Chế độ ăn ít oxalat có tác dụng gì? Những thực phẩm nào cần tránh?
Oxalat là gì?
Oxalat, hay còn được gọi là axit oxalic, là một hợp chất mà cơ thể tự tạo ra. Oxalat còn có trong nhiều loại thực phẩm, gồm có trái cây, rau củ, quả hạch và ngũ cốc.
Trong đường tiết niệu thường có một lượng nhỏ oxalat và canxi, điều này là bình thường và không gây ra vấn đề gì.
Tuy nhiên, đôi khi canxi và oxalat liên kết với nhau và hình thành nên sỏi thận canxi oxalat. Sỏi thận là những khối cứng được tạo nên từ các tinh thể khoáng chất.
Sỏi thận canxi oxalat đặc biệt phổ biến ở những người mà thận tạo ra ít nước tiểu và bài tiết lượng lớn oxalat.
Những người dễ bị sỏi thận canxi oxalat nên thực hiện chế độ ăn ít oxalat để giảm lượng oxalat mà thận bài tiết vào nước tiểu, từ đó giảm nguy cơ hình thành sỏi.
Một cách khác để giảm bài tiết oxalat là tăng lượng canxi trong chế độ ăn. Canxi sẽ liên kết với oxalat trước khi đến thận và giúp ngăn hình thành sỏi thận.
Tóm tắt: Vì thận có chức năng lọc oxalat từ máu nên tiêu thụ một lượng lớn oxalat sẽ làm tăng lượng oxalat được bài tiết vào nước tiểu, điều này góp phần làm hình thành sỏi thận.
Cách thực hiện chế độ ăn ít oxalat
Chế độ ăn ít oxalat có nghĩa là ăn ít thực phẩm giàu oxalat. Thực phẩm giàu oxalat gồm có một số loại trái cây, rau củ, quả hạch, ngũ cốc và các loại đậu.
Mặc dù có nhiều khuyến nghị khác nhau nhưng các bác sĩ thường khuyên không nên ăn quá ăn 40 – 50 mg oxalat mỗi ngày.
Để không vượt quá mức giới hạn này, chế độ ăn uống nên gồm chủ yếu là các loại thực phẩm như protein, các sản phẩm từ sữa, gạo trắng, trái cây và rau củ ít oxalat.
Ngâm và nấu rau củ hoặc các loại đậu có thể giúp làm giảm hàm lượng oxalat.
Một số điều chỉnh khác về chế độ ăn uống để phòng ngừa sỏi thận canxi oxalat là uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm giàu canxi và giảm lượng muối ăn.
Tóm tắt: Chế độ ăn ít oxalat có nghĩa là hạn chế thực phẩm chứa nhiều oxalat như một số loại trái cây, rau củ, quả hạch, ngũ cốc và các loại đậu. Có thể giảm hàm lượng oxalat trong thực phẩm bằng cách ngâm và nấu trước khi ăn.
Những thực phẩm nên ăn và nên tránh
Các loại thực phẩm chứa oxalat được chia thành 4 nhóm dựa trên hàm lượng oxalat:
- Hàm lượng oxalat rất cao: trên 100 mg oxalat trong mỗi khẩu phần
- Hàm lượng oxalat cao: 26 – 99 mg trong mỗi khẩu phần
- Hàm lượng oxalat trung bình: 10 – 25 mg trong mỗi khẩu phần
- Hàm lượng oxalat thấp: 5 – 9 mg mỗi khẩu phần
Khi thực hiện chế độ ăn ít oxalat, bạn nên chọn các loại thực phẩm có hàm lượng oxalat thấp đến trung bình và hạn chế thực phẩm cũng như đồ uống có hàm lượng oxalat cao đến rất cao.
Thực phẩm nên ăn
Có rất nhiều loại thực phẩm có hàm lượng oxalat thấp phù hợp với chế độ ăn ít oxalat:
- Trái cây: chuối, mâm xôi đen, việt quất, anh đào, dâu tây, táo, mơ, chanh, đào…
- Rau củ: cải xanh, bông cải xanh, bắp cải, bông cải trắng, nấm, hành tây, đậu cô ve, bí xanh…
- Các loại ngũ cốc: gạo trắng, bột ngô, cám yến mạch…
- Nguồn protein: trứng, thịt lợn, bò, gia cầm, cá,
- Các sản phẩm từ sữa: sữa chua, phô mai, sữa tươi, bơ
- Đồ uống: cà phê, nước lọc, nước ép trái cây
- Một số loại thảo mộc và gia vị: quế, ngò (rau mùi), nghệ, thì là…
Thực phẩm cần tránh
Điều hiển nhiên khi thực hiện chế độ ăn ít oxalat là phải hạn chế các loại thực phẩm giàu oxalat, gồm có một số loại trái cây, rau củ, quả hạch, hạt và ngũ cốc.
Một số loại thực phẩm nên tránh trong chế độ ăn ít oxalat gồm có:
- Trái cây: kiwi, chà là, mâm xôi đỏ, cam, quýt…
- Rau củ: các loại rau họ cải như cải bó xôi, cải cầu vồng, cải củ, khoai tây, củ dền, khoai, đậu bắp, cà rốt…
- Các loại đậu: đậu trắng, đậu fava, đậu tây, đậu đỏ…
- Các loại quả hạch: hạnh nhân, óc chó, hồ trăn, macca, hạt điều…
- Các loại hạt: hạt hướng dương, hạt bí…
- Sô cô la và ca cao
- Các loại ngũ cốc: gạo lứt, hạt kê, kiều mạch…
- Đồ uống: ca cao, sô cô la nóng, trà, nước ép cà chua
- Các sản phẩm làm từ đậu nành: đậu phụ, sữa đậu nành, bột đậu nành, nước tương, miso, natto…
Ngâm và nấu có thể làm giảm đáng kể hàm lượng oxalat trong nhiều loại rau củ và đậu.
Tóm tắt: Khi thực hiện chế độ ăn ít oxalat, điều quan trọng nhất là phải hạn chế các loại thực phẩm giàu oxalat như một số loại trái cây, rau củ, quả hạch, hạt, ngũ cốc và các loại đậu.
Chế độ ăn ít oxalat có giúp phòng ngừa sỏi thận không?
Một số nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ nhiều oxalat làm tăng oxalat được bài tiết vào nước tiểu và điều này có thể góp phần làm hình thành sỏi thận. (1)
Tuy nhiên, ăn nhiều canxi là một cách hiệu quả để giảm nguy cơ sỏi thận. Đây là một giải pháp thay thế cho việc kiêng hoàn toàn các loại thực phẩm chứa nhiều oxalat.
Trên thực tế, bổ sung nhiều canxi có thể giúp làm giảm sự hấp thụ oxalat trong cơ thể và điều này có thể ngăn ngừa hình thành sỏi thận.
Một nghiên cứu được thực hiện trên 10 người thậm chí còn phát hiện ra rằng chỉ cần ăn đủ lượng canxi khuyến nghị hàng ngày thì dù tiêu thụ một lượng lớn oxalat cũng không làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận canxi oxalat. (2)
Tuy nhiên, nghiên cứu trên có quy mô nhỏ và các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm về chủ đề này.
Các chuyên gia khuyến nghị nên ăn 1.000 – 1.200 mg canxi mỗi ngày. Canxi có trong nhiều loại thực phẩm như các sản phẩm từ sữa, rau màu xanh đậm, cá mòi và các loại hạt.
Dưới đây là một số cách khác để giảm nguy cơ sỏi thận canxi oxalat:
- Ăn ít muối: Các nghiên cứu cho thấy rằng ăn nhiều muối có thể thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
- Không uống vitamin C liều cao: Cơ thể chuyển hóa vitamin C thành oxalat, vì vậy không nên uống bổ sung vitamin C liều cao trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
- Uống đủ nước: Tăng lượng nước uống sẽ giúp làm loãng nước tiểu và giảm nguy cơ tích tụ khoáng chất.
Tóm tắt: Bên cạnh việc hạn chế ăn thực phẩm giàu oxalat, bổ sung đủ canxi trong chế độ ăn uống cũng là một cách hiệu quả để giảm lượng oxalat trong nước tiểu.
Lợi ích khác của chế độ ăn ít oxalat
Ngoài phòng ngừa sỏi thận, chế độ ăn ít oxalat còn được cho là mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe, trong đó có hỗ trợ điều trị bệnh tự kỷ.
Một nghiên cứu nhỏ cho thấy trẻ tự kỷ có nồng độ oxalat trong máu và nước tiểu cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng.
Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào cho thấy bệnh tự kỷ là do oxalat trong chế độ ăn uống gây ra và cũng chưa có nghiên cứu nào chứng minh chế độ ăn ít oxalat có tác dụng điều trị bệnh tự kỷ.
Chế độ ăn ít oxalat còn được sử dụng nhằm điều trị chứng đau âm hộ mạn tính.
Các nghiên cứu cho thấy rằng ăn nhiều oxalat không làm tăng nguy cơ mắc chứng đau âm hộ. Tuy nhiên, thực hiện chế độ ăn ít oxalat có thể giúp kiểm soát cơn đau.
Tóm tắt: Mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy ăn nhiều oxalat trực tiếp gây ra bệnh tự kỷ hay chứng đau âm hộ mạn tính nhưng chế độ ăn ít oxalat được sử dụng để điều trị các tình trạng này. Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để kiểm chứng các lợi ích này của chế độ ăn ít oxalat.
Tác hại của chế độ ăn ít oxalat
Hầu hết các loại thực phẩm giàu oxalat đều là những thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng, gồm có trái cây, rau củ, quả hạch, hạt và ngũ cốc.
Ví dụ, cải bó xôi chứa nhiều oxalat nhưng lại là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin A, canxi và magie dồi dào.
Củ dền chứa nhiều oxalat nhưng cũng rất giàu các chất dinh dưỡng quan trọng như folate, kali và mangan.
Khi thực hiện chế độ ăn ít oxalat, bạn sẽ phải tránh hoặc hạn chế những thực phẩm này. Điều này có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng.
Đặc biệt, những người ăn chay và thuần chay có nguy cơ bị thiếu protein vì các nguồn protein thực vật như các loại hạt, đậu và đậu phụ thường chứa nhiều oxalat.
Thiếu protein sẽ gây ra nhiều vấn đề, gồm có suy giảm chức năng miễn dịch, mệt mỏi suy nhược, thiếu máu và trẻ nhỏ tăng trưởng kém.
Do đó, khi thực hiện chế độ ăn ít oxalat, điều quan trọng là phải lên kế hoạch cẩn thận để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
Một cách an toàn hơn để giảm nguy cơ sỏi thận là tăng lượng canxi trong chế độ ăn uống.
Tóm tắt: Hầu hết thực phẩm chứa nhiều oxalat đều là những thực phẩm bổ dưỡng. Theo chế độ ăn ít oxalat có thể gây thiếu chất, đặc biệt là đối với những người ăn chay và thuần chay vì nhiều nguồn protein thực vật có chứa oxalat.
Tóm tắt bài viết
Oxalat là một hợp chất mà cơ thể tự tạo ra và cũng có trong nhiều loại thực phẩm, gồm có một số loại trái cây, rau củ, các loại đậu, quả hạch và ngũ cốc.
Ăn nhiều oxalat sẽ làm tăng lượng oxalat trong nước tiểu và điều này làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận canxi oxalat.
Mặt khác, giảm lượng oxalat trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm nguy cơ sỏi thận.
Tuy nhiên, hầu hết thực phẩm giàu oxalat là những thực phẩm giàu dinh dưỡng, do đó thực hiện chế độ ăn ít oxalat có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng.
Một cách khác để phòng ngừa sỏi thận mà không cần kiêng oxalat là ăn nhiều thực phẩm giàu canxi. Ngoài ra, uống nhiều nước và hạn chế muối cũng giúp giảm nguy cơ sỏi thận.
Nước tiểu đục có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nhưng đôi khi, nước tiểu đục là do những nguyên nhân vô hại, chẳng hạn như do đồ ăn và thức uống. Dưới đây là 7 loại thực phẩm và đồ uống có thể khiến nước tiểu bị đục.
Những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối thường phải điều trị bằng phương pháp lọc máu. Một giải pháp nữa để điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối là ghép thận. Trong ca phẫu thuật ghép thận, một hoặc cả hai quả thận của người bệnh được thay thế bằng thận của người hiến tặng (còn sống hoặc chết não).
Không phải tất cả các biện pháp tránh thai đều làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số loại biện pháp tránh thai có thể gây ra điều này, ví dụ như màng ngăn âm đạo, mũ chụp cổ tử cung và thuốc diệt tinh trùng.
Một số loại thảo dược và vitamin có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu và điều trị các trường hợp nhiễm trùng không phức tạp. Tuy nhiên, nếu như có các triệu chứng nghiêm trọng thì vẫn cần đến các phương pháp điều trị y tế như thuốc kháng sinh.
Bàng quang tăng hoạt là vấn đề rất khó kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt thường ngày, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như là tác động tiêu cực đến tâm lý của người mắc phải.