Rung thất là gì? Có nguy hiểm không?
Rung thất cần được can thiệp điều trị khẩn cấp. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây đột tử do tim. Các phương pháp điều trị rung thất khẩn cấp gồm có hồi sinh tim phổi (CPR) và sốc tim bằng một thiết bị gọi là máy khử rung tự động bên ngoài. Sau đó, bệnh sẽ cần dùng thuốc, cấy thiết bị hỗ trợ tim hoặc phẫu thuật để ngăn ngừa rung thất tái phát trong tương lai.
Triệu chứng rung thất
Ngất xỉu là triệu chứng phổ biến nhất của rung thất.
Các dấu hiệu cảnh báo
Trước khi cơn rung thất xảy ra, bệnh nhân thường có các dấu hiệu và triệu chứng của nhịp tim nhanh hoặc thất thường. Những dấu hiệu cảnh báo rung thất gồm có:
- Đau ngực
- Tim đập rất nhanh
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Hụt hơi
Khi nào cần đi khám?
Đi khám nếu nhận thấy tim đập nhanh hoặc mạnh bất thường mà không rõ nguyên nhân.
Nếu thấy có người ngất xỉu, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức và sau đó làm theo các bước sau đây:
- Kiểm tra mạch nếu người đó bất tỉnh.
- Nếu không có mạch, hãy bắt đầu hồi sinh tim phổi để giúp máu lưu thông trong cơ thể trong khi chờ máy khử rung tự động bên ngoài. Chỉ nên tiến hành ép tim ngoài lồng ngực bằng cách ấn mạnh và nhanh lên ngực của nạn nhân khoảng 100 đến 120 lần một phút. Không cần thiết phải kiểm tra đường thở và hô hấp nhân tạo. Tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực cho đến khi nhân viên y tế đến.
- Sử dụng máy khử rung tự động bên ngoài ngay khi có máy. Thực hiện theo chỉ dẫn của thiết bị.
Nguyên nhân gây rung thất
Để hiểu nguyên nhân gây rung thất, trước hết cần biết tim co bóp và bơm máu cho cơ thể như thế nào.
Hoạt động của tim khỏe mạnh
Tim gồm có bốn ngăn, hai ngăn trên gọi là tâm nhĩ và hai ngăn dưới gọi là tâm thất.
Nhịp tim bình thường được điều hòa bởi nút xoang – một bộ phận nằm ở buồng trên bên phải của tim (tâm nhĩ phải). Nút xoang truyền đi các tín hiệu điện để bắt đầu mỗi nhịp tim. Các tín hiệu điện này truyền qua tâm nhĩ, làm cho cơ tim co bóp và đẩy máu vào tâm thất.
Tiếp theo, các tín hiệu điện di chuyển đến một cụm tế bào gọi là nút nhĩ thất hay nút AVvà tại đây các tín hiệu hoạt động chậm lại. Điều này làm cho máu chảy vào tâm thất. Khi các tín hiệu điện đến tâm thất, tâm thất sẽ co bóp và bơm máu đến phổi hoặc đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Ở những người có tim khỏe mạnh bình thường, quá trình truyền tín hiệu này diễn ra liền mạch, không gián đoạn và nhịp tim khi nghỉ ngơi, không vận động là 60 đến 100 nhịp mỗi phút.
Tim khi rung thất
Rung thất xảy ra do tín hiệu điện của tim có vấn đề hoặc do gián đoạn sự lưu thông máu đến cơ tim. Cũng có những trường hợp không xác định được nguyên nhân gây rung thất.
Các yếu tố nguy cơ
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ rung thất gồm có:
- Có tiền sử rung thất
- Tiền sử nhồi máu cơ tim
- Dị tật tim bẩm sinh
- Mắc bệnh cơ tim
- Tổn thương cơ tim, chẳng hạn như do bị giật điện hay sét đánh
- Sử dụng ma túy, đặc biệt là cocaine và methamphetamine
- Mất cân bằng kali hoặc magiê nghiêm trọng
Biến chứng của rung thất
Nếu không điều trị kịp thời, rung thất có thể gây tử vong chỉ trong vòng vài phút. Tình trạng nhịp tim nhanh, thất thường do rung thất khiến tim ngừng bơm máu cho cơ thể một cách đột ngột. Huyết áp sẽ giảm mạnh và nhanh. Cơ thể bị thiếu máu càng lâu thì nguy cơ tổn thương não và các cơ quan khác càng cao.
Rung thất là nguyên nhân phổ biến nhất gây đột tử do tim. Nguy cơ xảy ra các biến chứng về lâu dài khác của rung thất tùy thuộc vào thời điểm mà bệnh nhân được điều trị khi cơn rung thất xảy ra.
Chẩn đoán rung thất
Các phương pháp để chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây rung thất gồm có:
- Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Phương pháp này đo hoạt động điện của tim. Các điện cực được đặt trên ngực và đôi khi cả ở cánh tay và chân của bệnh nhân. Các điện cực được kết nối với máy tính - nơi hiển thị kết quả đo. Kết quả điện tâm đồ giúp phát hiện nhịp tim nhanh và nhịp tim chậm. Trong cơn rung thất, nhịp tim thường dao động trong khoảng 300 đến 400 nhịp mỗi phút.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp phát hiện các enzyme bị rò rỉ vào máu khi tim bị tổn thương do nhồi máu cơ tim.
- Chụp X-quang lồng ngực: Hình ảnh X-quang lồng ngực giúp bác sĩ kiểm tra kích thước và hình dạng của tim cũng như các mạch máu của tim.
- Siêu âm tim: Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn này sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh cho thấy kích thước, cấu trúc và chuyển động của tim.
- Chụp mạch vành: Một ống thông dài và hẹp được đưa qua động mạch ở bẹn đến động mạch tim, sau đó thuốc cản quang được tiêm qua ống thông để làm cho các động mạch hiển thị rõ hơn trên ảnh X-quang. Phương pháp này giúp kiểm tra xem động mạch vành có bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn hay không.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) tim: Trong quá trình chụp CT tim, bệnh nhân nằm trên bàn chụp và được đẩy vào bên trong lòng máy chụp. Máy chụp quét tia X xung quanh cơ thể và tạo ra hình ảnh của tim và ngực.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này sử dụng từ trường và sóng vô tuyến do máy tính tạo ra để cho ra hình ảnh chi tiết về sự lưu thông máu trong tim. Trong quá trình chụp MRI tim, bệnh nhân cũng nằm trên bàn chụp và được đưa vào trong lòng máy quét.
Điều trị rung thất
Rung thất cần được can thiệp điều trị khẩn cấp để ngăn ngừa đột tử do tim. Mục đích của các phương pháp điều trị khẩn cấp là khôi phục lưu thông máu càng nhanh càng tốt để tránh bị tổn thương não bộ và các cơ quan khác.
Các phương pháp điều trị rung thất khẩn cấp gồm có:
- Hồi sinh tim phổi (cardiopulmonary resuscitation - CPR): Hồi sinh tim phổi mô phỏng hoạt động co bóp của tim và giữ cho máu lưu thông trong cơ thể. Trước tiên, hãy gọi cấp cứu. Sau đó, bắt đầu hồi sinh tim phổi bằng cách ấn mạnh và nhanh lên ngực của bệnh nhân khoảng 100 đến 120 lần mỗi phút (ép tim ngoài lồng ngực). Chờ cho lồng ngực phồng lên hoàn toàn giữa mỗi lần ấn. Tiếp tục thực hiện cho đến khi có máy khử rung tự động bên ngoài (automated external defibrillator - AED) hoặc cho đến khi nhân viên cấp cứu đến.
- Khử rung tim: Phương pháp điều trị này còn được gọi là chuyển mạch. Máy khử rung tự động bên ngoài tạo ra sốc điện truyền qua thành ngực đến tim, giúp khôi phục nhịp tim bình thường. Ngay khi có máy khử rung tự động bên ngoài, hãy làm theo chỉ dẫn của máy hoặc chỉ dẫn của nhân viên y tế. Thiết bị này được lập trình để nhận biết rung thất và chỉ tạo ra sốc điện khi cần thiết.
Ngoài hồi sinh tim phổi và may khử rung tự động bên ngoài, bệnh nhân còn được điều trị bằng các phương pháp khác để ngăn ngừa rung thất tái phát và giảm nguy cơ biến chứng do rối loạn nhịp tim. Các phương pháp này gồm có dùng thuốc, cấy thiết bị y tế và phẫu thuật.
Điều trị bằng thuốc
Những người bị rung thất cần dùng thuốc chống loạn nhịp tim để kiểm soát nhịp tim. Những loại thuốc này có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị khẩn cấp hoặc lâu dài. Đối với những người có nguy cơ bị rung thất hoặc đột tử do tim, bác sĩ cũng kê thuốc chống loạn nhịp tim để làm giảm và điều hòa nhịp tim.
Các thủ thuật và phẫu thuật điều trị rung thất
Các thủ thuật và phẫu thuật để điều trị rung thất gồm có:
- Cấy máy khử rung tim: Máy khử rung tim cấy ghép (implantable cardioverter-defibrillator - ICD) là một thiết bị y tế được cấy ở dưới da có tác dụng theo dõi nhịp tim. Nếu phát hiện nhịp tim bất thường, thiết bị sẽ tạo ra sốc điện để khôi phục nhịp tim bình thường. Thiết bị này chạy bằng pin và được cấy gần xương đòn trái trong ca phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Máy khử rung tim cấy ghép gồm có một hoặc nhiều dây dẫn được luồn qua các tĩnh mạch đến tim.
- Triệt đốt qua ống thông: Phương pháp điều trị này sử dụng nhiệt hoặc áp lạnh để tạo ra vết sẹo nhỏ trong mô tim nhằm chặn các tín hiệu điện bất thường gây rung thất. Triệt đốt qua ống thông thường được thực hiện bằng thủ thuật thông tim (sử dụng ống thông đưa qua các tĩnh mạch hoặc động mạch đến tim) hoặc cũng có thể thực hiện trong khi phẫu thuật tim.
- Nong mạch vành và đặt stent: Nếu rung thất là do nhồi máu cơ tim, thủ thuật nong mạch vành và đặt stent sẽ giúp làm giảm nguy cơ rung thất tái phát trong tương lai.
Bác sĩ đưa ống thông qua một động mạch, thường là động mạch ở bẹn đến động mạch bị tắc nghẽn ở tim. Khi ống thông đến đúng vị trí, quả bóng gắn ở đầu ống thông được làm phồng lên trong thời gian ngắn để mở rộng động mạch và khôi phục lưu thông máu đến tim. Sau đó, bác sĩ đặt stent (ống lưới nhỏ bằng kim loại) vào động mạch để giữ cho lòng động mạch luôn mở rộng.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Phương pháp phẫu thuật tim hở này giúp cải thiện lưu thông máu đến tim. Bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật bắc cầu động mạch vành trong những trường hợp nguyên nhân gây rung thất là do bệnh mạch vành. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ lấy một đoạn mạch máu khỏe mạnh ở chân, cánh tay hoặc ngực của bệnh nhân và nối vào gần đoạn động mạch bị tắc nghẽn trong tim để tạo ra con đường mới cho máu chảy qua.
Thay đổi lối sống
Sau khi điều trị rung thất, bệnh nhân cần thực hiện một số thay đổi trong lối sống để bảo vệ sức khỏe tim mạch:
- Ăn uống lành mạnh: Ăn các loại thực phẩm tốt cho tim mạch như trái cây, rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các nguồn protein nạc như đậu nành, các loại đậu, các loại hạt, cá, thịt gia cầm bỏ da và các sản phẩm từ sữa ít béo. Cắt giảm tối đa lượng muối (natri), đường và chất béo bão hòa trong chế độ ăn.
- Tập thể dục đều đặn: Dành ít nhất 150 phút tập cardio cường độ vừa phải hoặc 75 phút tập cường độ cao mỗi tuần hoặc kết hợp cả hai mức cường độ. Nên chia đều thời lượng tập vào các ngày trong tuần.
- Không hút thuốc: Hút thuốc rất có hại cho sức khỏe tim mạch. Nếu bạn đang hút thuốc hay dùng bất kỳ dạng thuốc lá nào khác thì hãy bỏ càng sớm càng tốt và ngoài ra cố gắng tránh tiếp xúc với khói thuốc.
- Duy trì huyết áp và nồng độ cholesterol khỏe mạnh: Giảm cân nếu thừa cân và duy trì mức cân nặng khỏe mạnh giúp kiểm soát huyết áp và cholesterol. Nếu bị cao huyết áp và có chỉ số cholesterol cao, hãy dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để hạ huyết áp và giảm cholesterol trong máu.
- Hạn chế uống rượu: Uống quá nhiều rượu sẽ gây hại cho tim. Nam giới khỏe mạnh dưới 65 tuổi không uống quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày, phụ nữ và nam giới khỏe mạnh trên 65 tuổi không uống quá 1 đơn vị cồn mỗi ngày. (1 đơn vi cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất, đọc thông tin ghi trên nhãn các loại đồ uống có cồn để biết lương cồn có trong sản phẩm).
Khám sức khỏe định kỳ: Hãy uống thuốc theo đúng chỉ định và tái khám định kỳ để theo dõi sức khỏe tim mạch. Đi khám ngay nếu nhận thấy các triệu chứng xấu đi.
Việc bổ sung collagen có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, từ tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm đau khớp cho đến cải thiện làn da.
Phì đại thất trái là tình trạng thành của tâm thất trái dày lên và giãn ra. Thành tim dày lên sẽ mất tính đàn hồi và làm giảm khả năng bơm máu của tim.
Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ. Những người bị rung nhĩ có thể cần dùng thuốc làm loãng máu để giảm nguy cơ.
Thông liên thất là một dạng dị tật tim bẩm sinh phổ biến, trong đó vách ngăn giữa các buồng dưới của tim (tâm thất) có lỗ thông bất thường, khiến cho máu chảy từ tâm thất trái sang tâm thất phải. Sau đó, máu giàu oxy sẽ được bơm trở lại phổi thay vì được vận chyển đi khắp cơ thể, điều này khiến tim phải làm việc nhiều hơn.
Đau nhức ở chân là cảm giác thường gặp ở hầu hết tất cả mọi người. Nguyên nhân có thể do chuột rút tạm thời, viêm khớp mãn tính, chấn thương cơ, hoặc tổn thương thần kinh kéo dài. Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, đau chân có thể là do bệnh động mạch ngoại biên (PAD), một dấu hiệu sớm của bệnh tim mạch. Dưới đây là mối liên hệ giữa sức khỏe tim mạch và tình trạng đau chân, giúp bạn xác định được liệu đau chân có phải là dấu hiệu của vấn đề tim mạch nghiêm trọng hay không.