Ăn đậu nành có gây ung thư vú không?
Theo các nghiên cứu, câu trả lời là không. Trên thực tế còn có bằng chứng chắc chắn chỉ ra rằng ăn thực phẩm làm từ đậu nành có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú.
Bài viết dưới đây sẽ đưa ra một số nghiên cứu về thực phẩm làm từ đậu nành và ung thư vú cũng như những lợi ích và tác hại của việc ăn đậu nành.
Ăn đậu nành có gây ung thư vú không?
Tại sao lại có mối lo ngại rằng ăn đậu nành có thể gây ung thư vú? Trong một số nghiên cứu được thực hiện trên động vật, những con chuột ăn đậu nành có số lượng tế bào ung thư vú tăng lên trong tuyến vú. Điều này khiến các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi liệu đậu nành có gây ra điều tương tự ở con người hay không.
Tuy nhiên, những gì xảy ra trong các nghiên cứu trên động vật không phải lúc nào cũng đúng với con người. Trong trường hợp này, điều quan trọng cần lưu ý là có ít nhất hai lý do tại sao cơ thể chuột phản ứng với đậu nành khác với cơ thể người, đó là sự khác biệt về cách cơ thể xử lý đậu nành và sự khác biệt về mức độ tiếp xúc với isoflavone trong đậu nành.
Sự khác biệt về cách cơ thể xử lý đậu nành
Thứ nhất, cơ thể chuột xử lý đậu nành theo một cách khác với cơ thể con người và để biết cụ thể khác ở chỗ nào, trước tiên cần hiểu qua một chút về thành phần trong đậu nành. Đậu nành có chứa một số loại phytoestrogen (isoflavone). Phytoestrogen là những hợp chất có nguồn gốc từ thực vật hoạt động giống như estrogen trong cơ thể.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), một số loại ung thư vú bắt nguồn từ sự gia tăng estrogen trong cơ thể. Đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu lo ngại rằng ăn đậu nành có thể gây ung thư vú. Tuy nhiên, ở người, phytoestrogen được chuyển thành genistein và daidzein, hai loại isoflavone này rất khác và yếu hơn nhiều so với estrogen tự nhiên của con người.
Trên thực tế, đậu nành đã được chứng minh là có thể ngăn chặn hoạt động của estrogen trong các mô. Trong các mô có tế bào ung thư vú, estrogen kích thích sự nhân lên của tế bào ung thư. Đậu nành ngăn chặn dạng estrogen mạnh này và nhờ đó có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú.
Sự khác biệt về mức độ tiếp xúc với isoflavone
Do sự khác biệt trong cách chuyển hóa isoflavone đậu nành ở chuột và người, những con chuột trong các nghiên cứu đã tiếp xúc với lượng isoflavone cao hơn nhiều so với lượng mà con người thường ăn. Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng do sự khác biệt này nên tác động của đậu nành ở chuột và ở người là không giống nhau. (1)
Khi tiến hành nghiên cứu tương tự về đậu nành trên các loài linh trưởng có đặc điểm sinh học gần giống với đặc điểm sinh học con người, các nhà nghiên cứu không nhận thấy sự gia tăng nguy cơ ung thư vú ở con linh trưởng ăn đậu nành.
Kết quả nghiên cứu trên người
Một số nghiên cứu dài hạn được thực hiện trên người đã chỉ ra rằng ăn thực phẩm làm từ đậu nành không làm tăng nguy cơ ung thư vú. Các nghiên cứu còn cho thấy chế độ ăn có nhiều đậu nành có thể giúp ngăn ngừa ung thư vú.
Một nghiên cứu vào năm 2020 đã theo dõi mức tiêu thụ đậu nành của hơn 300.000 phụ nữ ở Trung Quốc cho thấy việc ăn đậu nành ở mức độ vừa phải không làm tăng nguy cơ ung thư vú. Thậm chí, những phụ nữ ăn nhiều sản phẩm làm từ đậu nành có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn. (2)
Một phân tích tổng hợp vào năm 2020 đã tổng hợp kết quả của 18 nghiên cứu riêng biệt. Sau khi tổng hợp kết quả của những nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng ăn nhiều đậu nành có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Hiệu quả phòng ngừa ung thu vú cao nhất ở những phụ nữ chưa đến tuổi mãn kinh.
Người bị ung thư vú có được ăn đậu nành không?
Ăn đậu nành không làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Nhưng nếu như đang bị ung thư vú hoặc từng bị ung thư vú thì liệu có thể ăn đậu nành hay không. Các chuyên gia tại Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết thực phẩm làm từ đậu nành an toàn và tốt cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo cần phải nghiên cứu thêm để xem liệu việc uống bổ sung isoflavone có an toàn giống như ăn đậu nành hay không vì thực phẩm chức năng thường có hàm lượng isoflavone cao hơn so với thực phẩm làm từ đậu nành.
Đối với người đang bị ung thư vú
Vào năm 2017, các nhà nghiên cứu của một tổ chức về ung thư vú đã theo dõi việc uống bổ sung isoflavone đậu nành ở 6.235 phụ nữ mắc bệnh ung thư vú tại Hoa Kỳ và Canada. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những phụ nữ uống nhiều isoflavone đậu nành nhất có nguy cơ tử vong thấp hơn 21% so với những phụ nữ uống ít nhất. (3)
Đối với người từng mắc ung thư vú
Năm 2019, các nhà nghiên cứu đã phân tích 12 nghiên cứu theo dõi tổng cộng 37.275 phụ nữ đã điều trị khỏi bệnh ung thư vú. Phân tích cho thấy rằng ăn thực phẩm làm từ đậu nành cả trước và trong thời gian mắc bệnh có thể làm giảm nguy cơ tái phát ung thư ở phụ nữ sau mãn kinh.
Các lợi ích khác của đậu nành
Đậu nành tác động đến cơ thể theo nhiều cách khác nhau. Ăn đậu nành không những giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú mà còn đem lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.
Cung cấp protein
Đậu nành và các sản phẩm làm từ đậu nành là một nguồn cung cấp protein dồi dào. Trái ngược với một số nguồn protein thực vật khác, protein trong đậu nành chứa đủ cả 9 axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tạo ra (axit amin là thành phần cấu tạo nên protein), do đó đậu nành là một nguồn protein hoàn chỉnh. Thay thế thịt đỏ bằng protein đậu nành cũng có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư vì ăn thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Tăng cường sức khỏe xương
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy isoflavone trong đậu nành giúp cải thiện mật độ khoáng xương và ngăn ngừa mất xương ở những người bị loãng xương. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng có thể cần bổ sung isoflavone trong ít nhất một năm để có được thay đổi rõ rệt.
Chứa lợi khuẩn
Các loại thực phẩm làm từ đậu nành lên men như miso, natto và tempeh có chứa vi khuẩn có lợi. Những vi khuẩn này giúp khôi phục sự cân bằng hệ vi sinh vật trong cơ thể, nhờ đó cải thiện sức khỏe tim mạch, sức khỏe đường ruột, chức năng não bộ và kiểm soát cân nặng.
Các loại thực phẩm từ đậu nành
Như bạn có thể thấy, ăn đậu nành mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhắc đến đậu nành, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến đậu phụ nhưng đậu nành còn được sử dụng làm rất nhiều loại thực phẩm khác ngoài đậu phụ. Để có được những lợi ích kể trên, hãy thêm những loại thực phẩm sau đây vào chế độ ăn uống.
- Sữa đậu nành: bạn có thể uống sữa đậu nành thay cho sữa bò. Nghiên cứu đã chứng minh sữa đậu nành có giá trị dinh dưỡng không hề thua kém sữa bò.
- Đậu hũ (đậu phụ): đây là một loại thực phẩm đã quá quen thuộc. Đậu hũ có thể được sử dụng làm rất nhiều món ăn ngon và còn có thể thay thế cho các nguôn protein động vật trong chế độ ăn thuần chay. Bạn có thể chọn đậu hũ cứng hoặc đậu hũ non, tùy vào sở thích và mục đích sử dụng.
- Phô mai đậu nành: nếu bạn không ăn được các sản phẩm làm từ sữa bò hoặc muốn cắt giảm lượng phô mai sữa bò thì có thể cân nhắc sử dụng phô mai đậu nành để thay thế. Tương tự, bạn có thể thay sữa chua thông thường bằng sữa chua làm từ đậu nành.
- Miso: một loại tương có nguồn gốc từ Nhật Bản, được làm bằng cách trộn đậu nành, gạo và lúa mạch với muối rồi ủ lên men. Bạn có thể dùng tương miso để nấu canh, súp, làm nước xốt trộn salad hay thậm chí làm món tráng miệng.
- Natto: cũng là một món ăn có nguồn gốc từ Nhật Bản, được làm từ đậu nành luộc chín lên men, có mùi nồng và dẻo dính, có thể ăn không, ăn cùng cơm, sushi hoặc cà ri.
- Tempeh: có nguồn gốc từ Indonesia, được làm bằng cách lên men đậu nành rồi đóng thành bánh. Đây là một lựa chọn thay thế thịt cho người ăn chay.
- Nước tương: được làm từ đậu nành ủ với nấm mốc: Đây là một loại nước chấm và gia vị quen thuộc trong ẩm thực nhiều nước châu Á.
Một điều cần lưu ý là hầu hết các nghiên cứu về tác dụng chống ung thư của đậu nành đều chỉ mang tính quan sát và cần phải thực hiện thêm các nghiên cứu chi tiết hơn để chứng minh công dụng này của đậu nanh. Ngoài ra, mối liên hệ giữa việc ăn đậu nành và nguy cơ ung thư vú có thể còn liên quan đến lối sống và các thói quen ăn uống khác.
Tác hại của đậu nành
Mặc dù không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng ăn đậu nành gây ung thư vú nhưng đậu nành có thể gây ra một số tác động tiêu cực khác đến sức khỏe.
Thực phẩm chức năng từ đậu nành
Mặc dù ăn thực phẩm làm từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành an toàn và có lợi cho sức khỏe nhưng chưa có đủ dữ liệu để khẳng định chắc chắn rằng sử dụng thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ đậu nành cũng mang lại lợi ích tương tự. Đã có ít nhất một nghiên cứu khuyến cáo không nên sử dụng thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ đậu nành cho đến khi có thêm nhiều nghiên cứu hơn. Một điều cần lưu ý là nghiên cứu này không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc sử dụng thực phẩm chức năng từ đậu nành và bệnh ung thư vú. (4)
Đau nửa đầu
Nước tương, một sản phẩm được làm từ đậu nành lên men, có chứa tyramine và bột ngọt (MSG). Một số nhà nghiên cứu từng cho rằng tyramine gây co và giãn mạch máu, do đó kích hoạt cơn đau nửa đầu. Tuy nhiên, sự giãn nở mạch máu không phải là nguyên nhân gây ra cơn đau nửa đầu.
Mặc dù không có đủ bằng chứng chứng minh việc ăn bột ngọt gây đau đầu nhưng bột ngọt được cho là tác nhân kích hoạt triệu chứng đau nửa đầu ở nhiều người và đôi khi, đậu nành cũng được xếp vào danh sách các tác nhân kích hoạt đau nửa đầu.
Thực phẩm biến đổi gen (GMO)
Nhiều sản phẩm từ đậu nành được làm từ đậu nành biến đổi gen. Nhiều người lo ngại rằng ăn thực phẩm biến đổi gen có thể dẫn đến ung thư và dị ứng. Tuy nhiên,chưa có nghiên cứu dài hạn trên người nào chứng minh điều này. Cần nghiên cứu thêm để làm rõ mối liên hệ giữa thực phẩm biến đổi gen và nguy cơ ung thư cũng như dị ứng.
Tóm tắt bài viết
Không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc ăn các thực phẩm từ đậu nành như đậu phụ, miso, sữa đậu nành, nước tương và bệnh ung thư vú. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ăn thực phẩm làm từ đậu nành có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú.
Thực phẩm làm từ đậu nành còn mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe, ví dụ như giúp phòng ngừa loãng xương, tăng cường vi khuẩn có lợi trong đường ruột và cung cấp protein thực vật. Tuy nhiên, đậu nành không phải loại thực phẩm an toàn tuyệt đối. Đậu nành có thể là tác nhân kích hoạt đau nửa đầu ở một số người và đậu nành biến đổi gen có thể gây ra một số tác hại.
Cần phải nghiên cứu thêm trước khi các nhà khoa học có thể khẳng định chắc chắn rằng thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ đậu nành cũng có lợi cho sức khỏe và an toàn như thực phẩm tự nhiên.
Khế là một loại quả không được phổ biến như táo, chuối, bưởi, cam, quýt… nhưng cũng đem lại rất nhiều lợi ích.
Uống cà phê trước khi ngủ trưa giúp làm tăng mức năng lượng một cách hiệu quả hơn so với chỉ uống cà phê hoặc chỉ ngủ trưa.
Trong cuộc sống bạn rộn, cà phê hòa tan là sản phẩm được rất nhiều người lựa chọn vì thời gian pha chế nhanh chóng và giá cũng rẻ hơn so với cà phê pha phin. Cà phê hòa tan thậm chí còn chiếm hơn 50% tổng lượng cà phê tiêu thụ ở một số quốc gia.
Mặc dù caffeine là một chất kích thích thần kinh với nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng vì có đặc tính lợi tiểu nên nhiều người cho rằng uống cà phê có thể gây mất nước.
Nhiều người có thói quen uống cà phê ngay khi vừa mới thức dậy vào buổi sáng nhưng có ý kiến cho rằng uống cà phê khi bụng đói sẽ gây hại cho sức khỏe.
- 0 trả lời
- 687 lượt xem
dạ chào bác sĩ . em bé hiện tại sa được 37 tuần . cdxd chi có 55 , 2kg1 vây có bị hội chứng người lùn k ạ