1

Hội chứng Fanconi là gì?

Hội chứng Fanconi là một chứng rối loạn hiếm gặp xảy ra ở các ống lượn gần của thận. Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Fanconi là do di truyền nhưng chứng rối loạn này cũng có thể xảy ra do một số loại thuốc, hóa chất hoặc bệnh tật.
Hội chứng Fanconi là gì? Hội chứng Fanconi là gì?

Các ống lượn gần có chức năng tái hấp thu các khoáng chất và chất dinh dưỡng (chất chuyển hóa) vào máu, các chất này cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể. Ở người bị hội chứng Fanconi, các ống lượn gần giải phóng một lượng lớn các chất chuyển hóa thiết yếu này vào nước tiểu thay vì tái hấp thu vào máu. Những chất thiết yếu này gồm có:

  • Nước
  • Glucose
  • Phốt phát
  • Bicacbonat
  • Carnitine
  • Kali
  • Axit uric
  • Axit amin
  • Một số loại protein

Thận của người trưởng thành lọc khoảng 180 - 200 lít máu mỗi ngày. Hơn 98% thành phần trong lượng máu này sẽ được tái hấp thu vào máu. Tuy nhiên, ở người bị hội chứng Fanconi, các chất thiết yếu trong máu lại bị bài tiết vào nước tiểu. Sự thiếu hụt các chất chuyển hóa thiết yếu sẽ dẫn đến mất nước, biến dạng xương và tăng trưởng kém.

Không có cách chữa khỏi hội chứng Fanconi nhưng các phương pháp điều trị có thể làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của tình trạng này.

Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Fanconi là do di truyền nhưng chứng rối loạn này cũng có thể xảy ra do một số loại thuốc, hóa chất hoặc bệnh tật.

Hội chứng Fanconi được đặt theo tên của bác sĩ nhi khoa người Thụy Sĩ Guido Fanconi, người đã mô tả chứng rối loạn này vào những năm 1930. Ông cũng là người đầu tiên mô tả một dạng thiếu máu hiếm gặp có tên là thiếu máu Fanconi. Thiếu máu Fanconi và hội chứng Fanconi là hai tình trạng hoàn toàn khác nhau.

Triệu chứng của hội chứng Fanconi

Các triệu chứng của hội chứng Fanconi di truyền thường xuất hiện ngay từ khi còn nhỏ, gồm có:

  • Khát nước
  • Đi tiểu nhiều
  • Nôn mửa
  • Chậm lớn
  • Yếu ớt
  • Còi xương
  • Giảm trương lực cơ
  • Vấn đề về giác mạc
  • Chức năng thận giảm

Các triệu chứng của hội chứng Fanconi mắc phải gồm có:

  • Vấn đề về xương
  • Yếu cơ
  • Nồng độ phốt phát trong máu thấp
  • Nồng độ kali trong máu thấp (hạ kali máu)
  • Nồng độ axit amin trong nước tiểu cao

Nguyên nhân gây hội chứng Fanconi

Hội chứng Fanconi di truyền

Loạn dưỡng cystine là nguyên nhân phổ biến nhất gây hội chứng Fanconi. Loạn dưỡng cystine là một bệnh di truyền hiếm gặp có đặc trưng là cystine (một loại axit amin) tích tụ khắp cơ thể. Điều này dẫn đến chậm phát triển và nhiều chứng rối loạn, chẳng hạn như biến dạng xương. Dạng loạn dưỡng cystine phổ biến và nghiêm trọng nhất xảy ra ở trẻ sơ sinh và là nguyên nhân dẫn đến hội chứng Fanconi.

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2016 ước tính cứ 100.000 đến 200.000 trẻ sơ sinh thì có 1 trẻ mắc bệnh loạn dưỡng cystine. (1)

Các bệnh chuyển hóa di truyền khác cũng có thể dẫn đến hội chứng Fanconi còn có:

  • Hội chứng Lowe
  • Bệnh Wilson
  • Không dung nạp fructose di truyền

Hội chứng Fanconi mắc phải

Hội chứng Fanconi mắc phải có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra, gồm có:

  • Một số loại thuốc hóa trị điều trị ung thư
  • Sử dụng thuốc kháng virus
  • Sử dụng thuốc kháng sinh

Tác dụng phụ của thuốc là nguyên nhân phổ biến nhất gây hội chứng Fanconi mắc phải. Thông thường các triệu chứng có thể được điều trị hoặc đảo ngược.

Đôi khi không xác định được nguyên nhân gây hội chứng Fanconi mắc phải.

Các loại thuốc điều trị ung thư có thể gây hội chứng Fanconi gồm có:

  • ifosfamide
  • cisplatin và carboplatin
  • azacitidine
  • mercaptopurine
  • suramin (còn được sử dụng để điều trị bệnh do ký sinh trùng)

Các loại thuốc khác cũng có thể gây ra hội chứng Fanconi gồm có:

  • Tetracylin hết hạn: Các sản phẩm phân hủy có trong các loại thuốc nhóm tetracyclin hết hạn (anhydrotetracycline và epitetracycline) có thể gây ra hội chứng Fanconi và các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng vài ngày sau khi sử dụng thuốc.
  • Kháng sinh nhóm aminoglycosid, gồm có gentamicin, tobramycin và amikacin. Theo một nghiên cứu vào năm 2013, có tới 25% người sử dụng các loại kháng sinh này gặp các triệu chứng của hội chứng Fanconi. (2)
  • Thuốc chống co giật, ví dụ như axit valproic.
  • Thuốc kháng virus, gồm có didanosine, cidofovir và adefovir.
  • Axit fumaric, một loại thuốc điều trị bệnh vảy nến.

Hội chứng Fanconi còn có thể xảy ra do:

  • uống quá nhiều rượu
  • hít keo
  • thường xuyên tiếp xúc với kim loại nặng và hóa chất trong môi trường làm việc
  • thiếu vitamin D
  • ghép thận
  • bệnh đa u tủy
  • bệnh thoái hóa tinh bột

Cơ chế bệnh sinh chính xác của hội chứng Fanconi vẫn chưa được xác định rõ.

Chẩn đoán hội chứng Fanconi

Hội chứng Fanconi di truyền ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Thông thường, các triệu chứng của hội chứng Fanconi di truyền xuất hiện ngay từ giai đoạn sơ sinh hoặc khi còn nhỏ. Một số triệu chứng thường gặp là trẻ khát nước liên tục và tăng trưởng chậm hơn so với các trẻ cùng lứa tuổi. Trẻ bị hội chứng Fanconi còn có thể bị còi xương hoặc mắc các bệnh về thận.

Khi nhận thấy trẻ có các triệu chứng kể trên, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám. Bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra các dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như nồng độ glucose, phốt phát hoặc axit amin cao và để loại trừ các bệnh lý khác. Bác sĩ sẽ soi đèn khe kiểm tra giác mạc của trẻ để xem trẻ có mắc bệnh loạn dưỡng cystine hay không. Bệnh loạn dưỡng cystine có thể ảnh hưởng đến mắt.

Hội chứng Fanconi mắc phải

Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử, bao gồm cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, các bệnh lý khác đang mắc và hỏi về nghề nghiệp để xem có tiếp xúc với các hóa chất độc hại hay không. Sau đó, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu và nước tiểu.

Hội chứng Fanconi mắc phải thường không gây triệu chứng ngay nhưng trong nhiều trường hợp, xương và thận bị tổn thương từ trước khi hội chứng Fanconi được phát hiện.

Hội chứng Fanconi có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Chẩn đoán nhầm

Vì hội chứng Fanconi là một chứng rối loạn hiếm gặp nên đôi khi bị chẩn đoán nhầm thành các bệnh lý khác. Hội chứng Fanconi cũng có thể xảy ra cùng lúc với các bệnh di truyền hiếm gặp khác, chẳng hạn như:

  • Loạn dưỡng cystine
  • Bệnh Wilson
  • Bệnh Dent
  • Hội chứng Lowe

Do sự tương đồng về một số triệu chứng nên đôi khi hội chứng Fanconi bị nhầm thành các bệnh phổ biến hơn như tiểu đường type 1 hoặc:

  • Xơ nang, suy dinh dưỡng mạn tính hoặc cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức). Các tình trạng này đều gây chậm phát triển.
  • Thiếu vitamin D hoặc các dạng còi xương di truyền. Các tình trạng này đều có triệu chứng là xương mềm, yếu.
  • Bệnh lý ty thể hoặc các bệnh hiếm gặp khác. Các bệnh này đều có thể gây suy giảm chức năng thận.

Điều trị hội chứng Fanconi

Việc điều trị hội chứng Fanconi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng, nguyên nhân và sự hiện diện của các bệnh khác. Hội chứng Fanconi không thể chữa khỏi. Mục đích điều trị là kiểm soát các triệu chứng. Bệnh càng được phát hiện và điều trị sớm thì tiên lượng càng tốt.

Điều trị hội chứng Fanconi di truyền

Ở trẻ em mắc hội chứng Fanconi di truyền, phương pháp điều trị bước đầu là bổ sung các chất thiết yếu bị đào thải khỏi cơ thể. Có thể bổ sung các chất này qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch. Các chất thường phải bổ sung gồm có:

  • Chất điện giải
  • Bicacbonat
  • Kali
  • Vitamin D
  • Phốt phát
  • Nước (nếu trẻ bị mất nước)
  • Các khoáng chất và chất dinh dưỡng khác

Cha mẹ cần tăng lượng calo trong chế độ ăn của trẻ để cải thiện tốc độ phát triển và tăng trưởng. Nếu xương của trẻ bị biến dạng thì cần cho trẻ đi khám bác sĩ chỉnh hình để được tư vấn phương pháp điều trị. Có thể cần kết hợp điều trị bằng vật lý trị liệu.

Việc điều trị còn tùy thuộc vào việc trẻ có mắc các bệnh di truyền khác hay không. Ví dụ, trẻ mắc bệnh Wilson cần hạn chế ăn thực phẩm chứa đồng.

Điều trị loạn dưỡng cystin

Điều quan trọng là bắt đầu điều trị loạn dưỡng cystin càng sớm càng tốt. Nếu hội chứng Fanconi và bệnh loạn dưỡng cystin không được điều trị, trẻ sẽ có nguy cơ bị suy thận mạn giai đoạn cuối trước khi lên 10 tuổi.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt một loại thuốc làm giảm lượng cystine trong tế bào, đó là cysteamine. Cysteamine có thể được sử dụng cho trẻ em, bắt đầu từ liều thấp và tăng dần lên liều duy trì. Loại thuốc này có thể giúp trì hoãn ghép thận từ 6 đến 10 năm. Tuy nhiên, loạn dưỡng cystin là một bệnh toàn thân, có nghĩa là có thể gây ra vấn đề với các cơ quan khác.

Các phương pháp điều trị khác cho bệnh loạn dưỡng cystin gồm có:

  • Thuốc nhỏ mắt cysteamine để giảm sự tích tụ cystine trong giác mạc
  • Thay thế hormone tăng trưởng
  • Ghép thận

Đối với những người mắc hội chứng Fanconi, việc theo dõi sát sao là rất cần thiết. Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra.

Điều trị hội chứng Fanconi mắc phải

Khi ngừng hoặc giảm tiếp xúc với chất hoặc thuốc gây ra hội chứng Fanconi, thận sẽ dần phục hồi theo thời gian. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng tổn thương thận vẫn tiếp diễn.

Tiên lượng của người mắc hội chứng Fanconi

Tiên lượng của người mắc bệnh loạn dưỡng cystin và hội chứng Fanconi ngày nay đã được cải thiện đáng kể so với trước đây nhờ những tiến bộ trong điều trị. Nhờ có thuốc cysteamine và ghép thận mà nhiều người mắc hội chứng Fanconi và loạn dưỡng cystin có thể sống bình thường và lâu hơn.

Các công nghệ mới đang được phát triển để sàng lọc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc bệnh loạn dưỡng cystin và hội chứng Fanconi. Điều này giúp cho những trẻ mắc bệnh được phát hiện bệnh và điều trị từ sớm. Nghiên cứu cũng đang được tiến hành để tìm ra các phương pháp điều trị mới hiệu quả hơn, chẳng hạn như cấy ghép tế bào gốc.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: hội chứng
Tin liên quan
Các biến chứng của phẫu thuật phì đại tuyến tiền liệt
Các biến chứng của phẫu thuật phì đại tuyến tiền liệt

Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính là một vấn đề rất phổ biến và có thể điều trị được. Một trong các giải pháp điều trị là phẫu thuật. Do đây là một thủ thuật xâm lấn nên sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra một số vấn đề không mông muốn.

6 lợi ích đã được chứng minh của cây tầm ma
6 lợi ích đã được chứng minh của cây tầm ma

Cây tầm ma chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất, axit béo, axit amin, polyphenol và sắc tố - nhiều thành phần trong số này có tác dụng như chất chống oxy hóa bên trong cơ thể.

Lợi ích của uống trà đối với chứng phì đại tuyến tiền liệt
Lợi ích của uống trà đối với chứng phì đại tuyến tiền liệt

Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, hay còn được gọi là phì đại tuyến tiền liệt, là một vấn đề mà hàng triệu nam giới gặp phải và trong nhiều trường hợp, tình trạng này không cần đến các phương pháp điều trị y tế như thuốc hay phẫu thuật.

Rượu bia ảnh hưởng như thế nào đến các triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt?
Rượu bia ảnh hưởng như thế nào đến các triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt?

Việc bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có thể uống rượu bia hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có mức độ tiến triển của bệnh ung thư và lượng rượu bia tiêu thụ.

Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của ung thư tuyến tiền liệt
Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi khối u phát triển đủ lớn và chèn ép niệu đạo. Khi điều này xảy ra, bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng như tiểu khó, dòng tiểu yếu hay cảm giác tiểu không hết.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây