Các nguyên nhân gây đau ở khu vực thận trái
Thận là cặp cơ quan nằm đối xứng ở hai bên cột sống, bên dưới khung xương sườn. Thận trái nằm cao hơn thận phải một chút.
Cặp cơ quan hình hạt đậu này là một phần của hệ tiết niệu và có chức năng lọc chất thải ra khỏi máu. Ngoài ra thận còn đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng khác, ví dụ như giúp duy trì sự cân bằng nước và chất điện giải, tạo ra hormone kiểm soát huyết áp, giữ cho xương chắc khỏe…
Cơn đau ở khu vực thận trái cũng có thể xuất phát từ các cơ quan và mô lân cận như:
- Đau cơ
- Chấn thương cơ hoặc cột sống
- Đau dây thần kinh
- Đau khớp
- Chấn thương xương sườn
- Vấn đề về tuyến tụy hoặc túi mật
- Vấn đề về tiêu hóa (dạ dày và ruột)
Không phải nguyên nhân gây đau nào cũng cần phải điều trị. Nhưng điều quan trọng là phải theo dõi các triệu chứng và đi khám khi tình trạng đau đớn kéo dài, ngày càng nặng hoặc kèm theo các biểu hiện bất thường khác.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây đau ở khu vực thận trái và cách điều trị.
Mất nước
Tình trạng mất nước có thể gây đau ở một hoặc cả hai quả thận. Mất nước có thể xảy ra do uống quá ít nước, ra nhiều mồ hôi, nôn mửa, tiêu chảy hoặc đi tiểu quá nhiều. Một số bệnh lý như bệnh tiểu đường cũng có thể dẫn đến mất nước.
Mất nước nghiêm trọng hoặc kéo dài sẽ khiến cho chất thải tích tụ trong thận. Các triệu chứng gồm có:
- Đau hoặc khó chịu ở vùng hạ sườn hoặc lưng
- Mệt mỏi, uể oải
- Thèm ăn
- Khó tập trung
Điều trị
Uống nhiều nước để cơ thể luôn có đủ nước. Ngoài uống nước, ăn các loại thực phẩm chứa nhiều nước như trái cây và rau củ tươi cũng là một cách hiệu quả để bổ sung nước cho cơ thể. Nếu uống cà phê hay các loại đồ uống chứa caffeine khác thì cần uống nhiều nước hơn vì caffeine gây tiểu nhiều và làm tăng nguy cơ mất nước.
Lượng nước mà mỗi người cần uống mỗi ngày là khác nhau vì còn tùy thuộc vào tuổi tác, khí hậu, chế độ ăn uống, mức độ vận động và các yếu tố khác. Một cách để biết cơ thể đang đủ nước hay thiếu nước là quan sát màu sắc nước tiểu. Nước tiểu màu vàng nhạt có nghĩa là bạn đang uống đủ nước còn nếu nước tiểu màu đậm thì có nghĩa là cơ thể đang bị mất nước và bạn cần phải uống nhiều nước hơn.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu là một nguyên nhân phổ biến gây đau thận. Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu và gây viêm. Nhiễm trùng bàng quang hoặc niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể) là các dạng nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến nhất và thường dễ điều trị. Tuy nhiên, nếu không điều trị, nhiễm trùng có thể lan đến một hoặc cả hai quả thận và dẫn đến nhiễm trùng thận hay còn gọi là viêm thận bể thận. Nhiễm trùng thận là dạng nhiễm trùng đường tiết niệu nghiêm trọng và khó điều trị hơn nhiều. Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai, có nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn. Lý do là vì niệu đạo phụ nữ ngắn hơn niệu đạo nam giới nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào đường tiết niệu hơn.
Nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra các triệu chứng như:
- Đau lưng hoặc đau vùng hạ sườn
- Đau bụng hoặc bẹn
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Buồn nôn, nôn mửa
- Đi tiểu nhiều lần
- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Nước tiểu đục, có mùi nồng
- Có máu hoặc mủ trong nước tiểu
Điều trị
Hãy đi khám ngay khi có bất kỳ triệu chứng nào trong số này. Nhiễm trùng bàng quang có thể dẫn đến nhiễm trùng thận nếu không được điều trị. Nhiễm trùng thận cần được điều trị khẩn cấp để tránh làm hỏng thận và các biến chứng nguy hiểm khác. Nhiễm trùng đường tiết niệu cần điều trị bằng thuốc kháng sinh, có thể là đường uống hoặc đường tĩnh mạch, tùy vào mức độ nghiêm trọng.
Sỏi thận
Sỏi thận là những khối rắn hình thành do sự tích tụ muối và khoáng chất bên trong thận.
Sỏi thận nhỏ có thể di chuyển và trôi ra ngoài theo nước tiểu. Quá trình này sẽ gây đau đớn. Người bệnh sẽ cảm thấy đau ở khu vực thận và các khu vực khác. Các triệu chứng của sỏi thận gồm có:
- Đau dữ dội ở lưng và hạ sườn
- Đau nhói ở bụng và bẹn
- Đau ở một hoặc cả hai tinh hoàn (ở nam giới)
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Buồn nôn, nôn mửa
- Tiểu buốt
- Máu trong nước tiểu (nước tiểu màu hồng, đỏ hoặc nâu)
- Nước tiểu đục hoặc có mùi bất thường
- Tiểu khó
Điều trị
Mặc dù sỏi thận gây đau đớn nhưng thường không nguy hiểm. Hầu hết sỏi thận đều tự trôi ra ngoài theo nước tiểu. Người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau để giảm bớt đau đớn trong quá trình đào thải sỏi và uống nhiều nước để tống sỏi ra ngoài nhanh hơn. Nhưng nếu sỏi thận có kích thước lớn thì sẽ phải can thiệp loại bỏ sỏi bằng các phương pháp như tán sỏi ngoài cơ thể hay tán sỏi qua da.
Nang thận
Nang thận là các khối chứa dịch hình thành ở thận. Nang thận đơn thuần xảy ra khi một hoặc nhiều nang hình thành đơn lẻ trong thận. Nang thận đơn thuần khác với bệnh thận đa nang, tình trạng hình thành các cụm u nang trên thận. Nang thận đơn thuần lành tính, có nghĩa là không phải ung thư và thường không gây triệu chứng.
Tuy nhiên, nang phát triển quá lớn có thể gây đau. Nang thận cũng có thể gây ra vấn đề nếu bị nhiễm trùng hoặc bị vỡ. Các triệu chứng thường gặp của nang thận gồm có:
- Sốt
- Đau nhói hoặc âm ỉ ở hạ sườn hoặc lưng
- Đau bụng trên
- Buồn tiểu liên tục
Nang thận lớn có thể dẫn đến thận ứ nước. Điều này xảy ra khi nang gây tắc nghẽn, khiến nước tiểu ứ lại trong thận và làm cho thận giãn nở, sưng lên.
Điều trị
Đối với nang thận lớn, phương pháp điều trị thường là chọc hút dịch nang thận, trong đó bác sĩ sử dụng một cây kim dài để hút dịch từ nang. Đây là một thủ thuật đơn giản, người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân. Sau đó, người bệnh sẽ cần dùng một liều kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Bệnh thận đa nang
Bệnh thận đa nang là tình trạng một hoặc cả hai quả thận hình thành các cụm u nang. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng. Theo tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ, bệnh thận đa nang là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận mạn giai đoạn cuối.
Bệnh thận đa nang thường xảy ra ở người lớn. Các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện từ sau tuổi 30. Bệnh thận đa nang thường xảy ra ở cả hai quả thận nhưng người bệnh có thể chỉ cảm thấy đau ở một bên. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thận đa nang gồm có:
- Đau hạ sườn hoặc lưng
- Nhiễm trùng thận thường xuyên
- Sưng bụng
- Tăng huyết áp
- Tim đập nhanh hay đánh trống ngực
Tăng huyết áp là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh thận đa nang. Nếu không được điều trị, tình trạng cao huyết áp sẽ khiến thận tổn thương nặng thêm.
Điều trị
Không có cách nào trị khỏi bệnh thận đa nang. Mục đích điều trị là kiểm soát các triệu chứng và hạn chế tổn thương thận. Các phương pháp điều trị gồm có dùng thuốc trị cao huyết áp và điều chỉnh thói quen ăn uống để kiểm soát huyết áp. Người bệnh cũng có thể cần dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng bàng quang hoặc nhiễm trùng thận. Điều này giúp bảo vệ thận không bị tổn thương thêm. Các phương pháp điều trị khác gồm có thuốc giảm đau và uống nhiều nước.
Những trường hợp bị bệnh thận đa nang nghiêm trọng có thể cần phải ghép thận.
Viêm thận
Một dạng viêm thận là viêm cầu thận, tình trạng viêm xảy ra ở các cấu trúc có chức năng lọc máu trong thận. Viêm thận có thể xảy ra do các bệnh lý mạn tính như bệnh tiểu đường và bệnh lupus. Viêm nghiêm trọng hoặc kéo dài có thể gây tổn thương thận.
Các triệu chứng viêm thận gồm có đau ở một hoặc cả hai bên thận và:
- Nước tiểu màu hồng hoặc sẫm màu
- Nước tiểu có bọt
- Bụng phình to
- Sưng phù mặt, tay và chân
- Tăng huyết áp
Điều trị
Việc điều trị viêm thận phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm. Ví dụ, nếu bị bệnh tiểu đường thì cần phải kiểm soát lượng đường trong máu bằng thuốc và chế độ ăn uống. Nếu thận bị viêm nặng, bác sĩ sẽ kê steroid.
Gián đoạn lưu thông máu
Cơn đau ở khu vực thận có thể là do sự lưu thông máu đến và đi từ thận đột ngột bị chậm lại hoặc ngừng hẳn. Điều này xảy ra do một số nguyên nhân, chẳng hạn như cục máu đông.
Gián đoạn lưu thông máu thường chỉ xảy ra ở một bên thận. Các triệu chứng gồm có:
- Đau hạ sườn dữ dội
- Đau hoặc nhức ở lưng dưới
- Đau bụng
- Máu trong nước tiểu
- Giảm lượng nước tiểu
Điều trị
Tình trạng nghiêm trọng này có thể gây tổn thương thận. Phương pháp điều trị thường là dùng thuốc chống đông máu. Thuốc sẽ làm tan cục máu đông và ngăn hình thành cục máu đông mới.
Thuốc chống đông máu có thể được dùng qua đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào cục máu đông. Trong một số trường hợp, người bệnh cần phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông.
Chảy máu thận
Chảy máu hay xuất huyết là một nguyên nhân nghiêm trọng gây đau thận. Bệnh tật hay chấn thương ở khu vực thận có thể dẫn đến chảy máu bên trong thận. Các dấu hiệu và triệu chứng gồm có:
- Đau ở vùng hạ sườn và thắt lưng
- Đau bụng
- Bụng phình to
- Máu trong nước tiểu
- Buồn nôn và nôn mửa
Điều trị
Nếu thận chỉ bị chảy máu nhẹ thì người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau trong thời gian chờ thận hồi phục. Trong những trường hợp nghiêm trọng, chảy máu có thể dẫn đến sốc, gây tụt huyết áp, ớn lạnh và nhịp tim nhanh. Các phương pháp điều trị khẩn cấp gồm có truyền dịch để làm tăng huyết áp. Người bệnh có thể phải phẫu thuật để ngăn chảy máu.
Ung thư thận
Ung thư thận là bệnh ung thư bắt đầu ở tế bào thận. Ung thư thận chủ yếu xảy ra ở người trên 64 tuổi. Nam giới có nguy cơ ung thư thận cao hơn phụ nữ. Ung thư biểu mô tế bào thận là loại ung thư thận phổ biến nhất, thường chỉ xảy ra ở một quả thận.
Ung thư thận đa phần không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Khi sang các giai đoạn sau, các triệu chứng gồm có:
- Đau dai dẳng ở hạ sườn hoặc lưng
- Máu trong nước tiểu
- Nổi cục ở bụng hoặc lưng
- Ăn không ngon miệng
- Sụt cân
- Sốt
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng
Điều trị
Ung thư thận thường được điều trị bằng phẫu thuật, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch hoặc kết hợp các phương pháp điều trị này. Xạ trị và hóa trị đôi khi cũng được sử dụng.
Các nguyên nhân khác
Phì đại tuyến tiền liệt
Phì đại tuyến tiền liệt là một vấn đề phổ biến ở nam giới trên 40 tuổi. Tuyến tiền liệt nằm ngay dưới bàng quang và bao quanh một phần niệu đạo. Tuyến tiền liệt phì đại sẽ chèn ép lên bàng quang và niệu đạo, gây cản trở dòng nước tiểu chảy từ thận. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc sưng ở một hoặc cả hai quả thận và gây đau.
Phì đại tuyến tiền liệt thường được điều trị bằng thuốc thu nhỏ tuyến tiền liệt và thuốc làm giãn cơ cổ bàng quang, giúp nước tiểu chảy qua dễ dàng hơn. Người bệnh cũng có thể phải phẫu thuật để loại bỏ một phần tuyến tiền liệt. Các triệu chứng về thận sẽ biến mất khi tình trạng phì đại tuyến tiền liệt được khắc phục.
Thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm
Bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm là một bệnh thiếu máu di truyền có đặc trưng là hồng cầu có hình dạng bất thường, khiến cơ thể không có đủ hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy. Thiếu máu có thể làm hỏng thận và các cơ quan khác. Điều này gây đau ở khu vực thận và tiểu ra máu.
Các phương pháp điều trị thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm gồm có truyền máu, kháng sinh để điều trị nhiễm trùng và thuốc làm giảm các triệu chứng do biến chứng của bệnh. Trong một số trường hợp, người bệnh cần phải ghép tủy xương.
Khi nào cần đi khám?
Hãy đi khám nếu bị đau dữ dội, đau dai dẳng không đỡ ở khu vực thận trái hoặc đau kèm theo các triệu chứng khác như:
- Sốt
- Đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Đi tiểu nhiều lần
- Tiểu ra máu
- Buồn nôn và nôn mửa
Đây có thể là những dấu hiệu chỉ ra bệnh thận.
Khi đi khám, bác sĩ sẽ yêu cầu làm một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để tìm ra nguyên nhân gây đau:
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm nước tiểu
- Siêu âm
- Chụp CT
- Chụp MRI
- Xét nghiệm di truyền (thường là xét nghiệm máu)
Hầu hết các nguyên nhân gây đau thận đều có thể điều trị được và nếu điều trị sớm thì sẽ tránh được các biến chứng.
Để bảo vệ thận, hãy duy trì các thói quen sống lành mạnh như:
- Ăn uống cân bằng, ăn nhiều rau củ quả
- Ăn ít muối
- Tập thể dục thường xuyên
- Uống nhiều nước
- Không hút thuốc
Viêm cầu thận hay viêm thận là một bệnh lý nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và cần được điều trị ngay lập tức. Có hai loại viêm cầu thận là viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn.
Ung thư thận: Triệu chứng, Nguyên nhân, điều trị và tiên lượng về bệnh lý này ra sao? Thận là cặp cơ quan hình hạt đậu, mỗi quả có kích thước bằng một nắm tay, nằm bên dưới khung xương sườn, đối xứng hai bên cột sống.
Đau thận thường có biểu hiện là đau âm ỉ ở lưng dưới (khu vực giữa phần dưới của khung xương sườn và hông). Cơn đau có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên. Đau thận còn có thể đi kèm các triệu chứng khác và thường cần phải điều trị khẩn cấp.
Viêm cầu thận (glomerulonephritis) là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận, cấu trúc được tạo thành từ các mạch máu nhỏ trong thận. Điều này khiến thận không thể hoạt động bình thường.
Viêm thận bể thận cấp là tình trạng thận bị nhiễm trùng đột ngột và nghiêm trọng. Tình trạng này khiến cho thận sưng lên và có thể làm hỏng thận vĩnh viễn. Viêm thận bể thận có thể đe dọa đến tính mạng.