1

Các nguyên nhân gây cứng khớp

Cứng khớp là một vấn đề phổ biến ở người cao tuổi do các bệnh lý như thoái hóa khớp. Tuy nhiên, cứng khớp cũng có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây cứng khớp và mỗi nguyên nhân cần có phương pháp điều trị khác nhau.
Các nguyên nhân gây cứng khớp Các nguyên nhân gây cứng khớp

Thế nào là cứng khớp

Cứng khớp là tình trạng khó cử động khớp. Tình trạng cứng khớp thường xảy ra khi mới ngủ dậy. Việc nằm ngủ trong thời gian dài sẽ làm giảm lượng dịch khớp và khiến cho việc cử động các khớp trở nên khó khăn vào buổi sáng. Cứng khớp cũng có thể xảy ra sau một thời gian ngồi một chỗ và không hoạt động.

Tình trạng cứng khớp có thể chỉ nhẹ và cải thiện nhanh chóng sau khi hoạt động. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể nghiêm trọng, kéo dài và ảnh hưởng đến khả năng vận động.

Trong một số trường hợp, cứng khớp đi kèm viêm và sưng đau khớp. Điều này khiến cho việc di lại và thực hiện các hoạt động càng trở nên khó khăn hơn.

Không phải khi nào cứng khớp cũng là do sự lão hóa tự nhiên. Có rất nhiều bệnh lý có thể gây cứng khớp, chẳng hạn như viêm khớp, bệnh lupus và viêm bao hoạt dịch. Các yếu tố về lối sống như chế độ ăn uống không đủ chất và thừa cân, béo phì cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp.

Dưới đây là những nguyên nhân gây cứng khớp và các phương pháp điều trị.

Các nguyên nhân gây cứng khớp

1. Viêm khớp dạng thấp

Nguyên nhân chính gây đau khớp là viêm khớp. Có nhiều loại viêm khớp và một trong những loại phổ biến nhất là viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis). Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi từ 30 đến 60.

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, có nghĩa là xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các bộ phận khỏe mạnh của cơ thể mà ở đây là niêm mạc khớp. Điều này gây viêm, sưng đau và cứng khớp. Theo thời gian, tình trạng viêm sẽ làm biến dạng khớp và mòn xương.

Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Đau khớp
  • Cứng khớp
  • Sưng khớp

Hiện không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có thể kiểm soát các triệu chứng và sự tiến triển của bệnh bằng cách dùng thuốc và các phương pháp điều trị khác.

2. Thoái hóa khớp

Một dạng viêm khớp phổ biến khác là thoái hóa khớp (osteoarthritis) hay viêm khớp thoái hóa (degenerative arthritis). Có hàng trăm triệu người mắc căn bệnh này trên toàn thế giới.

Thoái hóa khớp xảy ra do sự hao mòn sụn trong khớp. Sụn là mô liên kết mềm dẻo có vai trò như lớp đệm bảo vệ các xương trong khớp. Sụn sẽ bị hao mòn theo thời gian hoặc bị phá hủy do chấn thương.

Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể nhưng đa phần xảy ra ở:

  • Khớp gối
  • Khớp hông (khớp háng)
  • Khớp ngón tay
  • Cột sống cổ
  • Lưng

Bệnh thoái hóa khớp còn gây ra các triệu chứng khác ngoài cứng khớp, gồm có đau, sưng tấy và tiếng lạo xạo, lục cục ở khớp khi chuyển động.

Khi tình trạng tiến triển nặng, gai xương sẽ hình thành ở đầu xương bên trong khớp bị thoái hóa. Trong giai đoạn sau của bệnh thoái hóa khớp, sụn gần như biến mất hoàn toàn. Điều này khiến cho các xương trong khớp cọ xát với nhau, gây đau đớn, cứng khớp và giảm khả năng vận động.

Bẹnh thoái hóa khớp cũng không có cách chữa khỏi hoàn toàn. Mục đích của các phương pháp điều trị là giảm nhẹ triệu chứng và bảo tồn hoặc cải thiện khả năng vận động. Những trường hợp thoái hóa khớp nhẹ có thể điều trị bằng cách thay đổi lối sống, chẳng hạn như tập thể dục để giảm cân và tránh các hoạt động gây áp lực lên khớp. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc để giảm đau khớp:

  • Thuốc giảm đau
  • Paracetamol
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Thuốc giảm đau opioid

Những trường hợp nghiêm trọng có thể cần phẫu thuật thay khớp.

3. Bệnh lupus

Lupus là một bệnh tự miễn giống như viêm khớp dạng thấp. Căn bệnh này xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhiều cơ quan khỏe mạnh trong khắp cơ thể, bao gồm cả các khớp, dẫn đến sưng đau và cứng khớp.

Bệnh lupus rất khó chẩn đoán vì các triệu chứng giống với nhiều bệnh lý khác. Việc chẩn đoán bệnh lupus có thể mất vài tháng do phải loại trừ các bệnh lý khác.

Giống như viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus cũng là bệnh mạn tính, có nghĩa là kéo dài suốt đời. Tuy rằng không có cách chữa trị khỏi dứt điểm nhưng có nhiều loại thuốc để làm giảm và kiểm soát các triệu chứng. Các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh lupus gồm có:

  • Benlysta (belimumab): một loại thuốc sinh học thường được kết hợp cùng các loại thuốc khác để ngăn chặn các tế bào B tự phản ứng (nguyên nhân gây ra bệnh lupus) tồn tại trong cơ thể quá lâu.
  • Saphnelo (anifrolumab): có tác dụng ngăn cản hoạt động của interferon loại 1, nhóm các protein đóng vai trò quan trọng trong bệnh lupus.
  • Lupkynis (voclosporin): liên kết với protein calcineurin trong cơ thể, nhờ đó giúp giảm viêm ở thận.

Các loại thuốc điều trị bệnh lupus khác còn có hydroxychloroquine và corticoid. Thực hiện lối sống lành mạnh cũng là một điều cần thiết dể kiểm soát các triệu chứóa của bệnh lupus.

4. Viêm bao hoạt dịch

Bao hoạt dịch là lớp đệm mỏng chứa dịch có vai trò bảo vệ xương, dây chằng và cơ trong khớp. Lớp đệm này có thể bị viêm, gây cứng và đau ở khớp.

Viêm bao hoạt dịch có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào nhưng đa phần xảy ra ở các khớp lớn như:

  • Khuỷu tay
  • Vai
  • Hông

Các khớp khác cũng có thể bị viêm bao hoạt dịch là:

  • Đầu gối
  • Mắt cá chân
  • Ngón chân cái

Viêm bao hoạt dịch thường chỉ là tạm thời và không cần điều trị mà chỉ cần tránh cử động khớp bị viêm bao hoạt dịch một thời gian cho đến khi bao hoạt dịch lành lại. Lúc này, tình trạng cứng khớp sẽ tự hết.

Người bệnh cũng có thể thực hiện các bài tập giúp giảm đau và cứng khớp.

Nếu cần thiết có thể dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) đường uống như ibuprofen và naproxen hoặc NSAID tại chỗ như diclofenac để giảm đau và giảm viêm.

5. Bệnh gout

Không giống như một số nguyên nhân gây cứng khớp khác, triệu chứng của bệnh gout thường xảy ra đột ngột, gọi là các cơn gout cấp. Cơn gout cấp có thể xảy ra trong khi ngủ và gây đau khớp khi thức dậy.

Các cơn đau dữ dội, đột ngột ở khớp là triệu chứng đặc trưng của bệnh gout. Bệnh gout có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào nhưng khớp bàn – ngón chân cái thường là vị trí đầu tiên xuất hiện triệu chứng.

Bệnh gout là một loại viêm khớp, xảy ra do nồng độ axit uric trong máu cao và tích tụ tinh thể urat trong khớp. Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh gout cao hơn phụ nữ nhưng nguy cơ mắc bệnh gout ở phụ nữ tăng lên sau khi mãn kinh. Một khi mắc bệnh gout thì sẽ phải sống chung với bệnh suốt đời nhưng điều trị đúng cách có thể làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn gout cấp.

6. Ung thư xương

Đau khớp và cứng khớp có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư xương. Những người mắc bệnh ung thư xương sẽ bị đau xương và có cảm giác như đau cả ở khớp. Khu vực quanh xương cũng có thể bị sưng và ấn lên thấy đau.

Giai đoạn đầu của bệnh ung thư xương đa phần không có triệu chứng. Đó là lý do tại sao ung thư xương thường không được phát hiện sớm.

Bệnh ung thư xương có thể điều trị được nhưng tiên lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có kích thước, vị trí và loại khối u cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Các phương pháp điều trị ung thư xương gồm có xạ trị, hóa trị và phẫu thuật. Ngoài ra, một giải pháp điều trị mới là liệu pháp miễn dịch. Phương pháp này sử dụng các chất ức chế điểm kiểm soát chất ức chế điểm kiểm soát như pembrolizumab để tăng cường phản ứng miễn dịch chống lại tế bào ung thư.

Các cách giảm cứng khớp

Việc điều trị cứng khớp phụ thuộc vào nguyên nhân gây cứng khớp. Nếu tình trạng cứng khớp kéo dài hơn 30 phút sau khi thức dậy hoặc nếu các triệu chứng ngày càng nặng thì bạn nên đi khá.

Xác định chính xác vấn đề là điều cần thiết để có phương pháp điều trị thích hợp.

Chườm nóng hoặc lạnh

Cả chườm nóng và chườm lạnh đều có lợi cho tình trạng cứng khớp.

Chườm lạnh lên khớp bị cứng 15 đến 20 phút và thực hiện vài lần trong ngày. Điều này có thể giúp giảm viêm hoặc sưng và giúp khớp cử động dễ dàng hơn. Chườm lạnh còn làm giảm các thụ thể đau, nhờ đó làm giảm cảm giác đau.

Chườm nóng cũng có tác dụng giảm đau khớp và cơ. Có thể sử dụng túi sưởi, túi chườm, bình đựng nước nóng hoặc ngâm vùng bị đau trong nước ấm.

Thuốc không kê đơn

Nếu chỉ bị đau khớp nhẹ thì có thể dùng các loại thuốc không kê đơn, ví dụ như thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Đây là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị bệnh viêm khớp. Một số ví dụ về NSAID gồm có aspirin, ibuprofen và naproxen.

Steroid

Nếu cứng khớp là do viêm và sưng ở khớp thì có thể cần điều trị bằng steroid hay corticoid.

Steroid giúp giảm viêm. Khi viêm giảm, tình trạng đau khớp và cứng khớp cũng sẽ giảm theo.

Tuy nhiên, steroid có thể sẽ không hiệu quả đối với những trường hợp bị viêm khớp nặng. Trong nhiều trường hợp, hiệu quả giảm đau của steroid chỉ duy trì được trong thời gian ngắn và việc sử dụng steroid trong thời gian dài sẽ gây tác dụng phụ.

Tập thể dục

Tập thể dục và vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện phạm vi chuyển động của khớp.

Tập thể dục cũng là một cách hiệu quả để giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Thừa cân hoặc béo phì sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh gây đau khớp và cứng khớp.

Thực phẩm chức năng giảm cứng khớp

Một số loại thực phẩm chức năng có thể giúp giảm đau, cứng khớp và cải thiện chức năng khớp.

Dầu cá

Một thử nghiệm lâm sàng vào năm 2018 đã phát hiện ra rằng uống dầu cá kết hợp với chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải có tác dụng giảm viêm.

Dầu cá chứa axit béo omega-3, gồm axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA). Đây là các chất béo không bão hòa tốt cho sức khỏe. Thường xuyên ăn cá, nhất là các loại cá béo như cá hồi cũng sẽ có lợi vì các loại cá này chứa axit béo omega-3.

Liều dùng dầu cá là từ 250 đến 500 miligam (mg) mỗi ngày. Bạn nên đọc thông tin trên nhãn sản phẩm để biết hàm lượng axit béo omega-3 và liều dùng khuyến nghị.

Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) khuyến cáo không uống quá 3 gram (3.000 mg) EPA và DHA kết hợp mỗi ngày.

Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống dầu cá vì dầu cá có thể tương tác với các loại thuốc đang dùng.

Hạt lanh

Hạt lanh chứa một loại axit béo omega-3 khác là axit alpha- linolenic (ALA). Giống như EPA và DHA, ALA cũng có tác dụng giảm viêm và giảm cứng khớp.

So với bột hạt lanh, dầu hạt lanh có hàm lượng ALA cao hơn. Dầu hạt lanh được bán ở cả dạng lỏng và dạng viên nang. Hiện chưa có khuyến nghị về liều dùng dầu hạt lanh hàng ngày. Hầu hết các sản phẩm viên uống dầu hạt lanh đều chứa khoảng 500mg dầu trong mỗi viên. Lượng dầu này có trong khoảng 30g bột hạt lanh.

Cơ thể con người không thể xử lý hạt lanh nguyên hạt nên ăn hạt lanh nguyên hạt sẽ không có lợi như dùng bột hạt lanh hay dầu hạt lanh.

Khi nào cần đi khám?

Nếu tình trạng cứng và đau khớp xảy ra đột ngột hoặc không thuyên giảm sau 5 đến 7 ngày thì bạn nên đi khám. Bạn cũng nên đi khám nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Đau khớp dữ dội
  • Sưng tấy nhanh chóng
  • Biến dạng khớp
  • Không thể cử động khớp
  • Khớp nóng đỏ

Mặc dù cứng khớp là một tình trạng phổ biến, đặc biệt là ở người có tuổi, nhưng đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe. Đi khám là cách duy nhất để xác định nguyên nhân gây cứng khớp và có phương pháp điều trị thích hợp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các nguyên nhân gây đau khớp
Các nguyên nhân gây đau khớp

Khớp là nơi các xương tiếp xúc với nhau và cho phép chúng ta thực hiện các chuyển động. Cơ thể người có khoảng 360 đến 380 khớp, ví dụ như khớp vai, khớp hông, khuỷu tay, khớp gối,… Đau khớp là một vấn đề mà rất nhiều người gặp phải, có thể là do bệnh tật hoặc chấn thương gây ra. Viêm khớp là một nguyên nhân phổ biến gây đau khớp. Tuy nhiên còn rất nhiều bệnh lý khác cũng gây đau khớp. Việc điều trị tình trạng đau khớp phụ thuộc vào nguyên nhân.

Các nguyên nhân gây sưng khớp
Các nguyên nhân gây sưng khớp

Sưng khớp có thể là triệu chứng của một bệnh mạn tính, chẳng hạn như viêm khớp hoặc dấu hiệu của chấn thương, chẳng hạn như trật khớp.

Nguyên nhân gây viêm khớp
Nguyên nhân gây viêm khớp

Viêm khớp không phải một bệnh đơn lẻ mà là một nhóm gồm nhiều bệnh lý gây sưng, đau và cứng khớp. Ban đầu bệnh viêm khớp thường không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ nhưng các triệu chứng sẽ trở nên trầm trọng hơn theo thời gian, gây cản trở các hoạt động hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây