Axit béo omega-3 có thể giúp trị mụn trứng cá
Bất kể là ở độ tuổi nào, tình trạng mụn trứng cá dai dẳng cũng vẫn gây khó chịu. Có nhiều cách để trị mụn, từ thay đổi chế độ ăn uống cho đến dùng các loại thuốc dạng uống và thực phẩm chức năng. Một trong các cách đó là bổ sung omega-3.
Axit béo omega-3 là một loại chất béo không bão hòa đa vẫn được biết đến với nhiều lợi ích cho sức khỏe như ngăn ngừa bệnh tim mạch và cải thiện sự phát triển trí não.
Có ba loại axit béo omega-3 chính là:
- Axit eicosapentaenoic (EPA)
- Axit docosahexaenoic (DHA)
- Axit alpha-linolenic (ALA)
EPA và DHA có chủ yếu trong cá và dầu cá còn ALA có trong các loại hạt như óc chó hay hạt chia. Omega-3 là nhóm axit béo thiết yếu, có nghĩa là cơ thể phải lấy từ thức ăn hoặc thực phẩm chức năng chứ không thể tự tạo ra.
Bên cạnh các lợi ích chính, omega-3 còn được cho là có thể giúp trị mụn trứng cá nhờ có tác dụng chống viêm.
Nguyên nhân gây mụn trứng cá
Mụn trứng cá là một vấn đề về da do viêm và thường có biểu hiện là các tổn thương sưng đỏ, đau và có chứa mủ trên da. Mụn trứng cá chủ yếu xuất hiện trên mặt, lưng, vai và ngực. Mụn trứng cá có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở độ tuổi vị thành niên.
Thông thường, mụn trứng cá hình thành là do sự tích tụ vi khuẩn và dầu thừa (bã nhờn) gây bít tắc lỗ chân lông. Điều này kích hoạt phản ứng viêm của cơ thể, kết quả là lỗ chân lông có chứa mủ, vùng mô xung quanh sưng lên và đau đớn mỗi khi chạm phải.
Những vùng tổn thương này làm tăng hoạt động của các chất trung gian gây viêm trên da, chẳng hạn như interleukin-1 và sau đó các chất này kích hoạt một loạt phản ứng viêm.
Trước đây, người ta cho rằng chỉ có một số loại mụn trứng cá liên quan đến phản ứng viêm, nhưng nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy phản ứng viêm là nguyên nhân gây ra hầu hết các loại mụn trứng cá.
Tuy nhiên, viêm không phải là yếu tố duy nhất gây nổi mụn. Những yếu tố khác cũng góp phần vào sự hình thành mụn trứng cá gồm có:
- Nội tiết tố
- Thuốc men
- Căng thẳng
- Tuổi tác
- Ô nhiễm
- Độ ẩm không khí
- Chế độ ăn uống
Tóm tắt: Mụn là vấn đề về da do viêm, xảy ra do phản ứng của cơ thể khi lỗ chân lông bị bít tắc bởi vi khuẩn và dầu thừa. Ngoài phản ứng viêm, một số yếu tố khác cũng góp phần gây mụn trứng cá còn có nội tiết tố, căng thẳng và chế độ ăn uống.
Axit béo omega-3 có thể làm giảm mụn trứng cá
Do nguyên nhân gốc rễ gây mụn là phản ứng viêm mà omega-3 lại có tác dụng chống viêm nên loại axit béo này được cho là có thể giúp ngăn ngừa hoặc trị mụn.
Tác dụng giảm viêm của omega-3
Axit béo omega-3, đặc biệt là EPA và DHA, có tác dụng chống viêm.
Trong một nghiên cứu nhỏ, những người tham gia bị mụn trứng cá có nồng độ EPA trong máu thấp hơn và nồng độ một số chất chỉ điểm phản ứng viêm cao hơn so với những người không bị mụn. (1)
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu bổ sung EPA hoặc các loại omega-3 khác có giúp ngăn ngừa và trị mụn trứng cá hay không.
Một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên được thực hiện ở 45 người bị mụn trứng cá nhẹ đến vừa cho thấy rằng uống bổ sung 2.000mg EPA và DHA kết hợp hàng ngày trong vòng 10 tuần giúp làm giảm đáng kể tình trạng mụn trứng cá, cả mụn viêm và không viêm.
Trong một nghiên cứu được thực hiện ở 13 người bị mụn viêm, tình trạng mụn lại không có sự thay đổi đáng kể sau 12 tuần uống dầu cá có chứa 930mg EPA.
Trong khi một số người tham gia nhận thấy có sự cải thiện nhẹ thì tình trạng mụn của những người khác thậm chí còn trở nên nặng hơn sau khi dùng dầu cá. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy hiệu quả của việc bổ sung omega-3 đối với mụn trứng cá còn phụ thuộc vào cơ địa từng người, loại omega-3, loại mụn và các yếu tố không xác định khác.
Nhìn chung, các nghiên cứu về vai trò của axit béo omega-3 trong điều trị mụn trứng cá vẫn còn hạn chế và cần có nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để làm rõ.
Omega-3 từ thực phẩm tự nhiên và thực phẩm chức năng
Hầu hết các nghiên cứu về việc sử dụng omega-3 trong điều trị mụn đều sử dụng thực phẩm chức năng mà chủ yếu là các sản phẩm chứa EPA và DHA. Thực phẩm chức năng ALA chưa được nghiên cứu về công dụng trị mụn.
Cũng chưa có nghiên cứu nào về lợi ích của việc tăng lượng omega-3 trong chế độ ăn uống đối với tình trạng mụn trứng cá.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu quan sát cho thấy rằng những người ăn nhiều thực phẩm giàu omega-3 ít bị mụn hơn so với những người không thường xuyên ăn những thực phẩm này. (2)
Ví dụ, theo một nghiên cứu được thực hiện ở 500 bệnh nhân của các phòng khám da liễu thì những người ăn cá ít nhất một lần mỗi tuần có nguy cơ bị mụn trứng cá từ vừa đến nặng thấp hơn 32% so với những người ít ăn cá. Cá, đặc biệt là các loại cá chứa dầu như cá hồi, là nhóm thực phẩm giàu axit béo omega-3 nhất trong chế độ ăn uống.
Mặc dù những kết quả nghiên cứu này cho thấy rằng ăn nhiều cá có thể giúp ngăn ngừa mụn nhưng lại chưa lý giải được omega-3 và các loại thực phẩm chứa omega-3 tác động đến tình trạng mụn như thế nào.
Tóm tắt: Vì mụn trứng cá là do phản ứng viêm và omega-3 có công dụng giảm viêm nên axit béo này được cho là sẽ giúp ngăn ngừa hoặc trị mụn. Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung omega-3 làm giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng mụn nhưng một số khác lại cho kết quả trái ngược. Do đó, vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về chủ đề này.
Tác dụng phụ của omega-3
Việc dùng thực phẩm chức năng omega-3 để trị mụn trứng cá có thể gây ra một số tác dụng phụ.
Ví dụ, trong nghiên cứu ở 13 người được nói đến ở phần trên, 4 người bị mụn nhẹ đã nhận thấy tình trạng mụn trở nên nặng hơn sau 12 tuần dùng thực phẩm chức năng EPA. Trong khi đó, những người bị mụn trứng cá từ vừa đến nặng đã giảm mụn sau một thời gian uống omega-3.
Tác dụng của omega-3 đối với mụn trứng cá phụ thuộc rất nhiều vào cơ thể mỗi người. Vì nghiên cứu về chủ đề này còn hạn chế nên chưa thể kết luận những ai nên bổ sung omega-3 để trị mụn và những ai nên tránh.
Thực phẩm chức năng omega-3 còn có các tác dụng phụ khác.
Dầu cá là loại thực phẩm chức năng omega-3 phổ biến nhất và các tác dụng phụ thường gặp khi dùng dầu cá gồm có:
- Hơi thở có mùi khó chịu
- Mồ hôi có mùi tanh
- Miệng có vị tanh
- Đau đầu
- Ợ nóng
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
Tuy vậy nhưng dầu cá nói chung là an toàn. Đa số mọi người dùng dầu cá đều không gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng.
Tóm tắt: Uống omega-3 có thể làm mụn trứng cá nặng thêm ở một số người nhưng số lượng nghiên cứu về chủ đề này chưa có nhiều nên chưa thể kết luận. Bổ sung omega-3 từ dầu cá có thể gây ra một số tác dụng phụ nhẹ.
Nên bổ sung omega-3 bằng cách nào?
Mặc dù một số nghiên cứu đã cho kết quả đầy hứa hẹn nhưng đến nay mới chỉ có rất ít nghiên cứu về tác dụng trị mụn của omega-3 trong cá và các loại thực phẩm chức năng như dầu cá. Đó là lý do tại sao chưa có khuyến nghị chính thức nào về việc dùng omega-3 trong điều trị mụn trứng cá.
Viện Da liễu Hoa Kỳ (American Academy of Dermatology) không khuyến khích uống dầu cá hay các loại thực phẩm chức năng omega-3 khác để trị mụn. (3)
Nếu bị mụn và muốn tăng lượng axit béo omega-3 thì tốt nhất nên ăn nhiều cá, nhất là các loài cá có dầu. Cố gắng ăn ít nhất 230 gram cá mỗi tuần. Cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi và cá cơm đều là những nguồn cung cấp axit béo omega-3 dồi dào.
Trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai nên thận trọng khi ăn cá biển vì thủy ngân trong một số loài cá sẽ gây hại cho não và hệ thần kinh của thai nhi và trẻ sơ sinh. Hãy chọn những loại cá có lượng thủy ngân thấp như cá hồi, cá tuyết, cá da trơn, cá mòi, cá cơm,…
Axit béo omega-3 ALA có trong một số loại thực phẩm từ thực vật như hạt lanh, hạt chia và quả óc chó. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu cho thấy lợi ích trị mụn của omega-3 đều sử dụng EPA và DHA.
Tóm tắt: Hiện chưa có khuyến nghị chính thức về việc sử dụng omega-3 để trị mụn trứng cá. Ăn nhiều cá, hạt lanh, hạt chia và quả óc chó sẽ giúp tăng cường lượng omega-3 mà không cần phải dùng thực phẩm chức năng.
Tóm tắt bài viết
Mụn trứng cá là một vấn đề về da do viêm. Axit béo omega-3, đặc biệt là EPA và DHA, đã được chứng minh là có khả năng chống viêm và vì vậy nên đã được nghiên cứu về tác dụng trong điều trị mụn trứng cá.
Tuy nhiên, số lượng nghiên cứu về chủ đề này còn quá ít và mới chỉ tập trung vào thực phẩm chức năng chứ không phải thực phẩm giàu omega-3 tự nhiên. Các nghiên cứu cũng chưa cho kết quả thống nhất. Do đó, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn để làm rõ vai trò của axit béo omega-3 trong điều trị mụn trứng cá.
Xem thêm:
Có nhiều loại mụn trứng cá, gồm có mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn mủ, mụn bọc và mụn nang… Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà mụn trứng cá được điều trị bằng các phương pháp khác nhau, chẳng hạn như sử dụng một số loại vitamin và khoáng chất.
Biotin có tác động như thế nào đến làn da và liệu việc uống biotin sẽ giúp cải thiện hay làm trầm trọng thêm tình trạng mụn trứng cá cũng như là các vấn đề vềMặc dù có tác dụng duy trì làn da khỏe mạnh nhưng cũng có ý kiến cho rằng thường xuyên bổ sung biotin có thể gây nổi mụn trứng cá. Điều này có đúng hay không? da khác?
Axit béo omega-3 có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe. Loại axit béo này mang lại nhiều lợi ích như giảm nồng độ triglyceride, chống viêm, giảm mỡ trong gan, cải thiện triệu chứng trầm cảm và giảm nguy cơ ung thư.
Axit béo omega-3 là một loại chất béo rất cần thiết cho nhiều quá trình diễn ra trong cơ thể. Tuy nhiên, nhiều người còn chưa hiểu rõ loại axit béo này là gì, có những loại nào và có vai trò ra sao đối với cơ thể.
Lượng omega-3 mà mỗi người cần cung cấp cho cơ thể mỗi ngày phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, thời kỳ mang thai và cho con bú cũng như là tình trạng sức khỏe.
- 0 trả lời
- 86 lượt xem