1

Các hàng rào liên diện của não - bệnh viện 103

1. Màng não

Não là một bộ phận trong cơ thể được bảo vệ kỹ lưỡng.

Ngoài hộp sọ, tủy sống và não còn được bao bọc bởi 3 lớp màng.

  • Màng cứng: phủ mặt trong hộp sọ và ống sống.
  • Màng nhện: Có hai lá, giữa hai lá có khoang nhện (là một khoang ảo). Giữa màng nhện và màng cứng có khoang dưới cứng. Tuy nhiên ở màng này ở não còn có các hạt Pacchioni tụ thành từng đám, nhất là ở hai bên xoang tĩnh mạch dọc trên. Hạt này đào vào xương thành các ổ nhỏ.
  • Màng nuôi (màng mềm): Có nhiều mạch máu, dính sát vào não – tủy. Giữa màng nhện và màng nuôi có khoang dưới nhện chứa dịch não tủy.

Giữa xương với các màng và giữa các màng với nhau còn có các khoang để làm giảm nhẹ các va chạm.

2. Mạch máu não

Động mạch não được cấp máu từ hai nguồn

a. Từ động mạch đốt sống

Hai động mạch đốt sống sau khi qua lỗ chẩm vào sọ thì chập lại thành động mạch thân nền, tách các nhánh bên cho cầu não và tiểu não rồi chia hai nhánh cùng là 2 động mạch não sau.

b. Từ động mạch cảnh trong

Sau khi tách ra động mạch mắt, chạy tới mỏm yên trước thì chia 4 ngành cùng: động mạch đại não trước; động mạch đại não giữa; động mạch thông sau và động mạch màng mạch

Động mạch não trước, động mạch thông sau, hai động mạch não sau tạo nên đa giác hình 6 cạnh (đa giác Willis) quây quanh yên bướm

Tĩnh mạch

  • Sau khi nuôi não, máu tĩnh mạch qua các xoang để về tĩnh mạch cảnh trong (ở dưới lỗ rách sau). Các xoang này gọi là xoang tĩnh mạch sọ, được cấu tạo do xương sọ và màng não cứng tạo lên.
  • Cấu tạo bên trong chỉ được lót bởi 1 lớp nội mạc, không có lớp áo cơ. Các xoang tĩnh mạch sọ đổ vào 2 xoang chính là xoang hang ở nền sọ và hội lưu Herophille ở vòm sọ (ụ chẩm trong).

3. Hệ thống não thất, khoang dưới nhện và dịch não tủy

3.1. Hệ thống não thất

Hệ thống não thất của não người gồm não thất bên, não thất ba và não thất bốn. hai não thất bên nối thông với nhau bằng lỗ liên não thất (hay còn gọi là lỗ Monro) và não thất ba. Não thất ba kết nối với não thất bốn bởi cống não Sylvius.

3.2. Khoang dưới nhện

Khoang dưới nhện là một khoang trống giữa màng mềm và lá trong màng nhện, khoang này chứa đầy dịch não tủy và chứa đựng một lượng lớn mạch máu của não.

Màng nhện không bao phủ sát hết bề mặt não do vậy tại một số điểm khoang dưới nhện rộng ra hình thành nên các bể.

Có 3 khoang lớn nhất:

  • Bể hành – tiểu não hay hợp lưu sau (giữa hành và tiểu não)
  • Bể cầu não: là khoang nằm phía trước cầu não.
  • Bể gian cuống: nằm giữa 2 cuống đại não. Trong bể có đa giác Willis

3.3. Sự hình thành và lưu thông dịch não tủy

Tổng thể tích các khoang bao quanh não – tuỷ là 1600 – 1700 ml nhưng dịch não tủy chỉ chiếm 150ml của thể tích này. Dịch não tuỷ được sản xuất với tốc độ 500ml/ngày, tức là nhiều gấp 3 đến 4 lần thể tích dịch não tuỷ.

Khoảng 2/3 lượng dịch này được bài tiết từ các đám rối mạch mạc  khư trú trong các não thất, chủ yếu là hai não thất bên.

Hấp thu dịch não tủy

Con đường hấp thu chủ yếu DNT là qua các hạt màng nhện. Các hạt màng nhện lồi vào trong và xuyên qua màng cứng vào các xoang tĩnh mạch, đặc biệt là xoang tĩnh mạch dọc trên. Ngoài ra, DNT còn được hấp thu qua hệ bạch huyết, đám rối mạch mạc, mao mạch ở não, màng nhện.

4. Các hàng rào của não tủy

4.1. Khái niệm các hàng rào của não tủy

Nghiên cứu đầu tiên về các hàng rào của não do Ehrlich tiến hành năm 1885. Tác giả tiêm chất nhuộm xanh Evan vào tĩnh mạch của chuột và phát hiện thấy tất cả các mô trong cơ thể đều ngấm chất nhuộm, ngoại trừ não. Tuy nhiên, khi đó Ehrlich lại đặt ra giả thuyết sai lầm rằng: mô não được cấu tạo bởi các cấu trúc không bắt thuốc nhuộm! [4]

Năm 1913, Goldmann tiêm chất nhuộm vào dịch não tủy và thấy rằng: chỉ mô não ngấm chất nhuộm [4]. Ông cho rằng: tồn tại một hàng rào ngăn giữa máu và não. Các chất có thể thâm nhập tự do từ dịch não tủy vào não, tức là không có hàng rào dịch não tủy – não.

Có 3 lớp hàng rào chính giúp bảo vệ các neuron khỏi tác động trực tiếp của những chất mang trong máu và duy trì môi trường phù hợp cho neuron hoạt động:

  • Hàng rào máu não (BBB)
  • Hàng rào máu – dịch não tủy (BCB)
  • Hàng rào dịch não tủy – máu (CBB)

4.2. Hàng rào máu – não

4.2.1. Cấu trúc và chức năng hàng rào máu – não

Ở não, BBB được hình thành nhờ các tế bào nội mạc (mạch máu). Các tế bào nội mạc ở đây có cấu trúc rất đặc biệt do có phức hợp các khớp chặt. Trong khi hệ thống khớp chặt ngăn cản quá trình vận chuyển thụ động các chất trong máu vào não thì các tế bào nội mạc lại chứa các chất mang, giúp thực hiện quá trình vận chuyển chủ động các thành phần dinh dưỡng từ máu vào não [3] [6] [13] [15].

Giống như tế bào nội mạc ở ngoại vi, các tế bào nội mạc ở não có khả năng vận chuyển chọn lọc: đưa các chất dinh dưỡng từ máu vào tế bào, đồng thời vận chuyển các sản phẩm độc ra từ tế bào ra máu.

Khớp chặt được cấu tạo gồm 3 loại protein màng thiết yếu là claudin, occludin và các phân tử kết dính khớp (junction adhesion molecules/ JAMs) cùng với nhiều loại protein phụ khác như: zona occluden (ZO), cingulin… Các protein tạo thành mạng lưới các các kết nối giữa các tế bào với nhau và các sợi actin của bộ khung tế bào.

Mặc dù BBB có ở hầu khắp tổ chức não, kể cả các động mạch ở màng mềm, tiểu động mạch và tĩnh mạch. Nhưng một số vùng quanh não thất như: hypothalamus, tuyến tùng, vùng postrema. 

4.2.2. Cơ chế vận chuyển qua hàng rào máu não

Khớp chặt của BBB cho phép oxy, carbon dioxide, các chất ái mỡ có trọng lượng phân tử <400 Da đi qua tự do; đồng thời ngăn cản các chất tan trong nước như glucose, amino acid và nhiều chất dinh dưỡng quan trọng với sự sống.

Các chất này được vận chuyển qua BBB bằng cơ chế vận chuyển qua chất mang trung gian (carrier-mediated transport). Qua đó, một số chất sẽ được chất mang trung gian gắn kết tạo thành phức hợp có khả năng khuếch tán qua BBB.

Các chất như glucose, galactose, amino acid, nucleosid, purine, amine, vitamin… được vận chuyển từ máu qua BBB vào để cung cấp đáp ứng nhu cầu tế bào não. Hệ thống vận chuyển chủ động ra (Active efflux transporters) ở tế bào nội mạc cho phép vận chuyển các chất độc, chất thải của tế bào qua BBB vào máu.

4.3. Hàng rào dịch não tủy – máu

Con đường hấp thu chủ yếu DNT là qua các hạt màng nhện. Các hạt màng nhện lồi vào trong và xuyên qua màng cứng vào các xoang tĩnh mạch, đặc biệt là xoang tĩnh mạch dọc trên. Các xoang có cấu tạo van một chiều cho phép dẫn lưu dịch não tủy một chiều vào xoang tĩnh mạch

Các hạt màng nhện được Vesalius và Willis trình bày từ cuối thế kỷ XVI và thế kỷ XVII. Năm 1705, Pacchioni lần đầu tiên phát hiện mối liên quan các hạt này với xoang tĩnh mạch dọc trên. Năm 1901, Cushing lần đầu tiên công bố cấu trúc van một chiều của các hạt màng nhện, cho phép dẫn lưu dịch não tủy một chiều vào xoang tĩnh mạch.

Bên trong các hạt màng nhện có cấu trúc dạng mê đạo với các đường ống có van 1 chiều [11]. Các van này chỉ cho DNT đi theo chiều đi ra để vào xoang tĩnh mạch.

Khi áp lực DNT trong khoang dưới nhện cao hơn ở xoang tĩnh mạch từ 3-5mmHg trở lên thì các van này mở ra. Chênh lệch áp lực càng cao thì lưu lượng dẫn lưu DNT qua hạt màng nhện càng lớn. Hạt màng nhện cho dịch và các hạt có kich thước  từ 7,5 µm đi qua.

Schwab (1869) làm thí nghiệm tiêm các chất vào trong khoang dưới nhện, sau một thời gian thấy chất đó xuất hiện trong hệ thống hạch bạch huyết vùng cổ. Các nghiên cứu tiếp theo đã chứng minh con đường hấp thu DNT qua hệ bạch huyết. Chủ yếu là hệ thống mạch và hạch bạch huyết phân bố dọc theo các dây thần kinh sọ não ra ngoài sọ [11].

Ngoài ra, DNT còn được hấp thu qua  đám rối mạch mạc, mao mạch, màng nhện.

4.4. Hàng rào máu – dịch não tủy

4.4.1. Cấu trúc và chức năng hàng rào máu – dịch não tủy

Hàng rào máu – dịch não tủy (BCB) hình thành ở trong não thất ba, não thất bốn, chủ yếu nhờ đám rối mạch mạc và các mao mạch của não [14]. DNT có chức năng một phần đệm chống sang chấn cơ học, đồng thời cung cấp các thành phần dinh dưỡng quan trọng cho tổ chức não.

4.4.2. Cơ chế lọc dịch não tủy từ máu

Các bơm ion, quan trọng nhất là bơm Na+-K+ ATPase ở lớp lót khoang dịch não tủy tạo năng lượng phục vụ quá trình duy trì gradient thẩm thấu, liên quan đến quá trình sản sinh dịch của các tế bào ở đám rối mạch mạc [2].

Nước được vận chuyển nhờ sự chênh lệch gradient nồng độ gây ra do quá trình bơm loại bỏ 2 ion Na+ để thu lấy 2 ion K+: Ion Na+ được vận chuyển tích cực từ máu qua các tế bào biểu mô vào dịch não tuỷ. Ion Cl– đi theo ion natri để trung hòa điện tích. Nước khuếch tán theo các ion này vào dịch não tuỷ để cân bằng áp suất thẩm thấu.

Ngoài ra một lượng nhỏ glucose cũng được vận chuyển vào dịch não tuỷ. Ngược lại, Ion K+ và ion HCO3– được vận chuyển từ dịch não tuỷ vào mao mạch.

Kết luận

Các hàng rào liên diện trong não gồm các hàng rào giữa tổ chức não, mạch máu và dịch não tủy. Các hàng rào này mang tính chất một cấu trúc phân cách rất “mềm dẻo”. Chính nhờ hoạt động nhịp nhàng, chính xác của hệ thống hàng rào liên diện đã giúp bình ổn nội môi cho não – tủy.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Tin liên quan
Bệnh lý thần kinh do rượu: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Bệnh lý thần kinh do rượu: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Bệnh lý thần kinh do rượu sẽ ngày càng nghiêm trọng, gây tổn thương vĩnh viễn ở hệ thần kinh và các bộ phận khác của cơ thể nếu người bệnh tiếp tục uống rượu. Điều này có thể dẫn đến khuyết tật, đau đớn mạn tính và thậm chí là tử vong.

Dầu dừa có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson?
Dầu dừa có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson?

Bệnh Parkinson là một bệnh do thoái hóa hệ thần kinh trung ương. Theo ước tính, đến nay có trên 10 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh Parkinson. Những người bị bệnh này gặp phải các triệu chứng chính là run chân tay, co thắt và đau cơ, dẫn đến đi lại vận động khó khăn. Một số người mắc bệnh Parkinson còn bị sa sút trí tuệ hay lú lẫn, đặc biệt là khi tình trạng bệnh tiến triển nặng.

5 giai đoạn của bệnh Parkinson
5 giai đoạn của bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson là một dạng rối loạn thần kinh do thoái hóa, có các triệu chứng điển hình là run chân tay, mất khả năng kiểm soát vận động của cơ, dẫn đến khó khăn khi cử động, đi lại, nói chuyện… Bệnh còn gây ra nhiều triệu chứng khác và khi bệnh tiến triển sang các giai đoạn sau thì các triệu chứng càng nặng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây