Các lợi ích của dầu dừa đối với da
Dầu dừa là gì?
Dầu dừa là một loại dầu chứa nhiều chất béo bão hòa, được chiết xuất từ cùi dừa khô hoặc tươi.
Dầu dừa có dạng rắn ở nhiệt độ dưới 24 độ C và tan chảy khi được làm ấm.
Dầu dừa được sử dụng trong nấu ăn giống như nhiều loại dầu khác và còn là một thành phần quen thuộc trong chăm sóc da và tóc.
Dầu dừa rất giàu axit béo chuỗi trung bình (medium-chain fatty acid - MCFA) - một loại chất béo bão hòa. Trên thực tế, axit béo chuỗi trung bình chiếm khoảng 65% thành phần của dầu dừa. (1)
Các axit béo có trong dầu dừa gồm có:
- Axit lauric: 49%
- Axit myristic: 18%
- Axit caprylic: 8%
- Axit palmitic: 8%
- Axit capric: 7%
- Axit oleic: 6%
- Axit linoleic: 2%
- Axit stearic: 2%
Mặc dù dầu dừa có khoảng 90% là chất béo bão hòa nhưng cũng chứa một lượng nhỏ chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa. Một muỗng canh dầu dừa chứa khoảng 12 gram chất béo bão hòa và 1 gram chất béo không bão hòa.
Các lợi ích của dầu dừa đối với da
Tiêu diệt các vi sinh vật có hại
Các axit béo chuỗi trung bình trong dầu dừa có đặc tính kháng khuẩn, giúp bảo vệ chống lại các vi sinh vật có hại.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe làn da vì nhiều loại nhiễm trùng da, gồm có mụn trứng cá, viêm mô tế bào, viêm nang lông và nấm da chân… là do vi khuẩn hoặc nấm gây ra.
Bôi trực tiếp dầu dừa lên da có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của các vi sinh vật này.
Điều này là nhờ khả năng tiêu diệt các vi sinh vật gây hại của axit lauric – loại axit béo chiếm gần 50% lượng chất béo trong dầu dừa.
Một nghiên cứu đã đánh giá tác dụng kháng khuẩn của 30 loại axit béo đối với 20 chủng vi khuẩn khác nhau. Kết quả cho thấy axit lauric có hiệu quả cao nhất trong việc ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. (2)
Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy axit lauric có thể tiêu diệt vi khuẩn Propionibacterium acnes (P. acnes) - loại vi khuẩn gây mụn trứng cá.
Dầu dừa còn chứa một loại axit béo chuỗi trung bình khác là axit capric, mặc dù ở hàm lượng thấp hơn axit lauric. Giống như axit lauric, axit capric đã được chứng minh là có đặc tính kháng khuẩn mạnh.
Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy cả axit lauric và axit capric đều tiêu diệt các chủng vi khuẩn một cách hiệu quả.
Một nghiên cứu khác được thực hiện trong ống nghiệm đã chứng minh tác dụng chống nấm của axit capric. Cụ thể, nghiên cứu cho thấy rằng loại axit béo này có thể ức chế sự phát triển của một số loại nấm.
Giảm viêm
Viêm mãn tính là một nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vấn đề về da, chẳng hạn như bệnh vẩy nến, viêm da tiếp xúc và viêm da cơ địa (bệnh chàm).
Dầu dừa đã được chứng minh là có đặc tính chống viêm.
Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã bôi dầu dừa nguyên chất lên tai của những con chuột bị viêm tai và phát hiện ra rằng dầu dừa không chỉ có tác dụng chống viêm mà còn giúp giảm đau.
Hơn nữa, dầu dừa có thể làm dịu tình trạng viêm bằng cách tăng nồng độ chất chống oxy hóa.
Chất chống oxy hóa có cơ chế hoạt động là ổn định các gốc tự do trong cơ thể, trung hòa các nguyên tử phản ứng góp phần gây viêm.
Một nghiên cứu trên động vật vào năm 2013 đã cho chuột ăn các loại dầu khác nhau, gồm có dầu dừa, dầu ô liu và dầu hướng dương. Sau 45 ngày, các nhà nghiên cứu nhận thấy dầu dừa nguyên chất giúp làm tăng lượng chất chống oxy hóa và ngăn ngừa stress oxy hóa hiệu quả nhất.
Hầu hết các nghiên cứu cho đến nay đều mới chỉ được tiến hành trên động vật và trong ống nghiệm nên chưa biết dầu dừa có mang lại những lợi ích tương tự cho con người hay không.
Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu này đã cho thấy rằng dầu dừa có tác dụng giảm viêm khi ăn hoặc thoa trực tiếp lên da.
Giúp trị mụn trứng cá
Trong khi một số nghiên cứu chỉ ra rằng dầu dừa gây bít tắc lỗ chân lông thì một số nghiên cứu khác lại cho thấy dầu dừa có thể giúp trị mụn trứng cá.
Mụn trứng cá hình thành do phản ứng viêm trong da và nhiều sản phẩm trị mụn có cơ chế là giảm viêm.
Vì dầu dừa và các thành phần trong dầu dừa có đặc tính chống viêm nên loại dầu này có thể hỗ trợ trị mụn trứng cá.
Hơn nữa, đặc tính kháng khuẩn của các axit béo chuỗi trung bình trong dầu dừa cũng giúp ích cho việc trị mụn.
Axit lauric – loại axit béo chiếm gần một nửa lượng chất béo trong dầu dừa - đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có thể tiêu diệt các chủng vi khuẩn gây mụn trứng cá. (3)
Các nghiên cứu trong ống nghiệm và nghiên cứu trên động vật thậm chí đã chỉ ra rằng axit lauric có khả năng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây mụn hiệu quả hơn so với benzoyl peroxide – một thành phần trị mụn phổ biến.
Giống như axit lauric, axit capric cũng đã được chứng minh là có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn.
Một nghiên cứu trên động vật và trong ống nghiệm vào năm 2014 cho thấy rằng cả axit lauric và axit capric đều có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, nhờ đó giúp giảm viêm và ngăn ngừa mụn trứng cá.
Để đạt hiệu quả tốt nhất, nên thoa dầu dừa trực tiếp lên vùng da bị mụn.
Dưỡng ẩm cho da khô
Ngoài tác dụng trị mụn và giảm viêm, thoa dầu dừa lên da còn có tác dụng giữ ẩm cho da.
Một nghiên cứu được thực hiện trên những người có da khô mức độ từ nhẹ đến vừa đã so sánh tác dụng của dầu dừa với dầu khoáng (mineral oil) - một loại dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ, được sử dụng trong nhiều sản phẩm dưỡng ẩm cho da khô.
Nghiên cứu này kéo dài 2 tuần và kết quả cho thấy dầu dừa giúp cải thiện đáng kể độ ẩm của da và hiệu quả dưỡng ẩm tương đương với dầu khoáng.
Dầu dừa cũng đã được chứng minh là có thể giúp điều trị bệnh viêm da cơ địa hay bệnh chàm – một bệnh lý về da mãn tính có triệu chứng là da mẩn đỏ, bong tróc, nứt nẻ và ngứa.
Một nghiên cứu so sánh tác dụng của dầu ô liu và dầu dừa ở 52 người lớn bị viêm da cơ địa cho thấy rằng thoa dầu dừa giúp giảm tình trạng khô da, ngoài ra còn giúp giảm nhẹ các triệu chứng khác của viêm da cơ địa.
Một nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự, cho thấy rằng dầu dừa giúp giảm 68% mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm da cơ địa, hiệu quả hơn đáng kể so với dầu khoáng.
Giữ cho làn da đủ ẩm sẽ giúp phục hồi chức năng của hàng rào bảo vệ da tự nhiên, ngăn chặn vi khuẩn, thúc đẩy quá trình lành da và duy trì tính toàn vẹn tổng thể của làn da.
Giúp chữa lành vết thương
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng dầu dừa có công dụng hỗ trợ quá trình chữa lành vết thương.
Một nghiên cứu trên chuột đã đánh giá tác động của dầu dừa đến quá trình lành da khi bôi trực tiếp lên vùng da có vết thương.
Nghiên cứu này phát hiện ra rằng việc bôi dầu dừa nguyên chất giúp tăng tốc độ lành da, cải thiện lượng chất chống oxy hóa và thúc đẩy sản sinh collagen - một loại protein có vai trò rất quan trọng đối với quá trình lành vết thương. (4)
Một nghiên cứu khác trên động vật cho thấy dầu dừa kết hợp với một loại thuốc kháng sinh bôi ngoài da giúp cho vết bỏng lành lại nhanh hơn.
Ngoài tác dụng thúc đẩy quá trình lành vết thương, đặc tính kháng khuẩn của dầu dừa còn giúp ngăn ngừa nhiễm trùng - một trong những yếu tố chính khiến cho da chậm lành và tăng nguy cơ hình thành sẹo.
Những ai không nên dùng dầu dừa?
Mặc dù nghiên cứu cho thấy dầu dừa mang lại nhiều lợi ích cho làn da nhưng đây không phải thành phần dưỡng da phù hợp với tất cả mọi người.
Ví dụ, những người có da dầu không nên thoa dầu dừa lên da vì dầu dừa có thể làm bít tắc lỗ chân lông và gây nổi mụn.
Giống như hầu hết mọi thành phần dưỡng da khác, chỉ có tự mình thử thì mới biết được dầu dừa có phù hợp với da của mình hay không.
Nếu bạn có da nhạy cảm thì nên thử thoa dầu dừa lên một vùng da nhỏ để kiểm tra phản ứng da trước khi dùng dầu dừa trên mặt hoặc thoa lên một vùng da rộng và mỗi lần chỉ nên thoa một lượng dầu nhỏ.
Tuy nhiên, khi sử dụng trong nấu ăn thì dầu dừa an toàn cho hầu hết mọi người.
Nếu bạn có da dầu hoặc da nhạy cảm thì có thể thêm dầu dừa vào chế độ ăn uống thay vì dùng trực tiếp trên da. Ăn dầu dừa cũng sẽ phần nào mang lại những lợi ích kể trên.
Nên chọn loại dầu dừa nào?
Có hai phương pháp sản xuất dầu dừa là phương pháp khô và phương pháp ướt.
Trong phương pháp khô, cùi dừa được sấy khô, sau đó ép lấy dầu, tẩy trắng và khử mùi.
Phương pháp này cho ra thành phẩm là dầu dừa tinh luyện, có mùi nhẹ hơn và điểm bốc khói cao hơn.
Trong phương pháp ướt, dầu dừa được ép từ cùi dừa tươi và thành phẩm là dầu dừa nguyên chất. Loại dầu này có mùi thơm đặc trưng của dừa và điểm khói thấp hơn dầu dừa tinh luyện. Thêm nữa, vì không phải trải qua quá trình xử lý nên dầu dừa nguyên chất vẫn giữ lại được nhiều thành phần có lợi.
Khi cần nấu ăn ở nhiệt độ cao thì dầu dừa tinh luyện là lựa chọn phù hợp hơn nhưng dầu dừa nguyên chất lại có lợi hơn khi dùng để chăm sóc da.
Hầu hết các nghiên cứu về tác dụng của dầu dừa đối với da đều sử dụng dầu dừa nguyên chất. Thậm chí còn có bằng chứng cho thấy rằng dầu dừa nguyên chất mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn so với dầu dừa tinh luyện.
Một nghiên cứu trên động vật vào năm 2009 cho thấy dầu dừa nguyên chất giúp làm tăng lượng chất chống oxy hóa và tăng khả năng trung hòa các gốc tự do gây bệnh hiệu quả hơn so với dầu dừa tinh luyện.
Theo một nghiên cứu trong ống nghiệm, dầu dừa nguyên chất có lượng chất chống oxy hóa cao hơn và giúp cải thiện khả năng chống lại các gốc tự do tốt hơn so với dầu dừa tinh luyện.
Kết quả của hai nghiên cứu này chỉ ra rằng dầu dừa nguyên chất hiệu quả hơn dầu dừa tinh luyện trong việc ngăn chặn quá trình oxy hóa và trung hòa gốc tự do – nguyên nhân gây tổn thương tế bào, dẫn đến phản ứng viêm và nhiều bệnh tật.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù các lợi ích của việc ăn dầu dừa đối với sức khỏe đã được nghiên cứu kỹ nhưng các nghiên cứu về tác dụng của dầu dừa đối với da mới chỉ được thực hiện trên động vật hoặc trong ống nghiệm.
Tuy nhiên, dầu dừa có thể mang lại một số lợi ích cho làn da, chẳng hạn như giảm viêm, giữ ẩm và giúp chữa lành vết thương.
Các axit béo chuỗi trung bình trong dầu dừa có đặc tính kháng khuẩn nên loại dầu này còn giúp trị mụn trứng cá và bảo vệ da khỏi vi khuẩn có hại.
Nếu bạn có da dầu hoặc da nhạy cảm thì cần theo dõi phản ứng của da khi sử dụng dầu dừa và dừng ngay khi có các dấu hiệu kích ứng hoặc nổi mụn.