thức dậy quá sớm là vấn đề mà mọi người đều gặp phải ít nhất một lần. Điều này có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra.
Thức giấc giữa đêm sẽ gây khó chịu và nếu không thể ngủ lại, bạn sẽ bị thiếu ngủ và mệt mỏi vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, có nhiều cách có thể giúp bạn ngủ lại dễ hơn.