Các dấu hiệu về cảm xúc, tinh thần của stress
Stress hay căng thẳng là một vấn đề rất phổ biến mà hầu hết mọi người đều gặp phải ít nhất vài lần trong đời.
Stress nặng có thể gây ra các triệu chứng cả về thể chất và tinh thần.
Dưới đây là một số dấu hiệu về cảm xúc, tinh thần của stress và những biện pháp khắc phục.
Các dấu hiệu về cảm xúc, tinh thần của stress
Trầm cảm
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần với biểu hiện là tâm trạng chán nản, buồn bã và tuyệt vọng kéo dài và nghiêm trọng.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa mức độ stress cao và chứng trầm cảm.
Một nghiên cứu trên động vật vào năm 2020 cũng đã chỉ ra mối liên hệ này, ngoài ra còn phát hiện ra một loại protein trong não có vai trò rất quan trọng đối với chức năng của cả serotonin và sự giải phóng hormone gây stress. Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu tìm ra các phương pháp điều trị mới cho bệnh trầm cảm.
Một nghiên cứu quan sát vào năm 2015 đã đánh giá mức độ stress của dân số trong độ tuổi lao động. Các nhà nghiên cứu đã đo cả mức độ stress và triệu chứng stress tổng thể những của người tham gia và nhận thấy rằng chứng trầm cảm phổ biến hơn ở những người có mức độ stress cao.
Cách khắc phục
- Nếu có triệu chứng trầm cảm, bạn nên đi khám bác sĩ.
- Các phương pháp điều trị trầm cảm gồm có trị liệu tâm lý và dùng thuốc.
- Ngoài ra còn có các biện pháp giúp làm giảm các triệu chứng tại nhà như thiền, tập thể dục và chế độ ăn lành mạnh.
2. Lo âu
Lo âu khác với trầm cảm ở chỗ lo âu có biểu hiện là cảm giác lo sợ kèm theo những triệu chứng về thể chất như tim đập nhanh.
Tuy nhiên, giống như trầm cảm, các nghiên cứu cho thấy stress cũng có mối liên hệ với lo âu và chứng rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu là tình trạng lo sợ, bất an kéo dài hoặc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Trong một nghiên cứu vào năm 2015, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về tác động của stress, bao gồm cả stress do các vấn đề trong nhà và stress do công việc, đến mức độ lo âu và trầm cảm. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người bị stress mức độ cao trong công việc có nguy cơ bị lo âu và trầm cảm cao hơn.
Cách khắc phục
- Nếu thường xuyên cảm thấy lo âu, nhất là lo âu mơ hồ hoặc lo âu vì những chuyện không đáng thì bạn nên đi khám.
- Các phương pháp điều trị gồm có trị liệu tâm lý và dùng thuốc.
- Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị thay thế và bổ sung như mát-xa, thiền, châm cứu, tập yoga và các biện pháp thư giãn khác.
3. Cáu gắt
Dễ tức giận và cáu gắt là một trong những dấu hiệu thường gặp của stress nặng.
Trong một nghiên cứu vào năm 2014, những người bị stress có mức độ tức giận cao hơn và điều này làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim do stress.
Một nghiên cứu khác đánh giá mối liên hệ giữa tức giận, trầm cảm và mức độ stress đã phátt hiện ra rằng stress mạn tính càng nặng thì mức độ tức giận càng cao.
Cách khắc phục
- Có nhiều cách để kiểm soát cơn tức giận và cáu gắt. Các biện pháp thư giãn có thể giúp làm dịu tinh thần và giảm đi cơn giận.
- Đôi khi, các biện pháp kiểm soát cơn giận có thể giúp giảm stress.
4. Giảm ham muốn tình dục
Stress cũng có thể ảnh hưởng đến ham muốn tình dục.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2014 cho thấy stress mạn tính có tác động tiêu cực đến ham muốn tình dục và khoái cảm khi quan hệ. Nghiên cứu này cho thấy rằng nồng độ cortisol cao và sự phân tâm khi bị stress là những nguyên nhân gây giảm ham muốn và cảm xúc khi làm “chuyện ấy”.
Phần lớn các nghiên cứu về tác động của stress đến ham muốn tình dục đều được thực hiện ở phụ nữ nhưng chắc chắn stress còn ảnh hưởng đến đời sống tình dục của cả nam giới. Một nghiên cứu cho thấy căng thẳng xã hội ở thời thiếu niên ảnh hưởng đến ham muốn tình dục ở tuổi trưởng thành.
Cách khắc phục
- Giảm stress có thể giúp cải thiện ham muốn tình dục.
- Chăm sóc bản thân, thư giãn và tập thể dục sẽ giúp tăng sự tự tin, nhờ đó có thể phần nào tăng ham muốn.
- Chia sẻ với nửa kia cũng có thể giúp cải thiện ham muốn và cảm xúc khi quan hệ.
5. Giảm trí nhớ và sự tập trung
Nếu bạn nhận thấy khả năng tập trung và ghi nhớ giảm thì rất có thể nguyên nhân là do bạn đang bị stress.
Một nghiên cứu trên động vật vào năm 2015 cho thấy những con chuột bị stress cấp tính có trí nhớ kém hơn so với những con chuột không bị stress.
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2014 đã tìm hiểu về các con đường phản ứng với stress trong não và ảnh hưởng của các con đường này đến trí nhớ dài hạn. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự gia tăng một số hormone sau một sự kiện gây stress hoặc sang chấn có thể làm suy giảm trí nhớ.
Cách khắc phục
- Một số thay đổi lối sống có thể giúp cải thiện trí nhớ.
- Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và giữ cho cơ thể cũng như tâm trí luôn năng động có thể giúp tăng sự tập trung.
- Tránh các hoạt động như uống rượu và hút thuốc để giữ cho não khỏe mạnh.
6. Hành vi cưỡng chế
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa stress và hành vi cưỡng chế.
Một bài báo nghiên cứu đã cho thấy rằng những thay đổi trong não do stress có thể góp phần gây ra chứng nghiện. Theo các nhà nghiên cứu, stress mạn tính có thể làm thay đổi cấu trúc của não, từ đó gây ra các hành vi cưỡng chế và tình trạng nghiện một thứ gì đó.
Một nghiên cứu khác vào năm 2018 đã tìm thấy mối liên hệ rõ ràng hơn giữa phản ứng stress và các rối loạn nghiện cũng như các vấn đề về sức khỏe khác.
Cách khắc phục
- Thói quen lối sống lành mạnh có thể giúp giảm hành vi cưỡng chế. Đối với những hành vi cưỡng chế nghiêm trọng hơn, bạn có thể cần sự trợ giúp của bác sĩ chuyên khoa.
- Nếu bạn lo lắng về việc sử dụng chất gây nghiện, Viện Quốc gia về Lạm dụng Ma túy có các nguồn lực để bắt đầu con đường phục hồi. Chúng gồm có các khuyến nghị về lối sống để giúp kiểm soát stress.
7. Tâm trạng không ổn định
Stress có thể tác động đến cảm xúc và gây thay đổi tâm trạng đột ngột.
Một nghiên cứu vào năm 2014 đã xem xét tác động của stress đến sinh lý, tâm trạng và nhận thức. Nghiên cứu này cho thấy cả những yếu tố gây stress về mặt xã hội và thể chất đều có tác động lớn đến cảm xúc và tâm trạng.
Với nhiều dấu hiệu về mặt cảm xúc của stress, rất dễ để nhận thấy mức độ ảnh hưởng của stress đối với tâm trạng chung.
Cách khắc phục
Có nhiều cách để cải thiện tâm trạng, chẳng hạn như:
- Kiểm soát stress
- Ra ngoài đi dạo và hòa mình vào thiên nhiên
- Gặp gỡ bạn bè
- Nói chuyện với người thân
- Dành thời gian cho một sở thích nào đó
Nếu tình trạng thay đổi tâm trạng đột ngột xảy ra thường xuyên hoặc nghiêm trọng thì bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn.
Các cách kiểm soát và giảm stress
Để giảm các vấn đề về cảm xúc, tinh thần kể trên thì cần phải giải quyết nguyên nhân gây ra stress.
Có rất nhiều cách khác nhau để giảm stress.
- Tập thể dục. Hoạt động thể chất là một cách rất hiệu quả để giảm stress về tinh thần và cả stress về thể chất.
- Các biện pháp thư giãn như tập yoga, thiền, nghe nhạc hoặc đọc sách. Các biện pháp này sẽ giúp làm dịu tâm trí.
- Các hình thức chánh niệm như thiền giúp cải thiện phản ứng cảm xúc khi bị stress.
- Xác định và cố gắng tránh hoặc hạn chế các tác nhân gây stress trong cuộc sống, công việc
Tóm tắt bài viết
Stress gây ra nhiều triệu chứng về cảm xúc và tinh thần như lo âu, dễ cáu gắt, giảm ham muốn tình dục, giảm trí nhớ và khả năng tập trung và tâm trạng không ổn định. Kiểm soát và giảm stress là cách hiệu quả nhất để giảm các triệu chứng này.
Rối loạn căng thẳng cấp tính (acute stress disorder) thường xảy ra trong vòng một tháng sau sự kiện gây căng thẳng. Các triệu chứng cũng tương tự như triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (post-traumatic stress disorder) nhưng rối loạn căng thẳng cấp tính chỉ là tạm thời, thường kéo dài từ vài ngày đến một tháng. Tuy nhiên, một số người sau khi bị rối loạn căng thẳng cấp tính lại tiếp tục gặp phải tình trạng rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
Hầu hết mọi người đều phải trải qua căng thẳng vào một thời điểm nào đó trong đời nhưng căng thẳng mạn tính sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe. Ở những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, căng thẳng có thể khiến các triệu chứng tái phát. Giữ tinh thần thoải mái, ít căng thẳng có thể giúp làm giảm nguy cơ tái phát và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Stress là một vấn đề vô cùng phổ biến mà gần như tất cả mọi người đều từng gặp phải. Stress gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, một trong số đó là gây tăng cân. Stress có thể làm tăng nồng độ hormone cortisol, khiến cho chung ta ăn nhiều hơn bình thường hoặc ăn những món không lành mạnh và tất cả những điều này đều có thể dẫn đến tăng cân. Do đó, kiểm soát stress là một điều quan trọng để duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Stress có thể khiến cho bệnh lupus ban đỏ bùng phát. Kiểm soát stress là một điều quan trọng để kiểm soát chứng bệnh này và ngăn ngừa bệnh bùng phát.
Mặc dù stress mạn tính là điều cần phải cố gắng tránh nhưng stress ở mức độ vừa phải có thể có lợi.