1

Stress ảnh hưởng như thế nào đến bệnh lupus ban đỏ?

Stress có thể khiến cho bệnh lupus ban đỏ bùng phát. Kiểm soát stress là một điều quan trọng để kiểm soát chứng bệnh này và ngăn ngừa bệnh bùng phát.
Stress ảnh hưởng như thế nào đến bệnh lupus ban đỏ? Stress ảnh hưởng như thế nào đến bệnh lupus ban đỏ?

Những người mắc bệnh lupus ban đỏ - một căn bệnh tự miễn - rất nhạy cảm với stress, cả stress về thể chất và stress về tinh thần. Mức độ stress cao có thể khiến cho các triệu chứng bệnh bùng phát. Trong thời gian bệnh bùng phát, tình trạng viêm ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm cả khớp và các cơ quan.

Bệnh lupus ban đỏ có thể bùng phát sau các sự kiện gây stress trong cuộc sống, ví dụ như ly hôn hoặc sự qua đời của người thân. Nhưng bệnh cũng có thể bùng phát do tình trạng stress kéo dài ở nhà hoặc do công việc. Stress về thể chất, ví dụ như do chấn thương hoặc phẫu thuật, cũng có thể khiến cho bệnh lupus ban đỏ bùng phát.

Nếu bạn mắc bệnh lupus ban đỏ thì kiểm soát stress là điều rất quan trọng để giảm nguy cơ bệnh bùng phát. Giảm stress sẽ giúp làm giảm mức độ hoạt động của bệnh và ngăn ngừa tổn thương cơ quan nghiêm trọng.

Đợt bùng phát lupus ban đỏ là gì?

Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh của cơ thể. Điều này xảy ra ở nhiều cơ quan khác nhau và gây viêm.

Đợt bùng phát là khoảng thời gian mà mức độ hoạt động của bệnh gia tăng.

Vào các đợt bùng phát, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như đau khớp hoặc mệt mỏi. Nhưng đôi khi các đợt bùng phát bệnh lupus ban đỏ không gây ra triệu chứng rõ rệt, đó là lý do tại sao bạn cần phải tái khám thường xuyên để làm xét nghiệm máu.

Hầu hết mọi người đều gặp các triệu chứng giống nhau vào mỗi đợt bùng phát nhưng vẫn phải chú ý đến các triệu chứng mới. Các triệu chứng mới có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh lupus ban đỏ đang ảnh hưởng đến một bộ phận mới của cơ thể.

Các triệu chứng thường xảy ra vào đợt bùng bệnh lupus ban đỏ gồm có:

  • Mệt mỏi
  • Nhức mỏi cơ thể
  • Đau khớp
  • Rụng tóc
  • Sốt
  • Sưng tấy
  • Ban đỏ, gồm có nổi ban hình con bướm trên mặt
  • Tổn thương da
  • Hụt hơi
  • Khô mắt
  • Đau ngực
  • Đau đầu
  • Lú lẫn
  • Giảm trí nhớ

Vì tình trạng viêm trong cơ thể gia tăng khi bệnh bùng phát nên các đợt bùng phát sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương các cơ quan. Ngăn ngừa bệnh bùng phát là một trong những mục tiêu chính của việc điều trị bệnh lupus ban đỏ.

Ảnh hưởng của stress về tinh thần đến bệnh lupus ban đỏ

Theo Tổ chức Bệnh lupus ban đỏ Hoa Kỳ (the Lupus Foundation of America), stress tinh thần có thể kích hoạt bệnh lupus ban đỏ bùng phát. Ngoài ra bệnh cũng có thể bùng phát do các tác nhân khác như nhiễm trùng, tia cực tím và kiệt sức.

Các loại stress

Stress có thể đến từ nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Công việc hoặc các mối quan hệ có thể gây căng thẳng và một sự kiện nào đó cũng có thể gây ra stress.

Những yếu tố gây stress có thể khiến bệnh lupus ban đỏ bùng phát gồm có:

  • Áp lực tiền bạc, nợ nần
  • Nuôi dạy con cái
  • Chăm sóc người bệnh hoặc trẻ sơ sinh
  • Áp lực công việc
  • Kỳ thi hoặc các yếu tố gây stress khác ở trường
  • Một sự kiện đau buồn, ví dụ như sự qua đời của người thân
  • Ly hôn hoặc chia tay
  • Phân biệt đối xử
  • Bị quấy rối
  • Lo âu
  • Tổn thương

Nếu bạn bị bệnh lupus ban đỏ, việc kiểm soát stress lâu dài là một điều quan trọng để ngăn ngừa các đợt bùng phát.

Stress ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Bất kể bạn có bị lupus hay không, cơ thể vẫn sẽ có các triệu chứng khi bị stress, gồm có:

  • Khó ngủ
  • Hệ miễn dịch suy yếu
  • Đau đầu
  • Tăng huyết áp
  • Nhịp tim nhanh
  • Đau bụng
  • Tăng cân
  • Giảm khả năng sinh sản
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Giảm ham muốn tình dục

Ảnh hưởng của stress về thể chất đến bệnh lupus ban đỏ

Stress về thể chất, ví dụ như chấn thương, sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch và điều này khiến cho bệnh lupus ban đỏ bùng phát.

Ví dụ, những phụ nữ bị bệnh lupus ban đỏ sẽ có nguy cơ bùng phát khi mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ nhất hoặc thứ hai. Sinh con cũng làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh lupus ban đỏ.

Nhiễm trùng, chấn thương, dùng một số loại thuốc và ngừng dùng thuốc điều trị bệnh lupus ban đỏ là những dạng stress về thể chất cũng có thể khiến bệnh bùng phát.

Sang chấn tâm lý có gây ra bệnh lupus ban đỏ không?

Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lupus ban đỏ vẫn chưa được xác định rõ. Nhưng một số nhà nghiên cứu tin rằng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) hay sang chấn tâm lý có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh tự miễn này.

Một nghiên cứu vào năm 2017 đã theo dõi hơn 50.000 phụ nữ trong khoảng thời gian 24 năm. Mục đích là để đánh giá mối liên hệ giữa sang chấn tâm lý và bệnh lupus ban đỏ.

Nghiên cứu này cho thấy việc trải qua sang chấn tâm lý, ngay cả khi không có triệu chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn, có liên quan chặt chẽ đến bệnh lupus ban đỏ. Những người có nhiều triệu chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn có nguy cơ mắc bệnh lupus ban đỏ cao hơn.

Các cách kiểm soát stress khi mắc bệnh lupus ban đỏ

Có nhiều cách để kiểm soát stress khi sống chung với bệnh lupus ban đỏ.

Luôn có sự chuẩn bị trước

Một cách để giảm stress là luôn dành thời gian lên kế hoạch cho công việc hàng ngày hoặc các sự kiện quan trọng như cuộc gặp gỡ đối tác. Hãy viết ra những điều cần chuẩn bị và cách đối phó những vấn đề có thể phát sinh.

Trước một ngày bận rộn, hãy lên kế hoạch di chuyển, khoảng thời gian nghỉ ngơi để ăn uống và thư giãn.

Tập thể dục

Nghiên cứu đã cho thấy răng những người thường xuyên tập thể dục có mức độ stress thấp hơn so với những người không tập. Một nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy hoạt động thể chất giúp giảm stress và điều này tiếp tục duy trì trong vài giờ sau khi tập thể dục.

Tập thể dục rất có lợi nhưng cũng nên lắng nghe cơ thể mình và điều chỉnh cường độ tập luyện cho phù hợp.

Dành thời gian nghỉ ngơi

Dành thời gian nghỉ ngơi sẽ giúp bảo tồn và phục hồi năng lượng.

Tổ chức Bệnh lupus ban đỏ Hoa Kỳ khuyến nghị nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, chẳng hạn như 20 phút trong ngày làm việc hoặc cả ngày vào cuối tuần. Trong những khoảng thời gian này, bạn có thể làm những việc mà bản thân thích, ví dụ như đọc sách, đi chơi, nấu ăn, trồng cây hoặc không làm gì cả.

Ngủ đủ giấc

Thiếu ngủ có thể làm gia tăng căng thẳng và tăng nguy cơ bệnh lupus ban đỏ bùng phát cũng như tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Nếu bạn bị mất ngủ thì hãy thử thay đổi thói quen sống, ví dụ như đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi tối để cải thiện thời lượng và chất lượng giấc ngủ.

Tóm tắt bài viết

Stress về cảm xúc, tinh thần và stress về thể chất đều có thể khiến cho bệnh lupus ban đỏ bùng phát. Do đó, kiểm soát stress là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh lupus ban đỏ. Có nhiều cách để giảm stress, ví dụ như tập thể dục, chuẩn bị kỹ lưỡng trước một sự kiện quan trọng, ngủ đủ giấc và dành thời gian nghỉ ngơi.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh lý thần kinh do rượu: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Bệnh lý thần kinh do rượu: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Bệnh lý thần kinh do rượu sẽ ngày càng nghiêm trọng, gây tổn thương vĩnh viễn ở hệ thần kinh và các bộ phận khác của cơ thể nếu người bệnh tiếp tục uống rượu. Điều này có thể dẫn đến khuyết tật, đau đớn mạn tính và thậm chí là tử vong.

Dầu dừa có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson?
Dầu dừa có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson?

Bệnh Parkinson là một bệnh do thoái hóa hệ thần kinh trung ương. Theo ước tính, đến nay có trên 10 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh Parkinson. Những người bị bệnh này gặp phải các triệu chứng chính là run chân tay, co thắt và đau cơ, dẫn đến đi lại vận động khó khăn. Một số người mắc bệnh Parkinson còn bị sa sút trí tuệ hay lú lẫn, đặc biệt là khi tình trạng bệnh tiến triển nặng.

5 giai đoạn của bệnh Parkinson
5 giai đoạn của bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson là một dạng rối loạn thần kinh do thoái hóa, có các triệu chứng điển hình là run chân tay, mất khả năng kiểm soát vận động của cơ, dẫn đến khó khăn khi cử động, đi lại, nói chuyện… Bệnh còn gây ra nhiều triệu chứng khác và khi bệnh tiến triển sang các giai đoạn sau thì các triệu chứng càng nặng.

Căng thẳng có thể gây ra bệnh zona thần kinh không?
Căng thẳng có thể gây ra bệnh zona thần kinh không?

Nghiên cứu cho thấy căng thẳng có thể là yếu tố khiến cho bệnh zona thần kinh (hay còn gọi là bệnh giời leo) tái phát.

Căng thẳng ảnh hưởng đến thị lực như thế nào?
Căng thẳng ảnh hưởng đến thị lực như thế nào?

Căng thẳng và lo lắng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm cả thị lực. Căng thẳng có thể gây giảm thị lực và các thay đổi về thị lực khác như nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng hoặc thậm chí mất thị lực.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây