1

Cách ngăn ngừa phình động mạch não là gì?

Không có phương pháp nào được biết đến là có thể ngăn ngừa hoàn toàn phình động mạch não. Tuy nhiên, bạn có thể làm giảm nguy cơ bằng cách kiểm soát huyết áp cao và thay đổi lối sống.
Hình ảnh 79 Cách ngăn ngừa phình động mạch não là gì?

Phình động mạch não, hay còn gọi là phình động mạch nội sọ, là tình trạng một điểm yếu hoặc mỏng trên thành động mạch trong não bị phình ra và chứa đầy máu.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được chính xác mức độ phổ biến của bệnh. Theo NHS (National Health Service), một số chuyên gia ước tính cứ 20 người thì có 1 người bị phình động mạch não, trong khi những ước tính khác cho rằng tỷ lệ này thấp hơn, khoảng 1/100.

Phình động mạch não cần được hết sức lưu ý vì có thể gây tổn thương não hoặc tử vong.

Có cách nào ngăn ngừa phình động mạch não không?

Hiện chưa có phương pháp nào được chứng minh là có thể ngăn ngừa hoàn toàn được phình động mạch não.

Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách:

  • Không hút thuốc lá
  • Kiểm soát huyết áp cao
  • Hạn chế các yếu tố nguy cơ khác

Nguyên nhân gây phình động mạch não?

Nguyên nhân chính xác gây phình động mạch não vẫn chưa được xác định rõ.

Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể do thành động mạch trong não bị yếu bẩm sinh, có thể do rối loạn di truyền hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh. Ở các trường hợp khác, các mạch máu trong não suy yếu theo tuổi tác hoặc do các thói quen sống như hút thuốc.

Ngoài ra, các bệnh lý như cao huyết áp, u não hoặc xơ vữa động mạch cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành phình động mạch.

Yếu tố nguy cơ

Những yếu tố làm tăng nguy cơ phình động mạch não bao gồm:

  • Huyết áp cao không được kiểm soát
  • Hút thuốc
  • Tiền sử gia đình có người bị phình động mạch não
  • Các rối loạn di truyền, như bệnh mô liên kết di truyền hoặc bệnh thận đa nang
  • Sử dụng một số loại ma túy, như cocaine và amphetamine

Ngoài ra, các bệnh lý khác như u não, chấn thương đầu, nhiễm trùng thành động mạch và xơ vữa động mạch cũng có thể làm tăng nguy cơ.

Theo NINDS (the National Institute of Neurological Disorders and Stroke), nguy cơ phình động mạch não sẽ tăng cao ở người trên 40 tuổi, và phụ nữ có khả năng mắc bệnh cao hơn nam giới.

Phình động mạch não phát triển nhanh như thế nào?

Có nhiều tranh cãi về tốc độ phát triển và nguy cơ vỡ ra của phình động mạch não.

Một nghiên cứu năm 2008 cho rằng phình động mạch não phát triển không đều và gián đoạn.

Trong khi đó, một nghiên cứu năm 2009 đã đưa ra công thức toán học để dự đoán tốc độ tăng trưởng của phình động mạch và lý giải tại sao một số phình động mạch phát triển đến một kích thước nhất định mà không bị vỡ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng phình động mạch thường phát triển nhanh ngay sau khi hình thành, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại khi đạt kích thước từ 5–8 mm. Tuy nhiên, khi kích thước vượt quá 10 mm, tốc độ tăng trưởng có thể tăng lên trở lại.

Các phương pháp đánh giá nguy cơ vỡ phình động mạch, chẳng hạn như thang điểm PHASES, đã được phát triển để dự đoán nguy cơ trong vòng 5 năm và hướng dẫn theo dõi phình động mạch dựa trên tốc độ phát triển của nó.

Nhờ sự tiến bộ của công nghệ chẩn đoán, phình động mạch não ngày nay có thể được phát hiện sớm hơn nhiều so với trước đây.

Nếu bạn được chẩn đoán mắc phình động mạch não chưa vỡ, bác sĩ sẽ theo dõi kích thước của phình động mạch và kiểm soát các yếu tố nguy cơ, như huyết áp cao, để giảm nguy cơ vỡ phình động mạch.

Dấu hiệu cảnh báo của phình động mạch não

Nhiều trường hợp phình động mạch não không có triệu chứng cho đến khi bị vỡ ra hoặc phát triển đến mức gây áp lực lên các mô não và dây thần kinh xung quanh.

Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Vấn đề về thị giác, như mất thị lực hoặc nhìn đôi
  • Đau đầu
  • Tê hoặc yếu một bên mặt
  • Khó nói
  • Mất thăng bằng
  • Đau quanh mắt
  • Giảm trí nhớ ngắn hạn và khó tập trung
  • Cứng cổ hoặc đau cổ
  • Buồn nôn và nôn
  • Mất ý thức hoặc co giật

Người bị phình động mạch não có thể sống sót được không?

Tỷ lệ sống sót khi bị phình động mạch não phụ thuộc vào kích thước, vị trí của túi phình, mức độ chảy máu và tổn thương não.

Một số phình động mạch nhỏ có nguy cơ vỡ thấp và không gây triệu chứng. Nhiều người mắc những trường hợp này có thể không bao giờ biết mình có phình động mạch não.

Tuy nhiên, nếu phình động mạch não bị vỡ, khoảng 25% số người sẽ không qua khỏi trong 24 giờ đầu. Một nửa số bệnh nhân tử vong trong vòng 3 tháng sau khi phình động mạch vỡ.

Do nguy cơ tử vong cao khi phình động mạch não bị vỡ nên nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám kịp thời.

Kết luận

Không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn phình động mạch não. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách thay đổi lối sống, chẳng hạn như không hút thuốc và kiểm soát huyết áp cao.

Phình động mạch não vỡ có tỷ lệ tử vong cao, vì vậy việc nhận biết sớm các triệu chứng và đi khám ngay khi cần thiết là rất quan trọng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Còn ống động mạch: Triệu chứng, biến chứng và cách điều trị
Còn ống động mạch: Triệu chứng, biến chứng và cách điều trị

Ống động mạch là một phần trong hệ tuần hoàn của thai nhi, có chức năng nối hai mạch máu chính dẫn máu từ tim là động mạch chủ và động mạch phổi trong thời kỳ bào thai và đóng lại trong vòng vài ngày sau khi sinh. Nếu cấu trúc này vẫn mở sau khi sinh thì được gọi là còn ống động mạch.

Bệnh động mạch ngoại biên: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh động mạch ngoại biên: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh động mạch ngoại biên là một bệnh lý phổ biến trong đó động mạch bị hẹp làm giảm lưu lượng máu đến cánh tay hoặc chân.

Hẹp van động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Hẹp van động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Hẹp van động mạch chủ xảy ra khi van động mạch chủ bị thu hẹp và không mở ra như bình thường. Tình trạng này có thể gây đau ngực và khó thở, đặc biệt là sau khi gắng sức.

Hẹp van động mạch phổi: Triệu chứng và cách điều trị
Hẹp van động mạch phổi: Triệu chứng và cách điều trị

Hẹp van động mạch phổi xảy ra khi van động mạch phổi không mở đúng cách hoặc không mở đủ rộng. Đây là một vấn đề rất hiếm gặp, thường xuất hiện ngay từ khi sinh ra. Tình trạng đôi khi có thể cần sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật để điều trị.

Dị dạng động tĩnh mạch điều trị bằng cách nào?
Dị dạng động tĩnh mạch điều trị bằng cách nào?

Dị dạng động tĩnh mạch là sự nối thông bất thường giữa tĩnh mạch và động mạch. Những mạch máu bất thường này có thể bị vỡ và gây nguy hiểm đến tính mạng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây