1

Phì đại thất trái điều trị bằng cách nào?

Phì đại thất trái là tình trạng thành của tâm thất trái dày lên và giãn ra. Thành tim dày lên sẽ mất tính đàn hồi và làm giảm khả năng bơm máu của tim.
Phì đại thất trái điều trị bằng cách nào? Phì đại thất trái điều trị bằng cách nào?

Phì đại thất trái là vấn đề thường xảy ra ở những người bị cao huyết áp không được kiểm soát. Phì đại thất trái sẽ làm tăng nguy cơ suy tim sung huyết và rối loạn nhịp tim, kể cả ở những người có huyết áp bình thường

Nếu phì đại thất trái là do cao huyết áp thì kiểm soát huyết áp có thể giúp giảm bớt các triệu chứng bệnh và thậm chí còn có thể giúp cơ tim trở về bình thường.

Triệu chứng phì đại thất trái

Phì đại thất trái thường xảy ra từ từ. Người bệnh có thể không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của bệnh.

Khi tình trạng phì đại thất trái tiến triển, các triệu chứng gồm có:

  • Khó thở
  • Mệt mỏi
  • Đau ngực, thường xảy ra sau khi gắng sức
  • Tim đập nhanh và mạnh (đánh trống ngực)
  • Chóng mặt, ngất xỉu

Khi nào cần đi khám?

Gọi cấp cứu ngay nếu bản thân hoặc người xung quanh có những biểu hiện sau đây:

  • Đau ngực kéo dài
  • Khó thở nghiêm trọng
  • Choáng váng, xây xẩm hoặc ngất
  • Đau đầu đột ngột, dữ dội, khó nói hoặc yếu cơ ở một bên người

Nếu cảm thấy khó thở nhẹ hoặc các triệu chứng khác, chẳng hạn như đánh trống ngực thì hãy đi khám càng sớm càng tốt.

Những người bị cao huyết áp hoặc có các vấn đề sức khỏe khác làm tăng nguy cơ phì đại thất trái nên đi khám định kỳ để theo dõi sức khỏe tim mạch.

Nguyên nhân gây phì đại thất trái

Phì đại thất trái xảy ra do nhiều nguyên nhân như sự gia tăng kích thước các tế bào cơ tim và do mô bất thường xung quanh tế bào cơ tim.

Khi bị cao huyết áp, bệnh tim mạch hoặc một số tình trạng khác, tâm thất trái sẽ phải làm việc nhiều hơn bình thường. Điều này dần dần làm cho các tế bào cơ tim tăng kích thước, thành cơ của tim dày lên và đôi khi khiến tâm thất trái bị giãn rộng.

Phì đại thất trái cũng có thể xảy ra do các bất thường về cấu trúc tế bào cơ tim. Những bất thường này có thể là do di truyền. Mô bất thường xung quanh tế bào cơ tim là kết quả của một số bệnh hiếm gặp.

Một số nguyên nhân khiến tim phải làm việc nhiều hơn gồm có:

  • Cao huyết áp: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây phì đại thất trái.
  • Hẹp van động mạch chủ: Tình trạng van ngăn cách tâm thất trái với động mạch chủ bị thu hẹp. Hẹp van động mạch chủ khiến tâm thất trái phải làm việc nhiều hơn để đẩy máu vào động mạch chủ.
  • Tập luyện nặng: Việc tập luyện cường độ cao trong thời gian dài khiến tim phải co bóp nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu oxy của các tế bào cơ thể.

Những bất thường về cấu trúc tế bào cơ tim dẫn đến phì đại thất trái gồm có:

  • Bệnh cơ tim phì đại: Tình trạng cơ tim trở nên dày bất thường, khiến tim khó bơm máu đi khắp cơ thể.
  • Bệnh thoái hóa tinh bột (amyloidosis): Tình trạng tích tụ protein bất thường xung quanh các cơ quan, bao gồm cả tim.

Các yếu tố nguy cơ

Ngoài tăng huyết áp và hẹp van động mạch chủ, các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ phì đại thất trái gồm có:

  • Tuổi tác: Phì đại thất trái thường xảy ra ở người lớn tuổi.
  • Khối lượng cơ thể: Thừa cân làm tăng nguy cơ cao huyết áp và phì đại thất trái.
  • Tiền sử gia đình: Một số bệnh di truyền làm tăng nguy cơ phì đại thất trái.
  • Bệnh tiểu đường: Nguy cơ phì đại thất trái cao hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường.
  • Chủng tộc: Một số chủng tộc có nguy cơ phì đại thất trái cao hơn, chẳng hạn như người Mỹ gốc Phi.
  • Giới tính: Phụ nữ bị cao huyết áp có nguy cơ phì đại thất trái cao hơn so với nam giới có chỉ số huyết áp tương đương.

Biến chứng của phì đại thất trái

Phì đại thất trái làm thay đổi cấu trúc cũng như hoạt động của tim và có thể dẫn đến các ván đề như:

  • Suy yếu cơ tim
  • Cơ tim cứng và mất tính đàn hồi, điều này khiến tâm thất không thể chứa đầy máu giữa mỗi lần tim co bóp và làm tăng áp lực trong buồng tim
  • Các mạch máu trong buồng tim (động mạch vành) bị chèn ép và gây cản trở sự lưu thông máu qua tim

Những thay đổi này dẫn đến các biến chứng như:

  • Giảm lưu lượng máu đến tim
  • Suy tim – tình trạng tim không thể bơm đủ máu cho cơ thể
  • Rối loạn nhịp tim
  • Nhịp tim nhanh, làm tăng nguy cơ đột quỵ
  • Bệnh tim thiếu máu cục bộ (tim không được cung cấp đủ oxy)
  • Đột quỵ
  • Ngừng tim đột ngột (đột ngột mất chức năng tim, hô hấp và ý thức)

Phòng ngừa phì đại thất trái

Cách tốt nhất để ngăn ngừa phì đại thất trái do cao huyết áp là giữ huyết áp ổn định. Những nguồi bị cao huyết áp cần:

  • Theo dõi huyết áp: Mua máy đo huyết áp và thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà. Ngoài ra nên đi khám sức khỏe định kỳ.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân và béo phì có thể làm tăng huyết áp.
  • Tăng cường hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất thường xuyên giúp giảm và kiểm soát huyết áp ổn định. Nên tập thể dục cường độ vừa phải khoảng 30 phút hầu hết các ngày trong tuần.
  • Ăn uống lành mạnh: Tránh các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, ăn ít muối và ăn nhiều rau củ quả tươi.
  • Hạn chế rượu: Chỉ nên uống rượu vừa phải hoặc kiêng rượu hoàn toàn.
  • Không hút thuốc lá: Bỏ thuốc lá giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch.

Chẩn đoán phì đại thất trái

Trước tiên, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh cá nhân, gia đình và khám lâm sàng kỹ lưỡng, bao gồm đo huyết áp và kiểm tra chức năng tim.

Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán sau đây:

  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Ghi lại các tín hiệu điện đi qua tim. Kết quả điện tâm đồ giúp phát hiện chức năng tim bất thường và sự dày lên của thành cơ tâm thất trái.
  • Siêu âm tim: Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh động của tim. Siêu âm tim giúp phát hiện sự dày lên của mô cơ ở tâm thất trái, lưu lượng máu chảy qua tim mỗi khi co bóp và các bất thường về cấu tạo của tim có thể gây phì đại thất trái, chẳng hạn như hẹp van động mạch chủ.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng từ trường và sóng vô tuyến tạo ra hình ảnh của tim, từ đó bác sĩ có thể chẩn đoán phì đại thất trái.

Điều trị phì đại thất trái

Điều trị nội khoa (dùng thuốc)

Những người bị phì đại thất trái thường phải dùng thuốc điều trị cao huyết áp để ngăn tâm thất trái tiếp tục phì đại. Đôi khi, các loại thuốc này giúp khôi phục thành cơ của tâm thất trái trở lại bình thường. Các loại thuốc thường được sử dụng gồm có:

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE): Những loại thuốc này có tác dụng làm giãn mạch máu để giảm huyết áp, cải thiện lưu thông máu và giảm khối lượng công việc cho tim. Một số thuốc ức chế men chuyển là captopril, enalapril và lisinopril. Các tác dụng phụ gồm có ho khan, tăng kali máu, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu…
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB): Các loại thuốc ức chế thụ thể angiotensin II như losartan có tác dụng tương tự như thuốc ức chế men chuyển nhưng không gây ho dai dẳng.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: Những loại thuốc này ngăn cản canxi xâm nhập vào các tế bào của tim và thành mạch máu. Điều này làm giãn cơ trong thành mạch, giúp mở rộng lòng mạch máu và nhờ đó hạ huyết áp. Một số thuốc trong nhóm này gồm có amlodipine và diltiazem.
  • Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu thiazid giúp làm giảm lượng chất lỏng trong mạch máu và nhờ đó làm giảm huyết áp. Một số thuốc trong nhóm này gồm có chlorthalidone và hydrochlorothiazide.
  • Thuốc chẹn beta: Các loại thuốc chẹn beta như atenolol có tác dụng làm giảm nhịp tim, giảm huyết áp và ngăn ngừa một số tác hại của hormone stress. Thuốc chẹn beta thường không phải là phương pháp điều trị bước đầu cho bệnh cao huyết áp. Bác sĩ thường kê thuốc chẹn beta khi một loại thuốc khác không hiệu quả.

Điều trị bằng thủ thuật và phẫu thuật

Điều trị hẹp van động mạch chủ

Những người bị phì đại thất trái do hẹp van động mạch chủ có thể cần phẫu thuật để sửa van hoặc thay van động mạch chủ bằng van nhân tạo cơ học hoặc sinh học.

Điều trị các bệnh lý gây phì đại thất trái

  • Điều trị bệnh cơ tim phì đại: Phì đại thất trái do bệnh cơ tim phì đại có thể được điều trị bằng thuốc, thủ thuật xâm lấn tối thiểu, phẫu thuật, cấy thiết bị hỗ trợ tim và thay đổi lối sống.
  • Bệnh thoái hóa tinh bột: Các phương pháp điều trị bệnh thoái hóa tinh bột gồm có dùng thuốc, hóa trị và cấy ghép tế bào gốc.
  • Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ: Ở những người bị ngưng thở khi ngủ, điều trị chứng rối loạn giấc ngủ này có thể làm giảm huyết áp và giúp đảo ngực tình trạng phì đại thất trái nếu nguyên nhân là do cao huyết áp. Ngưng thở khi ngủ là tình trạng sự thông khí bị gián đoạn nhiều lần trong giấc ngủ, có biểu hiện là ngủ ngáy hoặc ngừng thở trong giây lát khi ngủ. Một phương pháp để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ là sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (continuous positive airway pressure - CPAP) khi đi ngủ. Thiết bị này giữ cho đường thở mở trong giấc ngủ, nhờ đó cơ thể sẽ được cung cấp đủ lượng oxy cần thiết để duy trì huyết áp ở mức bình thường.

Thay đổi lối sống để kiểm soát phì đại thất trái

Một số thay đổi trong lối sống có thể giúp giảm huyết áp, tăng cường sức khỏe tim mạch và cải thiện các triệu chứng phì đại thất trái nếu nguyên nhân là do cao huyết áp. Cụ thể, người bệnh nên:

  • Bỏ thuốc lá
  • Giảm cân nếu thừa cân: Cho dù không bị cao huyết áp, những người béo phì vẫn có nguy cơ bị phì đại thất trái cao hơn so với người có cân nặng khỏe mạnh. Giảm cân đã được chứng minh là có thể đảo ngược tình trạng phì đại tâm thất trái. Duy trì cân nặng hợp lý hoặc giảm cân nếu thừa cân có thể giúp kiểm soát huyết áp.
  • Thực hiện chế độ ăn uống có lợi cho tim mạch: Ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo và các nguồn chất béo tốt, chẳng hạn như dầu ô liu. Đồng thời giảm lượng carb tinh chế, natri và chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống.
  • Ăn ít muối: Ăn quá nhiều muối (natri) sẽ làm tăng huyết áp. Nên hạn chế thêm muối khi nấu ăn và không ăn những thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối.
  • Uống rượu vừa phải: Uống rượu sẽ làm tăng huyết áp, đặc biệt là khi uống nhiều.
  • Tập thể dục thường xuyên: Nên tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần. Chia đều thời lượng tập mỗi ngày và duy trì đều đặn hầu hết các ngày trong tuần. Ví dụ, có thể đi bộ nhanh khoảng 30 phút mỗi ngày và 5 ngày một tuần. Tập thể dục thường xuyên sẽ mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn chế độ tập luyện an toàn. Những người có vấn đề về tim mạch nên tránh các hình thức tập luyện tạm thời làm tăng huyết áp, chẳng hạn như nâng tạ nặng.
  • Kiểm soát căng thẳng vì căng thẳng sẽ làm tăng huyết áp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các loại bệnh cơ tim và cách điều trị
Các loại bệnh cơ tim và cách điều trị

Bệnh cơ tim (cardiomyopathy) là những vấn đề xảy ra ở cơ tim khiến tim khó bơm máu đến phần còn lại của cơ thể. Bệnh cơ tim có thể dẫn đến suy tim. Các loại bệnh cơ tim chính là bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại và bệnh cơ tim hạn chế. Các phương pháp điều trị bệnh cơ tim gồm có dùng thuốc, cấy thiết bị hỗ trợ tim, phẫu thuật tim và ghép tim, tùy thuộc vào loại bệnh cơ tim và mức độ nghiêm trọng.

Viêm tĩnh mạch huyết khối: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm tĩnh mạch huyết khối: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm tĩnh mạch huyết khối là tình trạng viêm xảy ra ở tĩnh mạch, thường là tĩnh mạch ở chân do cục máu đông hình thành và làm tắc nghẽn mạch máu. Viêm tĩnh mạch huyết khối có thể xảy ra ở tĩnh mạch gần bề mặt da (viêm tĩnh mạch huyết khối nông) hoặc tĩnh mạch sâu trong cơ (huyết khối tĩnh mạch sâu).

Cách đọc chỉ số cholesterol máu
Cách đọc chỉ số cholesterol máu

Nồng độ cholesterol nên được đo ít nhất mỗi 5 năm một lần ở tất cả mọi người trên 20 tuổi. Xét nghiệm sàng lọc thường được thực hiện là xét nghiệm lipid máu (mỡ máu).

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây