1

Điều trị teo âm đạo sau mãn kinh

Các triệu chứng như khô âm đạo và đau quan hệ tình dục sau mãn kinh có thể là do teo âm đạo. Nguyên nhân chính là do sự sụt giảm hormone estrogen. Các cách để điều trị teo âm đạo gồm có liệu pháp estrogen, gel bôi trơn và gel dưỡng ẩm âm đạo.
Điều trị teo âm đạo sau mãn kinh Điều trị teo âm đạo sau mãn kinh

Teo âm đạo hay viêm teo âm đạo là tình trạng thành âm đạo bị mỏng đi. Tình trạng này thường xảy ra sau mãn kinh do sự sụt giảm nồng độ estrogen.

Mãn kinh là một giai đoạn chuyển tiếp về sinh lý diễn ra tự nhiên trong cuộc đời của người phụ nữ. Mãn kinh thường diễn ra ở độ tuổi từ 45 đến 55, khi buồng trứng không còn rụng trứng, dẫn đên chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt. Một phụ nữ khi không có kinh nguyệt trong ít nhất 12 tháng liên tiếp thì được xác định là đã mãn kinh.

Mãn kinh dẫn đến nhiều thay đổi trên cơ thể và một trong số đó là teo âm đạo.

Phụ nữ bị teo âm đạo có nguy cơ cao bị nhiễm trùng âm đạo mạn tính và các vấn đề về chức năng tiết niệu. Teo âm đạo còn gây đau đớn khi quan hệ tình dục.

Theo Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ, có tới 40% phụ nữ sau mãn kinh có triệu chứng teo âm đạo.

Triệu chứng teo âm đạo

Mặc dù teo âm đạo là tình trạng phổ biến nhưng chỉ có 20 đến 25% phụ nữ có triệu chứng teo âm đạo đi khám và được điều trị.

Ở một số phụ nữ, các triệu chứng teo âm đạo xảy ra trong giai đoạn tiền mãn kinh – khoảng thời gian trước khi mãn kinh. Trong khi đó ở một số người, phải nhiều năm sau khi mãn kinh thì các triệu chứng teo âm đạo mới xuất hiện.

Các triệu chứng teo âm đạo gồm có:

  • Thành âm đạo mỏng đi
  • Ống âm đạo ngắn và hẹp lại
  • Khô âm đạo
  • Cảm giác nóng rát
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Ra máu sau khi quan hệ
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra thường xuyên
  • Tiểu không tự chủ

Nguyên nhân gây teo âm đạo

Nguyên nhân gây teo âm đạo là do sự sụt giảm estrogen. Hormone estrogen thúc đẩy sự sản xuất chất nhầy giữ ẩm và bôi trơn cho âm đạo. Khi không có estrogen, mô âm đạo sẽ trở nên khô và mỏng đi. Âm đạo trở nên kém đàn hồi và dễ bị tổn thương hơn.

Ngoài thời kỳ mãn kinh, sự sụt giảm estrogen còn xảy ra vào những thời điểm khác, gồm có:

  • Trong thời gian cho con bú
  • Sau khi cắt bỏ buồng trứng (mãn kinh do phẫu thuật)
  • Sau khi hóa trị để điều trị ung thư
  • Sau khi xạ trị vùng chậu để điều trị ung thư
  • Sau khi sử dụng liệu pháp hormone để điều trị ung thư vú

Hoạt động tình dục thường xuyên giúp giữ cho mô âm đạo khỏe mạnh, ngoài ra còn có lợi cho tuần hoàn máu và cải thiện sức khỏe tim mạch.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ teo âm đạo

Tình trạng teo âm đạo có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào sau mãn kinh nhưng một số người sẽ có nguy cơ gặp phải vấn đề này cao hơn. Ví dụ, những phụ nữ chưa từng sinh thường dễ bị teo âm đạo hơn so với những phụ nữ đã từng sinh thường.

Hút thuốc làm giảm lưu lượng máu đến âm đạo, khiến cho mô âm đạo không được cung cấp đủ oxy và trở nên mỏng đi. Những phụ nữ hút thuốc còn đáp ứng kém hơn với liệu pháp estrogen đường uống.

Các vấn đề phát sinh do teo âm đạo

Teo âm đạo làm tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo. Teo âm đạo có thể làm tăng độ pH của âm đạo, điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm men và các vi sinh vật khác phát triển quá mức và dẫn đến nhiễm trùng.

Teo âm đạo còn làm tăng nguy cơ teo niệu dục. Các triệu chứng của teo niệu dục gồm có đi tiểu nhiều lần, tiểu gấp và cảm giác nóng rát khi đi tiểu.

Những phụ nữ bị teo âm đạo còn có nguy cơ bị tiểu không tự chủ và bị nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn.

Chẩn đoán teo âm đạo

Bạn nên đi khám ngay nếu thường xuyên bị nóng rát hoặc đau khi đi tiểu, đau khi quan hệ tình dục, ngay cả khi đã dùng gel bôi trơn hoặc các triệu chứng khác như chảy máu âm đạo bất thường.

Nhiều phụ nữ không đi khám khi gặp phải các triệu chứng này do cảm thấy xấu hổ. Tuy nhiên, đó đều những triệu chứng phổ biến ở phụ nữ nên hãy đi khám càng sớm càng tốt khi gặp phải. Nếu để lâu không điều trị, teo âm đạo có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Khi đi khám, bác sĩ sẽ hỏi về các yếu tố nguy cơ của teo âm đạo, gồm có bệnh sử, đã ngừng kinh nguyệt được bao lâu và bạn có từng bị ung thư hay không. Ngoài ra, bác sĩ sẽ còn hỏi về những loại thuốc mà bạn đang dùng và những sản phẩm đang sử dụng ở vùng kín, ví dụ như xịt thơm, dung dịch vệ sinh, chất khử mùi, gel bôi trơn và thuốc diệt tinh trùng. Một số sản phẩm có thể gây kích ứng và dẫn đến các triệu chứng teo âm đạo.

Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành khám vùng chậu. Quy trình khám vùng chậu gồm có đưa ngón tay vào âm đạo và sờ nắn để kiểm tra các cơ quan trong vùng chậu.

Bác sĩ sẽ quan sát và kiểm tra cả các cơ quan sinh dục ngoài để tìm các dấu hiệu teo âm đạo, chẳng hạn như:

  • Niêm mạc âm đạo nhợt nhạt, căng bóng
  • Giảm độ đàn hồi
  • Lông mu thưa
  • Môi âm hộ mỏng, mịn
  • Mô nâng đỡ tử cung bị giãn
  • Sa tạng chậu (khiến cho thành âm đạo phình lên)

Ngoài ra còn phải làm các xét nghiệm sau:

  • Soi tươi dịch âm đạo
  • Kiểm tra độ pH âm đạo
  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm nước tiểu

Soi tươi dịch âm đạo là kỹ thuật lấy mẫu dịch từ thành âm đạo và sau đó kiểm tra dưới kính hiển vi. Phương pháp này giúp phát hiện một số loại tế bào và vi khuẩn thường hiện diện ở người bị teo âm đạo.

Để kiểm tra độ pH của âm đạo, bác sĩ sẽ đặt một dải giấy quỳ tím vào âm đạo của người bệnh, sau đó đối chiếu màu của giấy với bảng màu.

Bạn có thể sẽ phải lấy mẫu máu và nước tiểu để làm xét nghiệm. Những xét nghiệm này kiểm tra một số yếu tố liên quan đến teo âm đạo, gồm có nồng độ estrogen.

Điều trị teo âm đạo

Các phương pháp điều trị giúp làm giảm các triệu chứng hoặc giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây teo âm đạo, nhờ đó giúp làm giảm cảm giác khó chịu và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tình trạng khô âm đạo có thể khắc phục bằng gel dưỡng ẩm âm đạo hoặc dùng gel bôi trơn gốc nước mỗi khi quan hệ tình dục.

Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, bạn có thể phải điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế (liệu pháp estrogen). Estrogen giúp cải thiện độ đàn hồi và độ ẩm tự nhiên của âm đạo. Các triệu chứng thường cải thiện nhanh chóng sau khi bắt đầu dùng estrogen. Có hai dạng liệu pháp estrogen là estrogen đường uống và estrogen tại chỗ.

Estrogen tại chỗ

Estrogen tại chỗ có nghĩa là đưa các chế phẩm chứa estrogen trực tiếp vào âm đạo. Dạng liệu pháp estrogen này có ưu điểm là ít tác dụng phụ hơn so với estrogen đường uống do chỉ có một lượng estrogen rất nhỏ đi vào máu. Nhưng estrogen tại chỗ không điều trị được bất kỳ triệu chứng toàn thân nào của thời kỳ mãn kinh, chẳng hạn như bốc hỏa. Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh estrogen tại chỗ làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung nhưng bạn nen đi khám ngay nếu bị chảy máu âm đạo bất thường trong thời gian sử dụng estrogen tại chỗ.

Estrogen tại chỗ có nhiều dạng:

  • Vòng estrogen âm đạo, chẳng hạn như Estring: Estring có dạng vòng mềm dẻo được đưa vào phần trên của âm đạo. Vòng sẽ liên tục giải phóng estrogen vào mô âm đạo và cần thay ba tháng một lần. Vòng estrogen âm đạo chứa liều lượng estrogen cao hơn so với các chế phẩm estrogen tại chỗ khác và do đó có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Bạn có thể cần dùng thêm progestin (dạng tổng hợp của progesterone) để giảm nguy cơ.
  • Dạng kem bôi: Bôi kem vào bên trong âm đạo bằng dụng cụ đi kèm trước khi đi ngủ. Thông thường, bạn sẽ phải bôi kem hàng ngày trong vài tuần đầu và sau đó có thể chỉ cần bôi 2 - 3 lần mỗi tuần.
  • Viên đặt âm đạo: được đưa vào âm đạo bằng dụng cụ dùng một lần. Ban đầu, bạn có thể cần dùng hàng ngày, sau đó giảm xuống 1 – 2 lần mỗi tuần.

Estrogen đường uống

Trong thời kỳ mãn kinh, estrogen đường uống thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng như bốc hỏa và khô âm đạo. Tuy nhiên, sử dụng estrogen đường uống trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Những phụ nữ có tiền sử ung thư không nên sử dụng estrogen đường uống.

Nếu không có tiền sử ung thư, bạn có thể dùng estrogen kết hợp với progesterone.

Phụ nữ dùng progesterone và estrogen có thể bị chảy máu âm đạo sau khi mãn kinh. Mặc dù nguy cơ ung thư là rất thấp khi dùng cả progesterone và estrogen nhưng bạn vẫn nên đi khám nếu bị ra máu sau mãn kinh. Đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư nội mạc tử cung.

Thay đổi lối sống để khắc phục teo âm đạo

Ngoài dùng thuốc, bạn cũng có thể thực hiện một số thay đổi về lối sống để khắc phục tình trạng teo âm đạo.

Mặc đồ lót bằng cotton và quần rộng có thể cải thiện các triệu chứng khó chịu. Mặc quần rộng rãi bằng chất liệu cotton sẽ giúp giữ cho vùng sinh dục thoáng khí và không bị tích tụ hơi ẩm, từ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Teo âm đạo gây đau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, duy trì quan hệ tình dục thường xuyên sẽ giúp tăng cường lưu thông máu đến âm đạo và cải thiện độ ẩm tự nhiên. Mặc dù quan hệ tình dục không thể làm tăng nồng độ estrogen nhưng tăng lưu thông máu sẽ giúp cải thiện các triệu chứng teo âm đạo và giữ cho cơ quan sinh dục khỏe mạnh về lâu dài. Dành nhiều thời gian hơn cho màn dạo đầu và sử dụng gel bôi trơn sẽ giúp giảm đau rát khi làm “chuyện ấy”. Bạn cũng có thể thử dùng dầu vitamin E làm chất bôi trơn khi quan hệ.

Cũng bằng chứng cho thấy rằng vitamin D giúp làm tăng độ ẩm trong âm đạo. Vitamin D còn giúp cơ thể hấp thụ canxi. Điều này giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa tình trạng mất xương sau mãn kinh, đặc biệt là khi kết hợp với tập thể dục thường xuyên.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các biện pháp tự nhiên để điều trị triệu chứng tiền mãn kinh
Các biện pháp tự nhiên để điều trị triệu chứng tiền mãn kinh

Trong thời kỳ tiền mãn kinh, phụ nữ phải trải qua nhiều triệu chứng do sự thay đổi nồng độ hormone estrogen và progesterone như bốc hỏa, mất ngủ, trầm cảm, đau vú và tâm trạng thất thường. Tuy nhiên, không nhất thiết phải dùng thuốc để điều trị những triệu chứng này.

Điều trị triệu chứng tiền mãn kinh bằng thuốc chống trầm cảm
Điều trị triệu chứng tiền mãn kinh bằng thuốc chống trầm cảm

Điều trị triệu chứng bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm là một trong những tác dụng, ngoài hướng dẫn phổ biến của một số thuốc chống trầm cảm.

Tất cả những điều bạn cần biết về thời kỳ mãn kinh
Tất cả những điều bạn cần biết về thời kỳ mãn kinh

Mãn kinh (menopause) chính thức bắt đầu khi bạn không có kinh nguyệt trong hơn 12 tháng liên tục. Ngay trước, trong và sau khi mãn kinh, phụ nữ thường gặp phải các tình trạng như đổ mồ hôi vào ban đêm. Mặc dù không có cách nào ngăn chặn thời kỳ mãn kinh nhưng có nhiều cách để giảm bớt các triệu chứng khó chịu và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Hội chứng niệu dục thời kỳ mãn kinh là gì? Điều trị bằng cách nào?
Hội chứng niệu dục thời kỳ mãn kinh là gì? Điều trị bằng cách nào?

Mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp lần thứ hai trong đời sống sinh dục của người phụ nữ (lần thứ nhất là tuổi dậy thì). Vào thời kỳ mãn kinh, nội tiết tố có sự thay đổi, dẫn đến một loạt các triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, tăng cân, bốc hỏa, rụng tóc, tâm trạng thay đổi thất thường,... Hội chứng niệu dục thời kỳ mãn kinh (genitourinary syndrome of menopause - GSM) là một tình trạng mạn tính ảnh hưởng đến âm đạo, âm hộ và đường tiết niệu dưới.

U nang buồng trứng sau mãn kinh: Những điều cần biết
U nang buồng trứng sau mãn kinh: Những điều cần biết

Mặc dù phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ bị u nang buồng trứng thấp hơn so với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhưng chừng nào còn buồng trứng thì vẫn sẽ có nguy cơ bị u nang buồng trứng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây