1

Block nhĩ thất hoàn toàn là gì? Có nguy hiểm không?

Block nhĩ thất hoàn toàn, còn gọi là block nhĩ thất độ ba (third-degree heart block), là dạng block tim nghiêm trọng nhất. Tình trạng này xảy ra khi hoạt động điện giữa buồng tim trên (tâm nhĩ) và buồng tim dưới (tâm thất) bị tách rời hoàn toàn. Nếu không được can thiệp y tế kịp thời, block nhĩ thất hoàn toàn có thể gây tử vong.
Hình ảnh 55 Block nhĩ thất hoàn toàn là gì? Có nguy hiểm không?

Tim hoạt động nhờ một hệ thống điện được điều phối chính xác để kiểm soát nhịp đập. Khi dòng tín hiệu điện bình thường bị gián đoạn, có thể dẫn đến những rối loạn nguy hiểm, trong đó có block nhĩ thất hoàn toàn, hay còn gọi là block nhĩ thất độ 3.

Block nhĩ thất hoàn toàn xảy ra khi các xung điện bắt đầu từ tâm nhĩ không thể truyền xuống tâm thất. Điều này khiến tâm thất không co bóp đúng cách, làm suy giảm khả năng bơm máu đến phổi và phần còn lại của cơ thể.

Block nhĩ thất hoàn toàn là dạng block nhĩ thất nặng nhất. Block nhĩ thất độ một là dạng nhẹ nhất, đặc trưng bởi sự chậm lại của tín hiệu điện từ tâm nhĩ đến tâm thất. Block nhĩ thất độ hai có nghĩa là một số tín hiệu điện không đến được tâm thất, khiến tim bị bỏ nhịp.

Block nhĩ thất hoàn toàn được coi là một tình trạng cấp cứu y tế. Nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể đe dọa tính mạng.

Dưới đây là các nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị và tiên lượng của block nhĩ thất hoàn toàn.

Nguyên nhân gây block nhĩ thất hoàn toàn

Block nhĩ thất hoàn toàn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây bệnh là do các bệnh lý tim mạch, bao gồm:

  • Cơn đau tim
  • Bệnh cơ tim (suy yếu cơ tim)
  • Xơ hóa cơ tim (sẹo trong mô tim)
  • Bệnh van tim

Một số loại thuốc cũng có thể gây block nhĩ thất hoàn toàn.

Các thuốc chống loạn nhịp tim—được kê đơn để điều trị tình trạng nhịp tim quá nhanh, quá chậm hoặc không ổn định—đôi khi có thể gây ra block nhĩ thất độ một, độ hai hoặc độ ba. Digoxin, một loại thuốc phổ biến trong điều trị suy tim, cũng có thể làm gia tăng nguy cơ bị block nhĩ thất.

Mất cân bằng điện giải, chẳng hạn như tăng kali máu, cũng có thể gây block nhĩ thất hoàn toàn.

Trong những trường hợp hiếm gặp, trẻ sơ sinh có thể mắc block nhĩ thất bẩm sinh. Theo Tổ chức Quốc gia về Rối loạn Hiếm gặp (National Organization for Rare Disorders), block nhĩ thất bẩm sinh độ ba xảy ra ở khoảng 1 trong 20.000 đến 25.000 trẻ sơ sinh.

Yếu tố nguy nơ

Nguy cơ mắc block nhĩ thất hoàn toàn sẽ tăng lên theo tuổi tác, đặc biệt là khi đã có bệnh tim từ trước. Khoảng 5–10% người trên 70 tuổi có tiền sử bệnh tim sẽ mắc block nhĩ thất hoàn toàn.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy những người không kiểm soát huyết áp hoặc đường huyết sẽ có nguy cơ mắc block nhĩ thất hoàn toàn cao hơn.

Triệu chứng block nhĩ thất hoàn toàn

Một số người bị block nhĩ thất hoàn toàn không có triệu chứng rõ ràng. Ở những trường hợp khác, triệu chứng có thể xuất hiện từ từ hoặc đột ngột. Các triệu chứng phổ biến của block nhĩ thất hoàn toàn bao gồm:

  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Mệt mỏi
  • Ngất xỉu
  • Khó thở
  • Đau ngực hoặc cảm giác bị đè nặng ở ngực

Nếu các triệu chứng này xuất hiện đột ngột hoặc trở nên nghiêm trọng, cần gọi cấp cứu ngay. Đây cũng là các dấu hiệu của cơn đau tim và cần được xử lý như một trường hợp cấp cứu y tế.

Chẩn đoán block nhĩ thất hoàn toàn

Để chẩn đoán block nhĩ thất hoàn toàn, bác sĩ cần tiến hành đánh giá hoạt động điện của tim, thường được thực hiện bằng điện tâm đồ (EKG).

Điện tâm đồ là một xét nghiệm không xâm lấn, sử dụng các điện cực đặt trên ngực để ghi lại hoạt động điện của tim. Xét nghiệm này có thể giúp phát hiện nhiều dạng rối loạn nhịp tim, trong đó có block nhĩ thất hoàn toàn.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, EKG có thể không phát hiện được block nhĩ thất hoàn toàn vì tình trạng này có thể xảy ra theo từng đợt (không liên tục).

Do đó, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi nhịp tim bằng Holter monitor hoặc máy theo dõi nhịp tim dạng miếng dán. Các thiết bị này sẽ ghi lại liên tục nhịp tim trong ít nhất 24 giờ để phát hiện bất thường.

Ngoài các xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ cũng sẽ:

  • Xem xét tiền sử bệnh
  • Hỏi về triệu chứng
  • Khám lâm sàng
  • Đánh giá các loại thuốc bạn đang sử dụng

Điều trị block nhĩ thất hoàn toàn

Khi mới chẩn đoán block nhĩ thất hoàn toàn, bác sĩ có thể thử dùng atropine để khôi phục hoạt động điện của tim. Thuốc này được sử dụng trong trường hợp nhịp tim chậm bất thường (bradycardia) và có thể hiệu quả nếu block nhĩ thất hoàn toàn do cơn đau tim hoặc tác dụng phụ của thuốc gây ra.

Nếu block nhĩ thất hoàn toàn xảy ra do cơn đau tim, bác sĩ có thể đặt máy tạo nhịp tim tạm thời để hỗ trợ tim duy trì nhịp ổn định trong khi cơ tim phục hồi và lưu lượng máu được cải thiện.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, giải pháp duy nhất là phải cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Máy tạo nhịp tim là một thiết bị nhỏ chạy bằng pin, gửi tín hiệu điện qua các dây dẫn mảnh vào tim để duy trì nhịp tim ổn định.

Nếu bác sĩ xác định block nhĩ thất hoàn toàn do nguyên nhân có thể loại bỏ được thì có thể chữa khỏi block nhĩ thất bằng cách điều trị nguyên nhân này. Ví dụ, nếu thuốc là nguyên nhân gây block nhĩ thất hoàn toàn, bác sĩ có thể chỉ định đổi sang loại thuốc khác.

Mức độ nguy hiểm của block nhĩ thất hoàn toàn

Block nhĩ thất hoàn toàn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, trong đó có ngừng tim—tình trạng tim và phổi ngừng hoạt động đột ngột. Nếu không được cấp cứu ngay, ngừng tim có thể gây tử vong.

Do block nhĩ thất hoàn toàn làm tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu nên một biến chứng khác có thể xảy ra là suy tim. Đây là tình trạng tim bị suy yếu trong thời gian dài và giảm khả năng bơm máu hiệu quả.

Ngoài ra, block nhĩ thất hoàn toàn còn làm giảm lưu lượng máu lên não, dẫn đến ngất xỉu và có thể bị ngã.

Tiên lượng

Tiên lượng của người bị block nhĩ thất hoàn toàn sẽ khả quan hơn nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Khi được cấy máy tạo nhịp tim hoặc áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp kịp thời, người bệnh có thể duy trì được sức khỏe tim mạch ổn định.

Tương tự, nếu block nhĩ thất hoàn toàn có thể loại bỏ được bằng cách ngừng hoặc thay đổi thuốc hoặc điều chỉnh mất cân bằng điện giải thì tiên lượng thường rất khả quan.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã điều trị đúng cách, người từng bị block nhĩ thất hoàn toàn vẫn có nguy cơ cao bị suy tim. Vì vậy, việc theo dõi sức khỏe tim mạch, tuân thủ phác đồ điều trị và điều chỉnh lối sống theo hướng lành mạnh là rất quan trọng.

Kết luận

Block nhĩ thất hoàn toàn là dạng block nhĩ thất nghiêm trọng nhất. Tình trạng này xảy ra khi tín hiệu điện từ buồng tim trên (tâm nhĩ) không thể truyền xuống buồng tim dưới (tâm thất), gây gián đoạn hoàn toàn hoạt động điện của tim. Đây là một tình trạng cấp cứu y tế và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân phổ biến gây block nhĩ thất hoàn toàn là do bệnh tim mạch, bất thường cấu trúc tim, tác dụng phụ của thuốc hoặc mất cân bằng điện giải. Trong một số trường hợp hiếm gặp, trẻ sơ sinh có thể mắc block nhĩ thất bẩm sinh.

Nếu được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, người bị block nhĩ thất hoàn toàn có thể phòng ngừa được các biến chứng nghiêm trọng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thông liên nhĩ là gì? Có nguy hiểm không?
Thông liên nhĩ là gì? Có nguy hiểm không?

Thông liên nhĩ là lỗ thông bất thường hình thành ở vách ngăn giữa hai buồng trên của tim (tâm nhĩ). Lỗ thông này làm tăng lượng máu chảy qua phổi. Thông liên nhĩ là một dạng dị tật tim bẩm sinh.

Van động mạch chủ hai mảnh là gì? Có nguy hiểm không?
Van động mạch chủ hai mảnh là gì? Có nguy hiểm không?

Van động mạch chủ hai mảnh là một dị tật tim bẩm sinh, đôi khi khiến tim khó có thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Hội chứng Dressler là gì? Có nguy hiểm không?
Hội chứng Dressler là gì? Có nguy hiểm không?

Hội chứng Dressler là một dạng viêm màng ngoài tim (viêm túi bao bọc quanh tim). Hội chứng Dressler còn được gọi là hội chứng sau phẫu thuật tim, hội chứng sau nhồi máu cơ tim hay hội chứng sau tổn thương tim vì tình trạng này thường xảy ra sau phẫu thuật tim, nhồi máu cơ tim hoặc sau khi tim bị tổn thương. Hội chứng Dressler được cho là xảy ra do hệ miễn dịch phản ứng quá mức sau những sự kiện này.

Phình động mạch não khi mang thai có nguy hiểm không?
Phình động mạch não khi mang thai có nguy hiểm không?

Mang thai làm tăng nguy cơ phình động mạch não, nhưng đây là tình trạng hiếm gặp. Bệnh nếu được phát hiện sớm sẽ có thể giúp ngăn ngừa xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.

Độ cao lớn có nguy hiểm cho người bị phình mạch não không?
Độ cao lớn có nguy hiểm cho người bị phình mạch não không?

Nguy cơ độ cao lớn gây nguy hiểm cho người bị phình mạch não chưa vỡ là tương đối thấp. Tuy nhiên, nồng độ oxy giảm và sự thay đổi áp suất khí quyển có thể ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây