Cục máu đông ở chân có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?

Không hoạt động trong thời gian dài, tổn thương nội mạc mạch máu và thay đổi thành phần hóa học của máu là những yếu tố có thể góp phần làm hình thành cục máu đông. Bất kỳ ai cũng có thể bị cục máu đông nhưng một số người có nguy cơ cao hơn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), các yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gồm:
- Tuổi tác cao
- Thừa cân hoặc béo phì
- Tiền sử gia đình bị cục máu đông
- Gần đây bị ung thư
- Đang mang thai hoặc vừa mới mang thai
- Gần đây mới bị chấn thương hoặc trải qua ca phẫu thuật lớn
- Dùng biện pháp tránh thai nội tiết tố hoặc liệu pháp hormone thay thế
- Ngồi hoặc nằm một chỗ trong thời gian dài
Nếu không được điều trị, cục máu đông có thể di chuyển đến các cơ quan và gây ra các vấn đề nguy hiểm như:
- Thuyên tắc phổi
- Đột quỵ
- Nhồi máu cơ tim
Do vậy, cần điều trị cục máu đông ngay khi phát hiện để ngăn ngừa các biến chứng.
Cục máu đông không phải lúc nào cũng có triệu chứng rõ ràng nhưng hãy đến bệnh viện khám ngay khi có những triệu chứng sau đây:
- Khó thở
- Đau ngực tăng nặng khi hít thở sâu
- Ho ra máu
- Tim đập nhanh hơn bình thường hoặc không đều
- Sưng ở tay hoặc chân
- Đau hoặc da trở nên nhạy cảm
- Chạm lên da thấy nóng
- Da đỏ hoặc xanh tím
Dưới đây là những cách điều trị cục máu đông ở chân.
Phương pháp điều trị y tế
Thuốc chống đông máu
Phương pháp chính để điều trị cục máu đông là thuốc chống đông máu, hay còn được gọi là thuốc làm loãng máu. Những loại thuốc này hỗ trợ cơ thể phá vỡ cục máu đông và ngăn cục máu đông phát triển to thêm. Thuốc chống đông máu còn giảm nguy cơ hình thành cục máu đông mới. Những loại thuốc chống đông máu được dùng phổ biến là:
Warfarin
Warfarin là thuốc chống đông máu có tác dụng ngăn cản quá trình tổng hợp các yếu tố đông máu, từ đó ngăn chặn sự hình thành cục máu đông.
Enoxaparin
Enoxaparin ngăn ngừa cục máu đông bằng cách liên kết với antithrombin III – một loại protein có khả năng ức chế quá trình đông máu.
Heparin
Heparin làm suy yếu hoạt động của các protein thúc đẩy quá trình đông máu.
Thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp
Thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp là một nhóm thuốc chống đông máu thế hệ mới. Tổng quan nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy các loại thuốc này có độ an toàn tương đương hoặc thậm chí cao hơn warfarin. Thuốc chống đông máu đường uống trực tiếp ít có nguy cơ tương tác với các loại thuốc khác hoặc thực phẩm chức năng.
Vớ y khoa
Vớ y khoa tạo áp lực lên bàn chân và cẳng chân, nhờ đó giúp giảm sưng và cải thiện lưu thông máu.
Vớ y khoa kéo dài đến đùi trên, bó chặt ở bàn chân và nới lỏng dần về phía trên. Điều này ngăn máu ứ đọng ở chân.
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2018 đã theo dõi 1.681 người trước và sau khi phẫu thuật. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong số những người sử dụng vớ y khoa trong một ngày trước hoặc vào ngày phẫu thuật chỉ có 9 người bị cục máu đông. Trong khi đó ở nhóm không sử dụng vớ y khoa có đến 21 người bị cục máu đông.
Thuốc tiêu sợi huyết
Thuốc tiêu sợi huyết là nhóm thuốc có tác dụng làm tan cục máu đông. Những loại thuốc này có thể được dùng qua đường uống hoặc đưa trực tiếp vào mạch máu qua ống thông. Các loại thuốc tiêu sợi huyết được sử dụng phổ biến hiện nay là:
- alteplase
- anistreplase
- prourokinase
- reteplase
- streptokinase
- tenecteplase
- urokinase
Phẫu thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học
Đây là thủ thuật loại bỏ cục máu đông trực tiếp khỏi mạch máu. Thủ thuật này thường được thực hiện trong những trường hợp có cục máu đông quá lớn hoặc cục máu đông gây ra các triệu chứng nghiêm trọng.
Đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ
Thủ thuật này được thực hiện nhằm ngăn cục máu đông đi qua tĩnh mạch chủ - tĩnh mạch chính mang máu nghèo oxy trở về tim. Thủ thuật đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ thường được dùng cho những người có nguy cơ cao bị thuyên tắc phổi và không thể dùng thuốc chống đông máu.
Có thể tự điều trị cục máu đông tại nhà không?
Cục máu đông cần được đánh giá và điều trị bởi bác sĩ. Không có bất cứ phương pháp tự nhiên hay biện pháp khắc phục tại nhà nào có thể làm tan được cục máu đông.
Nếu bạn cố làm tan cục máu đông tại nhà, việc điều trị sẽ bị trì hoãn và điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.
Mặc dù một số loại thảo dược và thực phẩm chức năng có thể giảm nguy cơ hình thành cục máu đông nhưng không thể thay thế được cho các phương pháp điều trị y tế. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược hay thực phẩm chức năng nào vì những thứ này có thể tương tác với thuốc chống đông máu.
- Nghệ. Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2017 phát hiện ra rằng curcumin - thành phần hoạt tính trong củ nghệ - có tác dụng chống viêm, chống đông máu, chống oxy hóa và chống ung thư. Các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu về tác dụng điều trị cục máu đông của hợp chất này.
- Gừng. Củ gừng chứa salicylate - chất hóa học tạo nên thuốc chống đông máu aspirin. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu về lợi ích của salicylate trong việc ngăn ngừa cục máu đông.
- Quế. Quế chứa coumarin - một loại hóa chất có đặc tính chống đông máu.
- Ớt cayenne. Giống như gừng, ớt cayenne cũng chứa salicylate có tác dụng chống đông máu. Về lý thuyết, ớt cayenne có thể giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông nhưng điều này cần được nghiên cứu thêm.
- Vitamin E. Loại vitamin này có tác dụng chống đông máu nhẹ. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vitamin D và vitamin E có thể làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
Mất bao lâu để làm tan cục máu đông?
Cục máu đông tan từ từ và thời gian để cục máu đông biến mất hoàn toàn có thể mất vài tuần đến vài tháng, tùy thuộc vào kích thước của cục máu đông.
Nếu nguy cơ hình thành cục máu đông mới thấp, bạn có thể chỉ cần dùng thuốc chống đông máu trong 3 tháng nhưng nếu có nguy cơ cao hình thành cục máu đông mới thì cần phải dùng thuốc trong nhiều năm hoặc thậm chí suốt đời.
Biến chứng của cục máu đông ở chân
Tình trạng mà cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu ở chân được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu. Cục máu đông có thể di chuyển từ tĩnh mạch sâu ở chân đến phổi và làm tắc nghẽn mạch máu của phổi. Tình trạng này được gọi là thuyên tắc phổi và có thể đe dọa đến tính mạng.
Theo CDC, khoảng một phần ba đến một nửa số người bị huyết khối tĩnh mạch sâu mắc hội chứng hậu huyết khối. Tình trạng này xảy ra khi các van trong mạch máu bị hỏng và gây ra các triệu chứng ở chân như:
- Đau nhức, sưng tấy
- Cảm giác nặng ở chân
- Ngứa ngáy
- Cảm giác như có kim châm
- Chuột rút
- Loét
Khoảng 10% người từng bị huyết khối tĩnh mạch tái phát trong vòng một năm sau điều trị. Hãy đi khám ngay khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào kể trên. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất khi có các triệu chứng của thuyên tắc phổi, chẳng hạn như ho ra máu hoặc đau ngực tăng lên khi hít thở sâu.
Phòng ngừa cục máu đông ở chân
Các cách dưới đây có thể giảm nguy cơ hình thành cục máu đông:
- Mặc quần ống rộng
- Thường xuyên gác chân lên cao hơn tim ít nhất 15cục máu đông
- Mang vớ y khoa nếu được bác sĩ khuyến nghị
- Tập thể dục đều đặn và tích cực vận động trong ngày
- Không ngồi quá 1 giờ liên tục
- Ăn ít muối
- Tránh chấn thương chân
- Không ngồi bắt chéo chân
- Không kê gối bên dưới đầu gối
- Kê cao chân khi nằm
- Uống đầy đủ các loại thuốc được kê
Tóm tắt bài viết
Cục máu đông có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như thuyên tắc phổi nếu không được điều trị. Các phương pháp điều trị cục máu đông gồm có dùng thuốc và phẫu thuật. Mặc dù các loại thảo dược và thực phẩm chức năng có đặc tính chống đông máu có thể giảm nguy cơ hình thành cục máu đông nhưng không có bất cứ biện pháp tự nhiên nào có thể loại bỏ được cục máu đông đã hình thành.
Bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược hay thực phẩm chức năng nào vì những thứ này có thể tương tác với thuốc đang dùng.

Dị dạng động tĩnh mạch là sự nối thông bất thường giữa tĩnh mạch và động mạch. Những mạch máu bất thường này có thể bị vỡ và gây nguy hiểm đến tính mạng.

Mang thai làm tăng nguy cơ phình động mạch não, nhưng đây là tình trạng hiếm gặp. Bệnh nếu được phát hiện sớm sẽ có thể giúp ngăn ngừa xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.

Hẹp động mạch (stenosis) là tình trạng lòng động mạch bị thu hẹp do sự tích tụ chất béo (xơ vữa động mạch). Tình trạng này có thể xảy ra ở động mạch vành – các mạch máu cấp máu cho cơ tim và được gọi là hẹp mạch vành. Tái hẹp động mạch là khi một phần của động mạch đã được điều trị hẹp trước đó bị hẹp trở lại.

Bệnh Buerger hay viêm thuyên tắc mạch máu là một bệnh hiếm gặp xảy ra ở động mạch và tĩnh mạch ở tay và chân. Ở những người mắc bệnh lý này, các mạch máu bị viêm, sưng và có thể bị tắc nghẽn do cục máu đông (huyết khối). Điều này làm gián đoạn sự lưu thông máu đến da, làm hỏng mô da và có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc hoại thư. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh Buerger thường xuất hiện ở bàn tay và bàn chân rồi cuối cùng lan rộng ra trên cánh tay và cẳng chân.

Phì đại thất trái là tình trạng thành của tâm thất trái dày lên và giãn ra. Thành tim dày lên sẽ mất tính đàn hồi và làm giảm khả năng bơm máu của tim.