Các triệu chứng của đường huyết cao
Bạn đã bao giờ bị khát nước liên tục, dù uống bao nhiêu nước vẫn thấy khát? Đi tiểu nhiều lần hơn bình thường? Hay thường xuyên trong tình trạng mệt mỏi, thiếu năng lượng? Nếu có thì rất có thể lượng đường trong máu đang ở mức cao.
Tăng đường huyết cũng có thể xảy ra ở những người không mắc bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu có thể tăng đột biến khi bị ốm hoặc bị căng thẳng. Điều này là do khi bị bệnh hay căng thẳng, cơ thể tạo ra một số loại hormone và các hormone này làm tăng lượng đường trong máu.
Nếu không được điều trị, lượng đường trong máu sẽ duy trì ở mức cao và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, gồm có các vấn đề về thị lực, thần kinh và hệ tim mạch.
Triệu chứng phổ biến của tăng đường huyết
Bạn thường sẽ không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi lượng đường trong máu tăng lên đáng kể. Các triệu chứng của tăng đường huyết phát triển dần dần theo thời gian nên ban đầu bạn sẽ không phát hiện ra vấn đề.
Các triệu chứng ban đầu của tăng đường huyết gồm có:
- Đi tiểu nhiều lần
- Thường xuyên thấy khát
- Mờ mắt
- Nhức đầu
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng
Càng để lâu không điều trị thì các triệu chứng tăng đường huyết sẽ càng trở nên nghiêm trọng. Nếu không được điều trị, một loại axit có tên là ceton sẽ tích tụ trong máu hoặc nước tiểu.
Các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng hơn của tăng đường huyết gồm có:
- Nôn mửa
- Buồn nôn
- Khô miệng
- Khó thở
- Đau bụng
Nguyên nhân gây tăng đường huyết
Chế độ ăn uống có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao, đặc biệt là ở những người bị bệnh tiểu đường. Ăn các loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate như bánh mì, cơm, mì, bánh ngọt, kẹo, đồ uống có đường có thể làm tăng lượng đường trong máu. Khi vào cơ thể, carbohydrate trong những loại thực phẩm này bị phân hủy thành các phân tử đường trong quá trình tiêu hóa mà chủ yếu là glucose - nguồn năng lượng chính của cơ thể.
Sau khi chúng ta ăn uống, glucose hấp thụ vào máu và sau đó đi vào các tế bào để được chuyển hóa thành năng lượng. Tuy nhiên, để glucose đi vào các tế bào thì cơ thể cần có sự trợ giúp của hormone insulin. Nếu cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc các tế bào kháng lại tác dụng của insulin, glucose sẽ tích tụ trong máu và dẫn đến tăng đường huyết.
Tình trạng tăng đường huyết cũng có thể được kích hoạt bởi sự thay đổi nồng độ hormone. Điều này thường xảy ra khi stress quá mức hoặc khi mắc bệnh.
Các yếu tố nguy cơ
Tăng đường huyết có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kể có mắc bệnh tiểu đường hay không. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ cao hơn ở những người:
- có lối sống ít hoặc không vận động
- mắc bệnh mãn tính hoặc bệnh nặng
- đang có vấn đề về tinh thần
- sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như steroid
- gần đây mới làm phẫu thuật
Ở những người mắc bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu có thể tăng đột biến nếu:
- không tuân thủ đúng các nguyên tắc về chế độ ăn uống
- không sử dụng insulin hoặc sử dụng insulin không đúng theo chỉ định (trong trường hợp phải điều trị bằng insulin)
- không uống thuốc hoặc uống thuốc không đúng theo chỉ định
Tìm hiểu thêm: Tăng đường huyết và bệnh tiểu đường type 2 »
Chẩn đoán tăng đường huyết
Nếu bạn bị tiểu đường và nhận thấy kết quả đo đường huyết thay đổi đột ngột và có các triệu chứng tăng đường huyết thì nên thông báo cho bác sĩ. Sự gia tăng lượng đường trong máu có thể ảnh hưởng đến phác đồ điều trị.
Những người không mắc bệnh tiểu đường cũng nên đi khám khi phát hiện các triệu chứng tăng đường huyết.
Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh gia đình. Sau đó bác sĩ sẽ trao đổi về phạm vi đường huyết cần duy trì.
Đối với người từ 59 tuổi trở xuống, mức đường huyết an toàn thường là từ 80 đến 120 miligram trên decilit (mg/dL). Đây cũng là phạm vi đường huyết lý tưởng cho những người không có bất kỳ bệnh lý nền nào.
Đối với người từ 60 tuổi trở lên và những người đang có bệnh thì nên cố gắng duy trì đường huyết trong phạm vi từ 100 đến 140 mg/dL.
Bác sĩ sẽ đề nghị làm xét nghiệm A1C để xác định mức đường huyết trung bình trong vài tháng gần đây. Xét nghiệm A1C đo lượng glucose trong máu gắn với hemoglobin – một loại protein vận chuyển oxy trong hồng cầu.
Nếu kết quả xét nghiệm A1C cao hơn bình thường, bạn sẽ phải tự theo dõi lượng đường trong máu tại nhà thường xuyên bằng máy đo đường huyết.
Điều trị tăng đường huyết
Đối với những người ít vận động thì bước đầu tiên để điều trị tăng đường huyết là bắt đầu tập thể dục. Nếu đã có thói quen tập thể dục thì nên tăng cường độ hoặc tần suất tập để cải thiện mức đường huyết.
Bước tiếp theo là giảm lượng thức ăn chứa nhiều carbohydrate. Điều quan trọng là phải duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và chú ý kiểm soát khẩu phần ăn. Nếu như không biết phải điều chỉnh chế độ ăn uống thế nào cho hợp lý thì bạn có thể đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn cách xây dựng chế độ ăn uống giúp làm giảm lượng đường trong máu.
Nếu đã tập thể dục và điều chỉnh chế độ ăn uống mà đường trong máu vẫn ở mức cao thì sẽ phải điều trị bằng thuốc. Đối với những người bị tiểu đường, bác sĩ có thể kê thuốc đường uống hoặc thay đổi lượng hoặc loại insulin đang dùng.
Bác sĩ sẽ đưa ra các bước để làm giảm lượng đường trong máu. Điều quan trọng là phải thực hiện theo đúng khuyến nghị của bác sĩ để cải thiện sức khỏe. Nếu không được điều trị, tăng đường huyết có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Bạn nên mua máy đo đường huyết để tự theo dõi lượng đường trong máu và can thiệp kịp thời khi lượng đường trong máu tăng quá cao. Theo dõi đường huyết thường xuyên sẽ giúp kiểm soát tình trạng tốt hơn và bảo vệ được sức khỏe.
Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gây ra các vấn đề về mắt, thận và da... Bệnh tiểu đường còn có thể dẫn đến rối loạn cương dương và các vấn đề về tiết niệu ở nam giới.
Tiểu đường type 2 là một bệnh mãn tính có đặc trưng là lượng đường (glucose) trong máu cao hơn mức bình thường. Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, căn bệnh này có nhiều triệu chứng phổ biến và việc nhận biết các triệu chứng này là rất quan trọng. Hầu hết các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao bất thường.
Bệnh tiểu đường type 1 thường bắt đầu xảy ra trong độ tuổi từ 4 đến 7 và 10 đến 14. Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường type 1 có thể dẫn đến tăng đường huyết hoặc lượng đường trong máu cao và nhiễm toan ceton.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh tiểu đường ở mỗi người không hoàn toàn giống nhau. Bên cạnh các triệu chứng thường gặp như thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều lần, đói liên tục…, bệnh tiểu đường còn có nhiều triệu chứng khác, ít phổ biến hơn.