Cà phê và caffeine có gây nghiện không?
Uống một tách cà phê vào buổi sáng là thói quen của rất nhiều người vì loại đồ uống này có tác dụng tạo sự tỉnh táo. Sở dĩ cà phê có tác dụng như vậy là nhờ chứa caffeine.
Trên thực tế, caffeine là chất kích thích được tiêu thụ phổ biến nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, nhiều người lại lo ngại rằng cà phê và thành phần caffeine có thể gây nghiện.
Vậy điều này có đúng hay không và caffeine có gì khác với các chất gây nghiện mạnh hơn như cocaine?
Cà phê và caffeine
Cà phê có chứa caffeine - một chất kích thích tự nhiên còn có trong các loại đồ ăn và thức uống khác như trà, sô cô la và nước ngọt nhưng hàm lượng ít hơn so với cà phê.
Caffeine được cho là thành phần tạo nên đặc tính gây nghiện của cà phê.
Caffeine có nhiều tác dụng khác nhau đối với cơ thể, ví dụ như tăng cường trao đổi chất, nâng cao hiệu suất tập thể dục và cải thiện tâm trạng. (1)
Nhưng caffeine vẫn được biết đến nhiều nhất với tác động đến não bộ, đó là giúp tăng cường sự tỉnh táo, tập trung và hiệu suất làm việc.
Lượng caffeine có trong cà phê rất đa dạng vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như loại cà phê, quy trình rang, cách pha chế,…
Tuy nhiên, trung bình một tách cà phê 240 ml chứa khoảng 100 mg caffeine, đủ để tạo ra những thay đổi đáng kể về trạng thái tinh thần ở hầu hết mọi người.
Nồng độ caffeine trong máu thường đạt mức cao nhất sau khoảng 30 - 60 phút kể từ khi uống. Tác dụng của chất này thường kéo dài từ 3 đến 9 tiếng, tùy thuộc vào cơ thể từng người. (1)
Tóm tắt: Cà phê có chứa caffeine - một chất kích thích tự nhiên được cho là tạo nên đặc tính gây nghiện của cà phê.
Tác động của caffeine đến não bộ
Sau khi tiêu thụ, caffeine sẽ nhanh chóng được hấp thụ bởi ruột trước khi di chuyển đến não và tại đây, chất này sẽ kích thích trực tiếp đến các tế bào não.
Caffeine có cấu trúc hóa học giống với adenosine - một phân tử có tác dụng thư giãn hệ thần kinh trung ương và tạo cảm giác buồn ngủ.
Do đó mà caffeine có thể liên kết với các thụ thể adenosine trong não và ngăn không cho adenosine liên kết với các thụ thể này để tạo ra cảm giác mệt mỏi.
Quá trình này còn kích thích sự giải phóng các hormone trong cơ thể và giúp một số hormone trong số đó hoạt động hiệu quả hơn, chẳng hạn như dopamine. Điều này làm tăng thêm sự tỉnh táo và giảm cảm giác mệt mỏi.
Nói một cách đơn giản, caffeine phát huy tác dụng theo hai cơ chế: Một là ngăn các tế bào não phát tín hiệu tạo cảm giác mệt mỏi và hai là khiến cơ thể tiết ra các hormone tự nhiên đồng thời tăng cường hoạt động của một số hormone trong đó.
Kết quả cuối cùng là cảm giác tỉnh táo, phấn chấn, tăng khả năng tập trung, và hiệu suất hoạt động.
Tóm tắt: Caffeine là một chất kích thích có tác động đến não bộ, giúp giảm mệt mỏi, tăng cường sự tỉnh táo và khả năng tập trung.
Tại sao caffeine có thể gây nghiện?
Cũng giống như các chất gây nghiện khác, caffeine có thể gây nghiện về thể chất.
Lý do là bởi việc tiêu thụ caffeine thường xuyên có thể dẫn đến những thay đổi về các chất hóa học trong não bộ.
Ví dụ, các tế bào não bắt đầu sản xuất nhiều thụ thể adenosine hơn để bù lại số thụ thể bị caffeine ngăn chặn.
Số lượng thụ thể tăng sẽ đòi hỏi phải tiêu thụ một lượng caffeine lớn hơn để đạt được hiệu quả giống như trước. Đó là lý do tại sao sau một thời gian uống cà phê, chúng ta thường cảm thấy hiệu quả tạo sự tỉnh táo bị giảm đi và ngày càng phải uống nhiều cà phê hơn.
Mặt khác, việc đột ngột ngừng tiêu thụ caffeine sẽ khiến não bộ có rất nhiều thụ thể tự do để adenosine có thể liên kết.
Điều này tạo ra cảm giác mệt mỏi ở những người ngừng uống cà phê sau khi đã quen uống trong thời gian dài.
Trong khi việc tiêu thụ caffeine thường xuyên tạo ra chứng nghiện về thể chất (physical addiction) thì thói quen uống cà phê hàng ngày có thể dẫn đến chứng nghiện về hành vi (behavioral addiction).
Không giống như nghiện về thể chất, nghiện về hành vi có thể không phải do caffeine gây ra mà thay vào đó là do môi trường xã hội hay hiểu một cách đơn giản là những dịp mà bạn uống cà phê cũng như là cảm giác của bạn khi được nhâm nhi một tách cà phê.
Tóm tắt: Caffeine có thể gây nghiện do những thay đổi mà chất này tạo ra trong não bộ. Ngoài ra, uống cà phê thường mang lại cảm giác tích cực và điều này có thể dẫn đên chứng nghiện về hành vi.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chứng nghiện caffeine
Cũng như các chất khác, nguy cơ nghiện cà phê hay caffeine phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Theo các chuyên gia thì khả năng nghiện caffeine có thể bị ảnh hưởng phần nào bởi gen di truyền. (2)
Ngoài ra, những người uống cà phê thường xuyên sẽ có nguy cơ trải qua những thay đổi trong não bộ cao hơn và dễ trở nên phụ thuộc vào caffeine hơn.
Hiện tại vẫn chưa rõ phải mất bao lâu để cơ thể và não thích nghi về mặt thể chất với lượng caffeine tiêu thụ hàng ngày.
Nhưng theo các nghiên cứu thì các triệu chứng cai nghiện caffeine như đau đầu, thiếu tập trung, buồn ngủ và cáu kỉnh có thể xuất hiện ngay trong vòng 12 - 24 tiếng sau lần uống cà phê cuối cùng và có thể kéo dài lên đến 9, 10 ngày. (3)
Ngoài ra, những triệu chứng này cũng có thể xảy ra khi giảm lượng caffeine tiêu thụ mỗi ngày, cho dù chỉ giảm ít, ví dụ như 100 mg, tương đương với một tách cà phê.
Tuy nhiên, các triệu chứng cai nghiện caffeine thường chỉ nặng nhất trong vòng 1 - 2 ngày đầu tiên rồi sau đó giảm dần.
Tóm tắt: Gen di truyền và tần suất uống cà phê là những yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ nghiện caffeine.
Sự khác biệt giữa nghiện caffeine và các chứng nghiện mạnh hơn
Có nhiều chứng nghiện khác nhau với mức độ nặng nhẹ không giống nhau nhưng đa số đều có chung các biểu hiện dưới đây:
- Cảm giác thèm muốn dai dẳng đối với chất gây nghiện cho đến khi được đáp ứng
- Gặp khó khăn trong việc cắt giảm hoặc kiểm soát mức độ sử dụng
- Tiếp tục sử dụng mặc dù biết chất đó gây hại
- Gặp các triệu chứng khó chịu khi cai nghiện
Các triệu chứng nêu trên thường được bác sĩ sử dụng để chẩn đoán chứng nghiện và một nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng rất nhiều người uống cà phê có những biểu hiện này.
Mặc dù vậy nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc có nên chính thức công nhận caffeine là một chất gây nghiện hay không.
Trên thực tế, một cuộc khảo sát gần đây với sự tham gia của các chuyên gia về chứng nghiện cho thấy chỉ có 58% tin rằng caffeine có thể gây nghiện. Số còn lại cho rằng caffeine không phải chất gây nghiện vì các lý do dưới đây.
Thứ nhất, các chất gây nghiện như amphetamine, cocaine và nicotine có khả năng kích thích hệ thần kinh tưởng thưởng và gây nghiện ở mức độ cao hơn so với caffeine.
Thứ hai, ở hầu hết mọi người thì việc tiêu thụ caffeine thường xuyên hầu như không gây hại gì cho bản thân họ và cho xã hội, điều này rất khác với việc sử dụng trái phép các chất gây nghiện kể trên.
Hơn nữa, với đa số người có thói quen uống cà phê hay các loại đồ uống chứa caffeine khác thì việc kiểm soát lượng caffeine tiêu thụ thường không quá khó khăn giống như các chất gây nghiện khác vì việc tiêu thụ quá nhiều caffeine sẽ tạo ra cảm giác khó chịu, chẳng hạn như tim đạp nhanh, mất ngủ và bồn chồn, hồi hộp. Do đó mà mọi người đều chỉ tiêu thụ một lượng caffeine phù hợp với khả năng dung nạp của cơ thể.
Khi cai nghiện caffeine, các triệu chứng không kéo dài và thường nhẹ hơn nhiều so với triệu chứng khi cai các chất gây nghiện khác. Việc cai nghiện caffeine cũng thường không cần đến các biện pháp can thiệp chuyên nghiệp hoặc thuốc.
Do những điểm khác biệt này nên nhiều chuyên gia cho rằng không nên xếp caffeine vào chung nhóm với các chất gây nghiện thực sự như cocaine hay nicotine.
Hiện tại, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association - APA) công nhận cai nghiện caffeine là một vấn đề lâm sàng nhưng vẫn chưa chính thức xác nhận nghiện caffeine là một chứng rối loạn lạm dụng chất kích thích. (2)
Mặt khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công nhận sự phụ thuộc vào caffeine là một hội chứng. (2)
Tóm tắt: Những người thường xuyên uống cà phê có thể bị phụ thuộc vào caffeine nhưng các triệu chứng khi cai nghiện caffeine thường nhẹ hơn so với những triệu chứng khi cai các chất gây nghiện như cocaine hay nicotine.
Các lợi ích của caffeine đối với sức khỏe
Cà phê và các loại đồ uống chứa caffeine khác mang lại một số lợi ích cho sức khỏe như:
- Cải thiện chức năng não bộ: Thường xuyên uống cà phê giúp tăng cường sự tỉnh táo, tốc độ phản ứng và sự linh hoạt. Loại đồ uống này còn giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và Parkinson.
- Cải thiện tâm trạng: Các nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên uống cà phê hoặc các loại đồ uống chứa caffeine khác có nguy cơ trầm cảm và tự tử thấp hơn.
- Tăng cường trao đổi chất: Tiêu thụ caffeine hàng ngày có thể làm tăng tốc độ trao đổi chất lên đến 11% và mức độ đốt cháy mỡ trong cơ thể lên đến 13%.
- Tăng cường hiệu suất tập thể dục: Caffeine có thể làm tăng khả năng chịu đựng sự mệt mỏi, nhờ đó cải thiện hiệu suất tập thể dục.
- Giảm nguy cơ bệnh tim mạch và tiểu đường: Thường xuyên uống các loại đồ uống có chứa caffeine như cà phê và trà có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường tuýp 2.
Tóm tắt: Không giống như các chất gây nghiện khác, caffeine có một số lợi ích cho sức khỏe, ví dụ như cải thiện chức năng não, tâm trạng, tăng cường trao đổi chất và giảm nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính.
Những ai cần hạn chế tiêu thụ caffeine?
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng việc nạp vào cơ thể lượng caffeine quá lớn mỗi ngày sẽ có hại nhiều hơn lợi.
Lượng tiêu thụ khuyến nghị đối với người khỏe mạnh là tối đa 400 mg caffeine, tương đương 2 – 4 cốc cà phê mỗi ngày.
Ngoài ra, mỗi lần uống không nên tiêu thụ quá 200 mg caffeine. (4)
Một số người nên tránh hoàn toàn caffeine hoặc hạn chế một cách tối đa.
Caffeine có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lo âu và mất ngủ, đồng thời có thể gây ra cảm giác bồn chồn, hồi hộp và tim đập nhanh.
Quá nhiều caffeine cũng có thể gây ra chứng đau đầu và đau nửa đầu. Những người chuyển hóa caffeine chậm còn có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim nếu lạm dụng cà phê hoặc trà. (5)
Nếu đang dùng thuốc giãn cơ Zanaflex hoặc thuốc chống trầm cảm Luvox thì không nên tiêu thụ các loại đồ uống, thực phẩm chứa caffeine vì những loại thuốc này có thể làm tăng tác dụng của caffeine.
Caffeine còn có thể làm tăng nhẹ huyết áp nhưng điều này thường sẽ hết sau một thời gian tiêu thụ caffeine thường xuyên.
Cuối cùng, phụ nữ mang thai nên hạn chế lượng caffeine ở mức 200 mg mỗi ngày, tương đương với 2 - 3 cốc cà phê. (6)
Tóm tắt: Một số người nên hạn chế hoặc tránh xa cà phê và các loại đồ uống chứa caffeine khác, ví dụ như phụ nữ mang thai và những người chuyển hóa caffeine chậm. Những người đang có một số vấn đề về sức khỏe cũng nên hạn chế tiêu thụ caffeine.
Tóm tắt bài viết
Cà phê chứa caffeine – một chất có đặc tính gây nghiện và có thể dẫn đến phụ thuộc.
Tuy nhiên, nguy cơ nghiện ở mỗi người là khác nhau vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Nhìn chung, nếu tiêu thụ ở mức độ vừa phải thì cà phê và các loại đồ uống chứa caffeine khác sẽ không gây hại.
Khế là một loại quả không được phổ biến như táo, chuối, bưởi, cam, quýt… nhưng cũng đem lại rất nhiều lợi ích.
Cà phê là một trong những loại đồ uống phổ biến nhất trên thế giới. Nhiều người mặc dù thích uống cà phê nhưng lại phải hạn chế lượng caffeine vì lý do sức khỏe.
Lượng caffeine thay đổi theo từng loại cà phê và có thể dao động trong khoảng từ gần như bằng 0 đến hơn 500 mg.
Uống cà phê trước khi ngủ trưa giúp làm tăng mức năng lượng một cách hiệu quả hơn so với chỉ uống cà phê hoặc chỉ ngủ trưa.
Theo một số khuyến nghị thì 400 mg caffeine mỗi ngày, tương đương với 4 cốc cà phê (960 ml) là mức tiêu thụ an toàn đối với một người trưởng thành khỏe mạnh.
- 0 trả lời
- 687 lượt xem
dạ chào bác sĩ . em bé hiện tại sa được 37 tuần . cdxd chi có 55 , 2kg1 vây có bị hội chứng người lùn k ạ