1

Đau đa cơ dạng thấp có giống viêm khớp dạng thấp không?

Cả đau đa cơ dạng thấp (polymyalgia rheumatica) và viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) đều là bệnh tự miễn, xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công các khớp. Mặc dù hai bệnh lý này có một số điểm tương đồng nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt.
Đau đa cơ dạng thấp có giống viêm khớp dạng thấp không? Đau đa cơ dạng thấp có giống viêm khớp dạng thấp không?

Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và đau đa cơ dạng thấp

Đau đa cơ dạng thấp và viêm khớp dạng thấp đều là những vấn đề xảy ra ở khớp.

Đau đa cơ dạng thấp gây đau và cứng ở nhiều khớp khác nhau nhưng phổ biến nhất là ở:

  • vai
  • cổ
  • cánh tay
  • hông

Viêm khớp dạng thấp gây sưng, đau và cứng khớp. Các triệu chứng thường xảy ra ở:

  • bàn tay
  • cổ tay
  • đầu gối
  • vai
  • khuỷu tay
  • mắt cá chân

Cả đau đa cơ dạng thấp và viêm khớp dạng thấp đều là bệnh tự miễn, xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các mô của khớp. Hai tình trạng này có nhiều điểm tương đồng, chẳng hạn như đều xảy ra ở vai. Tuy nhiên, đau đa cơ dạng thấp và viêm khớp dạng thấp có nguyên nhân và cách điều trị khác nhau.

Triệu chứng đau đa cơ dạng thấp và viêm khớp dạng thấp

Đau đa cơ dạng thấp và viêm khớp dạng thấp có một số triệu chứng giống nhau:

  • Đau và cứng khớp
  • Tình trạng cứng khớp chủ yếu xảy ra vào buổi sáng, thường kéo dài trên 45 phút
  • Xảy ra ở khớp vai

Ngoài ra, cả đau đa cơ dạng thấp và viêm khớp dạng thấp đều phổ biến hơn ở phụ nữ so với nam giới.

Tuy nhiên, hai bệnh lý này cũng có nhiều điểm khác biệt:

  • Ngoài vai, viêm khớp dạng thấp và đau đa cơ dạng thấp xảy ra ở các khớp khác nhau:
    • Viêm khớp dạng thấp chủ yếu xảy ra ở các khớp nhỏ của bàn tay và bàn chân.
    • Đau đa cơ dạng thấp không xảy ra ở bàn chân nhưng có thể xảy ra ở cổ và hông, những khớp này ít khi bị viêm khớp dạng thấp.
  • Sưng khớp là một triệu chứng rất phổ biến của bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng hiếm khi xảy ra ở người bị đau đa cơ dạng thấp.
  • Viêm khớp dạng thấp thường khởi phát ở độ tuổi từ 30 đến 50 trong khi đau đa cơ dạng thấp thường xảy ra sau 50 tuổi.
  • Triệu chứng đau đa cơ dạng thấp thường khởi phát nhanh chóng, trong khi các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường xảy ra từ từ.

Nguyên nhân gây đau đa cơ dạng thấp và viêm khớp dạng thấp

Cả đau đa cơ dạng thấp và viêm khớp dạng thấp đều xảy ra do hệ miễn dịch có trục trặc. Tuy nhiên, hai bệnh lý này xuất phát từ các nguyên nhân gốc rễ khác nhau.

Nguyên nhân gây đau đa cơ dạng thấp

Nguyên nhân chính xác gây đau đa cơ dạng thấp vẫn chưa được xác định. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng nguyên nhân gây ra tình trạng này là do sự kết hợp của yếu tố di truyền và yếu tố môi trường, bao gồm cả sự lão hóa tự nhiên.

Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp

Giống như đau đa cơ dạng thấp, nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp có thể do cả yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Tuy nhiên, các gen kích hoạt viêm khớp dạng thấp khác với các gen l đau đa cơ dạng thấp.

Yếu tố nguy cơ

Ngoài gen còn có một số yếu tố khác cũng có thể kích hoạt viêm khớp dạng thấp hoặc đau đa cơ dạng thấp.

Các yếu tố nguy cơ của đau đa cơ dạng thấp

Hiện chưa có nhiều thông tin về các yếu tố làm tăng nguy cơ đau đa cơ dạng thấp. Đôi khi, tình trạng này xảy ra sau khi nhiễm virus và tiêm vắc xin. Trong một số trường hợp hiếm gặp, đau đa cơ dạng thấp là biến chứng của liệu pháp miễn dịch được sử dụng để điều trị bệnh ung thư.

Các yếu tố nguy cơ của viêm khớp dạng thấp

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Hút thuốc
  • Béo phì
  • Tiếp xúc với một số chất hóa học
  • Các hormone như estrogen
  • Nhiễm virus hoặc vi khuẩn
  • Căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần

Đau đa cơ dạng thấp có gây viêm khớp dạng thấp hoặc ngược lại không?

Đau đa cơ dạng thấp không gây viêm khớp dạng thấp và ngược lại, viêm khớp dạng thấp cũng không gây đau đa cơ dạng thấp.

Đau đa cơ dạng thấp và viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra cùng lúc không?

Đau đa cơ dạng thấp và viêm khớp dạng thấp rất hiếm khi xảy ra cùng một lúc.

Một vấn đề thường xảy ra cùng với đau đa cơ dạng thấp là viêm động mạch tế bào khổng lồ hay viêm động mạch thái dương (một dạng viêm mạch máu).

Chẩn đoán đau đa cơ dạng thấp và viêm khớp dạng thấp

Việc chẩn đoán đúng bệnh là điều vô cùng quan trọng vì mặc dù đau đa cơ dạng thấp và viêm khớp dạng thấp có nhiều điểm tương đồng nhưng đây là hai bệnh lý riêng biệt cần điều trị bằng cách phương pháp khác nhau.

Để chẩn đoán bệnh, trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và hỏi về bệnh sử. Sau đó, người bệnh cần làm một số xét nghiệm để kiểm tra tình trạng viêm trong cơ thể và một số chỉ số trong máu.

Các xét nghiệm thường được thực hiện để chẩn đoán đau đa cơ dạng thấp và viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Tốc độ máu lắng (ESR)
  • Xét nghiệm protein phản ứng C (CRP)

Ngoài ra còn có các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp X-quang và cộng hưởng từ (MRI).

Không có bất kỳ xét nghiệm hay phương pháp chẩn đoán hình ảnh đơn lẻ nào có thể chẩn đoán chính xác đau đa cơ dạng thấp hoặc viêm khớp dạng thấp. Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả của nhiều xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán hình ảnh để đưa ra chẩn đoán.

Điều trị đau đa cơ dạng thấp và viêm khớp dạng thấp

Hiện không có cách nào có thể chữa trị khỏi hoàn toàn đau đa cơ dạng thấp và viêm khớp dạng thấp nhưng có các phương pháp điều trị để kiểm soát các triệu chứng và trì hoãn sự tiến triển của bệnh.

Phương pháp chính để điều trị đau đa cơ dạng thấp là corticoid (corticosteroid), chẳng hạn như prednisolone dùng qua đường uống. Người bệnh có thể phải dùng thuốc trong nhiều năm hoặc thậm chí cả đời.

Mặt khác, người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có thể chỉ phải dùng corticoid trong thời gian ngắn khi bắt đầu điều trị bệnh. Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD), thuốc sinh học và thuốc ức chế JAK là những phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

Ngoài sử dụng thuốc, điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống, gồm có ăn các loại thực phẩm chống viêm, tập thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi cũng là những điều cần thiết để kiểm soát đau đa cơ dạng thấp và viêm khớp dạng thấp.

Khi nào cần đi khám?

Nên đi khám bác sĩ khi gặp bất kỳ triệu chứng nào ở khớp, chẳng hạn như:

  • Đau khớp
  • Viêm khớp
  • Khớp sưng tấy
  • Cứng khớp
  • Giảm phạm vi chuyển động của khớp

Ngoài ra, nên đi khám nếu đã dùng thuốc điều trị đau đa cơ dạng thấp hoặc viêm khớp dạng thấp mà các triệu chứng không thuyên giảm.

Tóm tắt bài viết

Đau đa cơ dạng thấp và viêm khớp dạng thấp đều là những bệnh tự miễn xảy ra ở khớp. Hai bệnh lý này có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có những điểm khác biệt về triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị. Không có bất cứ xét nghiệm đơn lẻ nào có thể chẩn đoán đau đa cơ dạng thấp và viêm khớp dạng thấp mà cần phải kết hợp nhiều xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.

Trong khi đau đa cơ dạng thấp thường được điều trị bằng prednisolone đường uống thì viêm khớp dạng thấp cần điều trị bằng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm, thuốc sinh học và thuốc ức chế JAK.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Cần làm gì khi thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp không còn hiệu quả?
Cần làm gì khi thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp không còn hiệu quả?

Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) là phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh viêm khớp dạng thấp. Những loại thuốc này ngăn chặn phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức gây tổn thương khớp, nhờ đó giúp giảm sưng và đau. Tuy nhiên, DMARD không phải lúc nào cũng có tác dụng ngay từ đầu. Nếu đã dùng DMARD nhưng vẫn bị đau, có thể bạn sẽ cần chuyển sang loại thuốc khác hoặc kết hợp một số loại thuốc khác với DMARD để giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.

Bệnh viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không?
Bệnh viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không?

Ngày càng có nhiều phương pháp để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Các phương pháp điều trị giúp làm giảm tình trạng viêm ở khớp và ngăn ngừa tổn thương khớp cũng như các cơ quan khác. Nhiều phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp còn giúp cải thiện sức khỏe tổng thể. Điều trị thích hợp có thể giúp làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát, đồng thời kéo dài thời gian thuyên giảm.

Bệnh Still và viêm khớp dạng thấp có gì giống và khác nhau?
Bệnh Still và viêm khớp dạng thấp có gì giống và khác nhau?

Bệnh Still và viêm khớp dạng thấp đều là bệnh tự miễn và đều gây đau khớp. Nhưng bệnh Still thường xảy ra theo đợt, trong khi viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính, kéo dài dai dẳng.

Điểm giống và khác nhau giữa viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp
Điểm giống và khác nhau giữa viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp vảy nến và viêm khớp dạng thấp đều là những bệnh lý do viêm và có nhiều triệu chứng giống nhau. Tuy nhiên, hai bệnh lý này cũng có những triệu chứng khác nhau. Nguyên nhân và cách điều trị cũng không giống nhau.

Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng phương pháp kích thích điện có hiệu quả không?
Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng phương pháp kích thích điện có hiệu quả không?

Kích thích điện (electrical stimulation) là phương pháp sử dụng các xung điện nhẹ để làm giảm sự căng cơ và thúc đẩy quá trình lành vết thương. Liệu pháp kích thích điện được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó đó viêm khớp dạng thấp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây