Thông liên thất: Triệu chứng và cách điều trị
Lỗ thông liên thất nhỏ thường không gây ra vấn đề gì và có thể tự đóng lại. Lỗ thông liên thất vừa hoặc lớn sẽ phải phẫu thuật càng sớm càng tốt để ngăn ngừa biến chứng.
Triệu chứng thông liên thất
Các dấu hiệu và triệu chứng của dị tật tim nghiêm trọng thường xuất hiện trong vòng vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng đầu đời của trẻ.
Các triệu chứng thông liên thất ở trẻ sơ sinh gồm có:
- Bú kém, chậm tăng cân
- Thở nhanh, khó thở
- Trẻ thường xuyên trong tình trạng mệt mỏi
- Da, môi và móng tay tím tái
- Sưng phù chân, bụng to
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
Không phải khi nào thông liên thất cũng được phát hiện ngay sau khi sinh. Lỗ thông liên thất nhỏ có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc các triệu chứng xuất hiện khi trẻ đã lớn hơn một chút. Các dấu hiệu và triệu chứng thông liên thất tùy thuộc vào kích thước của lỗ thông và các dị tật tim liên quan khác.
Các dạng dị tật tim có thể được phát hiện trong quá trình khám sức khỏe định kỳ khi bác sĩ nghe thấy tiếng thổi ở tim qua ống nghe.
Đôi khi, thông liên thất được phát hiện ngay trong thai kỳ khi siêu âm thai nhưng cũng có nhiều trường hợp mãi đến khi bệnh nhân trưởng thành mới biết mình bị thông liên thất.
Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của thông liên thất ở người lớn là khó thở và có tiếng thổi ở tim khi nghe tim.
Khi nào cần đi khám?
Đưa trẻ đi khám nếu như trẻ có những dấu hiệu dưới đây:
- Nhanh bị mệt khi ăn uống, vui chơi
- Tăng cân rất chậm
- Khó thở khi ăn hoặc quấy khóc
- Thở gấp hoặc hụt hơi
Đối với người lớn, cần đi khám khi có các triệu chứng:
- Hụt hơi khi vận động gắng sức hoặc khi nằm
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
- Thường xuyên bị mệt mỏi, kiệt sức
Nguyên nhân gây thông liên thất
Dị tật tim bẩm sinh phát sinh từ các vấn đề trong quá trình hình thành tim của thai nhi nhưng thường không xác định được nguyên nhân gây ra những vấn đề này. Di truyền và các yếu tố môi trường có thể góp phần gây dị tật bẩm sinh, bao gồm cả dị tật tim. Thông liên thất có thể xảy ra một mình hoặc đi kèm các dạng dị tật tim bẩm sinh khác.
Trong quá trình phát triển của bào thai, thông liên thất xảy ra khi vách cơ ngăn giữa tâm thất trái và tâm thất phải (vách liên thất) hình thành không hoàn thiện.
Bình thường, buồng bên phải của tim bơm máu đến phổi để lấy oxy và buồng bên trái bơm máu giàu oxy đến phần còn lại của cơ thể. Thông liên thất khiến máu giàu oxy trộn lẫn với máu nghèo oxy, gây tăng huyết áp và tăng lưu lượng máu trong động mạch phổi. Điều này làm cho tim và phổi phải làm việc nhiều hơn.
Lỗ thông liên thất có nhiều kích cỡ khác nhau và có thể hình thành ở bất cứ vị trí nào trên vách ngăn giữa hai tâm thất. Một ngườ có thể có nhiều lỗ thông liên thất cùng lúc.
Đôi khi, thông liên thất không phải do bẩm sinh mà phát sinh trong những năm tháng sau này. Nguyên nhân thường là do nhồi máu cơ tim hoặc do biến chứng sau một số thủ thuật tim.
Các yếu tố nguy cơ
Dị tật thông liên thất có thể di truyền và đôi khi xảy ra cùng với các bệnh di truyền khác, chẳng hạn như hội chứng Down. Điều đó không có nghĩa là bố mẹ bị tim bẩm sinh chắc chắn sẽ di truyền sang con nhưng đứa trẻ sẽ có nguy cơ bị dị tật tim bẩm sinh cao hơn so với những trẻ không có tiền sử gia đình bị tim bẩm sinh. Những gia đình có con bị dị tật tim bẩm sinh nên đến gặp chuyên gia tư vấn di truyền trước khi tiếp tục mang thai để tìm hiểu nguy cơ bệnh tim của thai nhi.
Biến chứng của thông liên thất
Lỗ thông liên thất nhỏ thường không gây ra bất kỳ vấn đề nào. Lỗ thông liên thất vừa hoặc lớn có thể dẫn đến nhiều biến chứng với mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Tuy nhiên, phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng.
Các biến chứng của thông liên thất gồm có:
- Suy tim: Khi vách liên thất có lỗ thông vừa hoặc lớn, tim sẽ làm việc nhiều hơn và lưu lượng máu đến phổi tăng cao bất thường. Nếu không điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến suy tim.
- Tăng áp động mạch phổi: Tăng lưu lượng máu đến phổi do thông liên thất làm tăng huyết áp trong động mạch phổi và có thể làm cho động mạch phổi bị hỏng vĩnh viễn. Biến chứng này có thể khiến máu chảy ngược chiều qua lỗ thông (hội chứng Eisenmenger).
- Viêm nội tâm mạc: Đây là một biến chứng không phổ biến của thông liên thất.
- Các vấn đề về tim khác như rối loạn nhịp tim và các vấn đề về van tim.
Phòng ngừa thông liên thất
Không có cách nào có thể phòng ngừa thông liên thất. Tuy nhiên, có thể giảm thiểu nguy cơ xảy ra những vấn đề không mong muốn nói chung trong quá trình phát triển của thai nhi bằng cách:
- Khám định kỳ trước và trong khi mang thai: Trước khi mang thai nên đi khám để kiểm tra tình trạng sức khỏe và trao đổi với bác sĩ về những cách để có thai kỳ khỏe mạnh. Cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng. Khi đang mang thai cần đi khám thai định kỳ theo lịch.
- Ăn uống cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng và uống bổ sung vitamin nếu cần thiết, đặc biệt là axit folic.
- Tập thể dục đều đặn: Phụ nữ mang thai không thể tập luyện giống như người không mang thai. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn chế độ tập luyện an toàn.
- Tránh các chất độc hại như đồ uống có cồn, thuốc lá và ma túy.
- Phòng ngừa nhiễm trùng: Tiêm đủ các loại vắc xin cần thiết trước khi mang thai. Một số bệnh nhiễm trùng có thể gây hại cho sự phát triển của thai nhi.
- Kiểm soát bệnh tiểu đường: Những phụ nữ bị bệnh tiểu đường cần điều chỉnh chế độ ăn và dùng thuốc theo chỉ định để kiểm soát tốt mức đường huyết trước khi mang thai.
Nếu có tiền sử gia đình bị dị tật tim bẩm sinh hoặc các bệnh di truyền khác thì nên tư vấn di truyền trước khi mang thai.
Chẩn đoán thông liên thất
Một dấu hiệu của thông liên thất là tiếng thổi ở tim mà bác sĩ có thể nghe thấy qua ống nghe. Đây là âm thanh do sự lưu thông máu bất thường qua tim tạo ra. Nếu nghe thấy tiếng thổi ở tim hoặc phát hiện các dấu hiệu khác chỉ ra dị tật tim, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp sau đây để xác nhận chẩn đoán:
- Siêu âm tim: Sử dụng đầu dò phát ra sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh động của tim. Siêu âm tim được sử dụng để chẩn đoán thông liên thất và xác định kích thước, vị trí cũng như mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Phương pháp này còn được sử dụng để tìm các vấn đề khác về tim. Siêu âm tim có thể được thực hiện ngay trong thai kỳ (siêu âm tim thai).
- Điện tâm đồ (ECG): Ghi lại hoạt động điện của tim qua các điện cực gắn trên da. Điện tâm đồ giúp chẩn đoán dị tật tim hoặc các vấn đề về nhịp tim.
- Chụp X-quang lồng ngực: Hình ảnh X-quang giúp bác sĩ đánh giá tim và phổi để xem tim có bị to lên và phổi có tích tụ dịch hay không.
- Thông tim: Đây là một thủ thuật xâm lấn, trong đó một ống thông nhỏ và mềm được đưa vào mạch máu ở bẹn hoặc ở cánh tay của bệnh nhân và dẫn qua các mạch máu đến tim. Thông tim giúp bác sĩ chẩn đoán các dạng dị tật tim bẩm sinh và kiểm tra chức năng của các van, buồng tim.
- Đo oxy xung: Một chiếc kẹp nhỏ được kẹp ở đầu ngón tay của bệnh nhân để đo nồng độ oxy trong máu.
Điều trị thông liên thất
Những trường hợp có lỗ thông liên thất nhỏ thường không cần phải phẫu thuật để đóng lỗ thông. Sau khi sinh, trẻ sẽ được điều trị các triệu chứng và khám định kỳ để theo dõi xem lỗ thông liên thất có tự đóng lại hay không.
Đối với những trường hợp cần phẫu thuật điều trị, ca phẫu thuật thường được tiến hành trong vòng một năm sau khi sinh. Trẻ lớn và người trưởng thành có lỗ thông liên thất vừa hoặc lớn hoặc gây ra các triệu chứng nghiêm trọng cũng phải phẫu thuật để đóng lỗ thông.
Đôi khi, lỗ thông liên thất nhỏ cũng phải phẫu thuật đóng lại để ngăn ngừa các biến chứng, chẳng hạn như tổn thương van tim. Nhiều người có lỗ thông liên thất nhỏ vẫn có thể sinh hoạt bình thường mà hầu như không gặp phải vấn đề nào đáng kể.
Những trẻ sơ sinh có lỗ thông liên thất lớn hoặc bú kém cần được bổ sung dinh dưỡng để giúp trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường. Một số trẻ sơ sinh cần dùng thuốc để điều trị suy tim.
Điều trị nội khoa (dùng thuốc)
Loại thuốc được dùng để điều trị thông liên thất tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng suy tim. Mục đích chính của việc dùng thuốc là làm giảm lượng chất lỏng trong cơ thể và giảm tích tụ chất lỏng trong phổi. Một trong những loại thuốc được dùng phổ biến là thuốc lợi tiểu, chẳng hạn như furosemide. Thuốc lợi tiểu giúp làm giảm lượng máu mà tim phải bơm.
Điều trị ngoại khoa (các thủ thuật và phẫu thuật)
Các phương pháp điều trị ngoại khoa nhằm đóng lỗ thông bất thường giữa hai tâm thất.
Các thủ thuật và phẫu thuật để sửa lỗ thông liên thất gồm có:
- Phẫu thuật tim hở: Đây là phương pháp được chỉ định trong hầu hết các trường hợp thông liên thất. Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân. Ca phẫu thuật tim hở cần có tim phổi nhân tạo (ECMO) và được thực hiện qua đường rạch trên ngực. Bác sĩ sử dụng miếng vá bằng vật liệu nhân tạo hoặc chỉ khâu để đóng lỗ thông liên thất.
- Thông tim: Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu, trong đó bác sĩ luồn một ống thông hẹp vào mạch máu ở bẹn và dẫn ống thông đến tim. Sau đó, bác sĩ sử dụng một tấm lưới để đóng lỗ thông. Ưu điểm của thủ thuật thông tim là không cần phẫu thuật mở ngực.
Sau khi điều trị, bệnh nhân cần đến tái khám định kỳ để kiểm tra xem lỗ thông liên thất có bị mở lại hay không và phát hiện sớm biến chứng nếu có. Tùy thuộc vào tình trạng của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám cụ thể.
Sau điều trị
Sau khi đóng lỗ thông liên thất, bệnh nhân sẽ phải tái khám vài năm một lần để bác sĩ theo dõi tình trạng và kiểm tra xem có xảy ra biến chứng hay không.
Thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để đánh giá tình trạng.
Ngoài ra, những người bị thông liên thất cần chú ý một số điều dưới đây:
- Cân nhắc kỹ việc mang thai: Trước khi mang thai, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa Tim mạch về tính an toàn của thai kỳ. Điều này đặc biệt quan trọng nếu như đang dùng thuốc. Trong thời gian mang thai, bệnh nhân cần đi khám thai và khám sức khỏe tim mạch định kỳ đầy đủ. Nếu chỉ có lỗ thông liên thất nhỏ hoặc đã đóng lỗ thông và không xảy ra biến chứng thì đa số bệnh nhân vẫn có thể mang thai an toàn. Tuy nhiên, lỗ thông liên thất lớn và không được điều trị, suy tim, tăng áp động mạch phổi, rối loạn nhịp tim hoặc các dị tật tim khác có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Những phụ nữ mắc hội chứng Eisenmenger không nên mang thai vì nguy cơ xảy ra biến chứng là rất cao.
- Ngăn ngừa viêm nội tâm mạc: Nhìn chung, những người bị thông liên thất thường không cần dùng thuốc kháng sinh trước các thủ thuật nha khoa để ngăn ngừa nhiễm trùng. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh để phòng ngừa viêm nội tâm mạc (nhiễm trùng ở lớp niêm mạc bên trong tim) đối với những người từng bị viêm nội tâm mạc, thay van tim, mới đóng lỗ thông liên thất bằng vật liệu nhân tạo, lỗ thông liên thất vẫn bị rò rỉ, lỗ thông liên thất đã đóng nằm cạnh một dị tật tim khác được sửa bằng vật liệu nhân tạo hoặc lỗ thông liên thất lớn gây hạ oxy máu. Trong những trường hợp này, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu trong quá trình thực hiện các thủ thuật nha khoa và gây viêm nội tâm mạc. Ở những người bị thông liên thất, vệ sinh răng miệng tốt và khám răng thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa viêm nội tâm mạc.
- Tập thể dục theo hướng dẫn: Tập thể dục thường xuyên có lợi cho sức khỏe tim mạch nhưng những người bị bệnh tim bẩm sinh cần tránh những hoạt động khiến tim phải làm việc nặng. Tốt nhất nên nói chuyện với bác sĩ để được hướng dẫn chế độ tập luyện an toàn, hợp lý. Những trẻ có lỗ thông liên thất nhỏ hoặc đã đóng lỗ thông thường vẫn có thể hoạt động thể chất bình thường hoặc chỉ phải giới hạn ở mức tối thiểu. Những trẻ bị suy giảm chức năng tim sẽ phải hạn chế nhiều hơn và những trẻ bị tăng áp động mạch phổi không hồi phục (hội chứng Eisenmenger) chỉ nên vận động nhẹ nhàng.
Phì đại thất trái là tình trạng thành của tâm thất trái dày lên và giãn ra. Thành tim dày lên sẽ mất tính đàn hồi và làm giảm khả năng bơm máu của tim.
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, có nhiệm vụ vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Hẹp eo động mạch chủ là tình trạng một đoạn động mạch chủ bị hẹp hơn bình thường. Điều này buộc tim phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu qua động mạch chủ.
Viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm xảy ra ở lớp mô mỏng, có dạng giống như một chiếc túi rỗng bao xung quanh tim. Viêm màng ngoài tim thường gây ra cơn đau nhói ở ngực. Triệu chứng này xảy ra do các lớp màng ngoài tim bị kích thích cọ xát vào nhau.
Bệnh tim mạch ở nam giới có những triệu chứng và dấu hiệu gì khác so với nữ giới?
Khi lượng Cholesterol tăng lên quá cao, chúng sẽ bắt đầu tích tụ trên thành động mạch tạo nên các mảng bám cholesterol, làm lòng động mạch bị thu hẹp gây cản trở sự lưu thông máu và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.