Cách Trị Mụn Trứng Cá Kinh Nguyệt?
Nội dung chính của bài viết:
- Mụn trứng cá là một vấn đề phổ biến xảy ra trước, trong và thậm chí kéo dài đến tận sau khi có kinh nguyệt.
- Nguyên nhân chính là do sự thay đổi nội tiết tố diễn ra trong cơ thể vào giai đoạn này.
- Thường thì chỉ cần các phương pháp trị mụn không kê đơn và điều chỉnh một số thói quen thường ngày là đủ để khôi phục làn da sạch mụn.
- Mụn mủ và mụn bọc xuất hiện khi có kinh nguyệt thường gây đau đớn nhưng có nhiều cách bạn có thể áp dụng để giảm đau, như: chườm nóng hoặc lạnh lên nốt mụn, dùng benzoyl peroxide để tiêu diệt vi khuẩn gây mụn.
- Nếu những biện pháp này không hiệu quả, tình trạng mụn không đỡ hoặc tái phát thường xuyên thì nên đi khám bác sĩ da liễu để được kê thuốc điều trị.
Dưới đây là những điều bạn cần biết về cách trị mụn trứng cá kinh nguyệt. Cùng tham khảo nhé!
Phân biệt loại mụn
Dù là bất cứ vấn đề gì, để điều trị thì trước tiên phải biết mình đang gặp phải vấn đề cụ thể nào. Trong trường hợp này thì cần phân biệt mụn do thay đổi nội tiết tố và mụn trứng cá thông thường.
Cách đơn giản nhất để phân biệt là chú ý đến thời điểm mụn xuất hiện. Mụn trứng cá do kinh nguyệt thường xuất hiện vào khoảng một tuần trước khi bắt đầu có kinh hoặc trong thời gian có kinh nguyệt. Ngoài ra, loại mụn này thường biến mất hoặc đỡ hơn về gần cuối của kỳ kinh.
Nếu như bình thường bạn vốn đã bị mụn trứng cá thì tình trạng mụn có thể sẽ trở nên nặng hơn trong thời gian này. Nhưng kể cả những người có làn da nhẵn mịn thì vẫn có thể nổi vài nốt mụn khi ngày đèn đỏ chuẩn bị ghé thăm.
Các loại mụn
Nếu nghĩ rằng chỉ có duy nhất một loại mụn thì bạn đã nhầm rồi. Có rất nhiều loại mụn khác nhau. Biết được sự khác biệt giữa chúng sẽ giúp bạn dễ dàng tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Những loại mụn thường gặp nhất gồm có:
- Mụn đầu đen: Khi lỗ chân lông bị tắc và vẫn mở thì cồi mụn sẽ lộ lên trên bề mặt da và bị oxy hóa rồi chuyển sang màu đen.
- Mụn đầu trắng: Là mụn nằm ở dưới bề mặt da. Chúng hình thành khi lỗ chân lông bị bít tắc và đóng lại nên phần trên vẫn có màu trắng.
- Mụn viêm: Đây là những mụn nhỏ, nhô lên bề mặt da và có màu hồng. Mụn viêm thường gây đau.
- Mụn mủ: Đây cũng là một loại mụn viêm. Mụn mủ có màu đỏ ở xung quanh và phần giữa có màu trắng hoặc vàng do chứa mủ bên trong.
- Mụn cục cứng: Loại mụn này hình thành ở sâu dưới da, thường có kích cỡ lớn, cứng và gây đau đớn.
- Mụn bọc: Loại mụn này nằm sâu dưới da và chứa đầy mủ. Chúng gây đau và có thể để lại sẹo.
Tại sao lại bị mụn khi đến kỳ kinh nguyệt?
Thủ phạm chính là do hormone hay nội tiết tố trong cơ thể.
Nồng độ hormone có sự dao động trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Ngay trước khi bắt đầu có kinh, nồng độ progesterone giảm và nồng độ estrogen tăng. Điều này kích hoạt tuyến bã nhờn tiết ra nhiều dầu hơn. Bình thường, dầu được tiết ra sẽ giúp giữ ẩm cho da nhưng khi sản sinh quá nhiều dầu thì sẽ khiến cho lỗ chân lông bị bít tắc và hình thành mụn trứng cá.
Hormone còn gây tăng phản ứng viêm trong da và tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn gây mụn.
Những dao động nội tiết tố ngay trước khi có kinh nguyệt còn gây ra những vấn đề khác, ví dụ như thay đổi tâm trạng thất thường, ngực căng đau hay những vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy hay táo bón. Những vấn đề này được gọi chung là hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome).
Hội chứng tiền kinh nguyệt còn có thể gây tăng căng thẳng và điều này cũng khiến cho tình trạng mụn trứng cá trở nên nặng hơn.
Mụn trong và sau khi có kinh nguyệt
Không giống như các triệu chứng tiền kinh nguyệt khác, mụn trứng cá khi đến ngày đèn đỏ thường không biến mất khi bắt đầu hiện tượng ra máu. Và nguyên nhân là do hormone.
Testosterone - một loại hormone nam nhưng cũng có trong cơ thể phụ nữ - ảnh hưởng đến mỗi người theo cách khác nhau tùy thuộc vào nồng độ của các hormone khác.
Khi nồng độ estrogen giảm và nồng độ progesterone tăng vào những ngày cuối có kinh nguyệt, testosterone sẽ kích hoạt tuyến bã nhờn và điều này lại dẫn đến sản sinh nhiều dầu hơn, khiến lỗ chân lông bị tắc và nổi mụn trứng cá.
Mụn trứng cá quanh cằm
Mụn trứng cá do thay đổi nội tiết khi đến kỳ có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên mặt nhưng một trong những vị trí phổ biến nhất là quanh cằm. Mụn ở vị trí này thường là mụn bọc. Mụn có thể không nhô cao lên bề mặt da và nhìn ngoài không phát hiện thấy nhưng khi sờ vào sẽ khá đau đớn.
Lưu ý, tuyệt đối không được nặn mụn bọc ở cằm. Nếu nặn thì sẽ làm cho trạng mụn sẽ càng thêm tệ hơn, dẫn đến đau đớn nặng hơn và còn có thể để lại sẹo.
Mụn ở vùng kín
Không chỉ có trên mặt, mụn trứng cá khi đến kỳ còn có thể xuất hiện ở vùng kín.
Hormone có thể cũng vẫn là thủ phạm gây nổi mụn ở khu vực này nhưng ngoài ra còn do những nguyên nhân khác cũng liên quan đến kinh nguyệt.
Ví dụ, băng vệ sinh có thể cọ xát vào da, gây kích ứng nang lông, khiến cho lông mọc ngược, dẫn đến viêm nang lông và nổi mụn.
Các sản phẩm khác mà phụ nữ sử dụng trong ngày đèn đỏ có thể gây viêm da tiếp xúc – một dạng viêm da xảy ra do phản ứng với các tác nhân gây kích ứng, dị ứng. Các loại băng vệ sinh, tampon hay giấy ướt có mùi thơm là những nguyên nhân thường gây nổi mụn ở vùng kín trong những ngày này.
Làm thế nào để giảm đau do mụn?
Mụn mủ và mụn bọc xuất hiện khi có kinh nguyệt thường gây đau đớn nhưng có nhiều cách bạn có thể áp dụng để giảm đau.
Cách biện pháp giảm cảm giác đau đớn do mụn trứng cá:
- Chườm ấm lên nốt mụn trong 10 đến 15 phút liên tục, lặp lại 3 hoặc 4 lần một ngày để làm dịu cảm giác đau và loại bỏ mủ bên trong nốt mụn.
- Chườm lạnh hoặc áp nước đá từ 5 đến 10 phút lên nốt mụn để giảm đau và sưng
- Dùng benzoyl peroxide để tiêu diệt vi khuẩn gây mụn
Cách trị mụn trứng cá do kinh nguyệt
Mụn trứng cá hình thành khi đến kỳ thường khá là cứng đầu nhưng bạn có thể đẩy nhanh quá trình hết mụn bằng cách sử dụng kết hợp các sản phẩm không kê đơn.
Bạn có thể tham khảo các sản phẩm và biện pháp trị mụn dưới đây:
- Rửa mặt hai lần một ngày bằng một loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, ví dụ như Cetaphil.
- Sử dụng các sản phẩm tẩy da chết hóa học có chứa glycolic acid để loại bỏ các tế bào da chết, giảm viêm và thúc đẩy quá trình thay da mới.
- Sử dụng các sản phẩm chấm mụn có chứa benzoyl peroxide. Nếu chưa dùng bao giờ thì nên bắt đầu với một sản phẩm có nồng độ benzoyl peroxide thấp (2.5%).
- Sử dụng một sản phẩm có chứa salicylic acid, có thể là sữa rửa mặt hoặc kem bôi để giữ cho lỗ chân lông luôn thông thoáng.
- Dùng sản phẩm chấm mụn có chứa tinh dầu tràm trà (tea tree oil). Tinh dầu tràm trà đã được chứng minh là có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây mụn và cải thiện tình trạng mụn trứng cá mức độ từ nhẹ đến vừa.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý một số điều dưới đây khi bị mụn trứng cá:
- Tránh các sản phẩm gây kích ứng, chẳng hạn như kem chống nắng, kem nền gây nhờn và các sản phẩm chứa dầu.
- Tránh để da bị cọ sát do vòng cổ hay quai mũ bảo hiểm.
- Hạn chế tiếp xúc với tia UV trong ánh nắng bằng cách tránh ánh nắng mặt trời và bôi kem chống nắng mỗi ngày.
- Rửa mặt ngay sau khi ra mồ hôi.
- Sử dụng các sản phẩm trị mụn đúng theo hướng dẫn. Việc lạm dụng sẽ gây kích ứng và làm khô da.
Ngăn ngừa mụn vào kỳ kinh sau
Một trong điều gây khó chịu nhất của mụn trứng cá là các nốt mụn xấu xí, đau đớn thường quay trở lại. Dưới đây là những biện pháp bạn có thể áp dụng để ngăn chặn sự thay đổi nội tiết tố gây mụn trứng cá vào những kỳ kinh sau.
Dùng sản phẩm trị mụn không kê đơn
Các sản phẩm trị mụn cũng có thể giúp ngăn chặn sự hình thành mụn trứng cá mới.
Các chuyên gia da liễu khuyến nghị nên bắt đầu dùng các sản phẩm benzoyl peroxide có nồng độ thấp rồi tăng dần sau một vài tuần khi da đã quen.
Các sản phẩm có chứa các chất thuộc nhóm AHA (alpha hydroxyl acid), ví dụ như như glycolic acid và lactic acid có thể giúp loại bỏ các tế bào da chết và ngăn lỗ chân lông bị tắc. Những chất này còn giúp thúc đẩy quá trình thay tế bào da mới để giúp làn da mịn màng và sạch mụn.
Các sản phẩm chứa salicylic acid cũng là một lựa chọn phù hợp cho những người bị mụn trứng cá. Những sản phẩm này có nhiều mức nồng độ khác nhau, từ 0.5 đến 5% và bạn có thể mua mà không cần đơn của bác sĩ. Salicylic acid có tác dụng giữ cho lỗ chân lông không bị tắc nghẽn để ngăn ngừa sự hình thành mụn. Để tránh kích ứng thì cũng nên bắt đầu với sản phẩm có nồng độ thấp và tăng dần lên khi da đã thích nghi.
Chế độ ăn
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng việc giảm lượng đường trong máu bằng cách ăn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp có thể giúp trị mụn do thay đổi nội tiết tố. GI là chỉ số đo tốc độ mà một loại thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu.
Các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao đã được chứng minh là khiến cho tình trạng mụn trứng cá thêm nặng hơn. Một số ví dụ về các loại thực phẩm này gồm có:
- Thực phẩm và đồ uống có đường
- Bánh mì trắng
- Các loại thực phẩm chế biến sẵn
Nhiều loại thực phẩm còn gây tăng phản ứng viêm và góp phần hình thành mụn trứng cá.
Cũng không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn những thực phẩm này khỏi chế độ ăn nhưng nên hạn chế một cách tối đa để ngăn ngừa mụn.
Thuốc kê đơn
Nếu đã thử các sản phẩm không kê đơn và biện pháp khắc phục tại nhà trong 3 kỳ kinh liên tiếp mà tình trạng mụn vẫn không cải thiện thì nên đi khám bác sĩ da liễu để được thăm khám và kê thuốc điều trị mụn.
Bác sĩ thường kê một hoặc kết hợp các loại thuốc sau:
- Retinoid: có thể trị mụn trứng cá mức độ từ nhẹ đến vừa và cũng được sử dụng để ngừa mụn về lâu dài.
- Thuốc tránh thai: các loại thuốc tránh thai ngoài công dụng ngừa thai ngoài ý muốn ra thì còn được chứng minh là có thể cải thiện tình trạng mụn trứng cá do thay đổi nội tiết tố.
- Thuốc chống androgen, ví dụ như spironolactone, cũng có thể được sử dụng để trị mụn. Mặc dù đây không phải là một ứng dụng được phê chuẩn nhưng nhiều người đã dùng spironolactone và nhận thấy thật sự có hiệu quả đối với mụn trứng cá.
Khi nào cần đi khám?
Nếu còn có những vấn đề bất thường khác với kỳ kinh nguyệt, ví dụ như chu kỳ không đều thì nên đi khám vì đây có thể là dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang.
Hội chứng buồng trứng đa nang là một bệnh do rối loạn nội tiết tố và có thể gây nhiều triệu chứng khác nhau.
Cần đi khám nếu mụn trứng cá đi kèm với những triệu chứng dưới đây:
- Kinh nguyệt không đều hoặc bị lỡ (vô kinh)
- Mọc lông trên mặt và cơ thể
- Tăng cân và khó giảm cân
- Xuất hiện các mảng da sẫm màu ở những vùng có nếp gấp da như cổ, bẹn
- Tóc mỏng và rụng tóc
- Khó thụ thai
>>> Tham khảo thêm bài viết: Chu Kỳ Kinh Nguyệt Và Mụn Trứng Cá
Nói chung, cảm giác buồn nôn trong những ngày đèn đỏ là hiện tượng rất bình thường. Các cơn buồn nôn sẽ biến mất trong vòng một vài ngày.
Kinh nguyệt ở đa số phụ nữ sẽ đến theo chu kỳ hàng tháng và thường kéo dài từ 2 đến 8 ngày, tùy theo cơ địa của từng người.
Đau bụng kinh hay thống kinh là vấn đề mà rất nhiều phụ nữ gặp phải trong những ngày “đèn đỏ”. Mức độ của cơn đau ở mỗi người là khác nhau, có người chỉ thấy hơi đau và sau 1 - 2 ngày là hết nhưng cũng có người đau đớn dữ dội đến mức không thể chịu được trong suốt nhiều ngày và cơn đau còn can thiệp vào các hoạt động sống thường nhật.
Ra máu nhiều và đau bụng kinh là những vấn đề phổ biến ở nhiều phụ nữ khi có kinh nguyệt. Mặc dù lượng máu kinh và chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người là khác nhau nhưng ra nhiều máu đến mức làm gián đoạn việc sinh hoạt thường ngày thì lại là điều không bình thường.
Rối loạn kinh nguyệt là điều bình thường trong giai đoạn dậy thì cũng như là quanh thời kỳ mãn kinh và không cần điều trị nhưng nếu tình trạng kinh nguyệt không đều xảy ra trong khoảng thời gian giữa hai giai đoạn này thì sẽ cần đến các phương pháp can thiệp.