Nên chọn dầu dừa tinh luyện hay dầu dừa nguyên chất?
Trong vài năm gần đây, dầu dừa là một loại dầu ăn được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới và đây cũng là một trong những nguồn chất béo chính tại nhiều quốc gia ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.
Dầu dừa có một số đặc tính mà các loại dầu ăn khác không có, chẳng hạn như thành phần chủ yếu là chất béo bão hòa nên dầu dừa có dạng rắn ở nhiệt độ mát chứ không phải ở dạng lỏng như nhiều loại dầu khác.
Dầu dừa còn chứa chất béo trung tính chuỗi trung bình (medium-chain triglyceride - MCT) và axit lauric, đây là những loại chất béo có tác dụng thúc đẩy cơ thể đốt cháy mỡ và tốt cho sức khỏe tim mạch.
Tuy nhiên, trên thị trường có nhiều loại dầu dừa và mỗi loại sẽ phù hợp với những mục đích sử dụng khác nhau. Lợi ích mà mỗi loại mang lại cho sức khỏe cũng không hoàn toàn giống nhau.
Dầu dừa được chia làm hai loại chính là dầu dừa nguyên chất và dầu dừa tinh luyện. Hai loại này khác nhau như thế nào và nên lựa chọn loại nào?
Quy trình sản xuất
Điểm khác biệt chính giữa dầu dừa tinh luyện và dầu dừa nguyên chất là phương pháp sản xuất. Điều này ảnh hưởng đến một số đặc tính vật lý cũng như là mùi vị và điểm bốc khói của dầu.
Dầu dừa nguyên chất
Dầu dừa nguyên chất hay dầu dừa không tinh luyện là loại dầu được ép từ cùi dừa và không qua quá trình xử lý nào.
Có hai phương pháp chiết xuất dầu dừa nguyên chất từ cùi dừa:
- Phương pháp khô: sử dụng máy để ép dầu dừa từ cùi dừa đã sấy khô.
- Phương pháp ướt: ép cả nước cốt dừa lẫn dầu dừa từ cùi dừa tươi, sau đó tách riêng nước và dầu.
Phần lớn dầu dừa nguyên chất đều được sản xuất bằng phương pháp ướt. Một số loại dầu dừa nguyên chất được “ép lạnh”, có nghĩa là không sử dụng nhiệt trong suốt quá trình chiết xuất dầu.
Dầu dừa nguyên chất có dạng rắn ở nhiệt độ dưới 25 độ C và có mùi thơm đặc trưng của dừa nên khi dùng để nấu ăn có thể làm cho món ăn có mùi dừa. Điểm bốc khói của dầu dừa nguyên chất (nhiệt độ mà dầu bắt đầu bốc khói và phân hủy chất béo) là 177 độ C (350 độ F). (1)
Dầu dừa tinh luyện
Khác với dầu dừa nguyên chất, dầu dừa tinh luyện phải trải qua một số quy trình xử lý sau khi được ép từ cùi dừa để phù hợp hơn cho nấu ăn.
Dầu dừa tinh luyện thường được ép từ cùi dừa khô. Bước ép dầu cũng giống như phương pháp khô trong quy trình sản xuất dầu dừa nguyên chất. Tiếp theo, dầu dừa thô được xử lý qua một hoặc nhiều bước sau đây:
- Khử gum: Dầu dừa thô được trộn với chất khử gum để loại bỏ gum – thành phần có thể làm thay đổi kết cấu và chất lượng của dầu. Dầu được rửa trong nước để tách gum ra khỏi dầu.
- Trung hòa: Tiếp theo, natri hydroxit hay dung dịch kiềm được thêm vào dầu, tạo thành xà phòng với các axit béo tự do trong dầu. Sau đó dầu được rửa bằng nước để loại bỏ xà phòng và các axit béo tự do. Điều này giúp dầu để được lâu hơn vì các axit béo tự do dễ bị oxy hóa.
- Tẩy trắng. Sau bước trung hòa, dầu dừa được “tẩy trắng” bằng cách lọc qua đất sét hoạt tính chứ không phải sử dụng chất tẩy trắng.
- Khử mùi: Cuối cùng, dầu dừa được khử mùi bằng nhiệt để loại bỏ mùi và vị dừa còn sót lại.
Mặc dù dầu dừa tinh luyện phải qua nhiều bước xử lý hơn nhưng lại có điểm bốc khói cao hơn, ở mức 204 – 232 độ C (400 – 450 độ F) nên phù hợp hơn để nấu ăn ở nhiệt độ cao. Phần lớn dầu dừa tinh luyện không có mùi. (2)
Dầu dừa tinh luyện và dầu dừa nguyên chất có thành phần dinh dưỡng tương tự nhau. Mỗi muỗng canh (14 gram) dầu cung cấp 120 calo từ chất béo thuần. Cả hai loại cũng có tỷ lệ MCT, axit lauric, chất béo bão hòa và chất béo không bão hòa tương đương nhau.
Tóm tắt: Dầu dừa nguyên chất được ép từ cùi dừa khô hoặc cùi dừa tươi trong khi dầu dừa tinh luyện được ép từ cùi dừa khô và phải trải qua nhiều bước xử lý. Dầu dừa tinh luyện phần lớn đều không còn mùi dừa và có điểm bốc khói cao hơn dầu dừa nguyên chất.
Nên chọn loại nào?
Việc lựa chọn dầu dừa tinh luyện hay dầu dừa nguyên chất tùy thuộc vào sở thích cá nhân. Tuy nhiên, tùy theo mục đích sử dụng cụ thể mà dầu dừa nguyên chất có thể sẽ phù hợp hơn dầu dừa tinh luyện hoặc ngược lại. Dưới đây là một số ví dụ.
Làm bánh
Vì dầu dừa nguyên chất còn mùi đặc trưng của dừa nên dầu dừa tinh luyện là lựa chọn thích hợp hơn để làm bánh. Vì dầu dừa tinh luyện không còn mùi nên sẽ không ảnh hưởng đến mùi vị của thành phẩm.
Tuy nhiên, nếu vẫn thích dầu dừa nguyên chất và cảm thấy việc mùi vị bị thay đổi không có vấn đề gì hoặc cần làm các loại bánh có mùi dừa thì hoàn toàn có thể dùng dầu dừa nguyên chất. Mặc dù có điểm bốc khói thấp hơn nhưng dầu dừa nguyên chất sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng của món ăn vì thực ra các nguyên liệu trong bánh sẽ không đạt đến mức nhiệt cao như vậy, ngay cả khi nhiệt độ trong lò nướng được đặt ở mức trên 177 độ C (350 độ F).
Dầu dừa nguyên chất và dầu dừa tinh luyện đều có thể được sử dụng để thay cho bơ động vật trong các món bánh thuần chay vì cả hai đều có dạng rắn ở nhiệt độ mát.
Vì thế nên dầu dừa là một nguyên liệu lý tưởng cho các món bánh như bánh quy hay vỏ bánh ngàn lớp – những loại bánh cần sử dụng chất béo ở dạng rắn để tạo nên thành phẩm nhẹ và tách lớp.
Nấu ăn
Do có điểm bốc khói cao hơn nên dầu dừa tinh luyện rõ ràng là lựa chọn thích hợp hơn để sử dụng trong nấu ăn. Loại dầu này có thể dùng được trong cả các phương pháp nấu ăn ở nhiệt độ cao, chẳng hạn như xào và áp chảo.
Sử dụng dầu dừa tinh luyện thay cho dầu dừa nguyên chất cho phép bạn nấu ở nhiệt độ cao hơn, tạo ra thành phẩm giòn mà không bị cháy.
Tuy nhiên, vẫn có thể sử dụng dầu dừa nguyên chất để nấu ăn, chỉ có điều cần nấu ở nhiệt độ thấp hơn và kéo dài thời gian nấu.
So với dầu dừa, dầu quả bơ (avocado oil) là lựa chọn phù hợp hơn cho các món cần nấu ở nhiệt độ cao như chiên ngập dầu. Dầu quả bơ có điểm bốc khói là 253 – 271 độ C (488 – 520 độ F) và có mùi thơm ngậy. (3)
Còn nếu như bạn đang muốn tìm một loại dầu để trộn salad hoặc dùng để rưới lên đồ ăn sau khi nấu chín thì dầu ô liu là lựa chọn tốt nhất vì loại dầu này có vị nhẹ và dạng lỏng ở nhiệt độ phòng. Nên chọn dầu ô liu siêu nguyên chất (extra virgin olive oil).
Dầu ô liu cũng có thể dùng để nấu ăn vì có điểm bốc khói nằm trong khoảng 175 – 210 độ C (350 – 410 độ F).
Chăm sóc da và tóc
Dầu dừa có thể được sử dụng để dưỡng ẩm cho da và dưỡng mềm mượt tóc.
Mặc dù có thể dùng dầu dừa tinh luyện cho những mục đích này nếu như không tìm mua được dầu dừa nguyên chất hoặc không thích mùi của dầu nguyên chất nhưng dầu dừa nguyên chất vẫn là lựa chọn tốt hơn. Vì ít qua xử lý hơn nên loại dầu dừa này giữ được tối đa các dưỡng chất và không chứa các chất hóa học gây hại cho da và tóc.
Sử dụng trong chế độ ăn uống đặc biệt
Một số người chọn dầu dừa thay vì các loại dầu khác vì dầu dừa phù hợp với chế độ ăn uống của họ. Ví dụ, loại dầu này được nhiều người sử dụng khi thực hiện chế độ ăn kiêng Keto (một chế độ ăn ít carb và nhiều chất béo) vì có chứa một lượng nhỏ chất béo trung tính chuỗi trung bình (MCT) giúp thúc đẩy quá trình đốt cháy mỡ.
Đối với những người ăn kiêng Keto, chọn dầu dừa nguyên chất hay dầu dừa tinh luyện đều được vì cả hai loại có thành phần dinh dưỡng giống nhau.
Tuy nhiên, đối với những người quan tâm đến chất lượng chế độ ăn uống hơn là hàm lượng chất dinh dưỡng đa lượng, ví dụ như những người theo chế độ ăn kiêng Paleo hay Eat Clean (những chế độ ăn gồm chủ yếu các loại thực toàn phần và lành mạnh) thì dầu dừa nguyên chất sẽ là lựa chọn tốt nhất vì ít qua xử lý nhất.
Tóm tắt: Do có mùi nhẹ và điểm bốc khói cao nên dầu dừa tinh luyện là lựa chọn tốt hơn để làm bánh và nấu ăn. Tuy nhiên, nếu cần dùng dầu dừa để dưỡng da và tóc hoặc đang theo một số chế độ ăn kiêng nhất định thì nên chọn dầu dừa nguyên chất.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù dầu dừa tinh luyện và dầu dừa nguyên chất về cơ bản có thành phần dinh dưỡng giống nhau nhưng hai loại có nhiều điểm khác biệt.
Dầu dừa tinh luyện có mùi nhẹ hơn và điểm bốc khói cao hơn, trong khi dầu dừa nguyên chất được xử lý tối thiểu nên có mùi dừa đặc trưng và điểm bốc khói thấp hơn.
Mỗi một loại sẽ phù hợp cho những mục đích sử dụng khác nhau. Vì có hàm lượng chất dinh dưỡng tương đương nên cả dầu dừa tinh luyện và dầu dừa nguyên chất đều là nguồn cung cấp chất béo tốt tuyệt vời.
Xem thêm:
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cà phê là một trong những nguồn cung cấp chất chống oxy hóa lớn nhất trong chế độ ăn uống của con người.
Uống cà phê thường xuyên có thể gây ra một vấn đề không mong muốn đó là răng bị ngả vàng.
Mặc dù không nhất thiết phải bổ sung caffeine trước buổi tập nhưng nhiều người nhận thấy rằng uống cà phê trước khi tập luyện giúp tăng cường năng lượng cho cơ thể và đạt được hiệu suất tốt hơn trong suốt quá trình hoạt động thể chất.
9 loại đồ uống thay thế cà phê dành cho những người không thích hoặc không thể uống cà phê.
Hợp chất acrylamide có thể gây hại nhưng điều này còn tùy thuộc vào liều lượng.