Lợi ích của vitamin D đối với bệnh đa xơ cứng và đau cơ xơ hóa
Vitamin D và bệnh đa xơ cứng
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra vai trò của vitamin D đối với bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis) và đau cơ xơ hóa (fibromyalgia). Đây là hai bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Neurology, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Y tế Công cộng Harvard (HSPH) ở Boston đã theo dõi những bệnh nhân mắc bệnh đa xơ cứng và phát hiện ra rằng những người có nồng độ vitamin D trong máu ở mức cao hơn gặp phải các triệu chứng nhẹ hơn so với những người có nồng độ vitamin D ở mức thấp. (1)
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra nồng độ vitamin D của 465 người tham gia và theo dõi trong khoảng thời gian 5 năm. Trong thời gian này, các bệnh nhân được sử dụng Betaseron - một loại thuốc điều trị bệnh đa xơ cứng được FDA cấp phép. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc tăng nồng độ vitamin D trong vòng 12 tháng đầu điều trị bằng thuốc giúp giảm 57% nguy cơ tái phát.
Theo nghiên cứu, những bệnh nhân có nồng độ vitamin D thấp trong giai đoạn đầu có nguy cơ bệnh tiến triển nặng cao hơn.
>>> Sự thiếu hụt vitamin D khiến xương thoái hóa sớm
Nhưng mối liên hệ cụ thể giữa vitamin D và bệnh đa xơ cứng là gì? Căn bệnh này làm giảm nồng độ vitamin D hay mức vitamin D thấp góp phần làm tình trạng bệnh thêm trầm trọng? Đó là một câu hỏi khó giải đáp không thua gì “quả trứng có trước hay con gà có trước?”
Trong một cuộc phỏng vấn, Alberto Ascherio - tác giả chính của nghiên cứu và giáo sư khoa Dịch tễ học và dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard cho biết: “Rất có thể tình trạng bệnh đa xơ cứng tiến triển nặng là do nồng độ vitamin D thấp.” Điều này dựa trên những gì mà ông cùng với các đồng nghiệp phát hiện thấy trong nghiên cứu.
Vitamin D giúp giảm triệu chứng đau cơ xơ hóa
Trong một nghiên cứu được thực hiện ở Vienna (Áo), vitamin D đã được chứng minh là có liên quan đến mức độ đau đớn và mệt mỏi ở những bệnh nhân đau cơ xơ hóa. (2)
30 người tham gia nghiên cứu được chia thành hai nhóm. Một nhóm được uống bổ sung vitamin D trong khi nhóm còn lại dùng giả dược. Ở nhóm được bổ sung vitamin D, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng cả triệu chứng đau và mệt mỏi đều thuyên giảm đáng kể.
Theo nghiên cứu viên chính Florian Wepner thì phát hiện này đã mở ra một hướng điều trị mới cho những người mắc hội chứng đau cơ xơ hóa.
Cần bổ sung bao nhiêu vitamin D mỗi ngày?
Mặc dù cần nghiên cứu thêm để hiểu hơn về tác động của vitamin D đến bệnh đa xơ cứng và chứng đau cơ xơ hóa nhưng đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy vitamin D có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Vậy mỗi người cần bao nhiêu vitamin D mỗi ngày?
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health - NIH), từ 9 tuổi trở lên thì mức bổ sung vitamin D an toàn đối với hầu hết mọi người là tối đa 4.000 IU mỗi ngày. (3)
Có một số cách để tăng lượng vitamin D nhưng cách đơn giản nhất là tắm nắng. Chỉ cần để da tiếp xúc trực tiếp với nắng 3 lần một tuần, mỗi lần 10 đến 15 phút là đủ.
Phải để cho ánh nắng chiếu trực tiếp lên da mặt, cánh tay, lưng hoặc chân (không dùng kem chống nắng hay các biện pháp che chắn). Tuy nhiên, NIH khuyến cáo “vì tiếp xúc với tia UV trong ánh nắng mặt trời sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da nên không được phơi nắng quá lâu. Khi phải ở ngoài trời nắng trong thời gian dài thì cần dùng kem chống nắng và có các biện pháp bảo vệ da khác.”
Theo ông Ascherio: “Sự kết hợp giữa chế độ ăn uống gồm có các loại thực phẩm giàu vitamin D và tiếp xúc hợp lý với ánh nắng mặt trời sẽ cung cấp đủ vitamin D cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu sống ở những nơi có ít nắng, không hay ra ngoài trời hoặc ăn ít thực phẩm chứa vitamin D thì nên uống bổ sung để duy trì mức vitamin D khỏe mạnh.”
Làm thế nào để bổ sung vitamin D?
Những người sống ở vùng khí hậu có mùa lạnh kéo dài, ít nắng thường dễ bị thiếu hụt vitamin D. Trong những trường hợp này thì có thể tăng cường vitamin D thông qua chế độ ăn uống hàng ngày hoặc dùng viên uống bổ sung.
Các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D nhất gồm có các loại cá béo như cá ngừ, cá hồi và cá thu, dầu gan cá tuyết, gan, lòng đỏ trứng,… Ngoài ra còn có các loại thực phẩm được thêm vitamin D trong quá trình sản xuất, ví dụ như sữa tươi, sữa chua, phô mai, kem, ngũ cốc, nước ép quả đóng chai,…
Ông Wepner cho biết: “Dùng viên uống bổ sung vitamin D là một phương pháp điều trị tương đối an toàn và giá thành hợp lý cho những bệnh nhân đau cơ xơ hóa. Có thể coi đây là một phương pháp thay thế hoặc bổ trợ vô cùng hiệu quả cho các loại thuốc đắt tiền cũng như là các phương pháp điều trị khác như vật lý trị liệu, trị liệu hành vi và trị liệu đa mô thức. Nồng độ vitamin D cần được theo dõi thường xuyên ở bệnh nhân đau cơ xơ hóa, đặc biệt là vào mùa đông và bổ sung một cách hợp lý nếu nồng độ ở mức thấp.”
Cho dù chọn tăng cường vitamin D cho cơ thể bằng cách nào thì cũng cần nói chuyện với bác sĩ trước. Bước đầu tiên là phải làm xét nghiệm máu để xác định mức vitamin D hiện tại và từ đó có giải pháp bổ sung phù hợp. Cho dù bị đa xơ cứng hay đau cơ xơ hóa thì cung cấp đủ vitamin D cũng là điều cần thiết để kiểm soát tình trạng bệnh.
Theo các chuyên gia, vitamin D có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh phổi ở những người bị thiếu hụt loại vitamin này.
Vấn đề phổ biến nhất có thể xảy ra khi bị thiếu hụt vitamin D là loãng xương. Loãng xương làm tăng nguy cơ gãy xương, đau xương và mất thính giác.
Nhiều người bị bệnh vảy nến phải sử dụng kết hợp các loại thuốc khác nhau để điều trị nhưng ở một số người, chỉ cần bổ sung vitamin D là các triệu chứng bệnh đã có sự cải thiện đáng kể.
Mới đây, một nhóm nghiên cứu đã có những phát hiện mới về vitamin D và mối liên hệ với bệnh viêm khớp dạng thấp.
Mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy rằng tăng lượng vitamin sẽ chữa khỏi bệnh vảy nến nhưng một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc bổ sung vitamin kết hợp với các phương pháp điều trị khác có thể làm giảm triệu chứng bệnh.