1

Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi khối u phát triển đủ lớn và chèn ép niệu đạo. Khi điều này xảy ra, bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng như tiểu khó, dòng tiểu yếu hay cảm giác tiểu không hết.
Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của ung thư tuyến tiền liệt Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của ung thư tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt là một cơ quan có kích thước tương đối nhỏ nằm bên dưới bàng quang và phía trước trực tràng. Ung thư tuyến tiền liệt là một bệnh ung thư rất phổ biến ở nam giới. Theo thống kê, vào năm 2020 có khoảng 1 triệu ca mắc mới ung thư tuyến tiền liệt trên toàn thế giới.

Ở những nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt, tuyến tiền liệt có thể chèn ép niệu đạo và dẫn đến các triệu chứng như đi tiểu nhiều lần hoặc dòng tiểu yếu. Niệu đạo là một ống dài đi xuyên qua tuyến tiền liệt, có chức năng dẫn nước tiểu từ bàng quang đến đầu dương vật.

Khi ung thư lan ra ngoài tuyến tiền liệt (di căn), bệnh nhân sẽ còn gặp phải các vấn đề như sụt cân và đau nhức xương.

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt thường không biểu hiện triệu chứng ở những giai đoạn đầu. Bệnh chỉ có triệu chứng khi khối u phát triển đủ lớn và chèn ép lên niệu đạo. Hầu hết các triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt đều là do các nguyên nhân khác gây ra chứ không phải bản thân khối u.

Các triệu chứng thường gặp của ung thư tuyến tiền liệt gồm có:

  • Đi tiểu nhiều lần
  • Tiểu gấp
  • Tiểu khó, phải rặn khi đi tiểu
  • Dòng tiểu yếu
  • Cảm giác bàng quang không rỗng hoàn toàn sau khi đi tiểu (bí tiểu)
  • Có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch

Các triệu chứng khác còn có:

  • Đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Đau khi ngồi do tuyến tiền liệt tăng kích thước
  • Các dấu hiệu cho thấy ung thư đã di căn (lan sang các bộ phận khác của cơ thể):
  • Đau xương ở hông, ngực hoặc các vùng cơ thể khác
  • Đau lưng
  • Ăn không ngon miệng
  • Đau tinh hoàn
  • Sụt cân không chủ đích
  • Thay đổi thói quen đại tiện
  • Sưng phù ở bàn chân hoặc cẳng chân

Các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự

Nhiều vấn đề khác xảy ra với tuyến tiền liệt cũng có các triệu chứng tương tự ung thư tuyến tiền liệt. Có đến 80 - 90% nam giới ở độ tuổi 70 bị chứng tăng sản tuyến tiền liệt lành tính hay còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt. Tình trạng này có thể gây ra nhiều triệu chứng giống như ung thư tuyến tiền liệt nhưng thường không cần phải điều trị, trừ khi các triệu chứng gây khó chịu hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt.

Các vấn đề khác về tuyến tiền liệt có thể gây ra các triệu chứng tương tự như ung thư tuyến tiền liệt gồm có:

  • Viêm tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn
  • Áp xe tuyến tiền liệt (tình trạng tích tụ mủ ở tuyến tiền liệt, thường là do viêm tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn)
  • Viêm tuyến tiền liệt không do nhiễm khuẩn
  • Lao tiết niệu - sinh dục

Ai có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt?

Tuổi tác là yếu tố nguy cơ chính của ung thư tuyến tiền liệt. Nguy cơ mắc căn bệnh này tăng theo thời gian. Khoảng 99% trường hợp ung thư tuyến tiền liệt xảy ra ở nam giới trên 50 tuổi. Khoảng 60% tổng số ca ung thư tuyến tiền liệt là nam giới trên 65 tuổi. (1)

Ngoài tuổi tác, các yếu tố nguy cơ khác còn có:

  • Chủng tộc: Nam giới Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc và tử vong do ung thư tuyến tiền liệt cao hơn gấp đôi so với nam giới ở các chủng tộc khác. Nam giới người Mỹ gốc Phi còn có nguy cơ:
    • mắc ung thư tuyến tiền liệt ở độ tuổi trẻ hơn
    • ung thư đã tiến triển sang giai đoạn muộn khi được phát hiện
    • mắc loại ung thư tuyến tiền liệt nghiêm trọng hơn
  • Tiền sử gia đình: Những nam giới có người thân ruột thịt trong gia đình như con trai, cha hoặc anh trai bị ung thư tuyến tiền liệt sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Một số đột biến gen di truyền trong gia đình, chẳng hạn như gen BRCA1 hoặc BRCA2 có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.
  • Chế độ ăn uống: Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), một số bằng chứng cho thấy những nam giới ăn nhiều sản phẩm sữa dường như có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn so với những người ăn ít. (2)
  • Béo phì: Bằng chứng hiện tại cho thấy mặc dù béo phì không làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt nhưng ở người béo phì, ung thư tiến triển nhanh hơn.

Khi nào nên đi khám?

Nên đi khám càng sớm càng tốt khi nhận thấy các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh ung thư tuyến tiền liệt, ngay cả khi các triệu chứng có vẻ không nghiêm trọng. Phải đi khám ngay lập tức khi phát hiện có máu trong nước tiểu vì đó cũng có thể là triệu chứng của vấn đề nghiêm trọng về thận hoặc bàng quang.

Hầu hết các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt đều được phát hiện qua sàng lọc. Hai phương pháp chính thường được sử dụng để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt là thăm trực tràng và xét nghiệm PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt).

Nếu khám trực tràng hoặc xét nghiêm PSA cho kết quả bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu sinh thiết tuyến tiền liệt để xác nhận. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ tuyến tiền liệt để phân tích và tìm sự hiện diện của tế bào ung thư.

Câu hỏi thường gặp về ung thư tuyến tiền liệt

Mức độ nghiêm trọng của các loại ung thư tuyến tiền liệt có giống nhau không?

Ung thư tuyến tiền liệt chủ yếu xảy ra ở nam giới trên 50 tuổi. Ung thư xảy ra ở những người trẻ tuổi hơn thường nghiêm trọng hơn.

Có nhiều loại ung thư tuyến tiền liệt nhưng phần lớn các ca bệnh là ung thư biểu mô tuyến. Ung thư biểu mô tuyến bắt đầu trong các ống dẫn của tuyến tiền liệt thường nghiêm trọng hơn ung thư biểu mô tuyến bắt đầu trong các tế bào tuyến.

Nếu cha bị ung thư tuyến tiền liệt thì con trai có nguy cơ mắc bệnh không?

Việc có cha hoặc anh em ruột mắc ung thư tuyến tiền liệt sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh. Người có anh trai mắc bệnh sẽ có nguy cơ cao hơn so với người có cha mắc bệnh. Càng có nhiều người thân bị ung thư tuyến tiền liệt thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng cao, đặc biệt là nếu người thân mắc bệnh khi còn trẻ.

Có nên sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt hàng năm không?

Có nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm bắt đầu sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt và tần suất thực hiện. Hầu hết các chuyên gia về sức khỏe đều thống nhất rằng nam giới nên trao đổi trước với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích của việc sàng lọc trước khi đưa ra quyết định.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, độ tuổi mà nam giới nên trao đổi với bác sĩ về việc sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt sẽ tùy thuộc vào nguy cơ mắc bệnh của từng người: (3)

  • 50 tuổi đối với những nam giới có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt ở mức trung bình (và có tuổi thọ dự kiến tối thiểu là 60 tuổi)
  • 45 tuổi đối với nam giới có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tiền liệt (bao gồm cả người Mỹ gốc Phi và nam giới có cha hoặc anh trai ruột mắc ung thư tuyến tiền liệt trước 65 tuổi)
  • 40 tuổi đối với nam giới có nhiều hơn một thân nhân bậc một (cha hoặc anh trai ruột) mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt trước 65 tuổi

Người chuyển giới có thể bị ung thư tuyến tiền liệt không?

Bất cứ ai có tuyến tiền liệt đều có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt, bao gồm cả trans woman (những người sinh ra với các đặc điểm cơ thể nam giới nhưng nhận định bản thân là nữ). Tuy nhiên, mới có rất ít nghiên cứu kiểm chứng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt ở những người này.

Trong một nghiên cứu vào năm 2022, các nhà nghiên cứu đã đánh giá nguy cơ của 2.281 trans woman đến khám tại một phòng khám ở Hà Lan từ năm 1972 đến năm 2016. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người điều trị bằng liệu pháp ức chế androgen và estrogen có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn so với nam giới nói chung.

Tóm tắt bài viết

Ung thư tuyến tiền liệt thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi khối u phát triển lớn và chèn lên niệu đạo. Khi điều này xảy ra, người bệnh sẽ có các triệu chứng như khó tiểu, tiểu gấp, dòng tiểu yếu hoặc tiểu không hết.

Nên đi khám sớm khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường có tiên lượng rất tốt nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đau lưng có phải là triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt?
Đau lưng có phải là triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt?

Hầu hết chúng ta có lẽ đều đã từng ít nhất một lần bị đau lưng do nâng vật nặng, ngồi làm việc quá lâu hoặc tập thể dục quá sức. Nhưng nếu đột nhiên bị đau lưng mà không rõ nguyên do hoặc đã thử các biện pháp khắc phục thông thường mà cơn đau vẫn không đỡ thì liệu đó có phải là biểu hiện của vấn đề bất thường hay không?

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh có thể điều trị và là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ sống cao. Phát hiện ung thư ở giai đoạn 2 vẫn được coi là phát hiện sớm và tiên lượng sẽ tốt hơn so với những trường hợp phát hiện muộn hơn.

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối: Triệu chứng và điều trị
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối: Triệu chứng và điều trị

Khi bệnh ung thư tuyến tiền liệt tiến triển sang giai đoạn cuối, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở và chán ăn thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.

Các triệu chứng ban đầu của ung thư tuyến tiền liệt
Các triệu chứng ban đầu của ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Số liệu thống kê vào năm 2020 cho thấy có gần 1,5 triệu ca mắc mới và khoảng 375.000 ca tử vong do ung thư tuyến tiền liệt. Nhận biết được các triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt có thể giúp phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm tuyến tiền liệt có thể là do nhiễm vi khuẩn nhưng không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân. Viêm tuyến tiền liệt gây ra các triệu chứng khó chịu như nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu nhiều lần và đau ở thắt lưng. Viêm tuyến tiền liệt cũng có thể dẫn đến viêm ở vùng chậu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây