Nguyên nhân gây viêm khớp
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), ước tính có khoảng 52,5 triệu người Mỹ trưởng thành mắc một số loại viêm khớp. Con số này tương đương hơn một phần năm dân số Mỹ.
Ban đầu bệnh viêm khớp thường không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ nhưng các triệu chứng sẽ trở nên trầm trọng hơn theo thời gian, gây cản trở các hoạt động hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống. Mặc dù nguy cơ mắc bệnh viêm khớp tăng theo độ tuổi nhưng các bệnh này không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Mỗi loại viêm khớp là do nguyên nhân khác nhau gây ra và có những yếu tố nguy cơ khác nhau. Một số loại xảy ra cả ở người trẻ tuổi và thậm chí ở trẻ nhỏ.
Hiểu nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm khớp sẽ giúp bạn thực hiện các biện pháp để phòng ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát bệnh. Khi bị viêm khớp, những biện pháp này sẽ giúp làm giảm các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Nguyên nhân gây viêm khớp
Có hơn 100 loại viêm khớp khác nhau và hai loại phổ biến nhất là thoái hóa khớp (osteoarthritis) và viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis). Mỗi loại viêm khớp là do nguyên nhân khác nhau gây ra. Dưới đây là 5 nguyên nhân chính gây viêm khớp.
Hao mòn sụn
Thoái hóa khớp là kết quả của sự hao mòn sụn. Sụn là mô liên kết mềm dẻo bao bọc các đầu xương trong khớp. Cử động khớp khiến cho sụn bị hao mòn một cách tự nhiên theo thời gian. Khi không còn sụn, các đầu xương sẽ lộ ra và cọ xát vào nhau. Điều này gây đau đớn và giảm phạm vi chuyển động.
Phản ứng tự miễn
Một số loại viêm khớp, ví dụ như viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến là bệnh tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch tấn công chính các mô khỏe mạnh của cơ thể mà ở đây là mô khớp. Điều này khiến cho khớp bị viêm, sưng tấy, phá hủy sụn cũng như các cấu trúc khác của khớp và dẫn đến đau đớn. Đến nay, khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân khiến cho hệ miễn dịch tấn công mô của chính cơ thể. Ngoài các triệu chứng ở khớp, các loại viêm khớp tự miễn thường đi kèm các triệu chứng toàn thân, chẳng hạn như sốt, mệt mỏi và chán ăn.
Nhiễm trùng
Đôi khi, viêm khớp là do chấn thương hoặc nhiễm trùng. Ví dụ, viêm khớp phản ứng là một loại viêm khớp xảy ra sau một số bệnh nhiễm trùng, gồm có các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) như chlamydia, nhiễm nấm và ngộ độc thực phẩm.
Rối loạn chuyển hóa
Bệnh gout (gút) cũng là một loại viêm khớp. Căn bệnh này xảy ra do rối loạn chuyển hóa purin (một chất có trong tế bào và thực phẩm). Quá trình cơ thể phân hủy purin tạo ra axit uric. Axit uric sẽ đi vào máu và sau đó được đào thải qua nước tiểu. Ở một số người, axit uric không được đào thải một cách hiệu quả và nồng độ axit uric trong máu ở mức cao. Axit uric sẽ tích tụ và tạo thành các tinh thể trong khớp. Điều này gây đau đớn dữ dội và sưng tấy khớp. Triệu chứng của bệnh gout thường bắt đầu ở khớp ngón chân cái, sau đó có thể xảy ra ở những vị trí khác như bàn chân, cổ chân, mắt cá chân, khuỷu tay, cổ tay và các khớp ngón tay. Các triệu chứng xảy ra theo đợt, gọi là các cơn gout cấp. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, bệnh gout có thể trở thành mạn tính.
Các nguyên nhân khác
Đôi khi, viêm khớp là do các bệnh lý khác gây nên, ví dụ như:
- Bệnh vảy nến, một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công tế bào da, khiến cho tế bào da phát triển quá mức. Người mắc bệnh vảy nến có nguy cơ cao bị viêm khớp vảy nến.
- Hội chứng Sjogren: một bệnh tự miễn gây giảm sản xuất nước bọt, nước mắt và một số thay đổi khác trên cơ thể
- Bệnh viêm ruột hoặc các bệnh lý viêm đường tiêu hóa khác như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng
Yếu tố nguy cơ
Không phải khi nào cũng xác định được nguyên nhân gây viêm khớp. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp.
- Tuổi tác: Tuổi cao làm tăng nguy cơ mắc các loại viêm khớp như bệnh gout, viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp.
- Tiền sử gia đình: Những người có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị viêm khớp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Giới tính: Phụ nữ có nhiều nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới nhưng nam giới có nguy cơ bị bệnh gout cao hơn.
- Thừa cân hoặc béo phì: Khối lượng cơ thể quá lớn sẽ gây áp lực lên khớp, khiến sụn bị mòn nhanh hơn và làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp.
- Tiền sử chấn thương khớp: Những người từng bị chấn thương khớp do chơi thể thao, tai nạn giao thông hoặc ngã sẽ có nguy cơ bị viêm khớp cao hơn trong tương lai.
Các loại viêm khớp
Có rất nhiều loại viêm khớp khác nhau và ba loại phổ biến là thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp và bệnh gout.
Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Yếu tố nguy cơ chính của loại viêm khớp này là tuổi tác. Do sụn bị hao mòn dần theo thời gian nên thoái hóa khớp chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi. Các triệu chứng của bệnh có thể tái phát theo đợt, thường là sau khi hoạt động nhiều hoặc thay đổi thời tiết nhưng cũng có thể kéo dài dai dẳng. Những người từng bị chấn thương khớp khi còn trẻ sẽ có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn khi về già, ngay cả khi khớp có vẻ đã hồi phục hoàn toàn.
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là loại viêm khớp phổ biến thứ hai. Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuỏi nào. Khi xảy ra ở người dưới 16 tuổi thì bệnh được gọi là viêm khớp tự phát thiếu niên (juvenile idiopathic arthritis), trước đây được gọi là viêm khớp dạng thấp thiếu niên. Viêm khớp dạng thấp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công mô khỏe mạnh ở niêm mạc khớp. Những người mắc các bệnh tự miễn khác, chẳng hạn như bệnh lupus ban đỏ, viêm tuyến giáp Hashimoto hoặc bệnh đa xơ cứng có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao hơn. Đau và sưng khớp là những triệu chứng chính của bệnh viêm khớp dạng thấp. Bệnh viêm khớp dạng thấp có tính đối xứng, có nghĩa là xảy ra ở các khớp giống nhau ở cả hai bên cơ thể, ví dụ như hai cổ tay, khuỷu tay, vai, đầu gối…
Bệnh gout
Bệnh gout là loại viêm khớp phổ biến thứ ba. Khi nồng độ axit uric trong máu quá cao, chất này sẽ kết tinh xung quanh các khớp. Điều này gây viêm khớp, dẫn đến sưng đau và cử động khó khăn.
Tổ chức Viêm khớp Hoa Kỳ (the Arthritis Foundation) ước tính rằng 4% người Mỹ trưởng thành mắc bệnh gout, chủ yếu ở độ tuổi trung niên.
Béo phì và các vấn đề có liên quan sẽ làm tăng nguy cơ axit uric cao và bệnh gout. Triệu chứng của bệnh gout thường bắt đầu xuất hiện ở ngón chân cái nhưng có thể xảy ra ở các khớp khác trên cơ thể.
Khi nào cần đi khám?
Viêm khớp nặng sẽ gây khó khăn cho việc đi lại và thực hiện các hoạt động hàng ngày. Nên đi khám càng sớm càng tốt khi khớp thường xuyên bị đau hoặc có những thay đổi bất thường khác, nhất là khi bạn có các yếu tố nguy cơ của viêm khớp, ví dụ như thừa cân, có tiền sử gia đình bị viêm khớp hoặc trước đây từng bị chấn thương khớp.
Nói chung, bạn nên đi khám khi có các triệu chứng dưới đây:
- Khó cử động khớp
- Khớp sưng đỏ
- Đau khớp
- Khớp có cảm giác nóng
Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng và hỏi về bệnh sử cá nhân cũng như tiền sử gia đình. Sau đó, tùy vào triệu chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các phương pháp chẩn đoán như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm dịch khớp và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang hoặc siêu âm. Những phương pháp này sẽ giúp xác định loại viêm khớp mà bạn mắc phải.
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh còn giúp xác định mức độ hư hại xương và các cấu trúc khác trong khớp cũng như các biến chứng của viêm khớp, ví dụ như gai xương. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng trong chẩn đoán bệnh xương khớp gồm có chụp X-quang, siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI). Các phương pháp này còn giúp loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự.
Điều trị viêm khớp
Các phương pháp điều trị viêm khớp gồm có thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật. Bạn có thể kết hợp các phương pháp điều trị này với các biện pháp khắc phục tại nhà như chườm, bài tập giãn cơ nhẹ nhàng và xoa bóp để giảm các triệu chứng.
Mỗi loại viêm khớp có phương pháp điều trị khác nhau.
Điều trị thoái hóa khớp
Hầu hết các trường hợp thoái hóa khớp đều chỉ cần các phương pháp điều trị bảo tồn, gồm có dùng thuốc giảm đau đường uống hoặc bôi ngoài da, chườm lạnh hoặc chườm nóng. Người bệnh cũng có thể cân nhắc tập vật lý trị liệu để cải thiện phạm vi chuyển động của khớp và tăng sức mạnh của các cơ hỗ trợ khớp. Tuy nhiên, trong những trường hợp bị thoái hóa khớp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để sửa hoặc thay khớp. Phẫu thuật thay khớp đa phần chỉ dành cho các khớp lớn, chẳng hạn như khớp gối và khớp hông.
Điều trị viêm khớp dạng thấp
Phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm khớp dạng thấp là dùng thuốc ngăn chặn hệ miễn dịch tấn công các khớp và giảm viêm. Mục tiêu điều trị là làm giảm các triệu chứng, ngăn khớp tổn thương thêm và cải thiện sức khỏe tổng thể. Các loại thuốc thường được dùng để điều trị viêm khớp dạng thấp là thuốc chống viêm không steroid (NSAID), corticoid và thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD). Những trường hợp viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng cũng có thể cần phẫu thuật.
Điều trị bệnh gout
Một phần quan trọng trong điều trị bệnh gout là điều chỉnh chế độ ăn uống, gồm có giảm tiêu thụ đường, purin và kiêng rượu bia. Quá trình chuyển hóa purin tạo ra axit uric và sự tích tụ axit uric trong khớp là nguyên nhân gây ra bệnh gout. Do đó, người bị bệnh gout cần tránh các loại thực phẩm chứa nhiều purin như thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, hải sản, nội tạng và một số loại rau củ như măng tây, súp lơ trắng, rau muống. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cần dùng thuốc để kiểm soát bệnh gout, chẳng hạn như:
- Allopurinol
- Febuxostat
- Probenecid
- Pegloticase
Phòng ngừa viêm khớp
Không có cách nào có thể phòng ngừa bệnh viêm khớp một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, có nhiều cách để bảo tồn chức năng và khả năng cử động của khớp. Những cách này còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.
Phát hiện và điều trị bệnh từ sớm là điều rất quan trọng. Những người mắc bệnh tự miễn nên đi khám định kỳ để kiểm tra tình trạng khớp và chú ý đến những thay đổi ở khớp. Phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Tuy rằng không thể phòng ngừa viêm khớp một cách tuyệt đối nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ bằng các cách sau đây:
- Thực hiện chế độ ăn chống viêm. Ăn nhiều thực phẩm có tác dụng chống viêm như cá, các loại hạt, quả hạch, dầu ô liu, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt. Ngoài ra, cần cắt giảm các loại thực phẩm gây viêm như carb tinh chế, thịt đỏ, đồ chiên rán, thịt chế biến sẵn và chất béo chuyển hóa.
- Hạn chế tiêu thụ đường. Ăn nhiều đường sẽ làm tăng viêm trong cơ thể và khiến cho tình trạng viêm khớp trở nên trầm trọng hơn.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh để giảm áp lực lên khớp.
- Tập thể dục thường xuyên. Hoạt động thể chất sẽ giúp giảm đau, cải thiện tâm trạng, tăng cường chức năng của khớp và khả năng vận động.
- Không hút thuốc. Hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ chính của bệnh viêm khớp dạng thấp và có thể làm trầm trọng thêm các bệnh tự miễn khác.
- Khám sức khỏe định kỳ và đi khám ngay khi nhận thấy triệu chứng bất thường ở khớp.
- Sử dụng dụng cụ bảo vệ khớp khi lao động và chơi thể thao để tránh chấn thương khớp.
Viêm đơn khớp là tình trạng viêm ở một khớp. Tình trạng viêm ở nhiều lớp được gọi là viêm đa khớp. Viêm đơn khớp và viêm đa khớp không phải là một loại viêm khớp riêng biệt mà là mô tả về tình trạng viêm khớp (số lượng khớp bị viêm). Viêm đơn khớp có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, gồm có nhiễm trùng, bệnh gout và một số bệnh tự miễn.
Viêm khớp vảy nến (psoriatic arthritis) là loại viêm khớp xảy ra ở những người mắc bệnh vảy nến – một bệnh về da xảy ra do hệ miễn dịch tấn công tế bào da, có triệu chứng là các mảng da đỏ, đóng vảy trắng bạc, ngứa ngáy, đau và chảy máu. Khoảng 90% những người bị viêm khớp vảy nến có tiền sử bệnh vảy nến. Không có cách nào có thể chữa trị khỏi bệnh viêm khớp vảy nến. Mục đích điều trị là kiểm soát các triệu chứng và ngăn khớp hỏng nặng thêm. Nếu không được điều trị, bệnh viêm khớp vảy nến có thể dẫn đến tàn tật.
Viêm khớp phản ứng là tình trạng viêm khớp xảy ra do nhiễm trùng ở một khu vực khác trong cơ thể. Đa phần, viêm khớp phản ứng là do các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn ở đường ruột. Tình trạng viêm khớp thường xảy ra sau khi nhiễm trùng đã được điều trị khỏi.
Cứng khớp là một vấn đề phổ biến ở người cao tuổi do các bệnh lý như thoái hóa khớp. Tuy nhiên, cứng khớp cũng có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây cứng khớp và mỗi nguyên nhân cần có phương pháp điều trị khác nhau.