1

Các loại thực phẩm và đồ uống khiến nước tiểu đục

Nước tiểu đục có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nhưng đôi khi, nước tiểu đục là do những nguyên nhân vô hại, chẳng hạn như do đồ ăn và thức uống. Dưới đây là 7 loại thực phẩm và đồ uống có thể khiến nước tiểu bị đục.
Các loại thực phẩm và đồ uống khiến nước tiểu đục Các loại thực phẩm và đồ uống khiến nước tiểu đục

1. Sữa và các sản phẩm từ sữa

Nước tiểu có thể trở nên đục sau khi ăn một lượng lớn thực phẩm chứa nhiều phốt pho và purin, chẳng hạn như sữa và các sản phẩm từ sữa.

Phốt pho là một khoáng chất cần thiết cho sức khỏe xương và nhiều chức năng của cơ thể.

Khi tiêu thụ một lượng lớn phốt pho, cơ thể sẽ bài tiết lượng phốt pho dư thừa vào nước tiểu và điều này khiến nước tiểu trở nên đục. Tuy nhiên, điều này không phổ biến ở những người có sức khỏe tốt.

Sữa đặc biệt giàu canxi, một khoáng chất quan trọng trong quá trình tạo xương. Đối với hầu hết mọi người, việc tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa một cách vừa phải sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề gì. Trên thực tế, sữa và các sản phẩm từ sữa là một trong các nhóm thực phẩm cần có trong chế độ ăn uống lành mạnh.

Nước tiểu chứa nhiều phốt pho cũng có thể là dấu hiệu của bệnh thận, thừa vitamin D hoặc cường tuyến cận giáp - tình trạng có quá nhiều hormone tuyến cận giáp trong cơ thể.

Những tình trạng này cần phải điều trị.

Tóm tắt: Tiêu thụ quá nhiều sữa hoặc các sản phẩm từ sữa có thể tạm thời khiến nước tiểu bị đục do cơ thể bài tiết lượng phốt pho dư thừa vào nước tiểu. Nồng độ phốt pho cao trong nước tiểu cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe.

2. Thịt

Thịt, bao gồm cả thịt gia súc và gia cầm, cũng chứa nhiều phốt pho.

Giống như sữa, ăn quá nhiều thịt cũng có thể làm tăng nồng độ phốt pho trong máu và lượng phốt pho thừa sẽ được bài tiết vào nước tiểu, khiến cho nước tiểu chuyển từ trạng thái trong suốt sang vẩn đục.

Tuy nhiên, hiện tượng nước tiểu đục do chế độ ăn nhiều phốt pho là không phổ biến.

Nhưng việc ăn quá nhiều một số loại thịt có thể góp phần gây ra các tình trạng khác khiến nước tiểu bị đục.

Các loại thịt chế biến sẵn, chẳng hạn như thịt xông khói, thịt muối, thịt nguội, thịt khô, dăm bông, thịt hộp, xúc xích thường chứa nhiều muối.

Ăn quá nhiều muối sẽ gây khát nước và khiến cơ thể bị mất nước. Khi bị mất nước, nước tiểu sẽ trở nên đặc hơn, sẫm màu và có thể bị đục.

Thịt vẫn là một loại thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn uống cân bằng. Để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể mà không gây hại cho sức khỏe, hãy chọn thịt tươi, ăn một cách vừa phải và hạn chế các loại thịt có hàm lượng muối cao.

Tóm tắt: Ăn quá nhiều thịt có thể làm tăng lượng phốt pho trong nước tiểu và khiến cho nước tiểu bị đục. Ăn các loại thịt chế biến sẵn chứa nhiều muối có thể góp phần gây mất nước và điều này cũng có thể dẫn đến hiện tượng nước tiểu đục.

3. Hải sản

Một số loại hải sản, đặc biệt là cá cơm, cá mòi và động vật có vỏ chứa nhiều purin - một nhóm hợp chất mà cơ thể chuyển hóa thành axit uric.

Ăn nhiều thực phẩm giàu purin có thể dẫn đến nồng độ axit uric trong nước tiểu tăng cao. Điều này có thể khiến nước tiểu trở nên đục.

Tuy nhiên, hải sản mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hầu hết các loại hải sản đều giàu protein nạc, một số khoáng chất và axit béo omega-3, một loại chất béo tốt giúp chống viêm và tăng cường sức khỏe tim mạch.

Đối với hầu hết mọi người, ăn hải sản có lợi nhiều hơn hại. Nếu bạn lo lắng về lượng purin cao trong hải sản hoặc đang phải theo chế độ ăn ít purin thì hãy chọn những loại hải sản có hàm lượng purin thấp hơn, chẳng hạn như cá hồi, cá bơn, cá ngừ...

Các loại thực phẩm chứa nhiều purin khác cần hạn chế gồm có thịt đỏ, nội tạng, rượu và thực phẩm có chứa siro ngô hàm lượng đường fructose cao (high fructose corn syrup).

Ngoài chế độ ăn nhiều purin, một số bệnh lý cũng có thể làm tăng axit uric trong nước tiểu, chẳng hạn như bệnh gút, kháng insulin và một số bệnh di truyền.

Tóm tắt: Một số loại hải sản có hàm lượng purin cao. Khi vào cơ thể, purin sẽ bị phân hủy thành axit uric và nồng độ axit uric cao có thể làm đục nước tiểu.

4. Đồ chứa nhiều đường

Nước tiểu đục có thể là do tiêu thụ nhiều đường, đặc biệt là fructose.

Chế độ ăn có nhiều fructose có thể làm tăng nồng độ axit uric trong nước tiểu do quá trình chuyển hóa fructose trong cơ thể thúc đẩy sự hình thành axit uric.

Nồng độ axit uric cao sẽ khiến nước tiểu bị đục.

Fructose là một loại đường tự nhiên có trong trái cây, mật ong và mật mía. Fructose cũng là thành phần chính trong một số loại siro ngô (corn syrup), một nguyên liệu được sử dụng trong nước ngọt có ga và các loại đồ uống có đường khác, kẹo, đồ ngọt đóng gói, nước xốt salad, thanh granola, bánh quy giòn…

Tiêu thụ nhiều đường fructose có thể khiến nước tiểu bị đục nhưng không phải ai cũng gặp phải hiện tượng này. Những người mắc bệnh tiểu đường type 2, béo phì hoặc hội chứng chuyển hóa có nguy cơ tăng axit uric trong nước tiểu cao hơn.

Thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường fructose thường có giá trị dinh dưỡng thấp. Do đó, tốt nhất nên hạn chế những loại đồ ăn, thức uống này.

Tóm tắt: Ăn nhiều thực phẩm và đồ uống chứa nhiều fructose có thể làm tăng nồng độ axit uric trong nước tiểu và dẫn đến nước tiểu đục.

5. Đồ ăn chứa nhiều muối

Sử dụng nhiều muối trong nấu nướng và ăn thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như bim bim, thịt muối, thịt hộp, rau củ muối… có thể là nguyên nhân khiến nước tiểu bị đục.

Ăn quá nhiều muối có thể gây mất cân bằng lượng nước trong cơ thể và khiến thận giữ nước.

Nếu ăn nhiều muối và không uống đủ nước, cơ thể sẽ bị mất nước. Điều này khiến nước tiểu trở nên sẫm màu, đục và ít đi tiểu.

Ngoài ra, một số loại thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối còn có các thành phần không lành mạnh khác và không có giá trị dinh dưỡng cao.

Người lớn không nên ăn quá 6 gram muối mỗi ngày, tương đương khoảng 1 thìa cà phê. Một điều quan trọng nữa là phải uống nhiều nước để cơ thể có đủ nước.

Tóm tắt: Ăn quá nhiều muối có thể khiến cơ thể giữ nước và góp phần gây mất nước. Điều này có thể làm cho nước tiểu trở nên cô đặc, sẫm màu hoặc đục.

6. Rượu bia

Thi thoảng uống một lượng nhỏ đồ uống có cồn sẽ không vấn đề gì nhưng uống quá nhiều sẽ làm nước tiểu bị đục và gây ra nhiều tác hại khác cho sức khỏe.

Cồn có đặc tính lợi tiểu, có nghĩa là ức chế hormone chống bài niệu (ADH) và khiến cho thận tạo ra nhiều nước tiểu hơn.

Do đó, đồ uống có cồn có thể gây mất nước. Đó là lý do tại sao sau khi uống nhiều rượu bia, nước tiểu lại sẫm màu và đục hơn bình thường.

Để tránh gặp phải tình trạng này, hãy nhớ uống nhiều nước khi uống rượu bia để bù nước cho cơ thể.

Thường xuyên uống nhiều rượu còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh gan, một số bệnh ung thư và các vấn đề sức khỏe khác. Nam giới không nên uống quá hai đơn vị cồn mỗi ngày và phụ nữ không nên uống quá một đơn vị cồn (một đơn vị cồn là 10 gram cồn nguyên chất, tương đương 330 ml bia, 40ml rượu mạnh hoặc 140 ml rượu vang).

Tóm tắt: Uống quá nhiều rượu bia có thể dẫn đến mất nước và khiến nước tiểu bị đục. Chỉ nên uống rượu bia ở mức độ vừa phải và uống kèm nhiều nước để tránh bị mất nước.

7. Cà phê và trà

Cà phê và trà cũng là hai thủ phạm có thể khiến nước tiểu bị đục.

Cà phê và các loại trà làm từ lá của cây trà như trà xanh, trà đen và trà ô long có chứa caffeine. Caffeine có đặc tính lợi tiểu, có nghĩa là làm tăng sự bài tiết nước tiểu.

Uống nhiều đồ uống chứa caffeine có thể dẫn đến mất nước và làm nước tiểu đục hoặc sẫm màu.

Tuy nhiên, cà phê và trà mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cà phê và trà đều chứa nhiều hợp chất có đặc tính chống oxy hóa giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào do gốc tự do – nguồn gốc của nhiều bệnh tật.

Điều quan trọng là uống những loại đồ uống này một cách vừa phải và uống nhiều nước sau khi uống cà phê hoặc trà có chứa caffeine để tránh bị mất nước.

Tóm tắt: Cà phê và trà có chứa caffeine – một chất làm tăng bài tiết nước tiểu. Do đó, uống nhiều cà phê và trà có thể dẫn đến mất nước và nước tiểu đục. Mặc dù các loại đồ uống này chứa các hợp chất có lợi cho sức khỏe nhưng tốt nhất chỉ nên uống vừa phải và uống cùng nhiều nước.

Khi nào cần đi khám?

Nước tiểu đục có thể chỉ đơn giản là do chế độ ăn uống nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.

Một số bệnh lý có triệu chứng nước tiểu đục gồm có nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận, vấn đề về tuyến tiền liệt và bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI).

Nếu tình trạng nước tiểu đục kéo dài hoặc kèm theo mùi khó chịu, tiểu ra máu, đau đớn, nôn mửa hoặc tiết dịch bất thường thì nên đi khám. Đó có thể là những dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc vấn đề khác.

Tóm tắt: Không phải lúc nào nước tiểu đục cũng là do đồ ăn thức uống. Đôi khi, đây là dấu hiệu cho thấy sức khỏe đang có vấn đề. Nên đi khám nếu tình trạng nước tiểu đục kéo dài hoặc đi kèm các triệu chứng khác.

Tóm tắt bài viết

Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể khiến nước tiểu bị đục gồm có thực phẩm chứa nhiều phốt pho, purin, đường tinh luyện, muối, rượu bia, trà và cà phê.

Tuy nhiên, nước tiểu đục cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe. Nếu qua vài ngày mà nước tiểu không trở về màu bình thường hoặc có các triệu chứng bất thường khác như đau đớn, tiểu ra máu hay nôn mửa thì nên đi khám.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi ngọt?
Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi ngọt?

Nước tiểu có mùi ngọt hoặc mùi trái cây có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi ngọt. Do cơ thể đào thải vi khuẩn, glucose, axit amin và nhiều chất khác vào nước tiểu nên mùi nước tiểu sẽ thay đổi theo tình trạng sức khỏe. Nếu đột nhiên nhận thấy nước tiểu có mùi ngọt thì bạn nên đi khám ngay.

6 loại thực phẩm có lợi cho tuyến tiền liệt
6 loại thực phẩm có lợi cho tuyến tiền liệt

Chế độ ăn uống bổ dưỡng gồm có nhiều rau củ, các loại đậu và cá béo sẽ có lợi cho sức khỏe tuyến tiền liệt cũng như sức khỏe tổng thể.

Đo lượng nước tiểu 24 giờ được thực hiện như thế nào?
Đo lượng nước tiểu 24 giờ được thực hiện như thế nào?

Đo lượng nước tiểu 24 giờ là phương pháp đo thể tích nước tiểu mà cơ thể tạo ra trong vòng một ngày và phân tích những gì có trong nước tiểu. Đó là một quy trình không xâm lấn và cách thực hiện rất đơn giản nhưng có thể giúp chẩn đoán các vấn đề về chức năng thận.

Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi amoniac
Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi amoniac

Các chất thải được bài tiết vào nước tiểu đều có mùi nhưng do được hòa loãng với nước (khoảng 95% nước tiểu là nước) nên các chất này thường không còn mùi rõ rệt nữa. Tuy nhiên, nếu nước tiểu trở nên cô đặc, nghĩa là nồng độ chất thải cao hơn thì nước tiểu có thể sẽ có mùi amoniac.

Các nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lạ
Các nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lạ

Mùi nước tiểu có thể thay đổi sau khi ăn một số loại thực phẩm hoặc dùng một số loại thuốc. Tuy nhiên, nước tiểu có mùi lạ đôi khi lại là dấu hiệu chỉ ra một số vấn đề về sức khỏe.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây