Các triệu chứng ban đầu của ung thư tuyến tiền liệt
Một số triệu chứng thường gặp của ung thư tuyến tiền liệt gồm có:
- Rối loạn tiểu tiện
- Rối loạn chức năng tình dục
- Đau
Cùng tìm hiểu thêm về những triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Rối loạn tiểu tiện
Ung thư tuyến tiền liệt có nhiều triệu chứng tương tự như các vấn đề về tuyến tiền liệt lành tính. Các triệu chứng xuất hiện đầu tiên của bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường là triệu chứng về tiết niệu, chẳng hạn như:
- Đi tiểu nhiều lần
- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Tiểu khó (phải rặn khi đi tiểu)
- Dòng chảy yếu, ngập ngừng
- Có máu trong nước tiểu
Nhiều triệu chứng trong số này cũng giống với triệu chứng của các vấn đề lành tính xảy ra với tuyến tiền liệt như phì đại tuyến tiền liệt (tăng sản tuyến tiền liệt lành tính) và viêm tuyến tiền liệt (thường là do nhiễm trùng).
>>> Sự khác biệt giữa viêm tuyến tiền liệt và phì đại tuyến tiền liệt
Không giống như ung thư tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt và viêm tuyến tiền liệt thường không gây triệu chứng tiểu ra máu. Nếu phát hiện thấy có máu trong nước tiểu, hãy đi khám càng sớm càng tốt.
Rối loạn chức năng tình dục
Tuyến tiền liệt đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh dục của nam giới. Vì vậy nên ung thư tuyến tiền liệt có thể gây rối loạn chức năng tình dục. Người bệnh có thể bị rối loạn cương dương (khó đạt được hoặc duy trì sự cương cứng) hoặc bị đau khi xuất tinh. Tuy nhiên, ở nhiều trường hợp, ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu không có triệu chứng.
Do sự thay đổi nồng độ hormone nên rối loạn chức năng tình dục là một vấn đề phổ biến ở nam giới khi có tuổi. Tuy nhiên, nếu bị rối loạn cương dương hoặc các vấn đề khác về chức năng tình dục thì vẫn nên đi khám. Bác sĩ sẽ giúp xác định xem các triệu chứng có phải là do ung thư hay không.
Thường xuyên bị đau
Ung thư tuyến tiền liệt có thể lan ra ngoài tuyến tiền liệt đến các khu vực khác và gây đau ở trong cũng như xung quanh tuyến tiền liệt. Tùy thuộc vào vị trí ung thư di căn mà bệnh còn có thể gây đau ở các khu vực khác như hông, thắt lưng, vùng chậu và đùi trên.
Người bệnh có thể bị đau ở nhiều khu vực cùng lúc, ví dụ như đau buốt khi đi tiểu và đau vùng chậu. Nếu bị thường xuyên bị đau hoặc cơn đau kéo dài dai dẳng thì hãy đi khám để xác định nguyên nhân.
Khi nào cần đi khám?
Nên đi khám càng sớm càng tốt khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh ung thư tuyến tiền liệt, ngay cả khi các dấu hiệu chỉ ở mức độ nhẹ. Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute) khuyến nghị nam giới ở độ tuổi 30 đến 40 nên đi khám ngay khi gặp bất kỳ triệu chứng nào của ung thư tuyến tiền liệt. Mặc dù những triệu chứng này không phải lúc nào cũng là do ung thư tuyến tiền liệt nhưng các vấn đề lành tính về tuyến tiền liệt như phì đại tuyến tiền liệt đa phần xảy ra ở nam giới sau 50 tuổi.
Cần đi khám ngay nếu có các triệu chứng như chảy máu hoặc đau dữ dội.
Khám sàng lọc ung thư định kỳ cũng rất quan trọng, đặc biệt là đối với những người có tiền sử gia đình mắc ung thư. Những nam giới có cha hoặc anh em ruột bị ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp ba lần so với người không có tiền sử gia đình. Những người có tiền sử gia đình bị ung thư vú di truyền cũng có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn. Nếu có tiền sử gia đình bị các bệnh này, người bệnh nên cho bác sĩ biết khi đi khám.
Tầm quan trọng của khám sàng lọc
Khám sàng lọc định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt. Việc để đến khi có các triệu chứng rõ rệt mới đi khám có thể dẫn đến phát hiện bệnh muộn, lúc này có thể ung thư đã tiến triển sang giai đoạn nặng hơn và khó điều trị hơn. Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư tuyến tiền liệt càng được phát hiện càng sớm thì tiên lượng sẽ càng khả quan.
Ngoài ra cũng nên chú ý đến sức khỏe và đi khám ngay khi nhận thấy những thay đổi bất thường. Ung thư tuyến tiền liệt có nhiều triệu chứng tương tự như tăng sản tuyến tiền liệt lành tính và viêm tuyến tiền liệt.
Ba bệnh lý này có thể xảy ra cùng một lúc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tăng sản tuyến tiền liệt lành tính hay viêm tuyến tiền liệt làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Giai đoạn 3 là khi ung thư tuyến tiền liệt đã trở nên nghiêm trọng nhưng vẫn có thể điều trị được. Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư tuyến tiền liệt cũng được phân giai đoạn dựa trên mức độ tiến triển của bệnh.
Hầu hết chúng ta có lẽ đều đã từng ít nhất một lần bị đau lưng do nâng vật nặng, ngồi làm việc quá lâu hoặc tập thể dục quá sức. Nhưng nếu đột nhiên bị đau lưng mà không rõ nguyên do hoặc đã thử các biện pháp khắc phục thông thường mà cơn đau vẫn không đỡ thì liệu đó có phải là biểu hiện của vấn đề bất thường hay không?
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh có thể điều trị và là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ sống cao. Phát hiện ung thư ở giai đoạn 2 vẫn được coi là phát hiện sớm và tiên lượng sẽ tốt hơn so với những trường hợp phát hiện muộn hơn.
Khi bệnh ung thư tuyến tiền liệt tiến triển sang giai đoạn cuối, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở và chán ăn thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.
Viêm tuyến tiền liệt có thể là do nhiễm vi khuẩn nhưng không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân. Viêm tuyến tiền liệt gây ra các triệu chứng khó chịu như nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu nhiều lần và đau ở thắt lưng. Viêm tuyến tiền liệt cũng có thể dẫn đến viêm ở vùng chậu.