1

Chức năng tuyến giáp ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe xương?

Loãng xương và bệnh tuyến giáp có thể xảy ra cùng lúc, một phần là do hormone tuyến giáp có ảnh hưởng lớn đến mật độ và cấu trúc xương.
Chức năng tuyến giáp ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe xương? Chức năng tuyến giáp ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe xương?

Loãng xương là tình trạng mật độ khoáng của xương suy giảm, điều này làm giảm độ chắc khỏe của xương. Tình trạng này xảy ra do sự mất cân bằng giữa quá trình phân hủy và hình thành xương, khiến lượng xương bị mất đi nhiều hơn lượng xương được tạo ra.

Mặc dù loãng xương là một vấn đề phổ biến ở người cao tuổi nhưng không phải một phần tất yếu của quá trình lão hóa tự nhiên. Không phải ai cũng bị loãng xương khi có tuổi và tuổi cao không phải là lý do duy nhất khiến sức khỏe xương suy giảm.

Các hệ thống trong cơ thể liên kết chặt chẽ với nhau và xương cũng không ngoại lệ. Nghiên cứu cho thấy rối loạn chức năng ở các cơ quan khác, ví dụ như tuyến giáp, cũng có thể dẫn đến tình trạng xương bị giảm mật độ và dễ gãy.

Bệnh tuyến giáp và loãng xương

Rối loạn chức năng tuyến giáp có thể làm giảm mật độ khoáng xương, dẫn đến chứng loãng xương và giảm độ chắc khỏe của xương.

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có chức năng sản xuất hormone và điều hòa lượng i-ốt trong cơ thể. Tuyến giáp có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe xương. Hormone do tuyến này tạo ra (hormone tuyến giáp) cần thiết cho sự phát triển xương cũng như sự cân bằng giữa quá trình tái hấp thu và tái tạo xương.

Tuyến giáp không hoạt động như bình thường sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền làm gián đoạn chức năng mô xương.

Tuy nhiên, không phải ai bị rối loạn chức năng tuyến giáp cũng mắc bệnh loãng xương và mối liên hệ chính xác giữa các tình trạng này hiện vẫn chưa được làm rõ.

Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp)

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp (T3 hoặc T4 hoặc cả hai). Bệnh cường giáp lâm sàng, một dạng cường giáp nghiêm trọng, có đặc trưng là nồng độ T3 hoặc T4 hoặc cả hai thấp, đồng thời nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (thyroid-stimulating hormone - TSH) cũng ở mức thấp.

Bệnh cường giáp lâm sàng khiến cho chu kỳ chu chuyển xương bị rút ngắn, dẫn đến tốc độ thay thế xương nhanh hơn và xương bị mất canxi.

Bệnh cường giáp cận lâm sàng là tình trạng T3 và T4 ở mức bình thường trong khi TSH bất thường. Loại cường giáp này thường không có triệu chứng rõ ràng và nhẹ hơn so với cường giáp lâm sàng. Mối liên hệ của cường giáp cận lâm sàng với bệnh loãng xương không rõ rệt bằng cường giáp lâm sàng nhưng nghiên cứu cho thấy dấu ấn sinh học của sự thay đổi xương vẫn được tìm thấy ở loại cường giáp này.

Tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp)

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp tạo ra quá ít hormone tuyến giáp. Suy giáp lâm sàng là khi nồng độ TSH cao trong khi nồng độ T3 và T4 thấp.

Mối liên hệ giữa suy giáp lâm sàng với bệnh loãng xương vẫn đang gây tranh cãi. Một số bằng chứng cho thấy tình trạng này có thể làm giảm tốc độ thay thế xương nhưng không làm giảm mật độ xương, trong khi các dữ liệu khác cho thấy suy giáp lâm sàng có ảnh hưởng đến mật độ xương.

Các tác giả của một tổng quan nghiên cứu vào năm 2020 cho rằng suy giáp nên được coi là một yếu tố nguy cơ của bệnh loãng xương vì hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng mức TSH vượt quá giới hạn sẽ ảnh hưởng đến mật độ xương.

Điều tương tự không xảy ra ở bệnh suy giáp cận lâm sàng (dạng suy giáp nhẹ hơn, trong đó nồng độ T4 ở mức bình thường). Các tác giả của tổng quan nghiên cứu lưu ý rằng dữ liệu gần đây không chứng minh được mối liên hệ giữa bệnh suy giáp cận lâm sàng và nguy cơ loãng xương.

Khi nào nên đo mật độ xương?

Đo mật độ xương là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán loãng xương. Đo mật độ xương có nghĩa là đo lượng khoáng chất có trong xương dọc theo các khu vực nhất định trên cơ thể, điều này giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của xương.

Phương pháp đo mật độ xương được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là DEXA hay đo hấp thụ tia X năng lượng kép (dual-energy X-ray absorptiometry). Phương pháp này sử dụng tia X liều thấp để đánh giá mật độ khoáng xương ở những vùng dễ bị gãy xương, ví dụ như hông.

Đo mật độ xương được khuyến nghị cho phụ nữ trên 65 tuổi và nam giới trên 70 tuổi. Người chuyển giới sử dụng liệu pháp hormone thay thế (hormone replacement therapy – HRT) nên trao đổi với bác sĩ về việc đo mật độ xương định kỳ ở tuổi 65.

Những đối tượng dưới đây cũng nên cân nhắc đo mật độ xương:

  • Bị gãy xương sau 50 tuổi
  • Có tiền sử gia đình bị loãng xương
  • Thường xuyên bị ngã
  • Có tiền sử gãy xương
  • Hút thuốc
  • Uống nhiều rượu
  • Sử dụng thuốc trong thời gian dài
  • Bị thiếu vitamin D
  • Hấp thụ dinh dưỡng kém
  • Bị mất cân bằng nội tiết tố

Tại sao bệnh tuyến giáp ảnh hưởng đến mật độ xương?

Mối liên hệ giữa chức năng tuyến giáp và sức khỏe xương rất phức tạp, không chỉ liên quan đến tuyến giáp mà còn liên quan đến trục vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến giáp (HPT), một quá trình tuần hoàn được tạo thành từ ba chức năng tự điều tiết của cơ thể.

Các hormone tuyến giáp T3 và T4 có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe xương. Các hormone này được điều hòa bởi TSH từ tuyến yên và sự sản xuất TSH được kích thích bởi hormone giải phóng thyrotropin (TRH) từ vùng dưới đồi.

TSH, T3 và T4 đều có thể ảnh hưởng đến cấu trúc và sự hình thành xương.

Một nghiên cứu trên loài gặm nhấm vào năm 2021 cho thấy TSH đóng vai trò độc lập trong cả quá trình biệt hóa mô xương và quá trình hình thành xương bằng cách thúc đẩy sự phát triển của tế bào và sự biểu hiện của các gen cụ thể.

TSH còn kích thích T3 và T4, các hormone cũng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe xương.

T3 và T4 được chuyển hóa trong tế bào xương. Các hormone này là một phần trong chuỗi các quá trình sinh học cần thiết cho sự phát triển của xương, chức năng mô xương bình thường cũng như sự tăng trưởng và trưởng thành xương từ khi còn nhỏ.

Khi bất kỳ phần nào của trục HPT bị trục trặc, sự cân bằng hormone giúp duy trì xương chắc khỏe sẽ bị phá vỡ.

Điều trị loãng xương và bệnh tuyến giáp

Khi mắc đồng thời cả bệnh tuyến giáp và bệnh loãng xương thì sẽ phải điều trị cả hai bệnh lý này.

Điều trị bệnh lý tuyến giáp sẽ giúp cải thiện sức khỏe xương nhưng nghiên cứu trong lĩnh vực này còn hạn chế và còn nhiều mâu thuẫn. Đôi khi, thuốc điều trị suy giáp có thể góp phần làm tăng nguy cơ loãng xương.

Cường giáp và suy giáp có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân. Các nguyên nhân gồm có:

  • Khối u lành tính hoặc ung thư
  • Bệnh tự miễn
  • Viêm
  • Mãn kinh
  • Một số loại thuốc

Thuốc là bước điều trị đầu tiên cho cả bệnh cường giáp và suy giáp. Thuốc giúp điều chỉnh nồng độ hormone tuyến giáp, nhờ đó ngăn ngừa các biến chứng toàn thân.

Tùy thuộc vào nguyên nhân, các phương pháp khác để điều trị rối loạn chức năng tuyến giáp gồm có liệu pháp i-ốt phóng xạ và phẫu thuật.

Thuốc cũng là phương pháp điều trị bước đầu cho bệnh loãng xương, gồm có các loại thuốc có tác động trực tiếp để bảo tồn mật độ và độ chắc khỏe của xương, ví dụ như bisphosphonate và thuốc ức chế sclerostin cũng như các loại thuốc điều hòa hormone như estrogen trong trường hợp loãng xương xảy ra do mãn kinh.

Các phương pháp điều trị loãng xương khác gồm có thay đổi lối sống, tập thể dục và điều chỉnh chế độ ăn uống.

Việc điều trị loãng xương và rối loạn chức năng tuyến giáp ở mỗi một trường hợp là khác nhau. Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.

Tóm tắt bài viết

Loãng xương và rối loạn chức năng tuyến giáp có thể xảy ra đồng thời do hormone tuyến giáp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và chắc khỏe của xương.

Tuy nhiên, không phải ai mắc bệnh tuyến giáp cũng bị loãng xương và không phải dạng rối loạn chức năng tuyến giáp nào cũng gây ra những thay đổi về xương.

Nếu mắc đồng thời cả bệnh tuyến giáp và loãng xương thì sẽ phải điều trị cả hai tình trạng. Điều trị bệnh tuyến giáp chưa chắc sẽ giúp cải thiện sức khỏe xương. Một số loại thuốc điều trị suy giáp thậm chí còn có thể góp phần làm giảm mật độ xương. Thuốc là phương pháp chính để điều trị cả bệnh tuyến giáp và loãng xương.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
8 bài tập giúp xương chắc khỏe
8 bài tập giúp xương chắc khỏe

Đối với những người bị loãng xương, duy trì thói quen tập thể dục đều đặn là điều rất có lợi. Tập thể dục giúp củng cố xương và giảm nguy cơ té ngã.

Bệnh loãng xương ảnh hưởng đến cột sống như thế nào?
Bệnh loãng xương ảnh hưởng đến cột sống như thế nào?

Các vấn đề về cột sống là một trong những biến chứng của bệnh loãng xương, gồm có gãy xương sống và hẹp đốt sống. Sử dụng thuốc, thay đổi lối sống và tập thể dục có thể giúp kiểm soát bệnh loãng xương và phòng ngừa các vấn đề về cột sống.

Loãng xương có ảnh hưởng đến răng không?
Loãng xương có ảnh hưởng đến răng không?

Loãng xương là một bệnh về xương xảy ra khi khối lượng và mật độ xương giảm. Điều này khiến xương trở nên suy yếu và làm tăng nguy cơ gãy xương. Nhiều người thắc mắc không biết loãng xương có ảnh hưởng đến răng hay không. Câu trả lời là loãng xương không ảnh hưởng trực tiếp đến răng.

Bệnh suy giáp có gây loãng xương không?
Bệnh suy giáp có gây loãng xương không?

Bệnh suy giáp không gây loãng xương. Tuy nhiên, dùng thuốc điều trị suy giáp quá liều có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.

Lợi ích của tập pilates đối với người bị loãng xương
Lợi ích của tập pilates đối với người bị loãng xương

Loãng xương chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, nhất là phụ nữ nhưng tỷ lệ loãng xương ở nam giới và phụ nữ trẻ ngày càng gia tăng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây