Thế nào là tái hẹp động mạch vành? Điều trị bằng cách nào?

Hẹp động mạch (stenosis) là tình trạng lòng động mạch bị thu hẹp do sự tích tụ chất béo (xơ vữa động mạch). Tình trạng này có thể xảy ra ở động mạch vành – các mạch máu cấp máu cho cơ tim và được gọi là hẹp mạch vành. Tái hẹp động mạch là khi một phần của động mạch đã được điều trị hẹp trước đó bị hẹp trở lại.
Thế nào là tái hẹp động mạch vành? Điều trị bằng cách nào? Thế nào là tái hẹp động mạch vành? Điều trị bằng cách nào?

Tái hẹp trong stent

Một phương pháp điều trị hẹp động mạch vành là thủ thuật nong mạch vành và đặt stent - một loại can thiệp mạch vành qua da. Trong thủ thuật này, động mạch vành được mở rộng bằng bóng nong, sau đó đặt một ống lưới kim loại nhỏ gọi là stent để giữ cho động mạch mở rộng.

Khi phần động mạch được đặt stent tiếp tục bị hẹp, tình trạng này được gọi là tái hẹp trong stent (in-stent restenosis).

Nếu có cục máu đông hình thành trong phần động mạch được đặt stent thì được gọi là huyết khối trong stent (in-stent thrombosis).

Triệu chứng của tái hẹp động mạch vành

Tình trạng tái hẹp động mạch vành xảy ra từ từ và ban đầu thường không có triệu chứng. Các triệu chứng chỉ xuất hiện khi động mạch vành bị hẹp nghiêm trọng đến mức tim không nhận được lượng máu tối thiểu cần thiết.

Các triệu chứng của tái hẹp động mạch vành thường rất giống với các triệu chứng của tình trạng hẹp ban đầu trước khi điều trị. Các triệu chứng thường gặp là đau ngực và khó thở.

Huyết khối trong stent thường gây ra các triệu chứng đột ngột và nghiêm trọng. Cục máu đông thường gây tắc nghẽn hoàn toàn động mạch vành và máu không thể đến được tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim (đau tim).

Ngoài các triệu chứng của nhồi máu cơ tim, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng của biến chứng như suy tim.

Nguyên nhân gây tái hẹp động mạch vành

Nong mạch vành và đặt stent là một thủ thuật để điều trị hẹp mạch vành. Trong thủ thuật này, bác sĩ luồn một ống thông vào phần bị hẹp của động mạch vành, sau đó làm phồng quả bóng ở đầu ống thông để ép mảng xơ vữa vào thành động mạch, nhờ đó mở rộng lòng động mạch.

Quy trình này làm tổn thương thành động mạch một cách có chủ đích. Mô mới sẽ hình thành ở vị trí bị tổn thương và cuối cùng, khu vực này sẽ được bao phủ bởi một lớp tế bào mới khỏe mạnh (nội mạc động mạch).

Do thành động mạch có tính đàn hồi nên sẽ dần co trở về trạng thái ban đầu sau khi được mở rộng. Điều này dẫn đến tái hẹp. Ngoài ra, tình trạng tái hẹp động mạch còn có thể xảy ra do mô mới phát triển quá mức ở thành động mạch.

Stent kim loại trần hay còn gọi là stent kim loại thường (bare metal stent) là loại stent được thiết kế để giảm nguy cơ tái hẹp động mạch.

Stent kim loại trần được đặt dọc theo thành động mạch khi động mạch được nong bằng bóng và ngăn không cho thành động mạch co lại nhưng tổn thương vẫn làm cho mô mới hình thành ở thành động mạch. Khi thành động mạch hình thành quá nhiều mô mới, động mạch sẽ bị tái hẹp.

Stent phủ thuốc (drug-eluting stent) là loại stent được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Loại stent này làm giảm đáng kể nguy cơ tái hẹp động mạch. Theo một báo cáo được công bố trên tạp chí American Family Physician, tỷ lệ tái hẹp động mạch vành là 40% ở những trường hợp nong mà không đặt stent, 30% ở những người đặt stent kim loại trần và 10% ở những người đặt stent phủ thuốc.

Xơ vữa động mạch cũng có thể gây ra tình trạng tái hẹp động mạch vành. Stent phủ thuốc giúp ngăn tái hẹp động mạch vành do sự hình thành mô mới nhưng không giải quyết được nguyên nhân gây ra tình trạng hẹp động mạch ban đầu.

Nếu các yếu tố nguy cơ chưa được giải quyết thì mảng xơ vữa sẽ tiếp tục tích tụ trong động mạch vành sau khi đặt stent và dẫn đến tái hẹp.

Cục máu đông hay huyết khối có thể hình thành khi các yếu tố đông máu trong máu tiếp xúc với một vật thể lạ được đưa vào từ bên ngoài như stent. Tuy nhiên, theo Viện Tim Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ (the National Heart Lung and Blood Institute), chỉ có khoảng 1% số trường hợp đặt stent động mạch vành bị huyết khối trong stent.

Sau bao lâu thì động mạch bị tái hẹp?

Tình trạng tái hẹp thường xảy ra sau khoảng từ 3 đến 6 tháng sau điều trị. Sau khi qua một năm, nguy cơ tái hẹp do phát triển mô mới quá mức là rất thấp.

Tái hẹp động mạch do bệnh mạch vành thường xảy ra muộn hơn, đa phần là sau ít nhất một năm kể từ khi điều trị. Chừng nào các yếu tố nguy cơ chưa được giải quyết thì người bệnh vẫn có nguy cơ bị tái hẹp động mạch.

Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ, hầu hết các trường hợp huyết khối trong stent xảy ra trong vài tháng đầu sau khi đặt stent nhưng tình trạng này cũng có thể xảy ra muộn hơn, có thể lên đến một năm sau khi đặt stent. Uống thuốc làm loãng máu là một cách để giảm nguy cơ huyết khối trong stent.

Phương pháp chẩn đoán tái hẹp động mạch vành

Khi người bệnh có những dấu hiệu tái hẹp động mạch vành, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh sau đây sẽ được thực hiện để xác định vị trí và mức độ hẹp động mạch:

  • Chụp mạch vành. Thuốc cản quang được tiêm vào động mạch và làm cho động mạch nổi rõ trên phim chụp X-quang. Qua đó, bác sĩ sẽ phát hiện được tình trạng tái hẹp và đánh giá được mức độ hẹp.
  • Siêu âm trong lòng mạch. Đưa ống thông vào động mạch rồi luồn đầu dò siêu âm vào ống thông. Đầu dò phát ra sóng âm rồi thu sóng âm phản xạ lại, từ đó tạo ra hình ảnh bên trong động mạch.
  • Chụp cắt lớp quang học. Sử dụng ống thông phát ra sóng ánh sáng để tạo ra hình ảnh có độ phân giải cao bên trong động mạch.

Điều trị tái hẹp động mạch

Nếu tái hẹp động mạch vành không gây ra triệu chứng thì thường không cần điều trị.

Khi xuất hiện triệu chứng thì cần điều trị ngay để ngăn động mạch vành tắc nghẽn hoàn toàn và dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Trong những trường hợp chưa đặt stent, phương pháp điều trị tái hẹp động mạch vành thường là nong mạch vành và đặt stent phủ thuốc.

Tái hẹp trong stent thường được điều trị bằng cách thay stent khác (thường là stent phủ thuốc) hoặc nong mạch bằng bóng. Bóng nong cũng được phủ loại thuốc có trong stent để ngăn phát triển mô quá mức.

Nếu tình trạng tái hẹp động mạch vành tiếp tục xảy ra thì sẽ phải phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Nếu người bệnh không muốn tiếp tục phẫu thuật hoặc tình trạng sức khỏe không cho phép trải qua phẫu thuật nhiều lần thì có thể chỉ dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng.

Huyết khối trong stent là một tình trạng nguy hiểm cần cấp cứu. Có tới 40% số trường hợp huyết khối trong stent bị tử vong. Tùy vào các triệu chứng và biến chứng mà bác sĩ sẽ tiến hành điều trị đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim. Thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành can thiệp mạch vành qua da để mở rộng động mạch vành, khôi phục lưu thông máu và giảm thiểu tổn thương tim.

Tốt hơn hết nên cố gắng không để tình trạng huyết khối trong stent xảy ra. Để ngăn ngừa tình trạng này, người bệnh sẽ phải uống aspirin liều thấp hàng ngày, có thể cần kết hợp thêm các thuốc làm loãng máu khác như clopidogrel, prasugrel hoặc ticagrelor.

Những loại thuốc này được dùng trong thời gian tối thiểu là một tháng nhưng thường là một năm hoặc lâu hơn sau khi đặt stent.

Tiên lượng và phòng ngừa tái hẹp động mạch vành

Công nghệ hiện đại giúp làm giảm đáng kể nguy cơ tái hẹp động mạch vành do mô phát triển quá mức sau khi nong mạch và đặt stent.

Hãy đi khám ngay khi thấy các triệu chứng hẹp động mạch vành quay trở lại sau khi điều trị. Đó rất có thể là dấu hiệu cho thấy động mạch vành đang bị tái hẹp.

Không có cách nào có thể ngăn ngừa tình trạng tái hẹp động mạch vành do sự phát triển mô quá mức. Tuy nhiên, có nhiều cách để ngăn tái hẹp động mạch do bệnh động mạch vành.

Hãy duy trì lối sống lành mạnh, gồm có không hút thuốc, chế độ ăn uống tốt cho tim mạch và tập thể dục đều đặn. Những điều này giúp làm giảm nguy cơ tích tụ mảng xơ vữa trong động mạch.

Nguy cơ bị huyết khối trong stent rất thấp, đặc biệt là khi đã đặt stent được một tháng hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, không giống như tái hẹp trong stent, huyết khối trong stent thường rất nghiêm trọng và gây ra các triệu chứng đột ngột do nhồi máu cơ tim.

Đó là lý do tại sao cần dùng thuốc làm loãng máu đều đặn để ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong stent.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh Buerger (viêm thuyên tắc mạch máu) điều trị bằng cách nào?
Bệnh Buerger (viêm thuyên tắc mạch máu) điều trị bằng cách nào?

Bệnh Buerger hay viêm thuyên tắc mạch máu là một bệnh hiếm gặp xảy ra ở động mạch và tĩnh mạch ở tay và chân. Ở những người mắc bệnh lý này, các mạch máu bị viêm, sưng và có thể bị tắc nghẽn do cục máu đông (huyết khối). Điều này làm gián đoạn sự lưu thông máu đến da, làm hỏng mô da và có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc hoại thư. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh Buerger thường xuất hiện ở bàn tay và bàn chân rồi cuối cùng lan rộng ra trên cánh tay và cẳng chân.

Teo van động mạch phổi: Triệu chứng và cách điều trị
Teo van động mạch phổi: Triệu chứng và cách điều trị

Teo van động mạch phổi là một dạng dị tật bẩm sinh, trong đó van động mạch phổi (van tim nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi) không hình thành mà thay vào đó tim được ngăn cách với động mạch phổi bởi một lớp mô rắn. Teo van động mạch phổi thường được phát hiện ngay sau khi sinh.

Còn ống động mạch: Triệu chứng, biến chứng và cách điều trị
Còn ống động mạch: Triệu chứng, biến chứng và cách điều trị

Ống động mạch là một phần trong hệ tuần hoàn của thai nhi, có chức năng nối hai mạch máu chính dẫn máu từ tim là động mạch chủ và động mạch phổi trong thời kỳ bào thai và đóng lại trong vòng vài ngày sau khi sinh. Nếu cấu trúc này vẫn mở sau khi sinh thì được gọi là còn ống động mạch.

Bệnh động mạch ngoại biên: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh động mạch ngoại biên: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh động mạch ngoại biên là một bệnh lý phổ biến trong đó động mạch bị hẹp làm giảm lưu lượng máu đến cánh tay hoặc chân.

Hẹp van động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Hẹp van động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Hẹp van động mạch chủ xảy ra khi van động mạch chủ bị thu hẹp và không mở ra như bình thường. Tình trạng này có thể gây đau ngực và khó thở, đặc biệt là sau khi gắng sức.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây