9 lầm tưởng phổ biến về HIV/AIDS
HIV là một loại virus tấn công các tế bào của hệ miễn dịch (cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lại bệnh tật). Virus này phá hủy một loại tế bào bạch cầu là tế bào T hỗ trợ (T-helper cell) hay còn được gọi là tế bào CD4 và sử dụng các tế bào này để tạo bản sao của chính virus.
Khi HIV phá hủy nhiều tế bào CD4 và nhân lên thì sẽ dần dần làm suy yếu hệ miễn dịch. Nếu không được điều trị thì cơ thể người bệnh sẽ ngày càng khó chống lại nhiễm trùng và bệnh tật, cuối cùng bước sang giai đoạn AIDS – giai đoạn cuối của HIV.
Mặc dù trong một số trường hợp, phải sau khoảng từ 10 đến 15 năm thì hệ miễn dịch mới bị tổn hại nghiêm trọng đến mức không thể tự bảo vệ và chuyển sang giai đoạn AIDS nhưng tốc độ tiến triển của HIV ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi, nền tảng sức khỏe và lối sống.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), trên thế giới có khoảng 38 triệu người đang sống chung với HIV. Mặc dù y học đã có nhiều tiến bộ trong việc kiểm soát HIV và nguồn thông tin về loại virus này đã rất phổ biến nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu đúng.
Bài viết này sẽ tổng hợp 9 lầm tưởng phổ biến nhất của mọi người về HIV/AIDS.
Lầm tưởng số 1: Nhiễm HIV sẽ dẫn đến tử vong
Trước đây, việc bị chẩn đoán nhiễm HIV chẳng khác nào bị tuyên án tử vì virus này tàn phá hệ miễn dịch cơ thể và khiến người bệnh tử vong dù chỉ mắc những bệnh đơn giản mà người thường có thể dễ dàng chống lại được. Tuy nhiên, hiện nay nhờ những tiến bộ trong y học mà những người dương tính với HIV vẫn hoàn toàn có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh, bình thường
Nếu phát hiện từ sớm và dùng thuốc kháng virus (thuốc ARV) đều đặn thì sẽ có thể ức chế sự phát triển của HIV, làm giảm sự tấn công của virus lên hệ miễn dịch và duy trì sức khỏe cho người bệnh. Đã có một số nghiên cứu cho thấy những người sống chung với HIV và điều trị tốt có tuổi thọ không thua kém những người không bị HIV.
Lầm tưởng số 2: Có thể nhận biết được người bị HIV/AIDS từ bên ngoài
Khi một người bị nhiễm HIV, các triệu chứng thường không biểu hiện rõ rệt. Trong giai đoạn đầu hay giai đoạn cấp tính, các triệu chứng cũng tương tự như một số bệnh thông thường khác, chẳng hạn như sốt, mệt mỏi hoặc đau rát họng. Hơn nữa, các triệu chứng này cũng thường chỉ kéo dài vài tuần là tự biến mất.
Nhờ sự ra đời của thuốc kháng virus, HIV có thể được kiểm soát một cách hiệu quả. Những người nhiễm HIV và điều trị bằng thuốc đều đặn sẽ vẫn tương đối khỏe mạnh và trông không khác gì người bình thường.
Các biểu hiện mà mọi người vẫn thường nhắc đến về HIV như lở loét, người gầy gò, xanh xao thực ra là triệu chứng của những bệnh liên quan đến AIDS – giai đoạn cuối của HIV. Tuy nhiên, khi tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng virus thì những triệu chứng này sẽ không bao giờ xuất hiện.
Lầm tưởng thứ 3: Chỉ có người đồng tính mới bị HIV/AIDS
Đúng là những nam giới có quan hệ tình dục đồng tính có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS cao hơn.
Tuy nhiên, vì HIV lây truyền qua cả quan hệ tình dục đường âm đạo nên những người quan hệ tình dục khác giới cũng hoàn toàn có thể bị nhiễm virus này.
Lầm tưởng thứ 4: Những trẻ có mẹ nhiễm HIV chắc chắn cũng bị HIV
Bất cứ ai có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV đều cần điều trị ngay bằng thuốc ARV. Điều này lại càng quan trọng với những phụ nữ nhiễm HIV và có ý định mang thai. Do phương pháp điều trị HIV đã có nhiều tiến bộ lớn trong những năm gần đây nên nếu một phụ nữ uống thuốc ARV đều đặn hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ trong suốt thời gian mang thai (cả khi chuyển dạ sinh nở) và tiếp tục dùng thuốc cho con trong 4 đến 6 tuần sau khi sinh thì nguy cơ lây truyền HIV sang con sẽ rất thấp, chỉ khoảng 1% hoặc thậm chí thấp hơn.
Cũng có nhiều cách khác để người mẹ nhiễm HIV có thể giảm nguy cơ lây truyền bệnh sang con trong trường hợp tải lượng virus cao hơn dự tính, chẳng hạn như chọn phương pháp sinh mổ thay vì sinh thường hoặc cho trẻ uống sữa công thức thay vì sữa mẹ sau khi sinh.
Những phụ nữ không bị HIV nhưng có chồng bị HIV và đang muốn mang thai nên điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Đây là phương pháp dùng thuốc kháng virus hàng ngày để giảm khả năng nhiễm HIV khi tiếp xúc với virus. Điều này giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người mẹ và thai nhi. Đối với nam giới nhiễm HIV và đang dùng thuốc ARV đều đặn, nguy cơ lây truyền là gần như bằng 0 nếu tải lượng virus ở mức không thể phát hiện được.
Lầm tưởng thứ 5: HIV luôn dẫn đến AIDS
HIV là loại virus gây ra bệnh AIDS hay hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Nhưng điều này không có nghĩa là tất cả những người dương tính với HIV đều sẽ bị AIDS. AIDS là tình trạng suy giảm chức năng miễn dịch nghiêm trọng, xảy ra do HIV không được điều trị và tàn phá cơ thể theo thời gian. Lúc này, đáp ứng miễn dịch của người bệnh bị suy yếu và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Tuy nhiên, có thể ngăn ngừa được AIDS bằng cách điều trị sớm khi bị nhiễm HIV.
Việc dùng thuốc kháng virus đều đặn sẽ kiểm soát được HIV trong cơ thể và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh trong thời gian dài, giúp người bệnh không bao giờ chuyển sang giai đoạn AIDS và không mắc phải các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Lầm tưởng số 6: Thuốc ARV có thể chữa khỏi HIV
Mặc dù lĩnh vực y học đã có rất nhiều tiến bộ trong việc điều trị HIV nhưng hiện vẫn chưa thể chữa khỏi dứt điểm khi bị nhiễm loại virus này. Các thuốc ARV chỉ có thể ức chế virus và ngăn chúng gây tổn hại đến hệ miễn dịch của người bệnh chứ không thể tiêu diệt được một cách hoàn toàn. Ở một số người, HIV vẫn gây ra các vấn đề sức khỏe và nguy cơ tử vong vẫn khá cao.
Nguy cơ nhiễm HIV và mức độ ảnh hưởng của virus đến cơ thể ở mỗi người là nhau, tùy theo độ tuổi, giới tính, khuynh hướng tính dục, lối sống và cách điều trị.
Lầm tưởng số 7: Nếu dùng PrEP thì không cần sử dụng bao cao su nữa
PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm) là phương pháp dùng thuốc kháng virus hàng ngày để làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho những người chưa bị nhiễm nhưng có nguy cơ cao.
Một nghiên cứu vào năm 2015 đã theo dõi những người sử dụng PrEP trong thời gian 2 năm rưỡi và phát hiện ra rằng phương pháp này có hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV nếu dùng hàng ngày. Lực lượng đặc nhiệm các dịch vụ phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (The United States Preventive Services Task Force - USPSTF) hiện khuyến nghị tất cả những người có nguy cơ cao nhiễm HIV nên điều trị dự phòng trước phơi nhiễm. Nếu thực hiện hàng ngày, phương pháp này có thể giảm đến hơn 90% nguy cơ lây nhiễm.
Tuy nhiên, như vậy có nghĩa là vẫn có thể bị nhiễm HIV dù sử dụng PrEP. Hơn nữa, PrEP chỉ có tác dụng với HIV chứ không thể bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Do đó, PrEP được khuyến nghị sử dụng kết hợp với các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, ví dụ như đeo bao cao su để giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Lầm tưởng số 8: Khi có kết quả xét nghiệm âm tính với HIV thì có thể quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp bảo vệ
Nếu một người gần đây mới bị phơi nhiễm HIV và làm xét nghiệm ngay thì khả năng cao là sẽ có kết quả âm tính.
Các xét nghiệm HIV có cơ chế là phát hiện sự hiện diện của kháng thể kháng HIV. Kháng thể là loại protein được cơ thể tạo ra để chống lại tác nhân gây hại, ví dụ như HIV và phải sau một thời gian thì lượng kháng thể được sản sinh ra mới đủ để xét nghiệm có thể phát hiện. Tùy thuộc vào phương pháp xét nghiệm được sử dụng và cơ thể mỗi người mà phải sau từ vài tuần cho đến 3 tháng kể từ khi phơi nhiễm thì xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV mới cho kết quả dương tính. Khoảng thời gian này được gọi là thời kỳ cửa sổ.
Do đó, khi xét nghiệm lần đầu cho kết quả âm tính thì cũng chưa thể yên tâm mà nên làm xét nghiệm lại sau khoảng 3 tháng để xác nhận kết quả. Với những người quan hệ tình dục thường xuyên, Tổ chức Phòng chống AIDS khuyến nghị nên làm xét nghiệm 3 tháng một lần.
Phương pháp xét nghiệm HIV combo (xét nghiệm HIV combo Ag/Ab) có thể phát hiện virus sớm hơn bằng cách tìm sự hiện diện đồng thời của cả kháng thể và kháng nguyên.
Lầm tưởng số 9: Nếu cả hai người đều nhiễm HIV thì không cần sử dụng bao cao su
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người nhiễm HIV và điều trị bằng thuốc kháng virus đều đặn có thể làm giảm tải lượng virus trong máu xuống mức không thể phát hiện và không còn khả năng lây truyền HIV sang bạn tình khi quan hệ tình dục. Do đó, các chuyên gia đã đưa ra kết luận “K=K” hay "không thể phát hiện = không thể lây truyền" (undetectable = untransmittable).
Tuy nhiên, CDC khuyến cáo rằng ngay cả khi cả hai người đều nhiễm HIV thì vẫn nên sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục. Trong một số trường hợp, một trong hai người có thể lây truyền chủng HIV khác sang người kia và đó có thể là chủng HIV kháng thuốc ARV. Hiện tượng này được gọi là “bội nhiễm”.
Nguy cơ bị bội nhiễm HIV là rất thấp. Theo CDC ước tính thì nguy cơ này là từ 1 đến 4% nhưng thấp chứ không phải không thể xảy ra.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù đến nay vẫn chưa có cách chữa khỏi HIV/AIDS nhưng những người nhiễm HIV vẫn có thể sống lâu dài, khỏe mạnh nếu như phát hiện sớm và tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng virus.
Nếu dùng thuốc ARV đều đặn thì người nhiễm HIV sẽ có thể ức chế virus, duy trì chức năng miễn dịch và ngăn HIV tiến triển thành AIDS, từ đó tránh mắc phải các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Việc điều trị còn giúp giảm tải lượng virus xuống mức không thể phát hiện và giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV một cách đáng kể.
Mặc dù vậy nhưng HIV/AIDS vẫn là những mối quan tâm hàng đầu về sức khỏe cộng đồng. Mỗi người nên tự bảo vệ bản thân bằng cách quan hệ tình dục an toàn và làm xét nghiệm thường xuyên. Mặc dù đã có những tiến bộ lớn trong công nghệ xét nghiệm, chẩn đoán và các phương pháp điều trị, phòng ngừa như PrEP nhưng chúng ta vẫn tuyệt đối không được lơ là cảnh giác.
Các biểu hiện ngoài da của HIV là gì? Khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu do nhiễm HIV thì sẽ rất dễ mắc phải các vấn đề về da gây phát ban, lở loét và các dạng tổn thương da khác.
Nhận biết những thay đổi bất thường trên móng tay, móng chân ở người nhiễm HIV sẽ rất có ích cho việc điều trị. Một số thay đổi là dấu hiệu cho thấy tình trạng nhiễm HIV đã tiến triển sang giai đoạn cuối.
Cụm từ HIV/AIDS thường đi liền với nhau nên khiến nhiều người hiểu nhầm. Thực chất, HIV và AIDS là hai khái niệm khác nhau.
Triệu chứng nhiễm HIV ở nam giới phổ biến là gì? Mỗi một giai đoạn của HIV lại có những biểu hiện khác nhau.Các giai đoạn phát triển của HIV sẽ như thế nào?
Nói chung, đa số các triệu chứng của HIV ở nam giới và phụ nữ là giống nhau nhưng có một số triệu chứng chỉ xảy ra ở nữ giới.