Buồn nôn khi có kinh nguyệt là do đâu và cách khắc phục
Nội dung chính của bài viết:
- Buồn nôn khi đến kỳ kinh nguyệt là một hiện tượng mà rất nhiều phụ nữ gặp phải. Đây không phải là điều đáng lo ngại. Các cơn buồn nôn sẽ biến mất trong vòng một vài ngày.
- Nguyên nhân gây cảm giác buồn nôn là do những thay đổi nội tiết tố và chất hóa học xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Đôi khi buồn nôn có thể dấu hiệu chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng hơn. Trong những trường hợp này, buồn nôn thường đi kèm với các triệu chứng khác như đau bụng dữ dội hoặc sốt.
- Nếu chỉ bị buồn nôn nhẹ thì có thể thử các biện pháp khắc phục tại nhà. Các phương pháp điều trị tự nhiên như gừng, bạc hà, quế và bấm huyệt có thể giúp giảm đáng kể cảm giác buồn nôn.
- Nếu cảm giác buồn nôn trở nên nặng hơn hoặc còn cảm thấy đau dữ dội thì cần đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Cùng tìm hiểu xem nguyên nhân nào gây buồn nôn trong những ngày đèn đỏ và khi nào nên đi khám và các phương pháp điều trị.
Nguyên nhân gây buồn nôn khi đến kỳ
Có một số nguyên nhân gây cảm giác buồn nôn trong thời gian có kinh nguyệt. Những nguyên nhân này có mức độ nghiêm trọng khác nhau, vì vậy cần phải chú ý đến các triệu chứng khác để đi khám và can thiệp kịp thời.
Đau bụng kinh
Đau bụng kinh hay thống kinh là nguyên nhân gây buồn nôn phổ biến nhất trong những ngày có kinh nguyệt. Đau bụng kinh gồm có hai loại là đau bụng kinh nguyên phát và đau bụng kinh thứ phát.
Đau bụng kinh nguyên phát là cơn đau do sự co thắt tử cung gây ra. Điều này xảy ra khi niêm mạc tử cung tăng sản sinh prostaglandin - một loại hormone kiểm soát các cơn co thắt tử cung.
Đau bụng kinh thứ phát là những cơn đau do các vấn đề sức khỏe khác gây ra, ví dụ như lạc nội mạc tử cung.
Đau bụng kinh thường xảy ra chủ yếu ở bụng dưới nhưng cũng có thể đau lan sang hông, đùi, và lưng.
Đôi khi, cơn đau đớn dữ dội đến mức gây cảm giác buồn nôn. Lượng prostaglandin thừa cũng có thể đi vào máu và gây buồn nôn.
Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể đi kèm gồm có:
- Chóng mặt
- Tiêu chảy
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Nôn ói
Hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome) là một nhóm các triệu chứng về thể chất và tinh thần xảy ra từ 1 đến 2 tuần trước khi có kinh nguyệt. Các triệu chứng thường kéo dài đến khi bắt đầu hiện tượng ra máu và tự biến mất sau một vài ngày.
Nguyên nhân gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt là do những thay đổi nội tiết tố diễn ra trong chu kỳ kinh nguyệt. Hội chứng tiền kinh nguyệt gồm có các triệu chứng phổ biến là đau bụng kinh, đau lưng và hiện tượng buồn nôn do đau và tăng lượng prostaglandin.
Hội chứng tiền kinh nguyệt còn có các triệu chứng khác về thể chất như:
- Vú căng đau, nhạy cảm
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Chướng bụng, đầy hơi
- Đau đầu
Các triệu chứng về cảm xúc, tinh thần của hội chứng tiền kinh nguyệt gồm có:
- Thay đổi tâm trạng thất thường
- Nhạy cảm, dễ khóc
- Lo âu, buồn bã
- Hay cáu gắt
- Vấn đề về giấc ngủ
90% phụ nữ có kinh nguyệt đều gặp phải ít nhất một trong các triệu chứng tiền kinh nguyệt nên đây là vấn đề vô cùng phổ biến. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ở mỗi người là khác nhau và cũng có thể thay đổi theo từng tháng.
Rối loạn tiền kinh nguyệt
Rối loạn tiền kinh nguyệt (premenstrual dysphoric disorder) là một dạng nghiêm trọng của hội chứng tiền kinh nguyệt. Các triệu chứng cũng tương tự như hội chứng tiền kinh nguyệt nhưng nặng hơn và có thể đến mức can thiệp vào cuộc sống hàng ngày.
Giống như hội chứng tiền kinh nguyệt, rối loạn tiền kinh nguyệt cũng là do sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt gây nên. Tuy nhiên, ở những trường hợp bị loạn tiền kinh nguyệt thì sự thay đổi nội tiết tố còn gây giảm nồng độ serotonin - một chất dẫn truyền thần kinh tự nhiên trong não bộ. Sự mất cân bằng này có thể gây ra những thay đổi lớn về cảm xúc, tinh thần.
Rối loạn tiền kinh nguyệt gây ra các triệu chứng về thể chất giống như hội chứng tiền kinh nguyệt, gồm có cả buồn nôn và đau bụng.
Các triệu chứng về cảm xúc, tinh thần gồm có:
- Cáu gắt
- Lo âu, buồn bã
- Khó tập trung
- Mệt mỏi nghiêm trọng
- Ảo giác, hoang tưởng
Rối loạn tiền kinh nguyệt ít phổ biến hơn nhiều so với hội chứng tiền kinh nguyệt, chỉ xảy ra ở khoảng 5% phụ nữ có kinh nguyệt.
Lạc nội mạc tử cung
Lớp mô hình thành ở bề mặt bên trong của tử cung được gọi là nội mạc hay niêm mạc tử cung. Niêm mạc tử cung sẽ dày lên vào mỗi tháng để chuẩn bị cho trứng sau thụ tinh bám vào và làm tổ nhưng khi trứng không được thụ tinh thì lớp mô này sẽ bong ra và đi ra ngoài cùng với máu.
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mà những mô này hình thành ở các cơ quan bên ngoài tử cung, thường là buồng trứng, ống dẫn trứng và mô xung quanh tử cung.
Giống như lớp mô bên trong tử cung, những mô hình thành bên ngoài này cũng dày lên và bong ra khi không diễn ra hiện tượng thụ tinh. Nhưng chúng lại không thể rời khỏi cơ thể qua âm đạo như mô trong tử cung mà thay vào đó lại lan rộng và gây ra đau đớn.
Cơn đau do lạc nội mạc tử cung có thể dữ dội đến mức gây buồn nôn. Nếu mô nội mạc tử cung phát triển gần ruột thì cũng sẽ gây buồn nôn và nôn ói, đặc biệt là khi đến kỳ.
Các triệu chứng khác của lạc nội mạc tử cung gồm có:
- Người mệt mỏi
- Tiêu chảy
- Táo bón
- Chướng bụng, đầy hơi
- Đau nhức ở vùng chậu
- Đau khi quan hệ
- Đau khi đi tiểu
- Đau khi đại tiện
- Ra nhiều máu kinh bất thường
- Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
- Khó thụ thai
Bệnh viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu là một bệnh nhiễm trùng ở đường sinh dục trên. Viêm vùng chậu thường xảy ra khi các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục như chlamydia hay lậu trong âm đạo lan sang tử cung, buồng trứng hoặc ống dẫn trứng.
Các nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh viêm phổi là chlamydia và lậu. Đôi khi, vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ quan sinh sản sau khi sinh con hoặc thụt rửa.
Bệnh viêm vùng chậu không phải lúc nào cũng biểu hiện các triệu chứng nhưng nếu có thì các triệu chứng thường là:
- Đau bụng dưới
- Đau vùng chậu
- Kinh nguyệt không đều
- Đau đớn khi quan hệ
- Dịch tiết âm đạo (khí hư) bất thường
- Đau buốt khi đi tiểu
Nếu tình trạng nhiễm trùng nặng thì có thể gây hiện tượng buồn nôn. Các biểu hiện khác của viem vùng chậu nghiêm trọng còn có:
- Nôn mửa
- Sốt
- Cảm giác ớn lạnh
Điều quan trọng cần lưu ý là viêm vùng chậu không chỉ gây buồn nôn trong thời gian có kinh nguyệt. Nếu bạn mắc bệnh này thì sẽ còn bị buồn nôn và gặp các triệu chứng khác ở giữa chu kỳ kinh nguyệt.
Khi nào nên đi khám?
Gặp các triệu chứng khó chịu khi đến kỳ là điều vô cùng bình thường. Nhưng khi những triệu chứng này can thiệp vào cuộc sống hàng ngày thì lại điều không bình thường.
Cần đi khám nếu như bạn có những biểu hiện sau:
- Đau bụng kinh kéo dài quá 3 ngày
- Đau dữ dội ở bụng dưới hoặc ở vùng chậu
- Buồn nôn hoặc nôn ói trong thời gian dài
- Sốt
- Dịch tiết âm đạo bất thường
Phương pháp điều trị
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây buồn nôn. Các phương pháp điều trị phổ biến gồm có:
Thuốc chống viêm không steroid
Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là phương pháp phổ biến để điều trị các cơn đau do kinh nguyệt. Các loại thuốc này có cơ chế hoạt động là làm giảm nồng độ prostaglandin, từ đó có thể làm giảm các cơn đau và hiện tượng buồn nôn.
Bạn có thể mua thuốc chống viêm không steroid tại các hiệu thuốc mà không cần đơn của bác sĩ. Một số loại thuốc NSAID thường được sử dụng phổ biến gồm có:
- ibuprofen
- naproxen
- aspirin
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc
Hội chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn tiền kinh nguyệt có thể được điều trị bằng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI). SSRI là nhóm thuốc chống trầm cảm có tác dụng làm tăng mức serotonin trong não.
SSRI chủ yếu được dùng để điều trị các triệu chứng về cảm xúc. Tuy nhiên, đôi khi SSRI có thể gây tác dụng phụ là buồn nôn ở một số người. Bác sĩ sẽ kê một loại SSRI có ít tác dụng phụ nhất.
Thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai đường uống được sử dụng với mục đích chính là tránh mang thai ngoài ý muốn. Các loại thuốc này hoạt động với cơ chế kiểm soát sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt. Điều này sẽ giúp giảm một số triệu chứng về cảm xúc và thể chất, gồm có buồn nôn khi đến kỳ.
Thông thường, thuốc tránh thai được sử dụng để điều trị:
- Rong kinh
- Đau đớn khi đến kỳ
- Kinh nguyệt không đều
- Lạc nội mạc tử cung
- Hội chứng tiền kinh nguyệt
- Rối loạn tiền kinh nguyệt
Thuốc kháng sinh
Nếu bị bệnh viêm vùng chậu thì sẽ cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Bác sĩ sẽ kê kháng sinh dựa trên loại nhiễm trùng cụ thể.
Khi được kê kháng sinh thì phải uống đủ liều, ngay cả khi không còn thấy các triệu chứng. Nếu dùng không đủ liều thì vi khuẩn sẽ không bị tiêu diệt hết, dẫn đến vấn đề tái phát và trở nên nghiêm trọng hơn, khó điều trị hơn.
Biện pháp khắc phục tại nhà
Ngoài các phương pháp điều trị y tế thì còn có một số biện pháp khắc phục tại nhà cũng có thể giúp làm giảm cảm giác buồn nôn. Bạn có thể thử những biện dưới như sau:
- Gừng: là một vị thuốc được dùng trong y học cổ truyền, gừng giúp làm giảm lượng prostaglandin trong cơ thể và từ đó cải thiện cảm giác buồn nôn và đau bụng kinh. Bạn có thể pha trà gừng tươi hoặc dùng kẹo ngậm.
- Bạc hà: Chiết xuất bạc hà cũng có tác dụng làm giảm lượng prostaglandin và làm giảm buồn nôn. Bạn có thể dùng tinh dầu bạc hà để xông phòng hoặc uống trà bạc hà.
- Hạt thì là hay tiểu hồi hương (fennel): Các đặc tính chống viêm trong hạt thì là có thể giúp giảm đau và buồn nôn trong kỳ kinh nguyệt. Bạn có thể pha trà hạt thì là hoặc dùng các sản phẩm viên uống bổ sung.
- Quế: Quế có chứa một hợp chất có tên là eugenol có tác dụng ức chế prostaglandin. Điều này sẽ làm giảm mức độ ra máu trong giai đoạn kinh nguyệt, cải thiện triệu chứng buồn nôn và đau đớn.
- Ăn các món nhạt: Nếu bạn cảm thấy buồn nôn thì nên ăn các món ăn nhạt cho đến khi cảm thấy đỡ hơn.
- Kiểm soát nhịp thở: Các bài tập hít thở sâu có thể giúp thư giãn cơ và giảm buồn nôn.
- Bấm huyệt: Huyệt nội quan hay huyệt P6 là một huyệt nằm ở mặt bên dưới của cổ tay. Ấn mạnh lên huyệt này sẽ giúp giảm cảm giác buồn nôn, đau đầu và đau bụng.
Cách trị mụn trứng cá kinh nguyệt như thế nào? Bên cạnh những vấn đề như chướng bụng, đau bụng và mỏi lưng, nhiều phụ nữ còn gặp hiện tượng nổi mụn trứng cá mỗi khi đến ngày đèn đỏ.
Kinh nguyệt ở đa số phụ nữ sẽ đến theo chu kỳ hàng tháng và thường kéo dài từ 2 đến 8 ngày, tùy theo cơ địa của từng người.
Đau bụng kinh hay thống kinh là vấn đề mà rất nhiều phụ nữ gặp phải trong những ngày “đèn đỏ”. Mức độ của cơn đau ở mỗi người là khác nhau, có người chỉ thấy hơi đau và sau 1 - 2 ngày là hết nhưng cũng có người đau đớn dữ dội đến mức không thể chịu được trong suốt nhiều ngày và cơn đau còn can thiệp vào các hoạt động sống thường nhật.
Ra máu nhiều và đau bụng kinh là những vấn đề phổ biến ở nhiều phụ nữ khi có kinh nguyệt. Mặc dù lượng máu kinh và chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người là khác nhau nhưng ra nhiều máu đến mức làm gián đoạn việc sinh hoạt thường ngày thì lại là điều không bình thường.
Rối loạn kinh nguyệt là điều bình thường trong giai đoạn dậy thì cũng như là quanh thời kỳ mãn kinh và không cần điều trị nhưng nếu tình trạng kinh nguyệt không đều xảy ra trong khoảng thời gian giữa hai giai đoạn này thì sẽ cần đến các phương pháp can thiệp.